Các hình thức và phương pháp giải thích pháp luật

Hiểu thế nào về giải thích pháp luật?
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ra nhưng không phải đương nhiên sẽ được mọi người đón nhận và thực hiện đúng. Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến để cho người dân hiểu về quy phạm pháp luật là một vấn đề quan trọng trong cơ chế điều chỉnh pháp luật. Bài viết sau sẽ làm rõ vấn đề giải thích pháp luật.
Khái niệm giải thích pháp luậtPháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận mang tính bắt buộc chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nó thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền và được thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế Nhà nước, được thiết lập nên để đảm bảo sự ổn định và trật tự xã hội.
Có thể hiểu “giải thích” là hoạt động dùng lý lẽ, dẫn chứng để giảng giải cho người nghe hiểu rõ về một vấn đề nào đó.
Vậy có thể rút ra khái niệm về giải thích pháp luật như sau: 
Giải thích pháp luật là hoạt động làm sáng tỏ về tư tưởng, nội dung, ý nghĩa của các quy phạm pháp luật, đảm bảo cho sự nhận thức đúng đắn pháp luật cho công dân, do các cơ quan, nhân viên nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân các công dân tiến hành.
Tuỳ thuộc vào nội dung, mục đích của giải thích pháp luật, các chủ thể sử dụng các cách thức khác nhau để giải thích như: giải thích theo văn phạm, giải thích hệ thống, giải thích logic, giải thích chính trị, lịch sử.
Tìm hiểu thêm tại: Phaptri.vn trang chia sẻ kiến thức pháp luật
Vai trò và vị trí của giải thích pháp luậtNếu một hệ thống pháp luật được hoàn thiện tuyệt đối và người dân có nhận thức tốt về pháp luật thì sẽ không phát sinh nhu cầu giải thích pháp luật.
Trong nhận thức-thực thi-áp dụng pháp luật thì giải thích pháp luật giữ vị trí quan trọng, nó có nhiệm vụ làm sáng tỏ hơn các quy định của pháp luật, giúp cho người dân hiểu rõ hơn về các quy định đó và từ đó áp dụng đúng đắn.
Đối với hình thức áp dụng tương tự pháp luật, có vị trí giúp các chủ thể thấy được điểm tương tự với vụ việc cần giải quyết, làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng tương tự và làm cho chủ thể trực tiếp chịu sự điều chỉnh của quy phạm trong hoạt động áp dụng tương tự quy phạm hiểu – một nền tảng quan trọng cho việc ra quyết định và thực thi văn bản áp dụng pháp luật.
Nội dung khác: hợp đồng thuê đất

Các hình thức và phương pháp giải thích pháp luật

Các hình thức giải thích pháp luậtGiải thích pháp luật chính thứcLà hoạt động giải thích pháp luật của các chủ thể là cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước được pháp luật trao quyền giải thích hoặc bởi chính cơ quan đã ban hành ra văn bản pháp luật cũng có thể hao quyền giải thích cho những cơ quan khác...
Về hình thức: thể hiện dưới dạng văn bản, gọi là “văn bản giải thích pháp luật”. 
Trình tự thủ tục: phải tuân theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ do luật định.
Nội dung: có tính quy phạm hoặc có tính cụ thể. 
Đối với giải thích có tính quy phạm, nội dung lời giải thích là khuôn mẫu để thực hiện nhiều lần trong thực tế. 
Còn đối với giải thích có tính cụ thể, chỉ được áp dụng một lần trong một vụ việc cụ thể. Trong hoạt động này, cơ quan có thẩm quyền giải thích phải đưa ra các tình huống thực tế có thể xảy ra và hướng dẫn giải quyết sự việc theo quy phạm cụ thể cần giải thích trong văn bản. 
Hiệu lực: có giá trị bắt buộc phải thực hiện như chính quy định được giải thích. Văn bản giải thích chính thức sẽ hết hiệu lực khi văn bản được giải thích hết hiệu lực trong thực tế.
Giải thích pháp luật không chính thứcLà hình thức giải thích pháp luật phổ biến, được thực hiện bởi bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào trong xã hội. Thường được thể hiện trong các bài viết, bài bình luận hay bài phân tích về pháp luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng... Vì thế nên hình thức này thường mang tính chủ quan, có ý nghĩa tham khảo đối với người được giải thích. 
Nguyên tắc giải thích pháp luậtTôn trọng sự trong sáng trong ngôn ngữ của quy phạmNguyên tắc này thể hiện sự tuân thủ tuyệt đối các quy phạm pháp luật. Thường, chỉ những quy phạm mà gây ra nhiều cách hiểu hợp lý khác nhau thì mới phải giải thích pháp luật, việc giải thích đối với các quy phạm đơn nghĩa, đủ trong sáng thì không cần thiết và việc giải thích là tối thiểu. Khi tiến hành giải thích pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cần chú ý không được làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật, chỉ giải thích những khái niệm, thuật ngữ chưa rõ ràng hoặc đa nghĩa.
Tôn trọng ý chí của cơ quan lập phápCơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật phải tìm hiểu được và bám sát ý tứ và mục đích của cơ quan lập pháp khi ban hành ra văn bản quy phạm pháp luật, không được phép vượt ngoài phạm vi về nội dung của văn bản quy phạm pháp luật. Để làm được điều đó, các cơ quan giải thích pháp luật, đặc biệt là Toà án thường tham khảo lời nói đầu và bố cục của đạo luật, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành đạo luật và các điều khoản,...
Tôn trọng tính hệ thống của pháp luật thành văn và tính thống nhất của giải thích pháp luậtKhi tiến hành giải thích pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cần đặt quy phạm cần giải thích trong bối cảnh của đạo luật chứa đựng nó, lời giải thích pháp luật được đưa ra không được có mâu thuẫn với nội dung của các quy phạm pháp luật khác của đạo luật cũng như không được mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, nội dung giải thích pháp luật của các cơ quan khác nhau cũng phải thống nhất với nhau.
Hệ thống hoá giải thích pháp luậtNguyên tắc này được thể hiện ở chỗ tất cả các những giải thích pháp luật được tiến hành bởi cơ quan giải thích pháp luật thì nó sẽ phải được một cơ quan có thẩm quyền nào đó tập hợp và hệ thống hoá.
Xem thêm: giấy ủy quyền sử dụng đất

