bao nhiêu ngày kể từ 30/4/2011

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 năm 2016

PHẦN I- TIN ĐIỆN BIỂN

* Vietnam Plus [21/9]: Khởi tố hình sự vụ khai thác gỗ nghiến trái phép tại Tuần Giáo

Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo ra quyết định khởi tố hình sự vụ khai thác hàng chục cây gỗ nghiến cổ thụ trên địa bàn vùng giáp ranh giữa hai huyện Tuần Giáo và Tủa Chùa. Ngày 20/9, Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo [Điện Biên] đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội vi phạm các quy định về bảo vệ rừng.

Đây là vụ việc liên quan đến tình trạng khai thác hàng chục cây gỗ nghiến cổ thụ trên địa bàn vùng giáp ranh giữa hai huyện Tuần Giáo và Tủa Chùa.

Ông Đinh Mạnh Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo cho biết, sau khi điều tra, xác định có dấu hiệu tội phạm vi phạm về khai thác và bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo để tiếp tục điều tra khởi tố bị can.

Địa điểm xảy ra vụ việc trên được xác định ở tại Khoảnh 2, Tiểu khu 573 và Khoảnh 1 Tiểu khu 574, thuộc khu rừng bản Khua Trá, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo. Sau khi điều tra, đo đếm tại hiện trường, xác định có 6 cây gỗ nghiến thuộc khu vực rừng sản xuất với tổng khối lượng 50m3, 1 cây ở rừng phòng hộ có khối lượng 24m3 đã bị lâm tặc chặt hạ và khai thác trái phép.

Trước đó, từ ngày 16/8 TTXVN đã có loạt bài và phóng sự truyền hình, phản ánh tình trạng khai thác trái phép gỗ nghiến nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn xã Phình Sáng [huyện Tuần Giáo] và xã Mường Đun [huyện Tủa Chùa].

Trước những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo đã rất cầu thị, thừa nhận sự việc trên và nhanh chóng triển khai điều tra, làm rõ vụ việc. Trong khi đó, chính quyền huyện Tủa Chùa ban đầu không thừa nhận.

Nhưng trước những chứng cứ ghi được tại hiện trường của nhóm phóng viên, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa đã phải công nhận có tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép đang diễn ra trên địa bàn huyện này. Theo thông tin ban đầu, Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đang tiếp tục điều tra, xác minh tình trạng khai thác rừng gỗ nghiến trái phép diễn ra trên địa bàn, hiện chưa ra quyết định khởi tố vụ án này.

* Điện Biên TV [21/9]: Sạt lở tại Mốc 4 từ km 45 vào xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ

Do chịu ảnh hưởng của nhiều trận mưa từ đầu tháng 9, tuyến đường từ km 45 vào trung tâm xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của các phương tiện khi đi qua tuyến đường này. Đặc biệt là điểm sạt lở tại Mốc 4 thuộc bản Nậm Đích, xã Chà Nưa

Tại vị trí này, xuất hiện điểm sạt lở lớn từ bên phía mái ta luy dương, làm cho đất đá tràn xuống lòng đường. Mặc dù tại điểm này thường xuyên được đơn vị thi công tiến hành hót sụt sạt để đảm bảo giao thông thông suốt. Tuy nhiên, do kết cấu địa chất yếu, nên mỗi khi có mưa thì đất đá lại tràn xuống lòng đường.

Ngay tại thời điểm phóng viên ghi hình, xe máy phải có 2 đến 3 người cùng đẩy mới có thể di chuyển được, còn lại ô tô không thể di chuyển từ Nà Hỳ đi ra km 45 và ngược trở lại. Bên phía ta luy dương vẫn còn hàng ngàn khối đất đá đã có dấu hiệu sạt trượt, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi đi qua tuyến đường này.

Ngoài vị trí trên, dọc theo tuyến đường từ km 45 đi vào trung tâm xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ còn xuất hiện hàng chục điểm sạt lở ở 2 bên mái ta luy. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông qua tuyến đường này, đơn vị chủ đầu tư cần chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu đang thi công cải tạo, nâng cấp tại các gói thầu thuộc tuyến đường km 45 vào Nà Hỳ sớm có phương án xử lý, khắc phục các điểm sụt sạt.

* Điện Biên TV [19/9]: Tp.Điện Biên Phủ: Tình trạng đỗ xe lòng, lề đường diễn ra khá phổ biến

Tình trạng lấn chiếm lòng đường tại đường Hoàng Văn Thái cũng là tình trạng chung diễn tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Tp. Điện Biên Phủ, không chỉ đỗ hàng nhiều giờ đồng hồ mà các xe ô tô ngang nhiên nối đuôi nhau hàng dài. Theo Luật Giao thông đường bộ. Điều 19, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Hiện nay, Tình trạng xe ô tô đậu lấn chiếm lòng lề đường tại nhiều tuyến phố trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thiết nghĩ các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng CSGT cần vào cuộc nhành chóng để giảm thiểu tình trạng này.

* Báo Điện Biên Phủ [20/9]: Huyện Tuần Giáo cần ưu tiên thanh toán nợ cho các công trình thiết yếu

Tiếp tục chương trình giám sát tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản [XDCB] và các dự án đã phê duyệt chậm triển khai thực hiện, ngày 19/9, đoàn giám sát HĐND tỉnh do đồng chí Vùi Văn Nguyện, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách làm trưởng đoàn làm việc tại huyện Tuần Giáo.

Đến hết tháng 6/2016, số nợ đọng XDCB của huyện Tuần Giáo là 79,226 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách huyện hơn 8,388 tỷ đồng; nguồn vốn giảm nghèo [Chương trình 135] là 6,771 tỷ đồng; nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: gần 3,9 tỷ đồng; nguồn vốn do tỉnh quản lý 26,281 tỷ đồng; đặc biệt, vốn khắc phục hậu quả thiên tai năm 2015 là 33,889 tỷ đồng [chiếm trên 42,7% tổng số nợ đọng của huyện]. Số vốn đã bố trí để xử lý nợ đọng trong XDCB kế hoạch năm 2016 là trên 22,226 tỷ đồng; nợ đọng XDCB tiếp tục xử lý trong kế hoạch trung hạn 5 năm 2016 2020 là 79,226 tỷ đồng. Về các dự án đã được phê duyệt đầu tư nhưng chậm triển khai thực hiện tính đến 30/6/2016, có 1 dự án là công trình nắn suối và tái định cư thị trấn Tuần Giáo [giai đoạn 2] với tổng mức đầu tư 11,826 tỷ đồng; vốn đã bố trí năm 2015 dành cho công tác giải phóng mặt bằng [GPMB] 2 tỷ đồng, vốn bố trí 2016 là 4,7 tỷ đồng. Nguyên nhân do trong mùa mưa, việc thi công phải tạm dừng.

Hạn chế trong đầu tư XDCB thời gian qua là: Một số dự án không bố trí dứt điểm, còn kéo dài qua các năm; công tác GPMB một số dự án trên địa bàn huyện còn chậm; phân bổ vốn cho các công trình còn dàn trải trong khi ngân sách huyện không đáp ứng được. Mưa lũ liên tiếp xảy ra trong 2 năm 2014 2015, nhất là mùa mưa lũ năm 2015 phạm vi ảnh hưởng rộng, sức tàn phá lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân với tổng thiệt hại trên toàn huyện lên đến 108,1 tỷ đồng. Huyện Tuần Giáo không đưa số nợ đọng 33,889 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai năm 2015 vào kế hoạch vốn trung hạn mà sẽ cân đối vào nguồn ngân sách địa phương, đồng thời đề nghị sự phối hợp, giúp đỡ của Sở Tài chính và UBND tỉnh.

Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Vùi Văn Nguyện đề nghị: Các dự án chậm thực hiện, huyện cần cần triển khai ngay khi kết thúc mùa mưa, tránh để lỡ tiến độ; lựa chọn, ưu tiên thanh toán nợ cho các công trình thiết yếu; kiểm soát chặt chẽ việc lập, phê duyệt dự án đầu tư theo thẩm quyền đúng quy định. UBND huyện cần rà soát, phối hợp, thống nhất với Sở Tài chính để đưa ra các số liệu về nợ đọng XDCB trên địa bàn chính xác, kịp thời.

* Báo Điện Biên Phủ [20/9]: 10 xã có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, toàn tỉnh hiện có 10 xã có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Cụ thể, huyện Mường Ảng có xã Xuân Lao và Nặm Lịch; huyện Tuần Giáo có xã Quài Cang và Mường Mùn; huyện Tủa Chùa có xã Huổi Só và Sính Phình; huyện Mường Nhé có xã Quảng Lâm và Mường Toong và 2 xã Hừa Ngài, Sa Lông của huyện Mường Chà.

Danh sách các xã được thống kê trên cơ sở đối chiếu với bản đồ hiện trạng và phân vùng trượt sạt lở đất, đá các tỉnh miền núi. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị sự quan tâm giúp đỡ của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để có các biện pháp ổn định dân cư vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá.

* Báo Điện Biên Phủ [20/9]: Na Son mong có cầu kiên cố qua suối Huổi Nhóng

Suối Huổi Nhóng cắt ngang đường vào xã Na Son, huyện Điện Biên Đông. Để vào xã có thể đi qua đập tràn và 1 cầu treo dân sinh; tuy nhiên vào mùa mưa lũ đập tràn bị cuốn trôi, mọi giao thương của xã với bên ngoài gần như bị ngưng trệ vì cả xã chỉ có thể đi qua 1 cây cầu treo dân sinh.

Mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại trên cầu treo, khó khăn lớn nhất đối với người dân là việc vận chuyển nông sản [ngô, thóc, sắn,...]. Cầu nhỏ, khi đập tràn không còn người dân phải vận chuyển từng bao thóc, ngô qua cầu treo tập kết lại để bán cho tiểu thương. Không chỉ vậy, vì đường sá đi lại khó khăn nên việc bán nông sản và thực phẩm của người dân luôn bị tiểu thương ép giá.

