Cách trình bày đoạn văn

Hiện nay, trong cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn thường xuất hiện câu hỏi dạng bài nghị luận xã hội khoảng 200 chữ. Đề tài của những đoạn văn này thường dựa vào những câu hỏi ở phần đọc hiểu hoặc là một đề bài bất kỳ nhưng nhìn chung chúng vẫn có cách làm giống nhau. 

Sau đây, đội ngũ INVERT chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách viết một đoạn văn vô cùng đơn giản, chi tiết, dễ hiểu thông qua bài viết sau.

Đoạn văn được hiểu là ý hoàn chỉnh ở một mức độ nhất định nào đó về mặt logic ngữ nghĩa trên kết quả sự phân đoạn nội dung và hình thức. Bên cạnh đó, mỗi đoạn văn trong văn bản sẽ diễn đạt một ý và các ý sẽ có mối liên kết chặt chẽ với nhau trên cơ sở chung là chủ đề của văn bản.

Thông thường đoạn văn được trình bày dưới dạng văn bản, thụt lùi, viết hoa chữ cái đầu dòng và kết thúc bằng dấu chấm ngắt đoạn.

II. Hướng dẫn các cách viết đoạn văn cho các cấp học

1. Cách viết đoạn văn cho học sinh bậc Tiểu học [Lớp 2, 3, 4, 5]

Đề bài:Thông thường đối với học sinh cấp tiểu học yêu cầu viết đoạn văn tương đối đơn giản. Ví dụ như các bạn hãy kể lại 1 câu chuyện, tả lại một đồ vật, con vật, cảnh vật nào đó.

- Hình thức đoạn văn: Đối với dạng đề viết đoạn văn này, các bạn nhỏ chỉ cần viết từ 3-7 dòng.

- Cấu tạo của đoạn văn: Cũng cần phải có 3 phần giống như 1 bài văn [Mở bài, Thân bài và Kết bài] để đảm bảo tính mạch lạc, hấp dẫn. 

- Cách viết đoạn văn:

+ Mở đoạn: Giới thiệu đối tượng, nội dung cần nói đến.

+ Thân đoạn: Phát triển, làm rõ nội dung đã được nêu ra trong phần mở đoạn [ Mỗi ý có thể diễn đạt bằng 2 đến 3 câu]

+ Kết bài: Tóm tắt lại nội dung đoạn bằng một câu ngắn hoặc trình bày suy nghĩ, tình cảm của mình. Giả sử:

Đề bài: Bạn hãy viết đoạn văn ngắn tả cơn mưa

- Mở đoạn: Giới thiệu về cơn mưa: "Giữa cái nắng oi ả vào một chiều tháng 5 cơn mưa mùa hạ bất chợt kéo đến".

- Thân đoạn:
+ Bạn chỉ ra những dấu hiệu của cơn mưa: "Những đám mây đen nặng hạt lần lượt rượt đuổi nhau trên bầu trời. Màu trời lúc này đã không còn mang vẻ đẹp của màu xanh lam yên bình nữa mà thay vào đó là một màu đen kịt. Mưa bắt đầu rơi. 
+ Khung cảnh xung quanh khi có mưa rơi:

  • Những hạt mưa thì nhau rơi xuống, nhảy nhót trên đường phố
  • Những toà nhà cao tầng và hàng cây xanh đều phủ một màu trắng xoá.
  • Những đứa bé trở nên thích thú khi nhìn thấy mưa
  • Dòng người trở nên vội vã, ai cũng gắng chạy thật nhanh về nhà
  • Những chiếc áo mưa được bày bán đủ màu sắc trong các tiệm tạp hoá

- Kết đoạn: Trình bày cảm xúc của bạn về cơn mưa "Cơn mưa mùa hạ bất chợt đến, bất chợt đi đọng nhiều cảm xúc khó tả".

2. Cách viết đoạn văn cho học sinh bậc THCS [Lớp 7, 8,9]

Đương nhiên cấp bậc càng cao thì chương trình Văn của học sinh THCS cũng càng cao về nội dung lẫn hình thức. Để viết được đoạn văn hay, các bạn cần làm theo các bước sau:

- Bước 1: Đầu tiên, xác định yêu cầu đề bài

Để tránh tình trạng lạc đề, viết lan man, không đúng trọng tâm các bạn cần đọc kĩ đề và xác định đối tượng cần viết là ai? Dung lượng bài viết khoảng bao nhiêu chữ?

