Cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án

STO - Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp được lãnh đạo Tòa án nhân dân [TAND] tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Còn các đơn vị trực thuộc thì đề ra nhiều giải pháp để đổi mới các thủ tục hành chính tư pháp và nâng cao chất lượng công tác, nhất là công tác thụ lý, giải quyết, xét xử các loại án.

Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Lê Ngô, quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động thụ lý và giải quyết án tại tòa. Đồng thời, giải quyết yêu cầu của công dân trước và sau các phiên tòa xét xử cũng như hoạt động quản lý, điều hành. Trong năm 2017, TAND tỉnh đã thành lập Tổ Hành chính tư pháp [thuộc Văn phòng TAND tỉnh] và 11 đơn vị TAND cấp huyện đều đã thành lập văn phòng để thực hiện nhiệm vụ hành chính tư pháp tại tòa. Đối với Tổ hành chính tư pháp đã tham mưu tốt cho lãnh đạo trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyên môn. Còn bộ phận văn phòng TAND cấp huyện đều xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc. Từ đó, đảm bảo tiến độ và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

TAND hai cấp đã thực hiện công khai nhiều bản án, quyết định trên trang thông tin điện tử TAND Tối cao. 

Thời gian qua, TAND hai cấp còn tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa. Khi đó, các đơn vị đã loại bỏ được những thủ tục rườm rà và xác định rõ thời gian giải quyết của từng khâu trong quá trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả. Đáng ghi nhận, các đơn vị đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân khi có yêu cầu tòa án giải quyết và đảm bảo các vụ việc được thụ lý, giải quyết nhanh chóng. Thông qua việc tiếp nhận đơn khởi kiện, các đơn vị còn kết hợp hướng dẫn kiến thức pháp luật cho công dân.

Riêng đối với hoạt động tiếp công dân luôn được chú trọng, TAND hai cấp quan tâm bố trí từ cán bộ đến phòng tiếp dân. Tại các phòng tiếp dân luôn có niêm yết nội quy, lịch tiếp dân và các bản thông tin trợ giúp pháp lý. Cán bộ phân công tiếp công dân là người có tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, nhất là việc thấu hiểu, biết lắng nghe ý kiến của dân.

Đối với công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đảm bảo kịp thời, chính xác và không gây lãng phí thời gian của công dân. Công tác lưu trữ, cấp sao lục bản án, quyết định và cung cấp thông tin xác minh lý lịch tư pháp được thực hiện nhanh chóng khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Việc gửi bản án, quyết định cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan cũng được bảo đảm.

Hiện nay, hệ thống mạng vi tính và truyền hình hội nghị trực tuyến được kết nối với tất cả các đơn vị trong hệ thống. Các đơn vị đã triển khai thực hiện tốt hệ thống phần mềm quản lý và thống kê các loại án đúng quy định. TAND hai cấp đã thực hiện công khai 459 bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của thẩm phán và tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động xét xử theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương…

Có thể nói, với việc đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp đã góp phần xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Tòa án sẽ là chỗ dựa của nhân dân, nơi bảo vệ công lý; bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để nâng cao và thực hiện hiệu quả thủ tục cải cách hành chính tư pháp, đồng chí Lê Ngô cho rằng, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng từng quy trình xử lý công việc đảm bảo đơn giản, tiện ích và khâu trước phải là tiền đề chuẩn bị cho khâu sau. Làm sao phải rút ngắn, đơn giản hóa các bước, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có việc liên hệ với tòa án. Trên cơ sở các mô hình tổ chức bộ phận hành chính tư pháp và quy trình xử lý công việc đã được xác định, các đơn vị cần sắp xếp cán bộ cho phù hợp. Đồng thời, xây dựng các phần mềm ứng dụng để thực hiện thống nhất hai cấp nhằm nâng cao hiệu quả của từng khâu, từng hoạt động.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải thường xuyên quan tâm, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng và đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ làm công tác hành chính tư pháp. Trong đó, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc quyết định của Chánh án TAND Tối cao về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tòa án như: luôn vui vẻ, cởi mở, nhiệt tình, trung thực, thận trọng, công tâm, khách quan, công khai, dân chủ trong quá trình tiếp xúc với người dân hoặc khi thi hành công vụ, kể cả tiếp dân trên điện thoại.

Việc thực hiện tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục theo quy định pháp luật. Đối với các trường hợp khiếu nại hay yêu cầu xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm gay gắt, bức xúc phải báo ngay cho lãnh đạo. Đặc biệt, cán bộ, công chức cần tận tình giải thích, hướng dẫn và tạo điều kiện để người dân thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và rút kinh nghiệm trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp.

