Cách tính thời gian thời hạn, thời hiệu trong luật dân sự

Để các đương sự thực hiện các quyền và ngĩa vụ của mình, người tiến hành tố tụng thực hiện đúng quy định pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có liên quan, đòi hỏi các đương sự và cả những người tiến hành tố tụng phải xác định đúng thời điểm bắt đầu và kết thúc của các loại thời hạn để chủ động trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự đảm bảo quy định pháp luật. Thực tiễn nhiều đương sự vẫn chưa biết về các loại thời hạn tố tụng cũng như cách tính các thời hạn này. Đối với những người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự vẫn có nhiều quan điểm chưa thống nhất về cách xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của các thời hạn tố tụng nên  vẫn còn tồn tại việc xác định không đúng thời hạn tố tụng.

Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra”. Trong quan hệ pháp luật dân sự, thời hạn rất quan trọng, thời hạn sẽ xác định tính hợp pháp của giao dịch, dựa vào thời hạn sẽ xác định được hành vi vi phạm của chủ thể vi phạm ngoài ra thời hạn là điều kiện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể.

 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về cách tính thời hạn cũng như thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn cụ thể như sau:

Cách tính thời hạn: Thời hạn được tính theo dương lịch, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn:

- Trường hợp các bên có thoả thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính cụ thể như sau: Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày; nửa năm là sáu tháng; một tháng là ba mươi ngày; nửa tháng là mười lăm ngày; một tuần là bảy ngày, .v.v.

- Trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu tháng thì tức là ngày đầu tiên của tháng, giữa tháng tức là ngày thứ 15 của tháng, cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.

- Trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu năm thì được tính là ngày đầu tiên của tháng một, giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu, cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.

Ảnh minh họa

Xác định thời điểm bắt đầu thời hạn

- Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.

- Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.

- Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.

Xác định thời điểm kết thúc thời hạn

- Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.

- Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.

- Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.

- Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.

- Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.

- Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.

 Từ những căn cứ pháp luật nêu trên có thể xác định thời điểm bắt đầu và kết thức của một số loại thời hạn cụ thể trong tố tụng dân sự như sau:

Thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày tuyên án theo [VD: Ngày 10/5/2018 Nguyễn Văn B nhận được bản án số 15/2018 của TAND huyện NĐ, thời điểm bắt đầu của thời hạn là ngày 11/5 ngày tiếp theo của ngày B nhận được bản án và thời điểm kết thúc là ngày cuối cùng của thời hạn, ngày 25/5].

Thời hạn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là 07 ngày, kể từ ngày hòa giải thành, theo Điều 212 BLTTDS [VD: Ngày 18/5/2018 TA lập biên bản hòa giải thành giữa A và B, thời điểm tính thời hạn từ ngày 19/5 đến ngày 25/5, nếu ngày 25 là ngày thứ 7 thì ngày kết thúc là ngày làm việc đầu tiên là thứ 2 tức là ngày 27/5 Tòa án phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.]

Thời hạn gửi thông báo thụ lý là 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án Tòa án phải gửi thông báo cho các đương sự, Viện kiểm sát biết Điều 196 BLTTDS [VD: ngày 01/6/2018 TA thụ lý vụ án, thì thời hạn được tính từ ngày 02/6/2018 đến 04/6/2018].

Thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải sao gửi Bản án cho đương sự, Viện kiểm sát Điều 269 BLTTDS  [ngày 10/6/2018 Tòa tuyên án, thì thời hạn 10 ngày được tính cả ngày nghĩ, từ ngày 11/6/2018 đến ngày 20/6/2018].

Đối với thời hạn vay theo thỏa thuận của đương sự [VD: ngày 01/6/2018, A vay của B 100 triệu, thời hạn vay 20 ngày, thời hạn vay được tính từ ngày 02/6 đến 20/6/2018].

