Chuyên đề dạy học thông qua chơi

Sử dụng trò chơi học tập để hình thành kiến thức, kỹ năng mới hoặc củng cố kiến thức, kỹ năng đã học. Trong thực tế dạy học, GV thường tổ chức trò chơi học tập để củng cố kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên việc tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi để hình thành kiến thức, kỹ năng mới là rất cần để tạo hứng thú học tập cho học sinh ngay từ khi bắt đầu bài học mới.

Quy trình thực hiện

Bước 1: Giáo viên giới thiệu tên, mục đích của trò chơi.

Bước 2: Hướng dẫn chơi. Bước này bao gồm những việc làm sau:

- Tổ chức người tham gia trò chơi: Số người tham gia, số đội tham gia [mấy đội chơi], quản trò, trọng tài.

- Các dụng cụ dùng để chơi [giấy khổ to, quân bài, thẻ từ, cờ…]

- Cách chơi: Từng việc làm cụ thể của người chơi hoặc đội chơi, thời gian chơi, những điều người chơi không được làm…

- Cách xác nhận kết quả và cách tính điểm chơi, cách giải của cuộc chơi. [nếu có]

Bước 3: Thực hiện trò chơi

Bước 4: Nhận xét sau cuộc chơi.. Bước này bao gồm những việc làm sau:

- Giáo viên hoặc trọng tài là HS nhận xét về thái độ tham gia trò chơi của từng đội, những việc làm chưa tốt của các đội để rút kinh nghiệm.

+ Trọng tài công bố kết quả chơi của từng đội, cá nhân và trao phần thưởng cho đội đoạt giải.

+ Một số học sinh nêu kiến thức, kỹ năng trong bài học mà trò chơi đã thể hiện.

Ưu điểm

- Trò chơi học tập là một hình thức học tập bằng hoạt động, hấp dẫn HS do đó duy trì tốt hơn sự chú ý của các em với bài học.

- Trò chơi làm thay đổi hình thức học tập chỉ bằng hoạt động trí tuệ, đo đó giảm tính chất căng thẳng của giờ học, nhất là các giờ học kiến thức lý thuyết mới.

- Trò chơi có nhiều học sinh tham gia sẽ tạo cơ hội rèn luyện kỹ năng học tập hợp tác cho HS.

Nhược điểm:

- Khó củng cố kiến thức, kỹ năng một cách có hệ thống.

- Học sinh dễ sa đà vào việc chơi mà ít chú ý đến tính chất học tập của các trò chơi.

Một số điều cần lưu ý

Sử dụng trò chơi học tập là phương pháp có thể vận dụng để dạy học Ngữ văn ở tất cả các lớp của bậc học phổ thông, trong đó có dạy học Tiếng việt ở Tiểu học.

Khi sử dụng phương pháp này, GV cần chú ý một số điểm sau:

- Lựa chọn hoặc tự thiết kế trò chơi đảm bảo những yêu cầu:

+ Mục đích của trò chơi phải thể hiện mục tiêu của bài học hoặc một phần của chương trình.

+ Hình thức chơi đa dạng giúp HS được thay đổi các hoạt động học tập trên lớp, giúp HS phối hợp các hoạt động trí tuệ với các hoạt động vận động.

+ Luật chơi đơn giản để HS dễ nhớ, dễ thực hiện. Cần đưa ra các cách chơi có nhiều HS tham gia để tăng cường kỹ năng học tập hợp tác.

+ Các dụng cụ chơi cần đơn giản, dễ làm hoặc dễ tìm kiếm tại chỗ

- Chọn quản trò chơi có năng lực phù hợp với yêu cầu của trò chơi.

- Tổ chức chơi vào thời gian thích hợp của bài học để vừa làm cho học sinh hứng thú học tập vừa hướng cho học sinh tiếp tục tập trung các nội dung khác của bài học một cách có hiệu quả.

Theo Tiểu học.vn


Chúng ta đều biết đến vai trò của giáo viên trong hệ thống giáo dục, và cũng không ngạc nhiên gì khi nghiên cứu đã khẳng định: Trong môi trường giáo dục, nhà giáo là người có ảnh hưởng lớn nhất tới sự thành công của trẻ [Hanushek, Kain và Rivkin, 1998]. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài với những biến chủng mới đã và đang tạo áp lực lên giáo viên tiểu học, cán bộ quản lý cũng như lãnh đạo nhà trường trong việc thích ứng và duy trì việc học tập của học sinh. Nhân ngày Nhà giáo Quốc tế 5/10, hãy cùng chúng tôi bày tỏ sự biết ơn đối với nỗ lực của ngành Giáo dục nói chung và những nhà giáo nói riêng, trong việc vượt qua khó khăn của đại dịch!