C.H

08:46, Thứ Năm, 27/04/2017 [GMT+7] I Quảng Bình Online

.Quỳnh Hoa [TTXVN/Vietnam+]

[QBĐT] - Cải cách thủ tục hành chính tư pháp [TTHCTP] tại tòa nhằm hướng đến việc công khai, minh bạch các hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến làm việc, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án. Đây không những là yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, mà còn là đòi hỏi thực tế của người dân và doanh nghiệp. Mới chỉ bước đầu thực hiện, song những đổi mới mà Tòa án nhân dân [TAND] tỉnh triển khai trong thời gian qua đã mang lại những kết quả rõ nét.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh cho biết, trước đây, hoạt động tiếp dân và các công việc tiền tố tụng khi thụ lý các loại án đều do các tòa chuyên trách thực hiện. Do đó, khi nộp đơn khởi kiện, người dân và doanh nghiệp phải tốn thời gian đi lại nhiều lần, qua nhiều bộ phận khác nhau, vụ việc mới có thể được thụ lý giải quyết.

Đó là chưa nói đến việc do các tòa chuyên trách không thể thực hiện công tác tiếp công dân thường xuyên, nên hoạt động tiền tố tụng thường chậm, không liên tục, không bảo đảm thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng.

Hầu hết các thủ tục hành chính tư pháp được niêm yết công khai tại tòa án.

Đơn cử như, từ lúc nộp đơn kiện và các tài liệu chứng cứ, với không ít lần phải bổ sung các thủ tục, cho đến khi vụ việc được thụ lý, một trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài phải đến tòa án ít nhất 7 lần. Thế nhưng, hiện nay các trường hợp nói trên chỉ cần đến tòa án 3 lần là vụ việc có thể được thụ lý giải quyết. Đó là một trong những kết quả mà TAND tỉnh đã đạt được từ khi Tổ hành chính tư pháp [Tổ HCTP] “một cửa” tại tòa được thành lập và đưa vào hoạt động.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020, nhằm tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính tư pháp, TAND tỉnh đã xây dựng nhiều nội dung để triển khai việc cải cách TTHCTP tại tòa án. Năm 2016, TAND tỉnh đã thành lập Tổ HCTP “một cửa” tại tòa.

Đây là nơi tiếp nhận, xử lý và hướng dẫn người dân và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến làm việc tại TAND tỉnh. Không những thế, thông qua bộ phận này, việc giải quyết các thủ tục, hồ sơ được thống nhất theo một quy trình, một đầu mối nhận, trả và lưu trữ hồ sơ, nên sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân sự, giảm áp lực cho công tác hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ, đơn khởi kiện.

Theo đó, Tổ HCTP “một cửa” trực tiếp nhận đơn khởi kiện qua công tác tiếp dân, vào sổ nhận đơn, cấp giấy báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trong thời hạn luật định, tổ ra thông báo thụ lý đơn nếu hồ sơ đầy đủ và chuyển đơn khởi kiện cho tòa án có thẩm quyền, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác.

Đối với TAND cấp huyện, việc tiếp nhận đơn khởi kiện, hồ sơ vụ án hình sự được bố trí tập trung về một bộ phận, do cán bộ chuyên trách thực hiện; hàng tuần có lịch phân công lãnh đạo, cán bộ tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của công dân. Bộ phận này cũng tham mưu cho Chánh án trong công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo.

Ông Chánh án TAND tỉnh cho hay, từ khi mô hình Tổ HCTP “một cửa” tại tòa đi vào hoạt động, việc tiếp nhận, xử lý đơn và thụ lý hồ sơ vụ án tập trung vào một đầu mối đã giúp cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo của lãnh đạo ngành thuận lợi và kịp thời hơn. Việc giải thích và hướng dẫn trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp thông qua mô hình Tổ HCTP “một cửa” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Số lượt người phải đến liên hệ nhiều lần để giải quyết một vụ việc giảm so với thời gian trước đây, khắc phục được tình trạng nộp đơn tràn lan, không có căn cứ.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân, TAND tỉnh cũng đã tăng cường tính minh bạch, công khai các hoạt động của Tòa án. Các thủ tục hành chính được công khai niêm yết tại tòa; qua đó, từng bước thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia tố tụng tại tòa án. Mặt khác, thông qua Tổ HCTP “một cửa” này, lãnh đạo ngành có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Bên cạnh việc đưa Tổ HCTP “một cửa” vào hoạt động, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được TAND hai cấp chú trọng. Bước đầu, ngành đã triển khai một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung cho các tòa án, như: phần mềm thống kê, phần mềm quản lý các loại vụ án, phần mềm số hóa vụ án... Vì vậy, các vụ việc giải quyết đến đâu được cập nhật đến đó, giúp cho lãnh đạo ngành theo dõi để kịp thời đôn đốc, tránh được tình trạng để vụ án giải quyết quá hạn luật định.

“Việc đưa Tổ HCTP “một cửa” và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành đã nâng cao năng lực quản lý, điều hành của tòa án theo hướng tinh gọn, hiện đại và hiệu quả; nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật, tăng cường tính minh bạch, công khai trong công tác giải quyết án của tòa án, bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, ông Chánh án TAND tỉnh đánh giá.

D.C.H

.

Video liên quan

Chủ Đề