02(75)/2013

Các hình thức và phương pháp giải thích pháp luật

Mục lục

  • 0.Dẫn nhập
  • 1.Khái niệm, sự cần thiết và mục đích của giải thích pháp luật
  • 2.Thẩm quyền giải thích pháp luật
  • 3.Các nguyên tắc giải thích pháp luật
  • 4.Kết luận
  • 5.Tài liệu tham khảo

Một số vấn đề lý luận về giải thích pháp luật

TÔ VĂN HÒA*

02(75)/2013 - 2013, Trang 73-80

Ngày đăng:

  • Trích dẫn

TÓM TẮT

Giải thích pháp luật (GTPL) là một vấn đề quan trọng trong luật học và cũng có giá trị thực tiễn cao trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào. Thực tế cho thấy các nước có nền luật học phát triển trên thế giới, gồm cả các nước có truyền thống pháp luật án lệ như Anh, Mỹ cũng như các nước theo hệ thống pháp luật thành văn như Pháp, Đức, đều coi GTPL là nguồn không thể thiếu phục vụ đắc lực cho công tác áp dụng pháp luật cũng như bổ khuyết cho hệ thống pháp luật thành văn. Sự tồn tại của một cơ chế GTPL phù hợp là nhân tố hết sức quan trọng bảo đảm tính thống nhất cũng như hiệu lực của hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, nghiên cứu các khía cạnh lý luận với quan điểm thực tiễn về GTPL luôn là một công việc hữu ích và mang tính thời sự trong quá trình vận động và hoàn thiện của các hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Bài viết này đề cập một số vấn đề lý luận cơ bản về GTPL, như khái niệm, sự cần thiết và mục đích của GTPL, thẩm quyền và một số nguyên tắc GTPL.


ABSTRACT:

Legal interpretation is an important issue of juridical science yet practical for legal implementation in any legal system. Countries that have a developed legal science, including common law countries, such as the US and UK or countries with civil law culture, such as France and Germany, all consider legal interpretation as an indispensable tool to assist legal application and to help rectify the shortcomings of the normative laws. An effective and efficient legal interpretation mechanism is a key element to ensure the consistency and effectiveness of the national legal system. That is why studies on theoretical aspects of legal interpretation with practical approach are always useful for the application and improvement of any legal system. This paper touches upon some fundamental issues concerning legal interpretation, such as the concept of legal interpretation, its rationale, objectives, the authority to provide legal interpretation and guiding principle for legal interpretation.


TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: không có,


Trích dẫn:

×

TÔ VĂN HÒA*, Một số vấn đề lý luận về giải thích pháp luật, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 02(75)/2013, Trang 73-80

https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=44aa09a4-5b52-46ad-8efe-c78c72f7de7a

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

Giải thích pháp luật (GTPL) là một vấn đề quan trọng trong luật học và cũng có giá trị thực tiễn cao trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào. Thực tế cho thấy các nước có nền luật học phát triển trên thế giới, gồm cả các nước có truyền thống pháp luật án lệ như Anh, Mỹ cũng như các nước theo hệ thống pháp luật thành văn như Pháp, Đức đều coi GTPL là nguồn không thể thiếu phục vụ đắc lực cho công tác áp dụng pháp luật cũng như bổ khuyết cho hệ thống pháp luật thành văn. Sự tồn tại của một cơ chế GTPL phù hợp là nhân tố hết sức quan trọng bảo đảm tính thống nhất cũng như hiệu lực của hệ thống pháp luật . Chính vì vậy, nghiên cứu các khía cạnh lý luận với quan điểm thực tiễn về GTPL luôn là một công việc hữu ích và mang tính thời sự trong quá trình vận động và hoàn thiện hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Bài viết này đề cập một số vấn đề lý luận cơ bản về GTPL, như khái niệm, sự cần thiết và mục đích của GTPL, thẩm quyền và các nguyên tắc GTPL.