Với chiến lược “thích ứng” thay vì “phản ứng”, học sinh và giáo viên đang dần khắc phục được thực trạng đóng cửa trường học và duy trì kế hoạch học tập. Khi chúng ta có một cách tiếp cận đúng đắn và các công cụ cần thiết, chúng ta không chỉ có thể vượt qua những khó khăn hiện tại mà còn có thể tạo ra cơ hội để cải tiến phương pháp dạy và học. Các phương pháp giảng dạy chủ động, đổi mới và linh hoạt là điều cần thiết để trang bị cho các em học sinh những kỹ năng của thế kỷ 21, giúp các em chuẩn bị tốt trước một tương lai mà trong đó, sự thay đổi liên tục là một điều tất yếu.

“Ồ, điều này nói thì dễ hơn làm” – có thể bạn đã từng có suy nghĩ đó? Suy nghĩ của bạn có phần đúng đắn. Tuy nhiên, đổi mới và linh hoạt phương pháp giảng dạy không nhất thiết phải rất phức tạp, thực hành giảng dạy và học tập của học sinh có thể trở nên rất vui vẻ! Để giúp học sinh có những năng lực cần thiết và thực hiện tốt mục tiêu chương trình Giáo dục Phổ thông, giáo viên hãy tham khảo cách tiếp cận Học thông qua Chơi để áp dụng trong cả dạy học trực tiếp và trực tuyến!

Học thông qua Chơi được hiểu theo nghĩa rộng là hướng tiếp cận giáo dục, ở đó học sinh được tương tác, trải nghiệm, khám phá và giải quyết vấn đề trong môi trường học tập vui vẻ. Giáo viên kết nối mục tiêu học tập với hoạt động chơi nhằm thúc đẩy sự tham gia và tự chủ của học sinh, từ đó góp phần phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Chơi mang tính giáo dục khi nó vui vẻ, có ý nghĩa, có sự tham gia tích cực, có nhiều cơ hội thử nghiệm và có tương tác xã hội [Zosh, 2018]. Các đặc điểm của Học thông qua Chơi có thể được thể hiện ở mức độ khác nhau trong một hoạt động và không nhất thiết hoạt động học nào cũng phải hội tụ đủ cả 5 đặc điểm trên. Tuy nhiên, năm đặc điểm này sẽ giúp giáo viên phát triển kế hoạch bài học hướng đến một lớp học nên vui vẻ, khuyến khích học sinh giao tiếp tích cực, giao nhiệm vụ để học sinh chủ động tham gia và có cơ hội trải nghiệm thông qua việc áp dụng các kỹ thuật mang tính sáng tạo.

Vui vẻ, tương tác xã hội, tham gia tích cực

Với học thông qua chơi, giáo viên có thể tạo ra sự vui vẻ bằng các hoạt động tập thể, lồng ghép những bài hát hoặc nhảy để hâm nóng bầu không khí; càng tuyệt vời hơn khi qua việc tạo những thử thách khó để học sinh thể hiện bản thân, giáo viên có thể thúc đẩy sự phấn khích, tự hào và tham gia tích cực của các em. Đối với hình thức học trực tuyến, giáo viên có thể áp dụng các công cụ tạo tương tác ví dụ như câu hỏi Kahoot! Hơn thế nữa, không chỉ giáo viên mà phụ huynh cũng có thể thử áp dụng ngay tại nhà để tạo ra những thử thách thú vị!

Một hoạt động mang tính tương tác xã hội là hoạt động được thiết kế để tạo điều khiện cho học sinh có cơ hội tương tác với nhau; cùng với đó, giáo viên định hướng cách tương tác để học sinh phát triển những kỹ năng cần thiết. Giáo viên có thể áp dụng kỹ thuật đặt câu hỏi mở hoặc tạo Thói quen tư duy: Thấy – nghĩ – tự hỏi trong quá trình học trực tuyến và trực tiếp [tham khảo những kỹ thuật này trong link video ví dụ áp dụng kỹ thuật câu hỏi mở và Thói quen tư duy tại lớp học].

Với hoạt động Học thông qua Chơi, học sinh tham gia tích cực vào quá trình học tập, thể hiện qua việc các em say sưa và tập trung cao độ vào hoạt động học tập. Khi đó, các em sẽ học một cách chủ động, hăng say và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Một gợi ý là giáo viên có thể kết hợp các hoạt động thú vị như truy tìm kho báu tam giác trong lớp [hoặc với bố mẹ tại nhà] khi các con học môn toán. Hãy tham khảo video sau đây về một lớp học áp dụng hoạt động này nhé!

