Bao nhiêu tuổi có 1 tỷ?

Sẽ không có con số lý tưởng cho một khoản tiết kiệm nào đó, bởi vì tiền tiết kiệm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như hoàn cảnh cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, nhận định chung là bạn nên xây dựng cho mình một tài khoản tiết kiệm đúng đắn ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho tương lai được tự do tài chính. 

Menu

1. Tại sao bạn phải tiết kiệm?

Nói đến việc tiết kiệm, sẽ có hơn một lý do chính đáng làm bạn cảm thấy phải bắt đầu tiết kiệm ngay từ bây giờ. Dưới đây là một vài lý do điển hình: 

  • Những rủi ro trong cuộc sống là điều không ai tính toán trước được. Những rủi ro bạn thường gặp như: đau ốm, bệnh tật, tai nạn,… Khi những rủi ro này xuất hiện và không có sự hỗ trợ từ nguồn tài chính bản thân, bạn sẽ rất dễ bị đẩy vào tình huống khó khăn.
  • Những kế hoạch tài chính như kinh doanh, mua sắm tài sản luôn cần khoản tài chính lớn. Tiết kiệm cũng là một trong những giải pháp đáng để bạn có thể thực hiện được những kế hoạch trong tương lai dễ dàng hơn.
  • Vươn đến độc lập tài chính: Bạn hoàn toàn có thể sử dụng nguồn tài chính của mình mà không phải phụ thuộc vào một cá nhân nào.

Mỗi cá nhân đều sẽ có cho mình những lý do khác nhau để thực hiện tiết kiệm. Và ai trong chúng ta cũng nên lên kế hoạch tiết kiệm thay vì xài hết số tiền mình kiếm được. Tích tiểu thành đại, bạn vừa có thể duy trì cuộc sống vừa có thể tạo dựng được cho mình khoản tài chính bền vững.

Trước 30 tuổi nên gửi tiết kiệm bao nhiêu? [Nguồn Internet]

2. Trước 30 tuổi tiết kiệm bao nhiêu là hợp lý?

Tiết kiệm bao nhiêu sẽ tùy vào khả năng và thu nhập của bạn.  Tuy nhiên, để đảm bảo việc tiết kiệm được ổn định, bạn có thể áp dụng công thức sau cho khoảng thu nhập hàng tháng của mình. Cụ thể, chia nhỏ khoảng thu nhập của mình vào 6 tài khoản chính, bao gồm:

  • Tài khoản chi tiêu cần thiết – 55%
  • Tài khoản tiết kiệm tiêu dùng cho tương lai – 10%
  • Tài khoản giáo dục – 5%
  • Tài khoản tự do tài chính – 10%
  • Tài khoản hưởng thụ – 10%
  • Tài khoản từ thiện – 10%

Như vậy, con số mà bạn có thể áp dụng tham khảo cho mình là nên tiết kiệm 10% tổng số thu nhập/ tháng. 

Từ con số này, bạn có thể dễ dàng tính được số tiền mình nên tiết kiệm trước 30 tuổi là bao nhiêu. Ví dụ, hiện tại bạn 26 tuổi với mức thu nhập hàng tháng là 20.000.000 VNĐ/tháng. Nếu áp dụng công thức trên, bạn có thể tiết kiệm được 96 triệu đồng vào tuổi 30. Nếu tích lũy được số tiền này, bạn có thể thảnh thơi gửi tiết kiệm và sinh lời mỗi tháng hoặc đầu tư cho dự án riêng sau 30 tuổi.

Biết cách đặt mục tiêu tiết kiệm tiền đúng là điều cực kỳ quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân.

Ở tuổi 30, Kim Thắng [Hà Nội], hiện đang làm quản lý nhân sự trong một tập đoàn đa quốc gia, chia sẻ quan điểm: "Nhiều khi mình cũng không hiểu nổi sao mọi người hay đặt mục tiêu 25 tuổi tiết kiệm được 100 triệu để làm gì? Đầu tư chứng khoán hay đất đai thì quá ít, nghỉ hưu hay tự do tài chính thì còn quá sớm, cưới vợ xây nhà cũng chẳng bõ bèn gì… Đối với mình, 25 tuổi mà có 100 triệu tiết kiệm thì là... thất bại! Không phải vì quá ít tiền, mà vì tiền này đã bị bạn bỏ quên ở ngân hàng trong vòng 3 năm [kể từ khi ra trường, đi làm và bắt đầu tiết kiệm]. Tính ra, cứ tưởng tiết kiệm được tiền nhưng đâu ngờ đó là khoản lãng phí nhất, nếu như bạn cứ đóng hụi chúng ở một chỗ!"