1. Khái niệm, sự cần thiết và mục đích của giải thích pháp luật

Để đưa ra một khái niệm phù hợp về GTPL, phải bắt đầu từ khái niệm “pháp luật”. Trên thế giới hiện nay có nhiều trường phái luật học xem xét khái niệm pháp luật từ những góc độ tiếp cận khác nhau như trường phái pháp luật tự nhiên, pháp luật thực định, pháp luật hình thức, hay pháp luật xã hội chủ nghĩa. Mỗi trường phái có một cách khái niệm hóa khác nhau và vì thế hầu như không thể tìm được một định nghĩa chuẩn xác mang tính chính thống tuyệt đối về pháp luật.[1]Tuy nhiên có thể thấy rằng các khái niệm pháp luật của các trường phái luật học hiện đại đều chia sẻ quan điểm rằng chiếm vị trí nòng cốt và chủ đạo trong hệ thống pháp luật của bất cứ quốc gia nào đều là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống này bao gồm các văn bản pháp luật được ban hành theo một trình tự thủ tục nhất định và chứa đựng trong nó các quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần trong thực tiễn và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Khác với bản án của tòa án hay các quyết định áp dụng pháp luật, các quy phạm pháp luật được đặt ra không phải để trực tiếp xử lý một hành vi hay một vụ việc cụ thể nào đó mà là để điều chỉnh một loại hành vi hay một loại vụ việc sẽ xảy ra trong tương lai. Vì vậy các quy phạm pháp luật, nói cách khác là pháp luật dạng quy phạm hay pháp luật thành văn, của bất kỳ quốc gia nào cũng đều có hai đặc điểm chung có liên quan chặt chẽ tới yêu cầu GTPL.

Thứ nhất, pháp luật dạng quy phạm không nhắm vào xử lý trực tiếp một hành vi cụ thể mà điều chỉnh những hành vi hay vụ việc cùng loại nào đó trong tương lai, ví dụ các hành vi trộm cắp tài sản, các hành vi giao dịch nội gián, các hành vi tham nhũng hay các hoạt động kinh doanh ăn uống không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm... Phương pháp điều chỉnh của pháp luật dạng quy phạm là thông qua việc sử dụng ngôn ngữ pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ chủ thể một cách khái quát và cố gắng bao trùm lên tất cả các vụ việc hay hành vi có thể xảy ra trên thực tế mà nó muốn điều chỉnh.

Thứ hai, như là hệ quả của đặc điểm thứ nhất, để bảo đảm bao quát được một loại vụ việc hay hành vi mà nó điều chỉnh, pháp luật dạng quy phạm thường sử dụng ngôn từ có tính khái quát hoá và định tính cao, ví dụ: cơ quan có thẩm quyền, thời gian thử thách, tình tiết tăng nặng, phạm tội nghiêm trọng... Trong các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là văn bản của các quốc gia theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, thường có phần định nghĩa để giải thích về các thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong văn bản đó. Song, phần định nghĩa này thường không thể bao gồm hết được các thuật ngữ trừu tượng cần giải thích.

Nhu cầu hay sự cần thiết của công tác GTPL xuất phát từ chính hai đặc điểm này của pháp luật dạng quy phạm. Bằng phương pháp khái quát hóa, các nhà làm luật xây dựng pháp luật thành văn với mục đích bao trùm tất cả các hành vi hay vụ việc thực tiễn cùng loại trong một hay một nhóm các quy phạm pháp luật. Trong khi đó, hoạt động áp dụng và bảo vệ pháp luật lại được thực hiện với cách tiếp cận theo chiều ngược lại, tức là xuất phát từ các vụ việc cụ thể trong thực tiễn để tìm ra quy phạm pháp luật thật sự phù hợp điều chỉnh. Thực tiễn vô cùng phong phú và luôn thay đổi trong khi các quy phạm pháp luật lại có tính ổn định tương đối. Như vậy, ở đây có sự va chạm giữa tính khái quát cao của các quy phạm pháp luật với sự phong phú và đa dạng về tình tiết của các vụ việc trong thực tiễn. Nói một cách khác, pháp luật thành văn khó có thể điều chỉnh được một cách tuyệt đối tất cả các vấn đề cụ thể của thực tiễn ngay trong lĩnh vực hay mối quan hệ mà nó điều chỉnh. Hậu quả là người áp dụng pháp luật, cho dù là cơ quan nhà nước, tổ chức hay cá nhân, thường rơi vào trường hợp không cảm thấy chắc chắn rằng quy phạm pháp luật mà mình đã lựa chọn để điều chỉnh vào vụ việc cụ thể có đúng hay không. Tình trạng này rất có hại cho công tác thi hành pháp luật nói riêng và tính khả thi của pháp luật thành văn nói chung. Bởi lẽ khi có nhiều cách giải thích khác nhau về một quy phạm pháp luật và không cách giải thích nào mang tính thẩm quyền thì có nghĩa là các cách giải thích đều bị coi là GTPL không chính thức. Điều đó không khác gì việc pháp luật có đa nghĩa và các bên sẽ không biết phải thực thi pháp luật như thế nào cho đúng. Hệ quả tất yếu là quy phạm pháp luật không thể được tuân thủ trong thực tiễn. Để giải quyết bất cập này, nhất thiết phải làm rõ nội dung của quy phạm pháp luật bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền để các bên tham gia được định hướng bởi một cách hiểu duy nhất về việc quy phạm đó có điều chỉnh vụ việc của mình hay không và điều chỉnh như thế nào. Tính thẩm quyền là một đặc điểm tất yếu của hoạt động GTPL bởi lẽ nó đem đến cho hoạt động GTPL tính chính thức và giá trị ràng buộc đối với tất cả các bên cho dù họ có những giải thích khác nhau về cùng một quy phạm. GTPL chính thức cũng mang giá trị bắt buộc về mặt pháp lý giống như chính bản thân quy phạm pháp luật mà nó giải thích vậy.

Những phân tích trên đây cho thấy GTPL là một yêu cầu tất yếu đối với bất cứ hệ thống pháp luật nào trên thế giới và có thể được hiểu làhoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm rõ nội dung một hoặc một số quy phạm nào đó của pháp luật thành văn để việc áp dụng, tuân thủ, chấp hành pháp luật trong một trường hợp cụ thể được được thực hiện một cách thống nhất.