Ông Lò Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Na Son, cho biết: Xã gồm 17 bản, 839 hộ với 3.861 khẩu, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, trồng trọt chăn nuôi. Đã nhiều năm nay, tuyến đường từ huyện vào xã chưa được rải nhựa, đoạn qua suối Huổi Nhóng chỉ làm đập tràn để đi lại vào mùa khô nước rút, còn mùa mưa lũ nước lớn cuốn trôi cả đập tràn, người dân chỉ có thể đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa, nông sản qua cầu treo. Năm nào huyện cũng mất kinh phí sửa chữa đập tràn. Nhiều năm nay, chính quyền và nhân dân xã cũng đã kiến nghị với chính quyền các cấp, mong có một cây cầu vững chắc, kiên cố an toàn để thuận tiện trong việc đi lại, giao thương của người dân trong xã.

Để đảm bảo an toàn và thúc đẩy kinh tế - xã hội ở xã Na Son, mong cơ quan chức năng sớm xem xét đáp ứng mong mỏi của bà con nơi đây: Mong có một cây cầu kiên cố, xe ô tô đi lại được quanh năm...

* Báo Điện Biên Phủ [19/9]: Nan giải việc ngăn chặn dân di cư tự do

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Nhé, từ năm 2006 đến ngày 22/7/2016, trên địa bàn có 1.212 hộ [6.896 khẩu] DCTD đến. Số dân DCTD đến trước thời điểm 30/4/2011 là 498 hộ [2.730 nhân khẩu]. Trong đó, dân DCTD ngoại tỉnh đến 237 hộ [1.298 nhân khẩu]; nội tỉnh 261 hộ [1.432 nhân khẩu]. Dân DCTD đến địa bàn sau thời điểm 30/4/2011 hiện sinh sống trên địa bàn là 352 hộ [1.825 nhân khẩu]. Trong đó, dân DCTD ngoại tỉnh là 181 hộ [947 nhân khẩu]; nội tỉnh là 171 hộ [878 nhân khẩu]. Các xã tập trung nhiều dân DCTD là: Chung Chải, Mường Nhé, Quảng Lâm...

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Dân DCTD tăng mạnh trên địa bàn huyện trong những năm qua là nguyên nhân phá vỡ quy hoạch bố trí, sắp xếp, quản lý và ổn định dân cư, quy hoạch sản xuất trên địa bàn... Dân DCTD là thủ phạm chính phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, huỷ hoại môi trường, sinh thái. Điển hình là trong tháng 4/2007, dân DCTD đã chặt phá trên 100ha rừng, trong đó có hàng chục héc ta thuộc vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Thời gian gần đây, nạn phá rừng trái phép lại bùng phát mạnh mẽ. Từ đầu năm 2015 đến ngày 10/6/2016, các cơ quan chức năng phát hiện trên địa bàn huyện có 313 vụ phá rừng trái pháp luật, với tổng diện tích rừng bị phá gần 300ha.

Theo nội dung Văn bản số 1111/UBND-NN ngày 27/4/2016 của UBND tỉnh Điện Biên về việc đề nghị phối hợp giải quyết dân DCTD của các tỉnh, các huyện trong tỉnh đến địa bàn huyện Mường Nhé sau ngày 30/4/2011 trở về nơi ở cũ thì: các tỉnh, các huyện có dân DCTD đến Mường Nhé chủ động xây dựng phương án đón dân trở về... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Khó khăn đầu tiên là các cơ quan chức năng rất khó tiếp cận dân DCTD đến sau thời điểm 30/4/2011 để tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Một phần lý do là hầu hết dân DCTD đến Mường Nhé thuộc diện hộ đói, nghèo; thành viên các hộ hầu hết mù chữ, số người thông thạo tiếng phổ thông rất ít. Đặc biệt, một số nhóm dân DCTD có tỷ lệ người mắc các tệ nạn xã hội như: nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp rất cao nên luôn có tâm lý không muốn tiếp xúc với đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ khi họ [dân DCTD thời điểm sau ngày 30/4/2011] biết chủ trương của tỉnh là vận động đưa về quê cũ thì việc tiếp cận những nhóm người này càng khó khăn hơn.

Một hạn chế cần được nhắc đến là công tác quản lý đất đai, quản lý rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé chưa chặt chẽ. Hầu hết các vụ việc dân DCTD phá rừng, cải tạo các bãi bồi làm nương, ruộng được phát hiện chậm. Một số khoảnh rừng đầu nguồn, phòng hộ, thậm chí là rừng đặc dụng trên địa bàn các xã: Chung Chải, Mường Nhé, Leng Su Sìn bị tàn phá làm nương chỉ được các cơ quan chức năng phát hiện khi lúa, ngô đã lên xanh, hoặc dân DCTD đã canh tác ở đó vài vụ ngô, lúa. Việc phát hiện xử lý dân DCTD đã và sẽ gặp nhiều khó khăn khi một số hộ dân trên địa bàn [chủ yếu là dân DCTD đến trước thời điểm 30/4/2011] có mối quan hệ họ hàng với những nhóm DCTD mới, nên không những không khai báo với các cơ quan chức năng về tình hình DCTD mà còn sẵn sàng bao che, mách đường, chỉ lối để dân DCTD đến sau lẩn trốn, ứng phó...

* Báo Điện Biên Phủ [20/9]: Xã Ẳng Nưa phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2016

Tính đến hết tháng 8/2016, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới [NTM]. Trong đó, có những tiêu chí quan trọng, thuộc nhóm khó với đặc thù ở tỉnh ta như: tiêu chí số 2 về giao thông, tiêu chí số 7 về chợ, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên

Cụ thể, về giao thông: đường trục xã, liên xã đã được cứng hóa, rải cấp phối 17,9km; đường trục thôn đã cứng hóa 11,02km; đường nội đồng cứng hóa 81%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 91,1%. Trong 3 tiêu chí chưa hoàn thành là: tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư và tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo. Hiện nay, xã đang hoàn thiện công trình Nhà Văn hóa xã [trong tháng 10/2016], phấn đấu hoàn thành 2 nhà văn hóa bản còn lại trong năm 2016; 59 nhà dột nát trên địa bàn sẽ được xóa trong năm từ nguồn vốn vay theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và nguồn hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Tiêu chí khó thực hiện nhất hiện nay đối với xã Ẳng Nưa là tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo với 48,61% hộ nghèo [theo chuẩn nghèo đa chiều]. Xã Ẳng Nưa đang nỗ lực phấn đấu nâng cao các tiêu chí giảm nghèo thành phần, chế độ chính sách để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM trong năm 2016.

* HQ Online [21/9]: 93% doanh nghiệp đã đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử

Mục tiêu mà Tổng cục Thuế đặt ra đến tháng 12-2016 có 95% doanh nghiệp nộp thuế điện tử trên cả 3 tiêu chí đăng kí nộp thuế điện tử, số lượng chứng từ nộp thuế điện tử và số tiền thực nộp vào NSNN bằng hình thức điện tử. Tổng cục Thuế đặt mục tiêu đến tháng 12-2016 có 95% doanh nghiệp nộp thuế điện tử trên cả 3 tiêu chí.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 8-2016, cả nước đã có trên 512 nghìn DN đã hoàn thành đăng ký dịch vụ với các Ngân hàng thương mại trên tổng số 554 nghìn DN đang hoạt động [đạt tỷ lệ 93%]. Tổng số tiền đã nộp vào NSNN từ 1-1-2016 đến nay đạt trên 297 nghìn tỷ đồng [riêng tháng 8 đạt tỷ lệ 73% số tiền nộp thuế qua hình thức điện tử] và trên 1,6 triệu giao dịch nộp thuế điện tử [tháng 8 đạt tỷ lệ 79% lượt giao dịch điện tử].

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế biểu dương kết quả triển khai của Cục Thuế Thái Nguyên đã đạt chỉ tiêu 95% trở lên đối với cả 3 tiêu chí trong tháng 8.

Trong tháng 8, chỉ tiêu tỷ lệ DN đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đã có kết quả như sau: 33/63 Cục Thuế đạt tỷ lệ từ 95%; 28/63 Cục Thuế đạt tỷ lên trên 90%; 2/63 Cục Thuế đạt tỷ lệ dưới 90% [Đồng Nai, Lạng Sơn].

Về chỉ tiêu tỷ lệ giao dịch trong tháng được thực hiện bằng phương thức điện tử: chỉ có duy nhất Cục Thuế Thái Nguyên đạt tỷ lệ từ 95% trở lên; 40/63 Cục Thuế đạt tỷ lệ từ 70-94%; 19/63 Cục Thuế đạt tỷ lệ từ 50 đến dưới 70%; 3 Cục Thuế đạt tỷ lệ dưới 50% [Hà Giang; Lai Châu; Điện Biên].

Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố chưa đạt kết quả triển khai qua nộp thuế điện tử [dưới 95%] tiếp tục chỉ đạo các phòng, Chi cục Thuế tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ DN thực hiện nộp thuế điện tử đảm bảo tối thiểu đến tháng 12-2016 đạt tỷ lệ 95% doanh nghiệp nộp thuế điện tử trên cả 3 tiêu chí [Đăng kí nộp thuế điện tử, số lượng chứng từ nộp thuế điện tử và số tiền thực nộp vào NSNN bằng hình thức điện tử].

PHẦN II: TIN TỨC THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

* Kênh VTV1 Chuyển động 24h lúc 18h37 ngày [18/9]: Người dân hào hứng với đề xuất công khai báo cáo tài chính nhà nước

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về quy định công khai báo cáo tài chính của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đến người dân. Ngay sau khi Bộ Tài chính đề xuất, quy định này đã nhận được sự ủng hộ tích cực.

Hiện nay, các thông tin thu chi ngân sách, sử dụng tài sản của Nhà nước từ địa phương đến trung ương chỉ có một chiều từ dưới đi lên, từ các địa phương lên Bộ Tài chính, Chính phủ sau đó báo cáo lên Quốc hội. Nhưng từ năm 2018, lần đầu tiên, những báo cáo này có thể sẽ được công khai minh bạch để mọi người dân được biết và giám sát.

* Kênh VTV1 Bản tin Tài chính Kinh doanh lúc 12h42 ngày [18/9]: Vì sao Bộ Tài chính công khai báo cáo tài chính vào thời điểm này?

Công khai ngân sách quốc gia là chủ trương lớn của ngành tài chính. Song, vì sao Bộ Tài chính lại chọn thời điểm này để đưa ra dự thảo nghị định công khai báo cáo tài chính?