Cũng chung quan điểm rằng, việc tiết kiệm được 100 triệu ở tuổi 25, không khác gì bạn đang giữ tiền chết, Dũng Nguyễn [Bắc Giang, Quan hệ công chúng] đưa ra ý kiến: "Mình từng có những cuộc trò chuyện với các bạn sinh viên mới ra trường, đi làm và có ý an phận, thì đa số mọi người thường đi theo con đường: đi làm - nhận lương - tiết kiệm. Đối với những người có khả năng học hỏi, phấn đấu, thì việc đặt mục tiêu tiết kiệm 100 triệu ở tuổi 25 thực sự là lãng phí, là khoản tiền chết và gần như là việc làm vô nghĩa. Vậy nên, việc biết cách đặt mục tiêu tài chính đối với từng giai đoạn trong cuộc đời là cực kỳ quan trọng!”.

Với những người đã bước qua giai đoạn tuổi đôi mươi, họ hiểu rõ rằng việc đầu tư cho bản thân quan trọng đến thế nào. Nếu học theo những cột mốc tiết kiệm chung của người trẻ, có đôi khi bạn sẽ bỏ lỡ  nhiều cơ hội kiếm tiền lớn hơn trong tương lai.

Không đặt mục tiêu tiết kiệm 100 triệu ở tuổi 25

Từng trải qua giai đoạn chạy đua theo bạn bè, Kim Thắng hiểu được nỗi lo của rất nhiều người trẻ khi đứng trước áp lực đồng trang lứa. Thắng cho biết: "Mình vẫn nhớ như in khoảng thời gian 6 năm trước, khi mới ra trường đi làm được vài năm. Tuổi 23-24 nhiều bạn đã có khoản tiết kiệm trăm triệu, xe ô tô, thậm chí có cả nhà riêng và đất đai. Mình không phủ nhận sự cố gắng của nhiều người trẻ, nhưng lúc đó những người bạn có của ăn của để đều có hậu thuẫn từ gia đình rất tốt. Bản thân mình cũng thầm ngưỡng mộ họ, và đặt mục tiêu tiết kiệm tiền cho bản thân khi đó: Phải có được cuốn sổ tiết kiệm trăm triệu trước tuổi 25.

Không nên đặt mục tiêu tiết kiệm trăm triệu trước tuổi 25 [Ảnh minh họa Pinterest]

Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, mình mới thấy mục tiêu đó sai lầm đến chừng nào. Càng được rèn giũa, mình nhận ra được một điều rằng: Ra trường đi làm, còn non nớt, lại từ vạch xuất phát chẳng có hỗ trợ từ gia đình, thì kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ là thứ cần được đầu tư nhiều nhất. Chứ không phải vài con số trong sổ tiết kiệm. Nếu khi đó, mình khăng khăng giữ cái mục tiêu ngớ ngẩn ấy, thì chắc chắn đã không có ngày hôm nay. Mình cũng cảm thấy may mắn khi được khai sáng từ sếp và các anh chị từng trải. Từ năm 25 tuổi đó, mình có một mục tiêu khác: Phải đạt được mức thu nhập cao hơn mức 100 triệu kia trong thời gian ngắn nhất.

Kể từ đó, tiền lương hàng tháng của mình được giữ lại một chút để chi trả chi phí sinh hoạt, một chút bỏ vào tài khoản dự phòng cần dùng khi khẩn cấp, và số còn lại là tập trung đầu tư cho kiến thức, quan hệ, từ bỏ những ước mơ bé khi trước. Và kết quả, chỉ 2-3 năm sau, việc kiếm 100 triệu đã không còn khó khăn tới mức mình phải mơ nữa”,

Với Dũng Nguyễn, trước tuổi 25 lương cứng chỉ hơn 8 triệu/tháng một chút: "Ngày đó thì mức lương 8 triệu cũng không phải thấp. Mình nhận lương đều và hàng tháng trích khoảng 5 triệu gửi về cho mẹ giữ. Không đầu tư học hành gì cả.