Trần Thị Thu Hiền - VKSND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

Xem thêm>>>

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Về thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp đòi lại tài sản

Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất

Trong giao lưu dân sự chủ thể tham gia quan hệ dân sự được hưởng các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự. Sự ổn định của các quan hệ dân sự là một trong những mục đích điều chỉnh của pháp luật dân sự. Mặt khác, đối tượng của giao lưu dân sự chủ yếu là tài sản để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, cho nên tài sản luôn có sự biến đổi về hình thức và tính năng, tác dụng, do vậy cùng với sự thay đổi về thời gian thì tài sản có thể không còn tồn tại. Khi có hành vi vi phạm đến quyền tài sản của mình, người khởi kiện phải chứng minh nguồn gốc tài sản, loại tài sản, hình thức của tài sản… tuy nhiên, với thời gian càng lâu thì việc chứng minh càng gặp khó khăn và nhiều trường hợp không thể chứng minh được. Do vậy, pháp luật quy định một thời hạn nhất định cho sự phát sinh, tồn tại hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, thời hạn này được gọi là thời hiệu.

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định [Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015]. Như vậy, thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định, các chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự không thể thỏa thuận để kéo dài hoặc rút ngắn thời hạn này.

Xem thêm: Thời hạn là gì? Ý nghĩa và phân loại thời hạn

Thời hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định các quan hệ dân sự. Nếu không quy định thời hiệu, mỗi chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự luôn bị đe dọa bởi tranh chấp có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của họ. Hơn nữa, thời gian làm cho quá trình chứng minh các căn cứ phát sinh quan hệ dân sự trở nên phức tạp. Khi giải quyết các tranh chấp dân sự, toà án cần phải tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ để xác định sự thật khách quan nên nếu thời gian đã qua đi quá lâu, quá trình thu thập chứng cứ khó bảo đảm chính xác [giải quyết các tranh chấp về thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 – ngày Pháp lệnh thừa kế có hiệu lực pháp luật là những ví dụ thực tế xác định khó khăn này]. Đối với các tổ chức, việc quy định thời hiệu buộc các đơn vị này phải kiểm soát và có trách nhiệm trong mọi hoạt động, trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích của các chủ thể, của Nhà nước.

Hình minh họa. Thời hiệu là gì? Phân loại và cách tính thời hiệu

Căn cứ vào quy định tại Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015 thời hiệu gồm ba loại: thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện. Xét về tổng thể thì các loại thời hiệu này có mối liên quan với nhau bởi quyền của một chủ thể bao giờ cũng tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể khác. Hơn nữa, một trong những quyền năng của chủ thể có quyền là quyền yêu cầu chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của họ. Do vậy, nếu một chủ thể mất quyền khởi kiện thì nghĩa vụ chấm dứt.

Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó, chủ thể được hưởng quyền dân sự [khoản 1 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015]. Ở đây, thời hiệu là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quyền dân sự cho chủ thể nhưng không phải bất cứ quyền dân sự nào cũng có thể được xác lập theo thời hiệu mà chỉ trong những trường hợp được pháp luật quy định.

Ví dụ: Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu làm phát sinh quyền sở hữu tài sản của người chiếm hữu do người khác đánh rơi, bỏ quên là 1 năm.

Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ [khoản 2 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015].

Khác với thời hiệu hưởng quyền dân sự cho phép chủ thể hưởng quyền khi kết thúc thời hạn luật định thì trong thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, người có nghĩa vụ được miễn trừ nghĩa vụ tương ứng với thời điểm kết thúc thời hạn. Khi một chủ thể tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó [nghĩa vụ tồn tại độc lập với các trái vụ] thì họ phải thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn do pháp luật quy định. Nếu hết thời hiệu thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ chấm dứt.

Xuất phát từ đặc điểm của pháp luật về thời hiệu, từ đặc điểm của các quyền nhân thân không gắn với tài sản của cá nhân, tổ chức, pháp luật quy định thời hiệu hưởng quyền dân sự không được áp dụng đối với trường hợp chiếm hữu tài sản thuộc sở hữu toàn dân không có căn cứ pháp luật và các quyền nhân thân không gắn với tài sản.

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện [khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015]. Tuy nhiên, nếu các bên không yêu cầu tòa án áp dụng thời hiệu thì toà án tiếp tục công nhận quyền và nghĩa vụ của các bên [khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015].

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu [khoản 4 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015].