Giả sử: Viết một đoạn văn nêu cảm nhận của bạn về nhân vật Phương Định

Trước tiên, bạn xác định được đối tượng cần viết là nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi. Từ đó, nêu ra 1 số ý chính cho đoạn văn như:

+ Phương Định là một cô gái trẻ trung, yêu đời, nhiệt huyết

+ Phương Định là một chiến sĩ đầy trách nhiệm

+ Phương Định là một người sống tình cảm, nội tâm

- Bước 2: Sau đó, tiến hành viết đoạn văn theo yêu cầu của đề

Sau khi hoàn thành các ý ở bước 1, bạn có thể bắt tay vào quá trình viết bài: 

- Hình thức đoạn văn: Bạn có thể lựa chọn 1 trong những hình thức [Quy nạp, Diễn dịch, Móc xích, Tổng-Phân-Hợp] tùy theo mong muốn và ý tưởng cho bài viết.

- Cấu trúc đoạn văn: Đảm bảo 3 phần mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.

+ Phần mở đoạn: Bạn giới thiệu về đối tượng cần trình bày cảm nhận hay suy nghĩ.

+ Phần thân đoạn: Triển khai nội dung bài viết dựa vào những ý chính đã xác định để triển khai, phát triển ý. Bên cạnh đó cần đảm bảo tính liên kết, logic giữa các câu.

+ Phần kết đoạn: Kết thúc lại vấn đề. Thường thì các bạn có thể viết câu ngắn để khái quát nội dung vừa trình bày, thể hiện cảm xúc cá nhân hoặc mở rộng vấn đề nhằm tạo sự thu hút với người đọc.

- Dung lượng bài viết: Trong đề bài thường sẽ có yêu cầu về dung lượng sẵn. 

Giả sử: Bạn hãy viết đoạn văn nghị luận 200 chữ liên quan tới dịch Covid-19

- Mở đoạn:Dùng 1- 3 câu để giới thiệu khái quát về đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các bạn lưu ý là trong đoạn này cần phải phải có cụm từ khóa "dịch Covid-19".

- Thân đoạn: Giải thích ngắn gọn về khái niệm "dịch Covid-19"

- Bàn luận và phân tích:

+ Hiện trạng Covid-19 ở Việt Nam và thế giới

+ Các biện pháp phòng chống Covid-19 ở Việt Nam cũng như trên thế giới

+ Những vấn đề liên quan như: tin giả, khẩu trang, tinh thần dân tộc

+ Dẫn chứng số liệu cụ thể, tiêu biểu, chính xác về Covid-19

- Kết đoạn: Rút ra bài học nhận thức và hành động

3. Cách viết đoạn văn cho học sinh bậc THPT [Lớp 10, 11, 12]

Để có thể viết được một đoạn văn hay ghi điểm tối đa trong mắt các thầy cô giáo bên cạnh đã nắm kiến thức qua các cấp tiểu học và THCS. Bạn cầnlập kế hoạch trước khi viết 1 đoạn văn. Cụ thể:

3.1 Lập kế hoạch trước khi viết

- Bước 1: Trước tiên, bạn quyết định chủ đề đoạn văn bạn cần viết

Trước khi bắt đầu viết, bạn cần nêu được ý tưởng là đoạn văn này bạn cần viết cái gì? Vấn đề được đặt ra cho đoạn văn? Sau đó, bạn lên ý tưởng và lập dàn ý cho các vấn đề cần giải quyết.

- Bước 2: Viết thông tin và ý tưởng có liên quan đến chủ đề

Tiếp đến, bạn sắp xếp lại các vấn đề bạn đã lên ý tưởng vào sổ tay hay vở tập. Bạn không cần phải viết hoàn chỉnh các câu văn, chỉ cần viết một vài ý chính để có thể triển khai đoạn văn. 

- Bước 3: Xác định cấu trúc sử dụng cho đoạn văn

Tại đây, bạn cân nhắc vấn đề mà bạn muốn đề cập, từ đó sắp xếp chúng theo 1 thứu tự nhất định [thời gian, thông tin quan trọng,...] tuỳ thuộc vào phong cách bạn viết. 

3.2 Tiến hành viết đoạn văn

- Bước 1: Đầu tiên, viết câu chủ đề

Trong mọi đoạn văn, câu đầu tiên phải là câu chủ đề. Trong câu chủ đề cần chứa những thông tin quan trọng, phù hợp và dẫn dắt toàn đoạn văn của bạn. 

- Bước 2: Viết thêm những chi tiết hỗ trợ

Tiếp đến, bạn tiến hành viết thêm những câu văn hỗ trợ cho câu chủ đề bạn vừa viết để cung cấp thêm thông tin, bàn luận ý tưởng cần đề cập đến. Khi viết, bạn kết hợp sử dụng những từ chuyển tiếp làm cầu nối liên kết giữa các câu văn để tạo cảm giác mạch lạc và trôi chảy. 