Trao đổi với phóng viên VTV24, ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, đơn vị được Bộ Tài chính giao soạn thảo quy định này cho biết, nhiệm kỳ Chính phủ mới theo phát ngôn của Thủ tướng là Chính phủ liêm chính, Chính phủ hướng đến người dân, nên công khai hóa báo cáo tài chính đất nước là thực hiện các mục tiêu chiến lược của Bộ Chính trị cũng như của Chính phủ nhiệm kỳ này.

Theo ông Hà, việc đưa báo cáo tài chính để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, các tổ chức, người dân ở thời điểm này là chín muồi và tạo điều kiện cho ngành tài chính, cho Chính phủ công khai hóa tình hình tài chính đất nước ở cấp độ Chính phủ, cũng như chính quyền địa phương.

* Kênh VTV1 Chuyển động 24h ngày [18/9]: Công khai báo tài chính Quốc gia: Khẳng định sự minh bạch và mở cửa

Dự thảo của Bộ Tài chính về công khai báo cáo tài chính Quốc gia từ năm 2018 đã và đang nhận được những ý kiến tích cực từ các nhà đầu tư cũng như chuyên gia kinh tế.

Liên quan tới dự thảo của Bộ Tài chính về công khai báo cáo tài chính Quốc gia, một số tổ chức quốc tế vừa đưa ra nhận định, đây rất có thể sẽ là bước nối tiếp sau hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế thời gian qua của Chính phủ Việt Nam như: Lập cổng thông tin Đầu tư Việt Nam, lập đường dây nóng của lãnh đạo tỉnh, thành phố hay miễn thị thực cho 5 quốc gia EU

Theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Eurocham, cùng với hàng loạt chính sách đó, việc lần đầu tiên công khai toàn bộ báo cáo tài chính Nhà nước sẽ là cách để Việt Nam khẳng định mình là quốc gia minh bạch và mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài

Ngân hàng Thế giới cho biết, hiện đang góp ý trực tiếp cho Bộ Tài chính về dự thảo này. Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, trên thị trường vốn quốc tế, minh bạch còn đồng nghĩa với chi phí vốn vay thấp.

Ông Sebastian cũng nhấn mạnh, hàng loạt các chỉ số quốc tế về minh bạch đều lấy việc công khai báo cáo tài chính là một trong những tiêu chí đánh giá. Do đó, đây là cơ sở để lượng hóa và nâng hạng mức độ minh bạch của Việt Nam trong các cuộc đánh giá thời gian tới.

Đánh giá cao đề xuất này trong lộ trình minh bạch hoá tài chính công của Bộ Tài chính, một số tổ chức quốc tế cũng cho rằng, công khai báo cáo tài chính của từng địa phương còn là cơ sở để đánh giá chỉ số cạnh tranh của từng địa phương, đảm bảo minh bạch và công khai.

CHÍNH SÁCH MỚI

* TVPL [20/9]: Chính sách tiền lương, y tế, kiểm toán có hiệu lực giữa 9/2016

Sau đây là những chính sách mới nổi bật về tiền lương, y tế, kiểm toán, xử phạt vi phạm hành chính bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11 - 20/9/2016.

1. Sửa đổi hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Nghị định117/2016/NĐ-CPsửa đổi Nghị định204/2004/NĐ-CPvề chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ ngày 15/9/2016. Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo [bầu cử, bổ nhiệm] như sau:

- Thống nhất hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Cục thuộc Bộ:

+ Cục trưởng thuộc Bộ: 1,00

+ Phó Cục trưởng thuộc Bộ: 0,80

+ Trưởng phòng [Ban] và tổ chức tương đương: 0,60

+ Phó trưởng phòng [Ban] và tổ chức tương đương: 0,40

- Bổ sung hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với tổ chức sự nghiệp thuộc Cục thuộc Bộ:

+ Giám đốc: 0,60

+ Phó Giám đốc: 0,40

+ Trưởng phòng: 0,30

+ Phó Trưởng phòng: 0,20

2. 39 chuẩn mực kiểm toán nhà nước mới

Kiểm toán Nhà nước ban hành Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước kèm theo Quyết định02/2016/QĐ-KTNNngày 15/7/2016. Theo đó, hệ thống bao gồm 39 chuẩn mực kiểm toán nhà nước và Danh mục thuật ngữ sử dụng trong Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nướccó số hiệu và tên gọi cụ thể.

Quyết định02/2016/QĐ-KTNNcó hiệu lực từ ngày 15/9/2016, đồng thời thay thế Quyết định06/2010/QĐ-KTNN, Quyết định01/2014/QĐ-KTNN, Quyết định02/2014/QĐ-KTNN, Quyết định03/2014/QĐ-KTNNvà Quyết định 04/2014/ QĐ-KTNN.
3. Quy định về khiếu nại của đơn vị được kiểm toán

Quyết định03/2016/QĐ-KTNNvề Quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán có hiệu lực từ ngày 11/9/2016. Theo đó:

- Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại có đóng dấu và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của đơn vị được kiểm toán [hoặc người được ủy quyền].

- Thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán.

- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 65 ngày, kể từ ngày thụ lý; Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý.

4. Quy định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất

Từ ngày 15/9/2016, Nghị định115/2016/NĐ-CPsửa đổi Nghị định163/2013/NĐ-CPquy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế [sau đây gọi chung là hóa chất]:

- Phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về buôn bán hóa chất.

- Phạt tiền đến 3 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa chất.

- Phạt tiền đến 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về vận chuyển hóa chất.

- Phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu hóa chất.

- Phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về khảo nghiệm, nhãn hàng hóa, quảng cáo hóa chất.

5. Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 26/8/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư133/2016/TT-BTChướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2017.

Trong đó, có một số quy định mang lại sự chủ động cho doanh nghiệp như sau:

- Không phải đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận khi mở thêm các tài khoản cấp 2, 3 đối với những tài khoản không có quy định tài khoản cấp 2, 3 thuộc DMTKKT tại Phụ lục 1 Thông tư này.

- Được chi tiết các chỉ tiêu có sẵn của hệ thống Báo cáo tài chính cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của mình.

- Được tự thiết kế mẫu chứng từ, biểu mẫu số, thẻ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp nhưng phải phù hợp với các quy đinh của pháp luật về kế toán.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được lựa chọn áp dụng chế độ kế toán theo quy định tại Thông tư133/2016/TT-BTChoặc tiếp tục thực hiện theo Thông tư200/2014/TT-BTCnhưng phải báo cho BTC và nhất quán trong năm tài chính.

6. Tiền chậm nộp thuế chỉ còn 0,03%/ngày

Thông tư130/2016/TT-BTCsửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư156/2013/TT-BTChướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Theo đó, người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế được nộp dần theo mức 0,03%/ngày được nộp dần thay vì mức 0,05% như tại Thông tư156/2013/TT-BTC. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cách xác định tiền chậm nộp tiền thuế như sau:

- Khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/7/2016 được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

- Khoản tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 01/7/2016 nhưng sau ngày 01/7/2016 vẫn chưa nộp thì:

+ Trước ngày 01/01/2015: tính phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định tạiLuật quản lý thuế 2006,Luật quản lý thuế sửa đổi 2012;

+ Từ ngày 01/01/2015: tính tiền chậm nộp theo quy định tạiLuật sửa đổi các luật về thuế 2014.

+ Từ ngày 01/7/2016: tính tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày.

* Pháp Luật TPHCM [18/9]: Lấy ý kiến doanh nghiệp về tăng lương

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và Trà Vinh về việc rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2017.

Bộ cho hay đang dự thảo tờ trình Chính phủ nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2017. Theo đó, dự kiến mức lương tối thiểu vùng năm 2017 từ 3,75 triệu đồng, 3,32 triệu đồng, 2,9 triệu đồng, 2,58 triệu đồng/tháng, tương ứng với các vùng từ I đến IV [tăng bình quân 7,3% so với năm 2016].

Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn cũng như các chỉ tiêu kinh tế-xã hội dự kiến tăng thấp so với kế hoạch nên Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh trên cân nhắc việc điều chỉnh địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu năm 2017 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư trên địa bàn.

Trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh thấy địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại địa phương quá bất hợp lý thì chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức trao đổi lấy ý kiến các đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan. Sau đó có văn bản gửi về Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 30/9 để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

* Tuổi Trẻ [18/9]: Đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá bán lẻ điện và thóc, gạo

Tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 177 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, Bộ Tài chính vừa có đề xuất bỏ nội dung lập quỹ bình ổn giá đối với điện bán lẻ và thóc, gạo tẻ thường.

Sở dĩ có đề xuất này, theo lý giải của Bộ Tài chính, hiện nay trong giá điện vẫn còn một số ít chi phí còn treo lại.

Như số liệu mới nhất vừa được Bộ Công Thương công bố, chi phí chưa hạch toán vào giá thành đến hết năm 2014 do lỗ chênh lệch tỉ giá là hơn 1.682 tỉ đồng. Mặt khác, theo lộ trình, tới đây khi thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì việc tồn tại một quỹ tài chính dùng để bình ổn giá bán lẻ điện là không phù hợp.

Đối với mặt hàng thóc, gạo tẻ thường, Bộ Tài chính cho biết hiện giá thóc, gạo tẻ thường đang thực hiện theo cơ chế thị trường và tương đối ổn định. Bên cạnh đó, liên tục mấy năm gần đây Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo nhằm ổn định thị trường.

Việc thực hiện chính sách thu mua tạm trữ thóc, gạo đã góp phần giữ ổn định mức giá trong nước. Do đó, việc lập quỹ bình ốn giá đối với thóc, gạo tẻ thường là không cần thiết.

* Báo Chính Phủ Điện Tử [18/9]: Phí thẩm định điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thừa phát lại; phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại.

Người nộp phí theo quy định tại Thông tư này bao gồm: Cá nhân yêu cầu bổ nhiệm thừa phát lại phải nộp phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thừa phát lại; Thừa phát lại xin thành lập Văn phòng Thừa phát lại và đăng ký hoạt động phải nộp phí thẩm định điều kiện thành lập và hoạt động theo quy định.

Bộ Tư pháp thực hiện thu phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thừa phát lại. Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thu thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại.