Trong quan hệ dân sự, người có nghĩa vụ phải tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền. Người có quyền có thể yêu cầu tòa án buộc người có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ của họ thông qua các biện pháp cưỡng chế phù hợp với quy định của luật tố tụng dân sự. Quyền yêu cầu toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình chỉ được thực hiện trong thời hạn xác định khi các quyền này bị xâm phạm. Kết thúc thời hạn đó mà chủ thể không thực hiện quyền khởi kiện thì bị mất quyền khởi kiện [trừ khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015].

Bộ luật dân sự không quy định thời hiệu khởi kiện chung cho các quan hệ dân sự mà chỉ xác định các nguyên tắc chung nhất về thời hiệu khởi kiện. Bộ luật chỉ quy định thời hiệu khởi kiện cho từng trường hợp riêng biệt.

Ví dụ: Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm đối với động sản và ba mươi năm đối với bất động sản, kể – từ thời điểm mở thừa kế [Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015], thời hiệu khởi kiện yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 2 năm [khoản 1 Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015] và có những trường hợp thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế [khoản 3 Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015].

Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu [Điều 151 Bộ luật Dân sự năm 2015]. Như vậy, thời hiệu được xác định là “ngày”.

Về nguyên tắc, thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt [Điều 153 Bộ luật Dân sự năm 2015]. Căn cứ vào đặc điểm của pháp luật về thời hiệu mà khi pháp luật quy định chủ thể được hưởng quyền hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự theo thời hiệu thì chỉ sau khi thời hiệu đó kết thúc, việc hưởng quyền hoặc miễn trừ nghĩa vụ mới có hiệu lực [Điều 152 Bộ luật Dân sự năm 2015].

– Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác [khoản 1 Điều 154 Bộ luật Dân sự năm 2015]. Thời điểm quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm là thời điểm người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ nhưng họ đã không thực hiện.

Ví dụ: Các bên thỏa thuận về thời điểm trả nợ trong hợp đồng vay nhưng đến thời điểm đó bên vay không trả, kể từ thời điểm này bên cho vay có quyền khởi kiện trước tòa án yêu cầu bên vay phải trả nợ.

Trường hợp các bên không quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì tùy theo tính chất của từng quan hệ mà pháp luật có những quy định riêng như “bất cứ lúc nào”, “ngay lập tức”, “khoảng thời gian hợp lý” hoặc “khi có yêu cầu”… Chỉ sau khi kết thúc thời hạn đó mới coi là thời điểm vi phạm và bắt đầu tính thời hiệu. Trong một số trường hợp, thời điểm vi phạm là thời điểm xác lập quan hệ [tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu] hoặc là thời điểm xảy ra sự kiện nào đó [thời điểm mở thừa kế]…

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác [khoản 2 Điều 154 Bộ luật Dân sự năm 2015].

– Thời hiệu khởi kiện có thể bị gián đoạn khi xảy ra những sự kiện nhất định được pháp luật dự liệu. Trong trường hợp này thời hiệu tạm dừng, khoảng thời gian diễn ra các sự kiện đó không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định thời gian có những sự kiện xảy ra không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

+ Có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm người có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép.

Ví dụ: bị tai nạn, thiên tai…

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình.

Ví dụ: đi công tác đột xuất, thư tín bị thất lạc…

+ Người có quyền khởi kiện chưa thành niên, đang bị mất năng lực hành vi dân sự, đang bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, đang có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi nhưng chưa có người đại diện. Những người này không thể tự mình yêu cầu toà án bảo vệ quyền lợi của họ nên pháp luật quy định tạm ngừng thời hiệu khởi kiện.

Khác với việc tạm ngừng thời hiệu khởi kiện, trong đó khoảng thời gian xảy ra trước khi có sự kiện tạm ngừng vẫn được tính vào thời hiệu chung thì bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là việc pháp luật dự liệu những sự kiện, nếu chúng xảy ra thì thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu, thời gian trước khi xảy ra sự kiện không tính vào thời hiệu chung. Theo Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại trong các trường hợp sau:

+ Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

+ Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

+ Các bên đã tự hoà giải với nhau.

Trong các trường hợp nêu trên, thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại kể từ ngày tiếp sau ngày xảy ra sự kiện.

Quy định về tạm ngừng thời hiệu khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của người có quyền vì những lý do khách quan không thể thực hiện được quyền khởi kiện của họ trong thời gian xảy ra sự kiện khách quan.

Video liên quan

Chủ Đề