- Bước 3: Sau đó, viết câu kết lại đoạn văn

Câu kết này sẽ giúp bạn liên kết mọi vấn đề xuyên suốt từ nảy giờ lại với nhau. Đồng thời câu kết còn phải kèm theo các bằng chứng, lý lẽ để xoá tan mọi nghi ngờ của độc giả về tính chính xác cũng như tính pháp lý của đoạn văn. 

- Bước 4: Kiểm tra lại lỗi chính tả và ngữ pháp của đoạn văn

III. Một số đoạn văn mẫu hay các cấp

Đề 1. Bạn hãy viết một đoạn văn tả ngôi trường

Ngôi trường của em đang học là ngôi trường nằm ở thành phố. Em rất thích mỗi sáng thứ hai, được cùng các bạn chào cờ ở sân trường. Chúng em cùng lắng nghe lời thầy cô bảo ban, hướng dẫn để thực hiện đúng nội quy của trường và học thật tốt.

Chúng em rất yêu ngôi trường mới này chính vì thế chúng em ý thức giữ gìn cho trường luôn sạch sẽ và tươi mới. Tuần nào ba mẹ cũng đưa em đến trường, em được gặp thầy cô giáo, gặp bạn bè và biết được nhiều điều mới lạ.

Đề 2. Viết một đoạn văn tả cảnh đồng quê

Khi bóng chiều đổ xuống, cũng là lúc những chú bé mục đồng dẫn trâu về làng. Từng đàn trâu nối nhau bước đi trên con đê xanh mướt cỏ. Tiếng sáo du dương bay khắp không gian. Phía xa xa, trên bầu trời, đàn cò trắng bay về tổ sau một ngày kiếm ăn vất vả. Ông mặt trời đỏ rực đang lặn dần sau rặng tre. Ráng chiều đỏ rực cả một vùng rộng lớn.

Các bác nông dân sau một ngày làm việc vất vả cũng đang trở về. Cảnh vật làng quê nhuốm màu hoàng hôn trông thật mờ ảo và đẹp tựa như một bức tranh của một họa sĩ nổi tiếng nào đó.

Đề 3: Bạn hãy viết một đoạn văn theo lối tổng hợp với chủ đề tự do

Thời đại công nghệ với sự ra đời của nhiều mạng xã hội đã phục vụ tối đa nhu cầu giải trí của con người như Facebook, Zalo, Instagram, Youtube. Bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại, thì các trang mạng xã hội này cũng đem đến nhiều tác hại. Giới trẻ chìm đắm trong thế giới của mạng xã hội, dẫn đến tình trạng “nghiện mạng xã hội”.

Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần phải có biện pháp quản lí trong việc sử dụng mạng xã hội của học sinh. Bản thân mỗi học sinh cũng cần tỉnh táo trong việc sử dụng các trang mạng xã hội. Việc học sinh sử dụng mạng xã hội là tốt, nhưng cần biết sử dụng sao cho phù hợp và khoa học.

Đề 4: Viết đoạn văn về tình bạn

Ai cũng có riêng cho mình một người bạn nhưng để có một người bạn tốt và hiểu mình thì thật là khó. Có tình bạn chỉ thoáng qua như hương thơm của mùa hạ, nhưng cũng có tình bạn lâu bền gắn bó với nhau suốt đời. Tình bạn đẹp khi những người bạn hiểu nhau.

Người bạn tốt là người mà bạn không ngại ngùng khi biểu lộ cảm xúc trước mặt ta. Tình bạn cũng giống như một mầm non, nếu ta biêt nâng niu, mầm non – tình bạn sẽ vươn lên một tầng cao mới. Và ngược lại, mầm non đó sẽ luôn tàn úa, sẽ không bao giờ đẹp được.

Đề 5: Viết đoạn văn phân tích về việc đọc sách

Thực tế có rất nhiều người có cách đọc sách vô cùng hợp lí và đúng đắn. Ngược lại có những người chẳng biết đọc sách như thế nào sao cho đúng. Theo tôi, đọc sách rất quan trọng và mỗi người phải xác định cho mình một cách đọc sách hợp lí.

Ví dụ như em bé ba tuổi thì không thế đọc sách bởi em đâu biết đọc và viết chữ, các bố mẹ chỉ có thể cho con xem hình ảnh qua những trang sách. Bên cạnh đó, tùy từng độ tuổi và trình độ nhận thức để có cách đọc sách hợp lí.

Trên đây là những cách viết một đoạn văn đơn giản, nhanh chóng mà đội ngũ INVERT chúng tôi đã tổng hợp được. Mong rằng thông qua bài viết này các bạn hoàn toàn có thể viết một đoạn văn dễ dàng. Nếu có gì thắc mắc bạn cũng có thể bình luận bên dưới, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn. Chúc các bạn thành công.

Tags: cách viết một đoạn văn ngắnviết một đoạn văn ngắn [khoảng 5 đến 7 câu]viết một đoạn văn

Chủ Đề