Dự thảo đề xuất mức thu phí như sau: Phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Thừa phát lại là 400.000 đồng/ hồ sơ; Phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại là 500.000 đồng/ hồ sơ.

CHỈ THỊ MỚI

* Chinhphu.vn [19/9]: Chỉ thị của Thủ tướng về đấu tranh với hành vi xâm hại động vật hoang dã

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.

Chị thị nêu rõ, thời gian qua các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong đấu tranh, triệt phá các đường dây vận chuyển trái phép quốc tế các loài hoang dã. Tuy vậy, một số địa phương hoạt động chế tác và bày bán các sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi và sừng tê giác còn diễn biến phức tạp, thách thức nỗ lực thực thi pháp luật.

Để ngăn chặn tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác trái pháp luật; tập trung kiểm tra các làng nghề, cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các địa điểm du lịch, sân bay, bến tàu, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền, và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp để xảy ra vi phạm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc để xảy ra các vi phạm tại địa bàn do mình quản lý.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường thực hiện các chuyên án triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác; chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động bày bán, buôn bán qua mạng, quảng cáo, sử dụng trái phép mẫu vật sừng tê giác và ngà voi trong thị trường nội địa...


* Chinhphu.vn [20/9]: Làm rõ chức năng, nhiệm vụ Cơ quan đại diện sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa chủ trì buổi làm việc, cho ý kiến về dự thảo báo cáo xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp [cơ quan].

Báo cáo này do Bộ KH&ĐT soạn thảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH&ĐT cho biết Bộ này đã 4 lần xây dựng báo cáo và Đề án có liên quan kể từ năm 2011, tổ chức hội thảo, tọa đàm nhiều lần và đã nhận được văn bản góp ý cho Đề án của các Bộ: Nội vụ, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính

Cho ý kiến về dự thảo báo cáo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xây dựng một Cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp [DN] phải quán triệt được chủ trương đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII là: Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước của DN nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ, UBND đầu tư vốn, tài sản nhà nước tại các DN. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, việc xây dựng Đề án cần tuân thủ, cụ thể hóa chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và pháp luật, chính sách có liên quan.

Theo đó, Cơ quan này sẽ thực hiện tập trung chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN thay vì phân tán ở các Bộ như hiện nay, đồng thời tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ tại DN. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ KH&ĐT cần làm rõ hơn việc thành lập Cơ quan này sẽ không làm giảm nhẹ mà còn tạo điều kiện để các Bộ làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào DN [bao gồm việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chiến lược đầu tư phát triển DN theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch phát triển ngành; xây dựng, lưu giữ các thông tin cơ bản về DN thuộc các lĩnh vực; ban hành danh mục, phương thức quản lý tài chính, chính sách ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ công ích và giám sát, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm].

Để nhìn nhận rõ hơn về sự cần thiết thành lập Cơ quan này, Phó Thủ tướng cho rằng cơ quan soạn thảo Đề án cần có đánh giá về vị trí, vai trò của DNNN, thực trạng hoạt động đổi mới, sắp xếp DNNN cho tới hiện nay và dự báo tình hình tái cơ cấu DNNN sau năm 2020 khi mà DNNN được xác định sẽ tập trung hoạt động ở các lĩnh vực then chốt, có sức ảnh hưởng tới các thành phần DN khác; nêu rõ thông lệ của quốc tế về các mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT bám sát các nội dung của Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước vào sản, xuất kinh doanh tại DN để quy định cụ thể hơn nữa vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan trong tham mưu cho Chính phủ [Điều 40], Thủ tướng Chính phủ [Điều 41] thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN, các quyền trực tiếp của cơ quan này [tại các Điều 42, 43] và các nội dung khác có liên quan mà Luật quy định.

Đối với phương án tổ chức bộ máy và tuyển dụng nhân sự, Phó Thủ tướng cho rằng cơ quan này tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước từ các Bộ thì việc tổ chức, sắp xếp cán bộ trên cơ sở điều chuyển cán bộ làm nhiệm vụ này từ các Bộ, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, SCIC về cơ quan này, tăng cường cán bộ có kinh nghiệm làm nòng cốt, tuyển dụng mới nhân sự, nhưng phải bảo đảm tinh gọn, chất lượng và hiệu quả, không làm tăng thêm biên chế về tổng thể, theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở dự thảo Đềán, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu BộKH&ĐT rà soát các văn bản pháp luật liên quan, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung để bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DN nhà nước và vốn nhà nước tại DN.

Dự kiến, dự thảo Đềán sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, cho ý kiến và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện.

* VTV.vn [18/9]: Bộ Xây dựng yêu cầu Đà Nẵng báo cáo về Trung tâm hành chính

Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo về Trung tâm hành chính tập trung thành phố.

Trước những phản ánh của các phương tiện truyền thông về vấn đề hiệu quả sử dụng và chủ trương thay đổi khu Trung tâm hành chính tập trung thành phố Đà Nẵng, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND thành phố có ý kiến chính thức về những thông tin báo chí nêu để có cơ sở báo cáo Thủ tướng.

Theo đó, báo cáo cần bổ sung một số nội dung liên quan đến khu Trung tâm hành chính tập trung thành phố, đồng thời cung cấp thông tin về thực trạng bố trí, sử dụng khu trung tâm này. Bộ Xây dựng đề nghị thành phố Đà Nẵng gửi báo cáo trước ngày 25/9.

Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng được khánh thành vào tháng 9/2014 với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Tòa nhà cao 37 tầng, trong đó, 34 tầng nổi là nơi làm việc của khoảng 1.600 công chức các Sở, ngành.

* Pháp Luật TPHCM [18/9]: Bộ Công an đề nghị rà soát, xử lý nghiêm các xe mang biển 80

Cục Cảnh sát giao thông [Bộ Công an] vừa có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH, đề nghị rà soát ngay việc sử dụng xe ô tô biển số nền màu xanh: 80A, 80B, 80M và biển số nền màu trắng: 80A, 80H.

Đồng thời, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thông báo danh sách xe ô tô biển số xe đã bán thanh lý hoặc xe được điều chuyển, cho, tặng xe bằng văn bản gửi đến Cục Cảnh sát giao thông trước ngày 20/9.

Cục Cảnh sát giao thông, cho biết thời gian qua đã phát hiện một số trường hợp tài xế điều khiển xe mang biển kiểm soát trên đã bán thanh lý, điều chuyến, cho, tặng xe. Tuy nhiên, xe chưa làm thủ tục sang tên di chuyển, một số trường hợp vi phạm pháp luật lái xe đã bị xử lý, điều đó đã ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan đơn vị có phương tiện trên.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, thời gian tới lực lực của đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra các trường hợp lái xe mang biển số 80A, 80B, 80M, 80H đã làm thủ tục bán thanh lý, điều chuyển, cho, tặng xe nhưng không làm thủ tục đăng ký sang tên di chuyển xe, vi phạm Luật giao thông đường bộ để xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.

TIN QUỐC HỘI

* Tuổi Trẻ [21/9]: Tham nhũng ổn định nhưng phát hiện ngày càng giảm

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp sáng nay21-9thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập trong công tác phòng chống tham nhũng [PCTN], cho rằng cácđánh giá chung chung: có lúc, có địa phương "có cán bộ"mà không có địa chỉ cụ thể.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác PCTNnăm 2016, được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng21-9.

Ủy ban Tư pháp phát hiện: Chính phủ đánh giá vẫn cơ bản như các năm 2013, 2014, 2015 là tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi.

Đáng lưu ýtrong bốn năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ nghiêm trọng như năm 2012 trở về trước, trong khi đánh giá của Ban chấp hành trung ương Đảng cũng như phản ảnh của người dân và doanh nghiệp thì tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng.

Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2015 do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố thì điểm số của VN là 31/100 điểm [giữ nguyên từ năm 2012 trở lại đây], đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu -báo cáo chỉ rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền.

Trong nhiều năm các báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: có nơi, có lúc, có địa phương, có một bộ phận cán bộ, công chứcmà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi.

Ủy ban Tư pháp cho rằng tồn tại diễn ra nhiều năm qua chưa được khắc phục, đó là tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu; việc hành chính hóa quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn diễn ra; số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít và tiếp tục giảm, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng.

* Pháp Luật TPHCM [18/9]: Tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng dưới 3% là chưa chính xác

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ rõ như vậy khi cho ý kiến về dự án luật đấu giá tài sản tại phiên làm việc chiều nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các ngân hàng phát sinh nợ xấu, rồi thành lập ra VAMC để mua lại số nợ này. Nói là mua nợ xấu nhưng bản chất là hạch toán, chứ không có tiền để mua. Vì thế, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm xuống dưới 3% là chưa chính xác, không đúng - Chủ tịch Quốc hội nói.

Tại phiên làm việc, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn với tính minh bạch của quy định VAMC được trao quyền tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà công ty đã mua. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua [Điều 54, dự thảo luật].

Theo Chủ tịch Quốc hội, nợ mua về thực chất vẫn treo nguyên ở VAMC. Tức là giảm nợ xấu của ngân hàng A, ngân hàng B... nhưng cuối cùng phần giảm đó đem về để ở VAMC và chưa bán được. Nếu giao cho VAMC tự đi đấu giá thì không bảo đảm tính minh bạch, không rõ ràng".

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nói: VAMC là mô hình mới, rất mới ngay cả trên thế giới, tính hiệu quả chưa được tổng kết, đánh giá. Bây giờ đưa vào luật thì phải tính, cân nhắc - ông Chiến nói.

Chủ tịch Quốc hội nói thêm: Tại sao lại có một đặc ân giao cho một doanh nghiệp mới thành lập gần đây, mà như anh Chiến nói là chưa đánh giá được có hiệu quả hay không. Mà nợ xấu còn treo ở đó. Đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm điều này để khi ở tầm luật rồi thì tất cả tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng, chứ không phải có một đặc ân ở đây.

Cùng nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng VAMC được ra đời bởi một nghị định, nếu quy định như dự thảo luật thì vô hình chung đã luật hóa mô hình này trong khi chưa có tổng kết, đánh giá tác động.

Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải thích nếu quy định đầy đủ việc bán đấu giá nợ xấu vào luật thì khá khó về mặt kỹ thuật. Ông Long cho hay ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và sẽ nghiên cứu, nhất là ý kiến cho rằng cần tổng kết mô hình, chưa chắc chắn thì chưa nên quy định, đặc biệt trong bối cảnh coi nợ xấu là bất thường.

* Bizlive.vn [17/9]: Cứ bảo nhạy cảm mà không đưa ra là hạ thấp vị thế Quốc hội

Bên cạnh những nội dung về các dự án luật được chuẩn bị để cho ý kiến và thông qua, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều quan tâm và đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về sự cố môi trường liên quan đến Formosa và tình hình Biển Đông để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, dự kiến khai mạc cuối tháng 10 tới đây.

Theo ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, tình hình liên quan đến Formosa là vấn đề cử tri rất quan tâm, do vậy cần tách thành một báo cáo riêng, không nên gộp chung vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. Ông Chiến cũng đề nghị có báo cáo riêng về tình hình Biển Đông sau khi có phán quyết của toà trọng tài thường trực, trong đó đề nghị báo cáo rõ về phản ứng của các nước cũng như chủ trương, giải pháp của nước ta.

Có những vấn đề Quốc hội cho rằng nhạy cảm cần cân nhắc kỹ, chỉ cho nghe hoặc báo cáo đến mức nào đó, tôi cho rằng như thế là hạn chế vị thế của Quốc hội. Các vấn đề quan trọng thì đại biểu và nhân dân cần phải biết, cứ bảo nhạy cảm phức tạp mà không đưa ra Quốc hội là tự hạ thấp vị thế của Quốc hội, ông Chiến nói.

Góp ý vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình nêu quan điểm: Là một báo cáo chuyên sâu, phân tích cụ thể và phải có nội dung mới, khác thông tin đã công bố trên các phương tiện truyền thông. Ông Bình nhấn mạnh, cần tránh chuyện báo cáo thì đóng dấu mật nhưng đọc không khác gì thông tin báo đã đăng. Làm như vậy, dần dần các bộ ngành sẽ thấy báo cáo trước Quốc hội là việc rất đơn giản, ông Bình nói.

Kết luận nội dung này tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tất cả nội dung trình ra Quốc hội cần phải chuẩn bị thật chu đáo và đảm bảo đúng Luật. Cần đảm bảo tiến độ nhưng không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chuẩn bị, đủ các yêu cầu trên mới trình ra Quốc hội, bà Ngân nhấn mạnh.

Bà Ngân cũng nhất trí việc với sự cố môi trường Formosa phải có báo cáo riêng, đầy đủ về các vấn đề mà Quốc hội cần phải biết. Để tránh trùng lắp, thì báo cáo riêng còn thảo luận thì cùng với nội dung kinh tế xã hội. Biển Đông cũng cần có báo cáo riêng, nhưng khác là báo cáo tình hình Biển Đông sau phán quyết của toà trọng tài thường trực, phản ứng của các nước cũng như giải pháp của chúng ta. Những vấn đề quan trọng, dù nhạy cảm, phức tạp thì Quốc hội cần phải biết, không thể tránh né, bà Ngân nhấn mạnh.

* VTV.vn [18/9]: Tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55 là khoảng 7 triệu ha.

Việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ không tác động lớn đến giảm thu ngân sách nhưng lại khuyến khích nông nghiệp, nông thôn phát triển, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đó là quan điểm của Chính phủ tại tờ trình về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được Bộ trưởng Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 15/9.

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55 là khoảng 7 triệu ha, chiếm 68% tổng diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tổng số thuế được miễn giảm gần 7.000 tỷ đồng. Nhằm khuyến khích đầu tư vào khu vực nông nghệp, nông thôn, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Chính phủ đề xuất bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tại Nghị quyết 55, bao gồm cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí việc sửa đổi bổ sung theo tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, giao Chính phủ căn cứ vào ý kiến của các ủy viên để sửa đổi Dự thảo theo hướng các đối tượng được miễn giảm thuế không chỉ là nông dân mà tất cả tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, đánh gía tác động của chính sách miễn giảm này với sản xuất nông nghiệp, chỉ ra những tồn tại để khắc phục. Ủy ban Tài chính ngân sách sẽ thẩm tra Dự thảo và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 2. Nếu được thông qua, Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2017 đến hết năm 2020.

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

* Pháp Luật TPHCM [18/9]: Khuyến khích ĐKKD qua mạng: Nhiều cách làm hay của lãnh đạo địa phương

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT vừa chủ trì Hội nghị tổng kết một năm thi hành Luật Doanh nghiệp [DN], Luật Đầu tư ngày 13/9 tại TP.HCM.

Thông tin tại hội thảo cho biết trong quá trình triển khai thực thi hai luật trên, các DN đã có thể đăng ký kinh doanh [ĐKKD] qua mạng, không cần phải đến các cơ quan ĐKKD xếp hàng chờ đợi mỏi mòn như trước đây nữa.

Ông Tuấn dẫn chứng ở Hà Nội có khoảng 3.300 đã DN ĐKKD qua mạng, cao nhất cả nước. Đăng ký bằng chữ ký số thì khá tốn kém, vì vậy Cục đã triển khai đăng ký bằng tài khoản nhằm tạo tiện lợi cho DN.

Các tỉnh khác chưa giới thiệu được tiện ích này rộng rãi. Ở Hà Nội, chính Giám đốc Sở KH&ĐT thường xuyên ngồi ở căn tin ăn trưa với các DN để giới thiệu tiện ích này cho họ. Nhờ đó có đến 40% DN đã nộp hồ sơ qua mạng - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, Hà Nội còn khuyến khích DN nộp hồ sơ thủ tục qua mạng, giải quyết trong vòng hai ngày, so với nộp hồ sơ giấy giải quyết trong ba ngày.

Câu chuyện ĐKKD của Hà Tĩnh lại hấp dẫn theo cách khác. Hà Tĩnh gọi mô hình của họ là: Cơ quan ĐKKD vui vẻ - ông Tuấn kể. Theo đó DN được cấp chứng nhận ngay trong ngày, có thể nói là nhanh nhất trong cả nước. Chưa hết, Hà Tĩnh còn miễn toàn bộ loại phí cho DN. ĐKKD không mất phí, lại còn được cho tiền mang về. Chẳng hạn, tỉnh hỗ trợ toàn bộ tiền làm con dấu. Thậm chí tùy trường hợp, dự án mà DN còn được nhận hỗ trợ 15 triệu đồng.

* Kênh VTV9 Bản tin Thời sự lúc 6h31 ngày [18/9]: Bình Dương bỏ trạm thu phí để thu hút đầu tư

UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định mua lại trạm thu phí giao thông An Phú [thị xã Thuận An] từ chủ đầu tư BOT để xóa bỏ trạm này, thu hút đầu tư trên địa bàn. Việc xóa bỏ trạm thu phí giao thông An Phú [đường DT 743, thị xã Thuận An] là bước đầu trong cam kết của lãnh đạo tỉnh Bình Dương về việc sẽ không tăng thêm trạm thu phí cũng như không kêu gọi hạ tầng giao thông bằng BOT.

Được biết, từ nay đến năm 2020, tỉnh Bình Dương sẽ cần tới hơn 250.000 tỷ đồng tiền vốn để phát triển hạ tầng giao thông. Dự kiến, một phần chi phí này sẽ là ngân sách Nhà nước và sẽ không kêu gọi đầu tư bằng thu phí để hoàn vốn.

Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 13 trạm thu phí của 7 dự án BOT, gần như cao nhất cả nước về số trạm thu phí. Trong đó, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai và TP.HCM khi đưa vào hoạt động sẽ có hai trạm thu phí. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương đã quyết định loại hai trạm thu phí này ra khỏi quy hoạch. Thay vào đó, tỉnh sẽ tạo cơ chế cho chủ đầu tư thu hồi vốn bằng hình thức khác nhằm tạo thuận lợi cho nhiều phương tiện lưu thông qua đây hơn.

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

* VOV [20/9]: Tăng tuổi nghỉ hưu: Còn nhiều tranh cãi

Giải pháp này nhằm ứng phó với nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội, tình trạng già hóa dân số. Dự kiến, năm 2017, khi trình Quốc hội Bộ Luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này nhằm ứng phó với nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội, tình trạng già hóa dân số Tuy nhiên, việc kéo dài độ tuổi lao động vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội [BHXH] sửa đổi, từ năm 2016 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức [nữ từ 55 lên 60 tuổi và nam từ 60 lên 62 tuổi]. Từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Theo ý kiến của nhiều người lao động, nhất là lao động trực tiếp trong các ngành nặng nhọc như xây dựng, công nhân dệt may, da giày, dịch vụ, việc quy định tuổi hưu như hiện nay là phù hợp và không nên tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo chị Minh Nguyệt, nhân viên văn phòng độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ hiện nay là 55, như vậy là cao rồi, sức khỏe của người Việt Nam khó đáp ứng được độ tuổi nghỉ hưu cao hơn. Với những chị em làm việc trong các lĩnh vực có tính chất vất vả, độc hại, chắc chắn họ cũng có mong muốn giống như mình là nghỉ hưu sớm. Dự thảo nếu có thì cũng nên đưa ra những vấn đề để nghỉ hưu phù hợp với từng công việc, từng lĩnh vực nhất định, phù hợp với tâm lý, mong muốn của các lao động.

Ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban thi đua chính sách kinh tế xã hội và thi đua khen thưởng [Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam] cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu như là một quy luật. Khi tuổi thọ tăng lên, kinh tế xã hội phát triển thì cũng cần thiết phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Để tăng tuổi nghỉ hưu thì cần phải nghiên cứu và xem xét các ý kiến khác nhau của các đối tượng khác nhau về việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Hiện nay tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam còn rất cao, số người không có việc làm còn rất lớn. Riêng số thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng đang không có việc làm là 200 nghìn người. Nếu kéo dài độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động đang làm việc thì sẽ tạo ra một áp lực rất lớn về vấn đề việc làm. Những người trẻ đến tuổi làm việc, đến tuổi tham gia vào thị trường lao động thì càng khó kiếm được việc làm. Điều này sẽ tạo ra một hệ quả xấu về vấn đề an ninh, trật tự, làm cho môi trường xã hội phức tạp lên.