Mãi cho đến năm 2020, khi mức lương tăng lên 18 triệu/tháng, mình mới nhận ra được mức độ quan trọng của trình độ. Với những người đi làm thuê, cách nâng cao thu nhập dễ dàng nhất là nâng cao kiến thức, kỹ năng. Bắt đầu từ đó, mình đầu tư một ít để học thêm. Cố gắng mỗi ngày dành dụm thời gian để học hỏi thêm một chút. Không chỉ là những bài học về chuyên ngành, mà còn liên quan đến tài chính, đầu tư, cũng khá hiệu quả. Tính đến năm 2022, lương cứng mình đạt mức 28 triệu/tháng, chưa tính hoa hồng và hỗ trợ thêm. Hiện tại, ngoài thu nhập từ lương, mình còn có thu nhập từ những khoản đầu tư tài chính khác. Sổ tiết kiệm cũng hơn 1 tỷ và 1 căn nhà 2 tầng tại thành phố Bắc Giang. Không phải quá nhiều nhưng với người làm công ăn lương, cày quần quật thì cũng là thành tựu nhỏ ở tuổi 29”.

Cách đầu tư đúng cho những người trẻ ở tuổi ngoài 20

Trong khi nhiều người an phận với suy nghĩ tiết kiệm tiền là điều quan trọng nhất, thì cả Kim Thắng và Dũng Nguyễn đều đem tiền của mình đầu tư vào bản thân: “Nếu bạn sử dụng số tiền này thông minh hơn, bằng cách đầu tư vào bản thân, đầu tư vào kiến thức, chăm sóc sức khỏe tài chính và tinh thần, tham gia vào các buổi giao lưu mở rộng quan hệ trong lĩnh vực mình đang làm... thay vì để tiền tiết kiệm, chi tiêu dè sẻn và chẳng làm gì, thì mức thu nhập của 5-10 năm sau sẽ là mức mà bạn khó có thể tưởng tượng được. Và chắc chắn con số bạn có được sẽ không dừng lại ở mức trăm triệu”.

Khi còn trẻ, nhất là độ tuổi 20 thì đừng quá quan tâm đến việc tiết kiệm được bao nhiêu. Thay vào đó, hãy đầu tư để phát triển bản thân. [Ảnh minh họa Pinterest]

Việc để tiền tiết kiệm không sai, nhưng quan trọng bạn phải có mục đích rõ ràng cho khoản tiền được tích lũy đấy. Kim Thắng giải thích: "Tiền tiết kiệm không phải là tiền chết - Nếu như bạn có tính toán rõ ràng với khoản tiền được để ra đó. Còn việc chỉ để tiền trong tài khoản ngân hàng thì gọi là tiền chết cũng không oan.

Trong quá trình đầu tư cho bản thân, nâng cao chuyên môn, chăm sóc sức khỏe, mình cũng không hoàn toàn cắt bỏ việc tiết kiệm. Mình vẫn để dư ra một khoản nhỏ để giữ an toàn cho bản thân trong quán trình trau dồi và phát triển.

Lời khuyên năm 30 tuổi của mình, là không ngừng trau dồi bản thân, học thêm ngoại ngữ, học thêm các chuyên ngành liên quan… Trong những năm 20 tuổi, đừng quá chú trọng việc sẽ làm dư được bao nhiêu tiền. Thay vào đó hãy đầu tư để làm tăng giá trị của bản thân, tạo một nền tảng vững chắc cho tương lai sau này”.

Dũng Nguyễn cũng mang suy nghĩ: "Muốn bắt được cá lớn, thì cần câu phải dài và mồi phải thơm. Chẳng ai dùng mồi bé mà câu được cá lớn cả. Vậy nên, ở những năm tháng đầu óc còn nhanh nhạy, tuổi trẻ còn nhiệt huyết, thì không nên chạy theo những cuộc đua tiền bạc nông nổi. Trước khi nghĩ đến tiết kiệm, hãy nghĩ xa hơn mục tiêu cho 5-10 năm tới. Để từ đó, vạch ra cho mình một kế hoạch phát triển cả bản thân lẫn tư duy về tài chính. Độ tuổi 20 là lúc tốt nhất để tạo những bước đệm vững chắc cho tương lai”.

Chủ Đề