Bên trọng bên khinh là gì

Trong xã hội phong kiến, phụ nữ xuất giá tòng phu, ít có cơ hội và điều kiện để phụng dưỡng cha mẹ đẻ. Ngày nay, nam nữ bình quyền, tư tưởng đó đã trở nên lạc hậu, nhưng thực tế vẫn còn không ít gia đình chưa chịu thay đổi...

Chăm lo cho cha mẹ là trách nhiệm chung của con cái, đừng để rơi vào cảnh "bên trọng bên khinh". [Ảnh minh họa]

Sau khi nghe bố chồng gọi điện thông báo thu xếp một khoản tiền kha khá để ông lát nền và sơn sửa nhà, chuẩn bị đón Tết, chị Mai Phương, ở đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu đứng ngồi không yên. Khoản nợ tiền mua nhà từ mấy năm nay vẫn chưa trả hết, trong khi hàng tháng chị Phương vẫn đều đặn gửi tiền về biếu ông, dù đồng lương công chức của vợ chồng chị chẳng dư dả gì. Chị không khỏi có sự so sánh khi nghĩ về cha mẹ mình. Hàng tháng, lương hưu giáo viên của ba chị phải chi tiêu dè sẻn lắm mới đủ cho hai ông bà. Thỉnh thoảng chị qua lại thăm hỏi, lúc thì mua ít trái cây, khi là con cá, mớ rau chứ không có tiền để biếu ông bà Điều đó khiến chị luôn áy náy mỗi khi gửi tiền biếu bố chồng. Cũng vì suy nghĩ này của chị mà hầu như mỗi lần bàn đến chuyện thực hiện nghĩa vụ với gia đình hai bên là vợ chồng chị lại có sự tranh luận gay gắt. Anh Hải, chồng chị thì cho rằng, bố anh không có lương, lại lớn tuổi, mỗi tháng bớt chút tiền gửi về biếu ông là hợp lý, còn ba mẹ vợ dù sao cũng có lương hưu, lại còn khỏe và anh cũng biết chuyện thỉnh thoảng chị có mua quà cho ba mẹ.

Tương tự, mỗi khi có điện thoại từ bố mẹ chồng là chị Thu Lan [đường Nguyễn Hữu Cảnh, khu Chí Linh, phường 10, TP. Vũng Tàu] lại ngán ngẩm, vì lần nào cũng dính đến chuyện tiền. Theo chị Lan, bố mẹ chồng chị ở Bắc Giang, gia đình khá giả nhưng việc gì cần đến tiền là lại gõ đầu vợ chồng chị. Bố mẹ chồng chị quan niệm, chồng chị là con trưởng, lại được cho ăn học đầy đủ, giờ có thu nhập cao thì phải lo cho bố mẹ và các em. Anh Huy, chồng chị hầu như không dám có ý kiến gì trước yêu cầu của bố mẹ. Nhà chị có 2 chị em, cậu em đã lập gia đình và cũng có thu nhập khá, trong khi ba mẹ chị có nhà cho thuê nên chị không phải lo lắng về kinh tế cho ba mẹ mình. Dẫu thế, nhiều lúc chị không khỏi phiền lòng, bởi bố mẹ chồng chị luôn cho rằng bên nhà chị khá giả hơn thì vợ chồng chị không phải có nghĩa vụ tài chính với ba mẹ vợ. Cũng may, ba mẹ chị là người độ lượng, luôn động viên chị làm tròn nghĩa vụ dâu con, không để bất hòa với bố mẹ chồng.

Những lúc rảnh rỗi ngồi tán chuyện, bạn bè luôn tỏ vẻ ngưỡng mộ chị Minh Lý [khu Năm tầng, TP. Vũng Tàu], bởi chị rất được nhà chồng quý trọng. Chồng chị làm việc trong ngành dầu khí, chị làm ở một ngân hàng. Hai vợ chồng đều có thu nhập khá, trong khi ba mẹ chị có lương ổn định nên chị rất thoải mái trong chi tiêu, đặc biệt là làm nghĩa vụ với gia đình chồng. Thỉnh thoảng nhà chồng cần khoản tiền lớn để mua xe máy cho em chồng hay sửa nhà, mua sắm vật dụng... chị đều vui vẻ đáp ứng. Vì thế, chị rất được lòng nhà chồng. Chú em chồng thì coi chị là thần tượng và còn bảo chỉ chịu cưới vợ là cô gái nào có tính cách giống chị dâu. Ngay cả chồng chị cũng rất nể vợ và đối xử với gia đình chị rất tốt.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, ngày nay, nam nữ bình quyền, hơn nữa hầu như gia đình nào cũng chỉ có 2 con nên dù là con gái hay con trai đều quý như nhau. Khi đã có gia đình riêng, mỗi người cần có sự quan tâm đồng đều với hai bên gia đình nội ngoại chứ không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh. Dù là cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng, con cái cũng cần có nghĩa vụ phụng dưỡng như nhau. Để tránh bất hòa trong khi thực hiện nghĩa vụ với cha mẹ hai bên, các cặp vợ chồng nên thống nhất với nhau ngay từ đầu và hàng tháng nên để dành một khoản riêng để thực hiện nghĩa vụ đó.

ĐỨC NGUYÊN

;

Video liên quan

Chủ Đề