Cô giáo ôm con nhảy sông nguyên nhân

Nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra trong thời gian gần đây xuất phát từ chứng trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh là một căn bệnh, không chỉ là các biểu hiện theo chu kỳ. Ảnh: iStock.

Mới đây nhất, vụ việc một nữ giáo viên ở xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương [chị T, sinh năm 1991] ôm hai con nhỏ nhảy sông gây chấn động dư luận. Vụ việc gây thương tâm khi hai em bé tử vong còn nhỏ dại, một em mới chỉ hơn 2 tuổi, một em 9 tháng tuổi đã cùng mẹ quyên sinh trên sông.

Nguyên nhân ban đầu có thể đến từ mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Trước khi chọn cách giải quyết tiêu cực nhất, chị T cũng đã để lại những tin nhắn ẩn ý cho người nhà.

Đó không phải là vụ việc đau lòng duy nhất khi người mẹ có vướng mắc về tâm lý lựa chọn giải thoát bản thân. Trước đó, rất nhiều vụ mẹ tự tử và ôm con chết cùng khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, đau xót.

Những cảm xúc ủ rũ, tủi hờn và thay đổi tâm trạng theo hướng tồi tệ, thậm chí có thể dẫn đến hành vi tự kết liễu bản thân, đó được coi là biểu hiện của căn bệnh trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh hình thành như thế nào?

Mọi thứ trong cuộc sống của người mẹ thay đổi khi em bé chào đời. Người mẹ sẽ bị cuốn theo lối sinh hoạt khóc, ăn, ngủ của con cả ngày lẫn đêm.

Theo giới chuyên gia phân tích, thời điểm nhau thai ra khỏi cơ thể phụ nữ, nồng độ các hormone như estrogen và progesterone sẽ giảm xuống, trở lại trạng thái bình thường như trước khi mang thai trong vòng một tuần.

Liisa Galea, một nhà khoa học thần kinh, cho biết những thay đổi nội tiết tố đó cùng với sự căng thẳng khi chăm sóc trẻ sơ sinh gây ra ảnh hưởng tới não bộ.

Phải nhấn mạnh rằng, trầm cảm phát triển trong giai đoạn dễ bị tổn thương cao độ như sinh con rất khác với trầm cảm xảy ra ở những thời điểm khác trong cuộc đời của một người phụ nữ.

Trầm cảm sau sinh làm phụ nữ rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Ảnh: Shutterstock.

Phụ nữ sẽ thường cảm thấy chán nản hoặc lo lắng trong những ngày đầu sau khi sinh. Những cảm xúc này thường biến mất sau 2 tuần. Nhưng trầm cảm sau sinh thì khác. Các triệu chứng như buồn bã, khóc nhiều, mệt mỏi, thèm ăn hoặc chán ăn sẽ xuất hiện đột ngột trong vài năm.

Ảnh hưởng lớn nhất là nó khiến mối liên kết giữa mẹ và em bé kém đi, dẫn đến các vấn đề về nhận thức giữa mẹ và con.

Trầm cảm sau sinh rất cần được quan tâm. Không chỉ là về mặt cảm xúc, những hormone thay đổi khi mang thai có thể thay đổi não bộ. Trong thời kỳ mang thai, chất xám của não sẽ co lại và không trở lại kích thước ban đầu trong nhiều tháng sau đó.

Biểu hiện rõ nhất là ở vùng hồi hải mã, vùng ghi nhớ và tập trung của não. Ở người bị trầm cảm nặng, kích cỡ vùng này nhỏ hơn so với những người trưởng thành khỏe mạnh. 

Các mức độ của trầm cảm sau sinh

Theo Cleveland Clinic, các triệu chứng trầm cảm sau sinh cũng được coi là một loạt các rối loạn. Có 3 loại rối loạn sau sinh khác nhau, bao gồm Baby Blues, trầm cảm sau sinh và rối loạn tâm thần.

Trong đó, Baby Blues xuất hiện ở 50-75% phụ nữ sau khi sinh. Biểu hiện sẽ là buồn và lo lắng không lý do, nhưng chỉ kéo dài trong 1 tuần đầu tiên sau khi sinh. Tình trạng này thường thuyên giảm trong vòng 2 tuần mà không cần điều trị. Thời điểm này, phụ nữ rất cần sự quan tâm từ chồng, gia đình và bạn bè. 

Kiểu rối loạn thứ hai, trầm cảm sau sinh thì nghiêm trọng hơn. Nếu đã từng bị trầm cảm sau sinh trước đó, thì nguy cơ phụ nữ tiếp tục mắc lại bệnh này sẽ tăng lên 30% trong lần mang thai tiếp theo.

Các triệu chứng bao gồm cảm xúc lên xuống thất thường, khóc nhiều, cáu kỉnh, mệt mỏi, cảm giác tội lỗi khi thể chăm sóc tốt cho con và bản thân bắt đầu hình thành. Chúng có thể kéo dài vài tháng cho tới 1 năm, nhưng điều trị bằng liệu pháp tâm lý hoặc thuốc chống trầm cảm rất hiệu quả.

Sau sinh là thời điểm người mẹ nhạy cảm và dễ tổn thương. Ảnh: ST.

Thứ ba, rối loạn tâm thần sau sinh là một dạng trầm cảm sau sinh cực kỳ nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Tình trạng này tương đối hiếm, chỉ xuất hiện với tỉ lệ 1 trên 1.000 người sau khi sinh.

Các triệu chứng bao gồm kích động nghiêm trọng, lú lẫn, cảm giác vô vọng và xấu hổ, mất ngủ, hoang tưởng, ảo giác, tăng động. Rối loạn tâm thần sau sinh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức vì có nguy cơ tự tử cao hơn và nguy cơ gây hại cho em bé. Điều trị thường sẽ bao gồm nhập viện, liệu pháp tâm lý và thuốc.

Chủ Đề