GTPL nhằm hướng tới hai mục đích.Thứ nhất, thông qua mục tiêu trực tiếp là làm sáng tỏ những nội dung chưa được hiểu thống nhất của các quy phạm pháp luật, công tác GTPL nhằm mục đích xoá đi ngăn cách giữa pháp luật thành văn với thực tiễn. Nó là cầu nối để các quy phạm pháp luật thành văn còn mập mờ chưa rõ nghĩa được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ trong thực tiễn.Thứ hai, công tác GTPL nhằm mục đích hoàn thiện công tác lập pháp. Sản phẩm của công tác lập pháp là các văn bản quy phạm pháp luật mà trước hết là các đạo luật, trong đó tất yếu sẽ có những quy phạm pháp luật đa nghĩa hoặc không rõ nghĩa. Qua hoạt động GTPL, nội dung của những quy phạm đó sẽ được làm sáng tỏ; đồng thời, lỗ hổng của những quy phạm pháp luật, mà cụ thể là chính những điểm chưa rõ nghĩa hoặc những đối tượng chưa bao trùm hết của quy phạm pháp luật đó, sẽ được phát hiện. Việc tổng kết hoạt động và nội dung GTPL một cách có hệ thống sẽ phục vụ đắc lực cho việc bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật thành văn, qua đó giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung.


* TS Luật học, Trường ĐH Luật Hà Nội.

[1] Có thể tìm đọc những bài viết cô đọng nhất về khái niệm pháp luật do các trường phái luật học này phát triển ở các bài viết của Brian Bix, Jules Coleman và Brian Leiter, Ernest Weinrib trong cuốn A Companion to Philosophy of Law and Legal Theory do Dennis Patterson biên tập, Blackwell Publishers, London, 1996 và giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội do GS. TS. Lê Minh Tâm chủ biên, Nxb Công an nhân dân, 2007.


2. Thẩm quyền giải thích pháp luật

2.1. Yêu cầu đối với việc xác định thẩm quyền GTPL

Xác định thẩm quyền GTPL có nghĩa là xác định cơ quan hoặc hệ thống cơ quan nào trong tổ chức bộ máy nhà nước hiện đại có thẩm quyền pháp lý thực hiện GTPL chính thức. Việc xác định thẩm quyền GTPL cần phải tuân thủ một số yêu cầu về lý luận cũng như thực tiễn nhất định.

Về mặt lý luận, thẩm quyền GTPL cần được xác định trên cơ sở phù hợp với triết lý tổ chức bộ máy nhà nước của quốc gia, cụ thể là những nguyên tắc căn bản về tổ chức bộ máy nhà nước. Nếu những nguyên tắc căn bản về tổ chức bộ máy nhà nước là nền tảng của cấu trúc tổ chức bộ máy nhà nước thì thẩm quyền GTPL phải được trao cho một cơ quan mà sự tồn tại của cơ quan này không phá vỡ đi cấu trúc tổng quát đó. Ví dụ, nếu tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tối cao là nguyên tắc tam quyền phân lập cứng và các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở vị thế ngang bằng và kiềm chế, đối trọng nhau thì thẩm quyền GTPL có thể được trao cho một cơ quan nào đó hoàn toàn không chịu sự kiểm soát của cơ quan lập pháp hay các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Nhưng, nếu tổ chức bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc đề cao vị trí của cơ quan lập pháp thì vị trí của cơ quan có thẩm quyền GTPL không nên được xem ngang bằng với cơ quan lập pháp; bởi vì trong trường hợp những lời GTPL cụ thể của cơ quan này trái với tinh thần lập pháp thì vô hình chung sẽ có hai hoạt động lập pháp cùng tồn tại song song và vị trí tối cao của cơ quan lập pháp trong bộ máy nhà nước đó sẽ bị đe dọa.

Ngoài ra, việc trao thẩm quyền GTPL cho một cơ quan nào đó cũng không được mâu thuẫn với chức năng hoạt động truyền thống của cơ quan đó trong bộ máy nhà nước. Trong bộ máy nhà nước có những cơ quan hoàn toàn có thể trở thành một bên trong các vụ kiện với công dân hoặc khối tổ chức tư nhân (ví dụ các cơ quan hành pháp, hành chính nhà nước). Trong trường hợp đó kết quả của việc GTPL sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của các bên trong vụ tranh chấp. Thẩm quyền GTPL được trao cho cơ quan nhà nước trong trường hợp này rõ ràng gây ra xung đột lợi ích trong nội tại cơ quan nhà nước đó và ảnh hưởng tới việc thi hành công lý theo hướng bất lợi cho bên đương sự là công dân hoặc tổ chức.

Ở khía cạnh thực tiễn, nhu cầu đối với GTPL thường xuất hiện khi phát sinh quan hệ xã hội hoặc tranh chấp mà quy phạm pháp luật điều chỉnh gây ra những cách hiểu khác nhau. Công tác GTPL lúc này vừa nhằm mục làm sáng tỏ nội dung của quy phạm pháp luật vừa trực tiếp giải quyết vụ việc cụ thể. Vì vậy, yêu cầu đối với việc xác định thẩm quyền GTPL là cơ quan có thẩm quyền GTPL phải có khả năng thực hiện GTPL một cách thường xuyên, kịp thời và bám sát với thực tiễn; có như vậy hoạt động GTPL mới phát huy được hết ý nghĩa kịp thời xóa đi sự cách trở giữa pháp luật và thực tiễn và phục vụ đắc lực cho việc hoàn thiện công tác lập pháp.