Ông Đặng Quang Điều nói: Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, có nghĩa số người đang ở độ tuổi lao động rất lớn. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế xã hội và việc mở mang việc làm mới rất hạn chế. Vì vậy, trong thời điểm dân số vàng, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi nghĩ rằng thời điểm này chúng ta không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu một cách đồng loạt mà chỉ tập trung vào một số đối tượng, đặc biệt là đối tượng làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, khu vực hành chính ở một số lĩnh vực để tận dụng chất xám và trình độ cao của họ

Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam thì tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm lực lượng lao động.

Trong thời gian vừa qua, tăng trưởng về lao động có dấu hiệu chậm lại và dự báo trong thời gian tới còn chậm hơn nữa. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ có nhiều đóng góp hơn cho tăng trưởng kinh tế: Do tuổi của người Việt đang tăng cao. Nam ở độ tuổi 60 và nữ ở độ tuổi 55, nhìn chung người ta còn sức khỏe rất tốt, trong giai đoạn tuổi này khả năng làm việc cũng tốt. Nếu họ được tiếp tục làm việc sẽ đóng góp hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần đào tạo thêm cho thế hệ trẻ. Tôi cho rằng chúng ta nên theo các nước, tăng tuổi nghỉ hưu nhưng tăng làm sao cho hợp lý.

Đại diện cho người cao tuổi, ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam cũng cho rằng, nên nâng tuổi nghỉ hưu cho người lao động, nhất là lao động nữ:

Trước những luồng ý kiến đang còn gây nhiều tranh cãi như hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần xem xét kỹ lưỡng, tăng tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng nào, tại thời điểm nào cần phải có lộ trình, làm sao vừa phù hợp với Bộ luật Lao động vừa đảm bảo sức khỏe của người lao động.

QUẢN LÝ

* Vietnamnet.vn [20/9]: Bí thư Thanh Hoá bác bỏ thông tin có bồ nhí

Ông Trịnh Văn Chiến khẳng định thông tin trên mạng xã hội về "tài sản của bồ nhí Bí thư Thanh Hóa" là bịa đặt. Liên quan tới những thông tin đang lan trên mạng xã hội về khối tài sản kếch xù của người được cho là bồ nhí của ông Chiến và chuyện 2 người có con riêng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh HóaTrịnh Văn Chiếnđã thẳng thừng bác bỏ.

Trao đổi với phóng viên, ông cho rằng, thông tin trên mạng xã hội nhắm đến nhiều người, chứ không chỉ riêng cá nhân ông.

"Đó toàn là thông tin bịa đặt, bôi nhọ cán bộ và tỉnh đã giao cơ quan chức năng vào cuộc. Tỉnh ủy cũng đã có chỉ đạo xử lý việc ấy", ông nói.

Ông Chiến cũng cho biết thêm, ngoài sự vào cuộc của Công an tỉnh Thanh Hoá, ông đã đề nghị cả Bộ Công an vào cuộc. Trước đó, trên nhiều trang mạng xã hội, blog lan truyền bài viết kèm hình ảnh nói về mối quan hệ "bồ nhí" giữa Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến và một nữ trưởng phòng của Sở Xây dựng. Bài viết cho rằng nữ cán bộ này sở hữu nhiều ô tô hạng sang, bất động sản ở Thanh Hoá và Hà Nội có giá trị ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng.

* Chinhphu.vn [20/9]: Sửa đổi, bổ sung quy định kỷ luật đảng viên vi phạm

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa tổ chức Hội thảo "Tham gia ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định của Bộ Chính trị [khóa XI] về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm", ngày 19/9. Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cho biết, thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì sửa đổi, bổ sung Quy định 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức lấy ý kiến của đại diện Ủy ban Kiểm tra các tỉnh, thành ủy trong đó có khu vực miền Trung Tây Nguyên về một số vấn đề quan trọng dự kiến bổ sung, sửa đổi trong thời gian tới. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xác định việc bổ sung, sửa đổi Quy định 181 phải bám sát Điều lệ Đảng và đồng bộ với các quy định của Đảng; khắc phục những hạn chế bất cập trong quy định hiện tại.

Tuy nhiên các nội dung mới áp dụng trong nhiệm kỳ cần có thời gian thử nghiệm trong thực tiễn. Vì vậy, Ủy ban chỉ sửa đổi những vấn đề không còn phù hợp và bổ sung những vấn đề còn chưa cụ thể, còn thiếu sót, còn hiểu khác nhau và một số vấn đề phát sinh trong thực tế và có khả năng thực hiện. Bên cạnh đó, hướng việc tăng cường trách nhiệm cho cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong công tác thi hành kỷ luật Đảng; từng bước giảm tải cho cấp trên trong việc xem xét, thi hành kỷ luật thuộc thẩm quyền của cấp dưới.

Tại Hội thảo, đại diện Ủy ban Kiểm tra các tỉnh, thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã cùng trao đổi, góp ý những vấn đề cụ thể về bố cục cũng như nội dung cần sửa đổi trong Quy định 181. Theo đó, các ý kiến đã cơ bản thống nhất giữ bố cục của Quy định 181 và chỉ bổ sung một số điều mới có nội dung điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý hiện nay.

Cụ thể, về nguyên tắc xử lý kỷ luật, một số ý kiến cho rằng nguyện vọng của nhiều đảng viên hiện nay là quy định của Đảng cần có thời hiệu xử lý kỷ luật đồng bộ với kỷ luật về chính quyền, vì thực tế có những vi phạm xảy ra từ rất lâu, đảng viên đã tiến bộ, việc xử lý kỷ luật không còn tính giáo dục hay khắc phục hậu quả nữa. Bên cạnh đó, có những vi phạm xảy ra đã lâu nhưng do điều kiện, hoàn cảnh thay đổi mà vấn đề đó trong hiện tại không còn được coi là vi phạm. Về nguyên tắc tập trung dân chủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương dự kiến bổ sung thêm một số hành vi vi phạm để xem xét xử lý theo các mức độ khác nhau từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức cho đến khai trừ khỏi Đảng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung cho ý kiến về một số điểm bổ sung của Quy định 181 trong vi phạm công tác tổ chức, cán bộ; vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm; phòng chống tham nhũng, lãng phí; vi phạm về tệ nạn xã hội

Phát biểu kết thúc Hội thảo, đồng chí Tô Quang Thu đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu với nhiều nội dung có tính phát hiện mà Quy định 181 đang còn thiếu và bất cập. Đồng chí khẳng định, những ý kiến trao đổi, đề xuất trong Hội thảo sẽ được Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp thu làm cơ sở, luận cứ để tham mưu giúp Bộ Chính trị có những sửa đổi trong Quy định 181 thời gian tới.

* Vietnamnet.vn [21/9]: Sẽ tăng lương tối thiểu cho người lao động

Sáng nay, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân có buổi làm việc với Tổng Liên đoàn lao động [LĐLĐ] Việt Nam.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, tính đến ngày 31/5, cả nước có trên 9,2 triệu đoàn viên công đoàn. Thời gian qua, công đoàn các cấp đã tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Trên cơ sở khảo sát tình hình đời sống, việc làm của người lao động, Tổng LĐLĐ đã có văn bản gửi Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2017 với mục tiêu lộ trình chậm nhất đến năm 2018, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Theo đó, Tổng LĐLĐ đề xuất mức tăng 11,11% so với năm 2016. Hội đồng tiền lương quốc gia họp bàn và thống nhất chọn phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu tăng 7,3%.

Ông Bùi Văn Cường cho hay, đây là mức tăng thấp so với đề xuất của Tổng Liên đoàn cũng như mong muốn và đời sống thực tế của hầu hết đoàn viên, người lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã sơ kết công tác phối hợp với TƯ MTTQ Việt Nam, Bộ LĐ-TB và XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra Chính phủ. Các bên quyết định trong năm 2016 sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp tại 4 tỉnh thành Hà Nội, Hà Tĩnh, TP.HCM, Bình Dương.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Tổng LĐLĐ VN cần tiếp tục phát triển tổ chức công đoàn, mở rộng đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để hoạt động công đoàn hiệu quả, cần phát triển đội ngũ cán bộ công đoàn đủ năng lực, là những người tiên phong trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa.

Đánh giá cao đề án Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới sẽ được thực hiện trong 10 năm từ 2016- 2025, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, lường trước những khó khăn khi hội nhập đối với công đoàn để thích ứng ...

* TTXVN [18/9]: Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Tập đoàn Điện lực

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện cơ bản các nhiệm vụ, đầy đủ, đúng kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đây là đánh giá chung của các thành viên Tổ công tác của Thủ tướng tại buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam [EVN]. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà làm Trưởng đoàn.

Theo báo cáo của Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An, trong thời gian từ 1/1/2015 đến 10/9/2016, EVN nhận được 2.502 văn bản của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương. Hệ thống Văn phòng điện tử của EVN thường xuyên cập nhật, theo dõi các văn bản đến từ Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành.

EVN đã tổ chức triển khai nghiêm túc 100% nhiệm vụ được giao, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện. Các nhiệm vụ được giao đều hoàn thành đúng hạn, có nhiệm vụ hoàn thành trước hạn.

* Tuổi Trẻ [18/9]: Dự án thua lỗ ngàn tỉ kêu cứu Thủ tướng

Dù đã đượcđành nhiều ưu đãi nhưng UBND tỉnh Ninh Bình lại vừa có công văn gửi Thủ tướng xin cứu Nhà máy đạm Ninh Bình. Tuy nhiên các chuyên gia đề nghị không nên cứu vì chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ.

Theo báo cáo mới nhất, Đạm Ninh Bình vẫn thua lỗ liên tiếp, riêng lỗ trong 6 tháng đầu năm nay gần 457 tỉ đồng. Chỉ cộng số lỗ trong 2 năm 2013 và 2014, lỗ của Đạm Ninh Bình đã lên tới 2.693 tỉ đồng, vượt vốn điều lệ của Công ty là 2.500 tỉ đồng.