Có ý nghĩa và có nhiều cơ hội thử nghiệm

Hoạt động giáo dục mang tính có ý nghĩa khi những tiết học có tính ứng dụng cao đối với trẻ, có thể liện hệ những điều được học với trải nghiệm cuộc sống sống hàng ngày. Ví dụ như trong môn toán, 3 + 5 = 8 chỉ mang tính lý thuyết đối với trẻ 6 tuổi khi chỉ sử dụng các con số và ký hiệu; tuy nhiên, nếu hỏi còn bao nhiêu quả trứng trong rổ, sau khi khi lấy một quả trứng gà ra và thêm quả trứng vịt vào, trẻ có thể hiểu "+" nghĩa là gì và những con số đại diện cho điều gì. Bởi vì có 1 sự liên hệ trừu tượng của các con số và ký hiệu với một thứ các em đã biết: trứng.

Tương tự như vậy đối với môn tự nhiên xã hội hoặc tiếng Việt, học sinh sẽ có động lực và tham gia tích cực hơn khi được lựa chọn kết hợp những điều mình biết với kiến thức của bài học. Để phù hợp với mục tiêu học tập, giáo viên có thể quy định hình thức sản phẩm: một bài báo tường, một câu chuyện hoặc một bài thơ. Sau đó học sinh có thể viết một bài thơ về bà của mình, một học sinh khác có thể làm thơ về ước mơ trở thành một người lính cứu hỏa. Như vậy trẻ sẽ vừa học cách viết một bài thơ, vừa có một trải nghiệm học tập ý nghĩa một cách chủ động.

Có nhiều cơ hội thử nghiệm có nghĩa là các hoạt động được thiết kế để học sinh làm nhiều lần, bằng nhiều cách khác nhau, liên tục thử nghiệm và khám phá những con đường để đi đến đích. Ví dụ khi học sinh viết một bài thơ, có thể các em chưa thể hoàn hảo ngày từ lần đầu, vậy nên giáo viên hãy cung cấp những phản hồi hữu ích và cụ thể để trẻ biết chính xác điều cần làm để cải thiện bài thơ của mình. Có thể mất 2, 3, 4 lần hoặc nhiều hơn như vậy, nhưng qua mỗi bước, trẻ sẽ làm ngày càng tốt hơn. Hãy xem video mẹ Minh Trang hướng dẫn các con học tại nhà với kỹ thuật Sơ đồ tư duy nhé!

Lớp học tuyệt vời hơn khi áp dụng Học thông qua Chơi

Từ năm 2018, Chương trình GDPT chú trọng vào đổi mới phương pháp giáo dục, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học thông qua chơi tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm đa dạng loại hình chơi, đảm bảo các em được học thông qua hoạt động và học qua trải nghiệm, từ đó có những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 và tạo nền tảng bền vững cho sự nghiệp học tập suốt đời.

Một điều tuyệt vời của cách tiếp cận Học thông qua chơi, đó là giáo viên hay phụ huynh luôn có thể áp dụng bất cứ lúc nào và rất dễ dàng. Hãy bắt đầu với kết hợp hoạt động với một đặc điểm trước, và trong quá trình triển khai giáo viên sẽ nhận ra cách để các đặc điểm khác được lồng ghép trông hoạt động. Ví dụ như nếu giáo viên thiết kế một bài học mang tính tương tác xã hội cao, có thể trong quá trình triển khai học sinh sẽ cùng biến nó thành một bài học ý nghĩa hơn, vui vẻ, có nhiều cơ hội thử nghiệm và có sự tham gia tích cực hơn.

Thực tế sẽ diễn ra luôn luôn khác với kế hoạch, đó là điều thú vị của cuộc sống. Những hoạt động có thể sẽ khác với những gì giáo viên đã nghĩ khi lên kế hoạch bài học, nhưng hãy chấp nhận điều đó và tin tưởng vào học sinh của mình. Học thông qua chơi là một hướng tư duy mà giáo viên, cũng như phụ huynh có thể áp dụng. Nó không phải là một kế hoạch 1-2-3 từng bước để làm theo, mà là một hành trình học tập [lặp đi lặp lại]. Và qua đó, bản thân chúng ta sẽ học hỏi từ chỉnh trẻ và cùng xây dựng những kỹ năng tốt để phát triển trong một thế kỷ 21 đầy biến động.

Hãy tham khảo thêm các hoạt động Học thông qua chơi trên thư viên Chơi vui học tốt của dự án iPLAY – tổ chức VVOB tại Việt Nam để có thêm nhiều ý tưởng áp dụng thật hay nhé!

Video liên quan

Chủ Đề