2.2. Cơ quan có thẩm quyền GTPL

Theo lý thuyết về phân chia quyền lực nhà nước đang được áp dụng phổ biến trên thế giới thì trong bộ máy nhà nước hiện đại thường có nhánh quyền lực truyền thống: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như vậy trên góc độ lý luận sẽ có hai phương án xác định cơ quan có thẩm quyền GTPL: (1) trao thẩm quyền GTPL cho một trong ba hệ thống cơ quan hoặc (2) trao thẩm quyền đó cho một cơ quan độc lập, nằm ngoài ba hệ thống cơ quan. Mỗi phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm về lý luận và thực tiễn.

* Phương án 1: Thẩm quyền GTPL được trao cho một trong ba hệ thống cơ quan

Một điều dễ nhận thấy là nếu thẩm quyền GTPL được trao cho cơ quan lập pháp (nghị viện) thì yêu cầu về giá trị tối cao của ý chí lập pháp được bảo đảm. Cơ quan lập pháp ban hành các đạo luật và vì thế cũng có thể coi là cơ quan có tư cách đầy đủ nhất và chính đáng nhất để tuyên bố nội dung điều chỉnh của các quy phạm pháp luật do chính mình đã làm ra. Trong trường hợp này thẩm quyền GTPL cũng không mâu thuẫn với chức năng lập pháp bởi lẽ hoạt động GTPL vẫn được hiểu phổ biến là hoạt động nối dài của hoạt động lập pháp và hỗ trợ hoàn thiện công tác lập pháp.

Tuy nhiên, khi cơ quan lập pháp trực tiếp thực hiện hoạt động GTPL sẽ vấp phải một số bất cập không nhỏ về thực tiễn.Thứ nhất, cơ quan lập pháp chỉ có chức năng làm luật và thông qua chính sách chứ không xử lý trực tiếp các vụ việc hay các tranh chấp cụ thể khi có thể xuất hiện nhu cầu GTPL. Vì thế hoạt động GTPL do nghị viện thực hiện, nếu có, cũng chỉ có thể được tiến hành một cách trừu tượng theo đề nghị của các cơ quan nhà nước khác trực tiếp xử lý các vụ việc thực tiễn. Sau đó cơ quan nhà nước khác, mà thường là cơ quan đề nghị nghị viện GTPL, mới áp dụng lời giải thích đó vào vụ việc mình đang thụ lý. Vì thế yêu cầu kịp thời giải quyết các vụ việc thực tiễn và xoá đi cách trở giữa luật thành văn và thực tiễn khó có thể được được đáp ứng.Thứ hai, đa số thành viên nghị viện có thể nhất trí thông qua một điều luật nhưng chưa chắc việc giải nghĩa điều luật đó có thể đạt được sự đồng thuận như vậy, đặc biệt là khi nghị viện của một quốc gia làm việc theo nhiệm kỳ và thường là diễn đàn của nhiều ý kiến chính trị khác nhau. Nội dung GTPL nếu gắn liền với lợi ích của một nhóm nghị sĩ nào đó cũng có thể là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự khách quan của công tác GTPL.

Nếu thẩm quyền GTPL được trao cho cơ quan hành pháp, yêu cầu về tính kịp thời có thể sẽ được bảo đảm bởi lẽ các cơ quan hành pháp là những cơ quan trực tiếp xử lý các vấn đề thực tiễn; tuy nhiên, khi đó sẽ có sự mâu thuẫn lớn về lý luận. Cơ quan hành pháp thường là cơ quan có va chạm lợi ích nhiều nhất với cá nhân và tổ chức. Khi tranh chấp giữa hai bên được đưa ra xử lý trước tòa án thì hai bên này được xem là có vị thế bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy nếu cơ quan hành pháp có thẩm quyền GTPL thì vị thế bình đẳng giữa các bên tranh tụng có thể sẽ bị phá vỡ bởi lẽ GTPL do cơ quan này đưa ra khi đó sẽ có giá trị bắt buộc đối với toà án theo hướng có lợi cho bản thân cơ quan hành pháp. Chính vì lý do này mà phần lớn các nước trên thế giới hiện nay đều không trao thẩm quyền GTPL cho các cơ quan hành pháp (hay hành chính nhà nước).

Trong bộ máy nhà nước hiện đại, hệ thống tư pháp, cụ thể là các tòa án, có lẽ là hệ thống cơ quan phù hợp nhất để trực tiếp thực thi quyền GTPL. Nhận định này dựa trên những cơ sở sau:

- Tòa án là cơ quan xét xử, thường xuyên thụ lý và giải quyết những tranh chấp trong thực tiễn thuộc mọi lĩnh vực như hình sự, dân sự, lao động, kinh tế, hành chính..., những vụ việc thường xuyên liên quan đến việc áp dụng pháp dụng pháp luật và phát sinh nhu cầu GTPL. Do đó hoạt động GTPL nếu do tòa án thực hiện sẽ kịp thời phục vụ các vướng mắc khi áp dụng pháp luật vào thực tiễn.

- Là cơ quan áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp một cách chuyên nghiệp, thẩm phán là người nắm rõ nhất kiến thức pháp luật tổng thể và chuyên ngành của một quốc gia và là người biết rõ nhất cần giải thích một điều khoản luật như thế nào để làm rõ nội hàm của quy phạm trong tổng thể hệ thống pháp luật.