Ông Ngô Minh Hải Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nhà nước, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Nhà máy đạm Ninh Bình là trường hợp điển hình của đầu tư tràn lan, kém hiệu quả. Mặc dù có lỗ như vậy nhưng các sếp quản lý tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vẫn có được mức lương rất cao như báo cáo tài chính mới đây. Từ đó, ông Minh cho rằng, cần phải thanh lọc đội ngũ lãnh đạo, tốt nhất là bán hết vốn Nhà nước và cần đẩy mạnh cổ phần hóa để doanh nghiệp sống theo cơ chế thị trường.

* Người Đưa Tin [18/9]: Ninh Bình: Tượng đài 1500 tỷ chỉ dùng để bán trà đá và tập thể dục?!

Việc đầu tư hơn 1.500 tỷ vào một công trình tượng đài chỉ để người dân bán trà đá và đi bộ thể dục mỗi tối liệu có phải là sự lãng phí quá lớn cần xem xét ? Câu hỏi này đến nay vẫn không có câu trả lời.

Một sự thật đã và đang diễn ra ở tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế, nằm ngay giữa trung tâm TP. Ninh Bình, đó là việc cả một khu quảng trường, tượng đài rộng lớn, được xây dựng nhằm mục đích phục vụ Đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và đồng thời là khu trung tâm văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của TP. Ninh Bình đã biến thành nơi buôn bán trà đá vỉa hè và là nơi người dân xung quanh tập trung đi bộ thể dục mỗi ngày.

Được biết, dự án này được xây dựng theo quyết định theo quyết định 926/QĐ-UBND năm 2009 của UBND tỉnh Ninh Bình, với diện tích 34,23 ha, tổng số vốn đầu tư dự án là 1.543 tỷ đồng được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác.

Điều dư luận thắc mắc là Đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội đã diễn ra cách đây 6 năm, các công trình phục vụ Đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long đã hoàn thành từ khá lâu, thế nhưng công trình tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế tại TP. Ninh Bình với số vốn lên đến 1.543 tỷ đồng vẫn chưa biết ngày nào sẽ khánh thành. Đây là câu hỏi khó có lời giải đáp, không chỉ đối với dư luận cả nước mà còn đối với những người dân TP. Ninh Bình và các cơ quan chức năng thực hiện đầu tư, thi công, xây dựng dự án này.

Điều đáng chú ý nữa, mặc dù đã được xây dựng từ năm 2009, tức là đến nay đã 7 năm nhưng công trình tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế không hoàn thành mà còn lộ ra những bất cập, liên quan đến chất lượng các hạng mục công trình đã hoàn thiện.

Bên cạnh đó, mục đích sử dụng công trình này cũng là một dấu hỏi lớn, khi mà theo như chủ đầu tư dự án là UBND TP. Ninh Bình thì công trình được coi là nơi sinh hoạt cộng đồng, phục vụ các lễ hội, văn hóa và các chương trình kỉ niệm của TP. Ninh Bình, nhưng trên thực tế, công trình này không hề được người dân ngó ngàng đến, thậm chí sân khánh tiết của quảng trường được tận dụng vào việc bán trà đá vỉa hè mỗi đêm.

Theo một cán bộ tư vấn giám sát của Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây Dựng, việc tượng đài, quảng trường có mức đầu tư lên đến 1.543 tỷ đồng mà đến nay vẫn không hoàn thiện với lí do thiếu vốn là điều không chấp nhận được.

Cũng theo quan điểm của vị cán bộ này, các lỗi như hỏng hóc, bong tróc gạch ở mức độ nhẹ do các tác động bên ngoài như thời tiết thất thường, khắc nghiệt hay con người là điều có thể chấp nhận được trong ngành xây dựng. Nhưng điều quan trọng ở đây chính là việc đầu tư hơn 1.500 tỷ vào một công trình tượng đài chỉ để người dân bán trà đá và đi bộ thể dục mỗi tối liệu có phải là sự lãng phí quá lớn cần xem xét. Chất lượng công trình đã là một điều đáng bàn, còn mục đích sử dụng của công trình này lại là một dấu hỏi lớn hơn cần câu trả lời của các cơ quan có thẩm quyền.

* Tuổi Trẻ [18/9]: "Mỗi thôn ấp một nhà văn hóa, có cần vậy không?"

Ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nêu vấn đề này với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tổ chức ngày 15/9 tại tỉnh này.

Ông Thể phân tích: Tôi thấy không có nhà văn hóa thì không được công nhận xã nông thôn mới. Mà có nhà văn hóa thì phát huy được gì? Một năm họp dân mấy lần? Người dân giải trí có cần đến nhà văn hóa không trong khi bây giờ công nghệ thông tin phát triển, họ có thể xem mọi thứ trên mạng".

"Tôi cho rằng nên xem lại vấn đề này bởi nếu không khéo, chúng ta đổ ra nhiều kinh phí mà không có tác động gì cả. Nên rà soát lại tiêu chí sao cho gọn nhẹ, đưa vào trọng tâm đầu tư thì nông thôn mới mới phát triển được.

Ông Thể cho rằng nông thôn mới là chủ trương hợp lòng dân, người dân rất phấn khởi, vì vậy nhiệm kỳ qua Sóc Trăng dù là tỉnh nghèo nhưng cũng dành nguồn ngân sách nhất định hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và hiện đã có 21/80 xã trong tỉnh được công nhận xã nông thôn mới.

Tuy nhiên ông Thể cho biết vấn đề mà tỉnh lo lắng nhất là 5 năm sau thì liệu 21 xã nông thôn mới có còn là xã nông thôn mới nữa không vì có thể vướng tiêu chí thu nhập. Ông Thể giải thích có lo lắng này vì nếu những năm tới biến đổi khí hậu lặp lại như năm 2016 thì nhiều hộ dân sẽ trở nên nghèo hơn, tiêu chí thu nhập của hộ dân vì vậy không đạt chuẩn nông thôn mới.

Những xã nông thôn mới phải hình thành các hợp tác xã [vài trăm hecta đất] để có pháp nhân liên kết sản xuất với nông dân trong xã, huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong xã viên để tổ chức sản xuất. Chính phủ cần có cơ chế tài chính hỗ trợ hợp tác xã phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho dân.

Thứ hai, do vùng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, đề nghị Chính phủ có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp đến tạo công ăn việc làm cho người lao động. Những ngành giày da, may mặc ở đâu chê chứ tới đây chúng tôi rất trân trọng bởi họ sẽ giúp bà con có công ăn việc làm ổn định, ông Thể nêu giải pháp.

Ông Thể cũng đặt hàng với bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Tôi đề nghị anh Cường tham mưu Chính phủ nên có cơ chế tài chính đối với xã đã đạt được nông thôn mới để duy trì tiêu chí nông thôn mới chứ được ông này mất ông kia [xã này được công nhận nông thôn mới thì xã khác không duy trì được] thì thành ra công dã tràng.

Đáp lại, ông Cường cho biết đã trình Thủ tướng về bộ tiêu chí nông thôn mới mà theo đó sẽ mềm hơn khi các tiêu chí như nhà văn hóa, nghĩa trang, điện, đường, trường, trạm sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh tự quy định.

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Đài Truyền Hình Việt Nam [18/9]: Những địa phương đi đầu trong xây dựng nền hành chính vì dân

Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP.HCM, Sơn La là một số địa phương đi đầu hoặc đã có những nỗ lực khắc phục yếu kém để xây dựng nền hành chính vì dân.

Sau gần 1 năm đi vào cuộc sống, chủ trương xây dựng một nền hành chính dân chủ hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu quả được Đại hội XII của Đảng đề ra đang được biến thành các hành động, việc làm cụ thể. Những hành động không chỉ đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp phải trách nhiệm hơn với các công việc được giao mà còn giúp mối quan hệ giữa Đảng với dân càng trở nên gắn bó.

Sự mẫn cán, tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ công chức sẽ là những viên gạch xây dựng niềm tin của người dân vào một nền hành chính phục vụ, một nền hành chính lấy người dân làm trọng tâm. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm được nhiều địa phương xác định ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ này.

Tại Đà Nẵng, hơn 98% công dân hài lòng với các dịch vụ công của thành phố. Thành phố này đã 3 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Đây là kết quả của việc thực hiện chủ trương xây dựng một nền hành chính phục vụ dân, xem sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất của hệ thống chính quyền các cấp.

Không chỉ Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng một chính quyền phục vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đến thời điểm này, 100% thành phố, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh đã xây dựng và đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động. Chủ trương này đã khắc phục được tình trạng người dân phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần, gặp gỡ nhiều người và nhiều cơ quan thì mới giải quyết được công việc.

Từ tổng kết cách làm của Quảng Ninh, Chính phủ đã quyết định giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng đề án xây dựng trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện.

Đây cũng có thể là bước đi cần thiết để chủ trương của Đại hội XII về xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, năng động, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu quả, nhanh đi vào cuộc sống.

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

* VTV.vn [18/9]: Nguy cơ nợ công vượt trần

Theo Báo cáo của Chính phủ vào cuối tháng 3 vừa qua, nợ công [bao gồm nợ của doanh nghiệp Nhà nước, nợ của chính quyền địa phương] của Việt Nam đã chiếm 65% GDP, riêng nợ nước ngoài của Chính phủ đã vượt ngưỡng 50% cho phép. Còn trong báo cáo mới nhất điểm lại nửa chặng đường của năm 2016, Bộ KH&ĐT đánh giá rủi ro nợ công vượt trần [65% GDP] đang dần hiện hữu.

Thực trạng sử dụng ngân sách không hiệu quả như: Dự án đạm Ninh Bình phải bỏ dở chừng vì đầu tư 12.000 tỷ đồng, mỗi năm lỗ 2.000 tỷ đồng. Nhà máy xơ sợi Đình Vũ [Hải Phòng] đã chi 7.000 tỷ đồng đến nay vẫn đắp chiếu. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông [Hà Nội] khởi công tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa đi vào sử dụng mà vốn đã đội vốn gần 7.000 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, mỗi năm Tổng Công ty hàng hải Việt Nam [Vinalines] lỗ 3.400 tỷ đồng; Tổng Công ty Xây lắp dầu khí lỗ 3.500 tỷ đồng; Binh đoàn 15 lỗ 470 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, các khoản nợ trong nước của các doanh nghiệp này thường được Chính phủ hỗ trợ dưới các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ và để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bội chi đã lên đến 111.300 tỷ đồng. Như vậy, Chính phủ sẽ buộc phải phát hành trái phiếu cũng khiến nợ công tăng cao.

