Có nên cho học sinh cấp 3 sử dụng điện thoại

Học sinh có nên sử dụng điện thoại di động ?

Thứ Sáu, 01/09/2017

Những năm gần đây, học sinh, nhất là ở bậc học THCS và THPT sử dụng điện thoại di động [ĐTDĐ] ngày một nhiều. Tuy nhiên, việc có nên cho học sinh sử dụng ĐTDĐ hay không lại là vấn đề cần cân nhắc, bởi không phải học sinh nào cũng sử dụng đúng cách và đúng như mong muốn của phụ huynh.

Sử dụng ĐTDĐ một cách hữu ích là điều đáng bàn đối với học sinh hiện nay. Ảnh Nguyễn Lượng

Không chỉ là phương tiện liên lạc giữa phụ huynh với học sinh khi ốm đau hay có công việc đột xuất, ĐTDĐ còn là phương tiện giải trí, học tập thuận tiện cho các em học sinh. Lê Phương Thảo My, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết: Dùng smartphone [ĐTDĐ thông minh] có kết nối mạng, em có thể tìm kiếm thông tin trên mạng hoặc học bài cũ nhanh và tiện lợi hơn khi dùng máy tính. Em thường dùng ĐTDĐ để ghi chú những thông tin cần nhớ vì nếu ghi ra giấy có thể sẽ mất hoặc không nhớ. Ngoài ra, em còn dùng điện thoại ghi âm bài nói hoặc xem video tiếng Anh trên Youtube để luyện nghe nói tiếng Anh. Chị Thu Phương, mẹ em My cho biết: Tôi thấy việc cho con dùng ĐTDĐ là đáp ứng được nhu cầu cần thiết của cả tôi và cháu. Cháu đi học nhiều mà vợ chồng tôi cũng bận, nhiều khi muốn liên lạc hay dặn dò chuyện gì đột xuất với con mà không có điện thoại thì rất bất tiện.

Để chuẩn bị cho năm học mới, ngoài những đồ dùng học tập, anh Nguyễn Trọng Hưng, phường Hội Hợp [thành phố Vĩnh Yên] còn trang bị thêm cho cô con gái học lớp 8 một chiếc ĐTDĐ. Anh Hưng cho biết: Tôi mua ĐTDĐ cho con chủ yếu là để phục vụ nhu cầu liên lạc vì ngoài học chính khóa, cháu còn học thêm tiếng Anh vào buổi tối, rồi thỉnh thoảng giờ học của cháu có thay đổi hay có việc gì cần nhắn con gấp cũng rất tiện. Hơn nữa, có phương tiện để giữ liên lạc trực tiếp với con cũng khiến tôi yên tâm hơn. Để con không sử dụng điện thoại vào những việc không cần thiết, làm ảnh hưởng tới việc học tập, tôi chỉ mua cho con máy điện thoại đáp ứng đủ những chức năng đơn giản nhất là nghe, gọi, nhắn tin và không cho con sử dụng điện thoại di động khi ở nhà.

Mong muốn của phụ huynh là vậy, nhưng nhiều em học sinh đang sử dụng ĐTDĐ không đúng cách. Có mặt tại một số trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên vào lúc ra chơi hay khi tan học, có thể dễ dàng bắt gặp các em học sinh đang chăm chú vào chiếc ĐTDĐ trên tay; hay trên những con đường đến trường, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh một em học sinh vừa điều khiển xe đạp, vừa nghe nhạc trên điện thoại bằng tai nghe. Đó là còn chưa kể đến nhiều trường hợp dùng ĐTDĐ để chơi game, sử dụng các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Instagram mọi lúc mọi nơi.

Mặc dù các trường học đều có quy định rõ ràng về việc sử dụng ĐTDĐ trong phạm vi trường học, nhưng trên thực tế, rất khó để kiểm soát tuyệt đối vấn đề này. Để đảm bảo chất lượng dạy và học, hầu hết các trường đều cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Thầy Nguyễn Quốc Việt, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết: Sử dụng ĐTDĐ là nhu cầu cần thiết của học sinh. Nhà trường không cấm học sinh mang điện thoại đến trường, nhưng trong giờ học, các em không được phép sử dụng. Không chỉ ảnh hưởng tới thời gian, chất lượng học tập, sử dụng ĐTDĐ không đúng cách có thể gây ra một số bệnh về mắt hay nặng hơn là những bệnh liên quan đến não, tâm lý. Theo các chuyên gia Y tế, các em học sinh đang trong độ tuổi dậy thì, đang phát triển, việc tiếp xúc quá nhiều với sóng điện thoại di động có ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Để ĐTDĐ thực sự là phương tiện hữu hiệu, lợi nhiều hơn hại, các gia đình cần có sự giáo dục, định hướng về kỹ năng sống, cách sử dụng điện thoại đúng cách cho con em mình. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp của giáo viên, nhà trường trong việc quản lý, giúp các em hình thành ý thức tự giác khi sử dụng ĐTDĐ, không ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và việc học tập.

Thùy Linh



TAG:
Thông tin liên quan:

Ý kiến của bạn

Họ tên:
Email:
Tin tức khác:
  • Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư tới ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới [01/09]

  • Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngành học mầm non [01/09]

  • Xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn, lành mạnh [30/08]

  • Năm học 2017-2018: Khắc phục tình trạng sĩ số học sinh/lớp quá đông [25/08]

  • Công đoàn ngành GD&ĐT đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước[24/08]
  • Học MBA theo cách của Đại học Harvard[23/08]
  • Trường THCS Thanh Trù giữ vững và nâng cao các tiêu chí trường chuẩn Quốc gia[23/08]
  • Tam Dương đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học[21/08]
  • Rèn luyện tri thức Vững bước tương lai[21/08]
  • Top 10 Đại học dưới 50 tuổi đỉnh nhất châu Á[17/08]

Video liên quan

Chủ Đề