- Nếu xét quy trình áp dụng pháp luật để giải quyết một vụ việc thực tế thì có thể thấy trong mọi trường hợp quy trình áp dụng pháp luật của thẩm phán đều phải trải qua bước tư duy GTPL. Quy trình này bắt đầu tư công đoạn tìm hiểu thực tiễn vụ việc đến công đoạn nhận định về thực tiễn của vụ việc. Công đoạn tiếp theo luôn là nghiên cứu pháp luật để tìm ra những điều khoản áp dụng chính xác vào vụ việc và đua ra kết luận. Để tìm được điều khoản áp dụng phù hợp thì thẩm phán luôn phải trải qua quá trình tư duy phân tích các điều khoản có liên quan. Như một số học giả có uy tín của Pháp đã đề cập, thẩm quyền GTPL chỉ là một sự cho phép các thẩm phán công bố tư duy của mình về cách hiểu quy phạm pháp luật thành văn bản mà thôi.[2]Đối với xã hội, công khai hóa tư duy áp dụng pháp luật của thẩm phán là một việc làm quan trọng bởi lẽ nó tạo điều kiện cho người dân hiểu về một quy phạm pháp luật theo cách hiểu của một chuyên gia và cũng là một chủ thể có thẩm quyền của nhà nước.

Những phân tích trên đây cũng chính là những lý do để phần lớn các quốc gia phát triển trên thế giới hoặc chính thức hoặc không chính thức đều trao hoặc thừa nhận thẩm quyền GTPL cho cơ quan toà án nước mình.[3]Tuy vậy, cũng cần nhận thấy rằng có một số bất cập nhất định cần được xử lý khi tòa án, và đặc biệt là nếu chỉ có tòa án, là cơ quan thực thi thẩm quyền GTPL.Thứ nhất, tòa án không phải là cơ quan lập pháp vì thế những lời GTPL của tòa án có thể không phù hợp với tinh thần của pháp luật thành văn và của cơ quan lập pháp khi pháp luật thành văn được ban hành. Trong trường hợp đó, nếu lời giải thích của tòa án quá xa tinh thần của luật thì sẽ không khác gì trường hợp luật không phải do cơ quan lập pháp ban hành một cách dân chủ mà lại do tòa án ban hành.Thứ hai, thẩm quyền GTPL nếu trao cho tòa án sẽ được thực thi bởi nhiều tòa án khác nhau. Trường hợp có thể xảy ra là việc gắn GTPL vào những vụ việc cụ thể mà từng tòa án xử lý có thể sẽ vận động theo hướng xa rời yêu cầu bảo đảm tính thống nhất trong hoạt đông GTPL nhằm phục vụ mục đích hoàn thiện công tác lập pháp.

Những bất cập trên đây hoàn toàn có thể xảy ra khi tòa án thực hiện công tác GTPL. Tuy nhiên, chúng có thể được khắc phục thông qua việc thiết lập một cơ chế GTPL phù hợp và xác định các nguyên tắc hợp lý cho hoạt động GTPL được phân tích dưới đây.

* Phương án 2: Trao thẩm quyền GTPL cho một cơ quan độc lập không nằm trong hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp hay tư pháp

Nếu thành lập một cơ quan độc lập chỉ chuyên thực hiện chức năng GTPL thì cơ quan này sẽ phải tiếp nhận các câu hỏi từ quá trình xử lý các vụ việc thực tiễn của các cơ quan tư pháp hoặc hành pháp, sau đó đưa ra lời giải cho những câu hỏi đó trên cơ sở phù hợp với tinh thần của pháp luật để các cơ quan tư pháp hoặc hành pháp tổ chức áp dụng.

Nhược điểm lớn nhất của mô hình này là sự lãng phí về thời gian và nguồn lực.Thứ nhất, cơ quan GTPL theo mô hình này sẽ là một cơ quan trung gian với nhiệm vụ tìm hiểu và chuyển hóa ý chí lập pháp vào lời GTPL để chuyển tới những cơ quan khác áp dụng vào thực tiễn. Quy trình GTPL như vậy sẽ tốn nhiều thời gian và công sức và làm cho hoạt động GTPL mất đi tính kịp thời.Thứ hai, khi thành lập một cơ quan mới thì phải bảo đảm nguồn lực cho cơ quan đó hoạt động. Điều đó tất yếu dẫn tới chỗ phải san sẻ những nguồn lực sẵn có, đặc biệt là nguồn chuyên gia, từ phía các hệ thống lập pháp, hành pháp hoặc tư pháp. Đó là một sự lãng phí đáng kể nếu so sánh với phương án thực hiện GTPL qua một cơ chế gồm những cơ quan sẵn có trong các nhánh quyền lực truyền thống.Thứ ba, việc đặt một cơ quan mới với chức năng duy nhất là GTPL sẽ là một bài toán khó về mặt tổ chức hệ thống để tìm được lời giải đồng thuận cả về khía cạnh chính trị và pháp lý đối với bộ máy nhà nước của nhiều nước trên thế giới. Những bất cập trên đây có lẽ là những lý do quan trọng khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay không tính đến phương án này khi xây dựng một cơ chế GTPL phù hợp với tổ chức bộ máy nhà nước mình.


[2] John Bell, Sophie Boyron và Simon Whittaker, Principles of French Law, Oxford University Press, 1998, tr. 29-31.