* Thanh Niên [18/9]: Thất thu 21.000 tỉ đồng mỗi năm từ khai khoáng

Tại Tọa đàm Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác [EITI] ngày 13/9 do Trung tâm con người và thiên nhiên tổ chức, đại diện Liên minh Khoáng sản Việt Nam cho hay những năm gần đây, mỗi năm nước ta thất thu chừng 21.000 tỉ đồng từ khai thác khoáng sản và dầu khí.

Theo Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam [VCCI], doanh nghiệp [DN] khai khoáng có nhiều cách trốn thuế hoặc tránh thuế bằng cách khai báo sản lượng thấp hơn thực tế, hay thiết lập giá bán thấp hơn thực tế, chuyển giá, lợi dụng chính sách ưu đãi thuế.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của VCCI cũng cho thấy, chi phí đi đêm của DN khai khoáng ở VN là khoảng 72 - 78% tổng chi phí sản xuất, cao hơn nhiều ngành khác.

Bà Trần Thanh Thùy, đại diện Liên minh Khoáng sản Việt Nam đưa giải pháp Việt Nam cần xúc tiến tham gia EITI để minh bạch hoạt động khai khoáng, giảm lượng thất thu cho ngân sách. Trở ngại lớn nhất cho việc tham gia EITI, theo Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, là mức độ cam kết về minh bạch, công khai khi Bộ Công thương được giao quản lý các DN khai khoáng lớn, nên chần chừ nhiều năm không tham gia.

* VTV.vn [18/9]: Chi thường xuyên sẽ giảm xuống dưới 60% tổng chi ngân sách

Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách Nhà nước sẽ giảm dần từ mức khoảng 67% xuống còn dưới 60% vào năm 2020 để tăng nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Đó là khẳng định đáng chú ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên Ngân sách Nhà nước năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/9.

Tại phiên họp, hầu hết các ý kiến tại phiên họp đều quan ngại về thực trạng tổng thu Ngân sách Nhà nước không đảm bảo đủ nguồn chi thường xuyên và trả nợ lớn như hiện nay. Theo tờ trình của Chính phủ, định mức chi quản lý hành chính tăng khoảng 0,75 - 1,39 lần đối với các Bộ, định mức phân bổ theo tiêu chí dân số tăng 1,73 lần đối với địa phương.

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng mức tăng chi trên là khá cao và đề nghị cân nhắc về tính hợp lý giữa các mức tăng và phải chú trọng yêu cầu giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi Ngân sách Nhà nước. Trước băn khoăn này của các đại biểu, Bộ Trưởng Bộ Tài chính đã khẳng định, chi thường xuyên trong tổng chi Ngân sách Nhà nước sẽ giảm dần từ nay đến 2020.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Đến năm 2020, chi thường xuyên của chúng ta sẽ xuống khoảng 58 - 60% so với hiện nay khoảng 67%. Sẽ là 58-60% theo Luật cũ và 60-62% theo Luật mới. Chúng tôi đã tính toán từ 2017 và 5 năm tới cơ bản sẽ đảm bảo giảm chi thường xuyên, tăng chi cho trả nợ và đầu tư".

Tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát nội dung Tờ trình theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội liên quan đến chi thường xuyên; Giảm tỷ trọng chi thường xuyên nhưng cần đảm bảo chi cho lĩnh vực khoa học công nghệ, chi lương, chi cho giáo dục và chi cho xóa đói giảm nghèo.

PHÁP LUẬT

* Pháp Luật TPHCM [18/9]: Nam Định: Truy tố Kế toán, thủ quỹ tham ô tiền tỉ

Cơ quan tố tụng tỉnh Nam Định vừa tống đạt cáo trạng truy tố bốn bị can nguyên là kế toán trưởng, thủ quỹ của các phòng thuộc Sở GTVT tỉnh Nam Định về các tội tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, bị can Triệu Thị Hiền, Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Minh Thúy [nguyên kế toán, thủ quỹ phòng Kế hoạch tài chính] bị truy tố tội tham ô. Bị can Mai Hữu Chính, nguyên trưởng phòng Kế hoạch tài chính, kiêm kế toán trưởng Sở GTVT bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo hồ sơ, từ năm 2012 Linh và Hiền [kế toán], Thúy [thủ quỹ] đã nhận tiền thu phí sát hạch, phí cấp giấy phép lái xe, phí thẩm định nhưng không bàn giao hết. Tổng cộng các bị can chiếm hưởng gần 1 tỉ đồng.

Bị can Mai Hữu Chính là trưởng phòng Kế hoạch tài chính kiêm kế toán trưởng Sở GTVT tỉnh Nam Định đã không kiểm tra, giám sát để xảy ra thất thoát số tiền lớn nên cũng bị truy cứu.

* Pháp Luật TPHCM [18/9]: Kỷ luật Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Bình Thuận

Ủy ban Kiểm tra [UBKT] Tỉnh ủy Bình Thuận vừa họp kỳ thứ 6, thứ 7 trong hai ngày 31/8 và 8/9. Tại hai kỳ họp này, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc diện cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với đảng viên có đơn đề nghị khiếu nại, xem xét.

Theo đó, UBKT Tỉnh ủy thống nhất thi hành kỷ luật ông Huỳnh Văn Hưng, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, bằng hình thức khiển trách.

Theo thông báo, ông Huỳnh Văn Hưng đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Cụ thể, trước đây khi công tác tại huyện đảo Phú Quý [Bình Thuận], ông Hưng đã có sai phạm liên quan đến một công trình và bị kỷ luật thế nhưng khi chuyển công tác về Văn phòng HĐND tỉnh Bình Thuận, ông Hưng đã không khai báo theo quy định.

Ngoài việc đưa ra hình thức kỷ luật ông Hưng, UBKT Tỉnh ủy cũng đã thống nhất xóa hình thức kỷ luật khiển trách đối với bà Đặng Thị Thanh Thủy, đảng viên thuộc Chi bộ 5 - Đảng bộ bộ phận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, Đảng ủy Sở Y tế.

Trước đây, cho rằng bà Thủy có sai phạm, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đã yêu cầu kiểm điểm, tuy nhiên bà Thủy không kiểm điểm mà chỉ làm giải trình vì bà cho rằng mình không có dấu hiệu sai phạm. Sau đó bệnh viện bỏ phiếu kỷ luật, bà Thủy khiếu nại nhưng Đảng ủy Sở Y tế vẫn giữ nguyên hình thức kỷ luật. Bà Thủy đã làm đơn gửi UBKT Tỉnh ủy và được cơ quan này kết luận không đủ cơ sở để kỷ luật bà Thủy.

* Kênh VTV8 Bản tin Thời sự lúc 18h42 ngày [18/9]: Phú Yên: Tuyên án 16 cựu cán bộ huyện Đông Hòa

TAND tỉnh Phú Yên ngày 14/9 đã tuyên án vụ 16 cựu cán bộ huyện Đông Hòa bị truy tố về tội làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Nguyễn Tài, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa 12 năm tù; bị cáo Nguyễn Kích, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa 10 năm tù; bị cáo Huỳnh Ngọc Thắng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa 4 năm tù. 13 bị cáo còn lại hưởng án treo. Các bị cáo phải liên đới bồi thường 9,2 tỷ đồng cho UBND huyện Đông Hòa, cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc liên quan từ 3 - 5 năm.

THẾ GIỚI

* VTV.vn [18/9]: Brazil thúc đẩy tư nhân hóa nhằm khôi phục kinh tế

Chính phủ của tân Tổng thống Brazil Michel Temer đã thông báo kế hoạch tư nhân hóa nhiều dự án dầu khí, năng lượng, cơ sở hạ tầng với mục đích thu về hàng tỷ USD giúp khôi phục nền kinh tế của đất nước này.

Kế hoạch tư nhân hóa này bao gồm việc đấu thầu quyền khai thác các mỏ dầu khí, các sân bay tại nhiều thành phố lớn, một số tuyến đường cao tốc liên bang tại miền Nam và miền Tây, hệ thống cảng biển, cũng như xây dựng hệ thống hạ tầng và phát triển các dự án năng lượng.

Chính phủ của ông Temer cũng cam kết không theo đuổi chính sách kinh tế dưới thời của Tổng thống tiền nhiệm Dilma Rousseff bởi sự can dự nhiều của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế, làm ảnh hưởng tới lòng tin của các nhà đầu tư.

Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong 25 năm qua, với thâm hụt ngân sách ở mức trên 10% GDP. Quỹ Tiền tệ Quốc tế [IMF] dự báo, năm nay nền kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy giảm và tăng trưởng âm 3,5%.

* Công An Nhân Dân [18/9]: Cựu Tổng thống Brazil bị buộc tội tham nhũng

Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva ngày 14-9 đã bị cáo buộc đóng vai trò quan trọng trong bê bối tham nhũng lớn tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Cáo trạng mà Viện Kiểm sát Brazil trình lên cho thấy, cựu Tổng thống Lula da Silva và vợ ông phạm các tội danh tham nhũng, rửa tiền, giả mạo giấy tờ. Công tố viên Deltan Dallagnol, người đứng đầu cuộc điều tra nói: Ông Lula không chỉ tham nhũng mà còn là kẻ cầm đầu, đứng đằng sau điều khiển bê bối trong Petrobras.

Ông ta đã tham nhũng và rửa tiền với số tiền khoảng 27 triệu USD. Ngoài ra, các nhà điều tra còn nghi ngờ ông Lula đã nhận tiền từ Công ty xây dựng OAS để cải tạo căn hộ hạng sang của mình tại thành phố Guaruja

Thẩm phán liên bang Sergio Moro, người thụ lý điều tra vụ án tham nhũng của Petrobras cho biết, nếu ông đồng ý với bản cáo trạng, ông Lula sẽ chính thức bị bắt để phục vụ điềut ra. Hồi tháng 3, tòa án bang Sao Paulo đã ra lệnh tam giam ông Lula vì cáo buộc liên quan đến hoạt động rửa tiền, che giấu tài sản và làm giả giấy tờ./.

Video liên quan

Chủ Đề