[3] Xem Nigel Foster và Satish Sule, German Legal System and Law, Oxford University Press, tái bản lần 3, 2002; Winfried Brugger, “Legal Interpretation, Schools of Jurisprudence, and Anthropology: Some Remarks from a German Point of View”, 42 Am. J. Comp. L. 395; Bell và những người khác, sđd, chú thích 8; William P. Statsky, Legislative Analysis and Drafting, West Publishing Co., tái bản lần 2, 1988; Peter Goodrich, “Historical Aspects of Legal Interpretation”, 61 Ind. L.J. 331.

3. Các nguyên tắc giải thích pháp luật

Những phân tích trên đây cho thấy đối với bất kỳ hệ thống pháp luật nào, GTPL là công việc nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới lợi ích và mối quan hệ của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Để bảo đảm GTPL phát huy tác dụng tích cực, tức là vừa có vai trò xóa đi cách biệt giữa pháp luật thành văn và thực tiễn vừa có vai trò hỗ trợ hoàn thiện công tác lập pháp, hoạt động GTPL thường phải tuân thủ một số nguyên tắc phổ quát sau đây.

3.1. Nguyên tắc tôn trọng sự trong sáng ngôn ngữ của quy phạm

Như đã đề cập, GTPL phát sinh khi ngôn ngữ của một điều khoản luật có thể gây ra những cách hiểu hợp lý khác nhau. Thông thường nếu ngôn ngữ của một điều khoản luật đã đủ trong sáng và đơn nghĩa thì ít có nhu cầu giải thích. Tuy nhiên, mỗi quy phạm pháp luật đều có phần giả định cụ thể; và ngôn ngữ của quy phạm đó, đặc biệt là phần quy định, bị ràng buộc trong khung cảnh do phần giả định đó đặt ra. Vì vậy, nguyên tắc này yêu cầu cơ quan có thẩm quyền GTPL không được làm thay đổi nội dung của quy phạm thông qua hoạt đông giải thích. Nếu ngôn ngữ của điều khoản luật đã đủ trong sáng và đơn nghĩa thì phải tuyệt đối tuân theo và sự giải thích thêm chỉ là tối thiểu. Cơ quan có thẩm quyền sẽ chỉ giải thích những thuật ngữ, khái niệm chưa rõ ràng hoặc đa nghĩa. Nói một cách khác, nếu toà án có thẩm quyền GTPL và trong câu văn của quy phạm không có điều gì là chưa rõ nghĩa theo cách hiểu thông thường thì công việc còn lại của tòa án chỉ là áp dụng điều khoản đó chứ không cần phải giải thích nó.

Do hoạt động GTPL được coi là hoạt động kéo dài và hỗ trợ cho hoạt động lập pháp và nguyên tắc này thể hiện sự tuyệt đối tuân thủ quy phạm pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành nên nó luôn được coi trọng nhất trong hoạt động GTPL. Nó cũng được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động GTPL ở các nước phát triển trên thế giới. Nó tương đồng với “quy tắc nghĩa trong sáng” (the plain meaning rule) ở Mỹ[4], “quy tắc nguyên nghĩa” (literal rule) ở Anh và “quy tắc giải thích ngữ pháp” (grammatical interpretation rule) ở Đức.[5]

3.2. Nguyên tắc tôn trọng ý chí của cơ quan lập pháp

Đây cũng là một nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trong thực tiễn GTPL trên phạm vi quốc tế. Ở Mỹ, nguyên tắc này tương ứng với hai nguyên tắc là “Quy tắc mục đích điều chỉnh” (the mischief rule) và “quy tắc vàng” (the golden rule)[6]. Ở Đức, nó tương ứng với “quy tắc lịch sử” (historical rule) và “quy tắc tôn trọng mục đích lập pháp” (teleological rule)[7].

Nguyên tắc này được áp dụng khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành GTPL đối với những quy phạm pháp luật và thuật ngữ trong quy phạm pháp luật có đa nghĩa hoặc nghĩa chưa sáng tỏ. Nó yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền GTPL phải tìm hiểu được và bám sát ý tứ và mục đích của cơ quan lập pháp khi ban hành ra quy phạm pháp luật. Vì vậy khi GTPL, các tòa án không được quá xa rời tinh thần mà cơ quan lập pháp gửi gắm vào trong điều khoản luật.

Xu hướng thoát ra khỏi bộ khung ngữ nghĩa của quy phạm pháp luật là một xu hướng dễ nhận thấy trong bất kỳ hoạt động GTPL nào. Xu hướng này có những khía cạnh tích cực vì nó cho phép tòa án kéo pháp luật trừu tượng xuống gần với thực tiễn của một vụ việc cụ thể và qua đó làm cho pháp luật theo kịp với sự vận động của thực tiễn. Tuy nhiên, nếu xu hướng đó phát triển quá xa để đi tới chỗ lời GTPL khác hẳn với tinh thần của quy phạm thì sẽ rất nguy hiểm; bởi vì lúc đó kết quả của GTPL sẽ không khác gì việc ban hành pháp luật thành văn mới theo con đường không dân chủ. Các cơ quan GTPL, đặc biệt là các tòa án, cần hiểu rằng bản thân mình không phải là cơ quan lập pháp, hoạt động GTPL không phải là hoạt động lập pháp mà chỉ hỗ trợ cho hoạt động lập pháp mà thôi. Vì vậy, nguyên tắc tôn trọng ý chí của cơ quan lập pháp luôn được quán triệt trong suốt quá trình GTPL.

Các nguyên tắc tương tự ở các nước phát triển đề cập trên đây có gắn liền với những yêu cầu rất cụ thể để bảo đảm ý chí của cơ quan lập pháp được tôn trọng trong quá trình GTPL. Tinh thần và mục đích của một quy phạm luật cần được giải thích có thể được làm rõ thông qua việc phân tích bối cảnh và yêu cầu của đạo luật chứa đựng quy phạm, của bản thân quy phạm, đồng thời nắm được mục đích và đối tượng điều chỉnh của quy phạm đó. Để làm được điều này, các cơ quan có thẩm quyền GTPL, đặc biệt là tòa án thường tham khảo phần lời nói đầu và bố cục của đạo luật, các tài liệu liên quan tới lịch sử hình thành đạo luật và điều khoản, ví dụ như biên bản thảo luận hoặc báo cáo thẩm định đạo luật, cũng như ý kiến của các chuyên gia và các nhà khoa học phân tích, thảo luận về điều khoản hoặc đạo luật đó.

3.3. Nguyên tắc tôn trọng tính hệ thống của pháp luật thành văn và tính thống nhất của GTPL

Mục đích của GTPL là hỗ trợ và hoàn thiện hoạt động lập pháp và hệ thống pháp luật. Vì vậy việc tiến hành hoạt động này cũng phải tuân thủ một nguyên tắc rất quan trọng của công tác lập pháp, đó là tôn trọng tính hệ thống của hệ thống pháp luật thành văn. Khi GTPL, tòa án phải đặt quy phạm pháp luật cần giải thích vào trong bối cảnh của đạo luật chứa đựng nó. Lời GTPL đưa ra không được mâu thuẫn với các nội dung của các quy phạm pháp luật khác của đạo luật đó cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác của hệ thống pháp luật quốc gia.

Về phần mình, nội dung GTPL của các cơ quan có thẩm quyền khác nhau cũng phải thống nhất với nhau. Sự mâu thuẫn giữa những lời GTPL tất yếu sẽ dẫn tới tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất trên phạm vi lãnh thổ quốc gia, một điều cần tránh đối với bất kỳ hệ thống pháp luật nào.

3.4. Nguyên tắc hệ thống hóa GTPL

Khác với ba nguyên tắc trên, nguyên tắc này được áp dụng sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất một công đoạn GTPL. Nguyên tắc này phục vụ trực tiếp nguyên tắc tôn trọng tính thống nhất của GTPL. Yêu cầu đặt ra là tất cả những lời GTPL được tiến hành bởi các cơ quan có thẩm quyền GTPL ở các cấp phải được tập hợp và hệ thống hoá bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào đó. Đây là một nhu cầu khách quan, thể hiện ở những khía cạnh sau.

Thứ nhất, theo thời gian, “kho sản phẩm” của công tác GTPL sẽ ngày một trở nên đồ sộ hơn. Sản phẩm của GTPL thường mang tính diễn giải chứ không mang tính khái quát và cô đọng như quy phạm pháp luật, vì vậy đến một lúc nào đó nếu không được hệ thống hoá thì sẽ rất khó khăn cho người sử dụng trong việc tìm kiếm những lời GTPL phù hợp.

Thứ hai, một trong những công dụng của GTPL như phân tích ở trên là góp phần hoàn thiện hoạt động lập pháp. Thông qua nội dung GTPL của các cơ quan có thẩm quyền mà trước tiên là các tòa án, các lỗ hổng của pháp luật thành văn sẽ được phát hiện và đồng thời các phương án khắc phục cũng sẽ được thử nghiệm. Cơ sở dữ liệu GTPL được hệ thống hóa sẽ tạo thuận lợi cho việc hoàn thiện đạo luật trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm áp dụng nó thông qua công tác GTPL đối với chính đạo luật đó.

Cuối cùng, GTPL thường được thực hiện bởi tòa án ở những cấp thẩm quyền khác nhau. Ngay trong một cấp thẩm quyền cũng có thể có nhiều tòa án có quyền GTPL. Điều đó dẫn tới một thực tế có thể xảy ra là cùng một quy phạm luật nhưng các tòa án giải thích khác nhau, hoặc có một quy phạm nào đó đã được một tòa án giải thích nhưng những tòa án khác không biết. Công tác hệ thống hóa GTPL được tiến hành bởi một cơ quan có thẩm quyền sẽ giúp giải quyết được vấn đề này và sẽ đảm bảo được sự thống nhất trong công tác giải thích cũng như áp dụng pháp luật.


[4] Statsky, sđd, chú thích 9, tr. 75, 76.

[5] Foster và Sule, sđd, chú thích 9, tr. 61.

[6] Statsky, sđd, chú thích 9, tr. 76-79.

[7] Foster và Sule, sđd, chú thích 9, tr. 62.

4. Kết luận

Khi đi nghiên cứu sâu hơn về chủ đề GTPL, nhà nghiên cứu có thể thấy mô hình GTPL ở các nước khác nhau có nhiều điểm khác nhau; tuy vậy, về nguyên tắc luôn có sự thống nhất cao trên phạm vi quốc tế về những vấn đề như sự cần thiết, tác dụng, vai trò, thẩm quyền, và các nguyên tắc của hoạt động GTPL. Sự thống nhất mang tính chất “mẫu số chung” này có thể được xem như nền tảng lý luận đáng tham khảo đối với bất kỳ quốc gia nào cho dù đang trong giai đoạn hình thành hay hoàn thiện công tác GTPL để phát huy hết tác dụng tích cực của hoạt động này trong hệ thống pháp luật nước mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Các hình thức và phương pháp giải thích pháp luật

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua


Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref