Bài nghiên cứu Khoa học về ảnh hưởng của Kpop đến việc học tiếng Hàn

Nguyễn Tuấn Hùng, Vũ Lê Quỳnh

Đặng Thị Thanh Tâm, Đỗ Mạnh Tiến

Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia nằm ở khu vực Đông Á với nhiều đặc điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa. Trong suốt chiều dài lịch sử, cả hai quốc gia đều chịu sự ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Ngày 22/12/1992, Việt Nam – Hàn Quốc chính thích thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau đó đến năm 2001, quan hệ hai nước được nâng lên thành “Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” và năm 2009 trở thành “Đối tác hợp tác chiến lược”. Sự kiện này là kết quả của sự hợp tác lâu dài, bền vững của cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc.

Làn sóng Hallyu xuất hiện ở Việt Nam tương đối sớm và đóng góp lớn vào sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Làn sóng Hàn Quốc được tiếp nhận ở Việt Nam một cách sâu rộng hơn so với các quốc gia trong cùng khu vực như Nhật Bản hay Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của học giả Lê Đình Chinh, có 8 con đường để Việt Nam tiếp nhận làn sóng Hàn Quốc, bao gồm: (1) Giaó dục – đào tạo, (2) Nghiên cứu khoa học, (3) Điện ảnh và phim truyền hình, (4) Âm nhạc, (5) Du lịch, (6) Du học, (7) Gia đình đa văn hóa Hàn – Việt, (8) Người lao động Việt Nam làm việc tại các công ty Hàn Quốc (Chinh, 2015).

1. Tổng quan về chính sách ngoại văn hóa của Hàn Quốc

Ngoại giao văn hóa là phạm vi nhỏ trong một phương diện mới được khám phá gần đây gọi là sức mạnh mềm (soft power). Theo đó, các quốc gia có thể sử dụng quân cờ ngoại giao văn hóa như một phương tiện để gia tăng sức ảnh hưởng cũng như vị thế của mình trên trường quốc tế. Thông qua đó, vừa truyền bá được sức mạnh của văn hóa bản địa, vừa làm bàn đạp để phát triển, thu về một khối lượng lớn lợi nhuận, gia tăng sự ảnh hưởng với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

1.1. Sức mạnh mềm (soft power)

Nhân vật đưa ra khái niệm sức mạnh mềm là Joseph Nye, một giáo sư thuộc đại học Havard của Hoa Kỳ. Vị giáo sư này trong thời gian hoạt động đã đưa ra hàng loạt các định nghĩa khác nhau về sức mạnh mềm. Định nghĩa đầu tiên mà ông đưa ra rằng “sức mạnh mềm là khả năng khiến người khác muốn cái mà bạn muốn, do đó họ sẽ tự nguyện làm điều đó mà không phải ép buộc hoặc mua chuộc”.

Đến những năm cuối thấp niên 90 của thế kỷ XX, ông tiếp tục đưa ra thêm một định nghĩa khác và cho rằng: “sức mạnh mềm là kết quả lý tưởng có được thông qua sức hấp dẫn của văn hóa và ý thức hệ chứ không phải thông qua sức mạnh cưỡng chế của một quốc gia, có thể làm cho một người khác tin phục đi theo mình, hoặc tuân theo các tiêu chuẩn hành vi hay chế độ do mình định ra để hành xử theo ý tưởng của mình. Quyền lực mềm dựa vào sức thuyết phục của thông tin ở mức rất cao”

Tuy vậy, đến thập niên đầu thế kỷ XXI,  Joseph Nye đã thay đổi quan điểm của mình và cho rằng: “Sức mạnh mềm là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hoá, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước”. Trong quan điểm này, ông cho rằng sức mạnh mềm không chỉ là sự thuyết phục, mà nó còn là khả năng lôi kéo và hấp dẫn, khiến người khác phải tự nguyện đi theo chứ không phải bị ép buộc hoặc cưỡng chế (Tiên, 2016b).

Bản chất cốt lõi của sức mạnh mềm là tính hấp dẫn. Theo đó, những gì có thể tạo nên sức hấp dẫn, thu hút được sự ngưỡng mộ kính phục của cộng đồng thế giới dành cho quốc gia đó bao gồm giá trị căn bản của xã hội, văn hoá, mô hình nhà nước, các chính sách hợp pháp, đầy đủ thẩm quyền và hợp đạo đức, vị thế quốc tế thể hiện qua khả năng tham gia vào các thể chế đa phương hoặc thiết lập nên các luật lệ hành xử trong quan hệ giữa các chủ thể chính trị… Trong đó, văn hóa chính là một nguồn tạo nên sức mạnh mềm. Luận điểm này cũng nhằm khẳng định khi những nét văn hoá của một quốc gia được phổ biến và chấp nhận rộng rãi thì quốc gia đó sẽ tăng cường gia tăng sự ảnh hưởng. Khả năng đạt được mục đích mong muốn sẽ có tỉ lệ thành công cao vì đã xoá nhoà được phần nào sự khác biệt kể trên và các chủ thể khác sẽ tự nguyên làm theo để đạt được lợi ích chung mà không cần sử dụng đến bạo lực hay ép buộc. Văn hoá được chia thành hai nhóm[1]: văn hoá hàn lâm và văn hoá đại chúng, đều có thể trở thành nguồn quyền lực mềm có tác động khác nhau đối với từng đối tượng và tùy thuộc vào bối cảnh tiếp nhận. Nhưng trong trường hợp xem xét về chính sách ngoại giao văn hóa thì chúng tôi chủ yếu xét trên khía cạnh của văn hóa đại chúng là chính.

1.2. Ngoại giao văn hóa (cultural diplomacy)

Trong thời đại tòan cầu hóa, thế kỷ công nghệ số và với sự nổi trội của xu hướng “đối thoại thay cho đối đầu”, ngoại giao văn hóa được xem như là một trong 3 trụ cột chính của hoạt động ngoại giao (bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế). Theo đó,  ngoại giao văn hóa là một hình thức ngoại giao thông qua công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, an ninh và ảnh hưởng (Phạm Thủy Tiên, 2016a). Mở rộng ra, ngoại giao văn hóa có thể bao gồm cả việc giới thiệu các thành tựu, nghệ thuật, khoa học xã hội… không chỉ của riêng quốc gia mà còn của các nhóm quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế. Ở đây, chúng ta cũng cần phân định rạch ròi, rõ ràng giữa hai khái niệm rát dễ nhầm lẫn là ngoại giao văn hóa và văn hóa ngoại giao[2].

Đối tượng hướng tới của ngoại giao văn hóa thường là chính phủ hoặc nhân dân của các quốc gia khác và mục đích của việc triển khai thường được quyết định tùy vào các bên tham gia như thế nào[3]. Ngoài ra, dựa vào trình độ của mỗi quốc mà vai trò của ngoại giao văn hóa lại khác nhau (Tiên, 2016a). Điển hình rằng:

Vai trò chính trị: Đối với các nước lớn, ngoại giao văn hóa là con đường để mở rộng ảnh hưởng của mình với thế giới. Đối với các nước nhỏ hơn, ngoại giao văn hóa được sử dụng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và tăng cường phát triển, qua đó các nước này sẽ được chú ý nhiều hơn và nâng cao tiếng nói trên trường quốc tế. Vai trò kinh tế: Ngoại giao văn hóa còn giúp thu hút đầu tư, du lịch và khai thác các ngành công nghiệp văn hóa.

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Ngoại giao văn hóa là sự trao đổi qua lại có tương tác. Quá trình trao đổi này giúp các quốc gia tiếp nhận các giá trị và thành tựu văn hóa nổi bật của nhân loại để làm giàu thêm kho tàng văn hóa của mình, đồng thời định hướng việc gìn giữ, phát huy và điều chỉnh các giá trị văn hóa riêng cho phù hợp với dòng chảy phát triển chung của thế giới.

1.3. “Làn sóng Hallyu” của Hàn Quốc tại Việt Nam

Làn sóng Hàn Quốc hay còn gọi là trào lưu Hàn Quốc – một thuật ngữ được dịch từ tiếng Hàn là Hallyu (한류), có nghĩa là sự thịnh hành những giá trị văn hóa của Hàn Quốc ở nước ngoài. Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng thuật ngữ này được người dân Trung Hoa đặt ra từ những năm đầu thế kỷ XXI, bởi sự hâm mộ của họ đối với phim truyền hình, thời trang, mỹ phẩm Hàn Quốc… Hai chữ Hán 韓流 (Hán líu: Hàn lưu) du nhập sang Hàn Quốc, lại phù hợp với từ gốc Hán mà người Hàn sử dụng nên người Hàn dễ dàng tiếp nhận rồi biến nó thành một khái niệm mới mà ngày nay mọi người thường sử dụng. Phạm vi ảnh hưởng của Hàn lưu rộng lớn, song, đậm nét nhất vẫn là châu Á. Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam luôn ở trong những nước đầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của trào lưu này (Chung, 2013).

1.4. Cơ sở lý thuyết

Trong phần nghiên cứu ngắn này, chúng tôi nhìn nhận và giải thích chủ yếu dựa trên chủ nghĩa tự do (liberalism). Sự tăng lên của toàn cầu hóa đã khiến cho các quốc gia tìm kiếm sự hợp tác thay vì xung đột. Trong bối cảnh như vậy, mỗi quốc gia đều tận dụng các nguồn lực của mình để tạo đạt được lợi ích của mình. Sự tương đồng về mặt văn hóa giữa Việt Nam – Hàn Quốc đã khiến cho việc hợp tác diễn ra thuận lợi hơn. Theo đó, sự phát triển của nhận thức lý trí đã khiến cho Hàn Quốc ngày càng quan tâm đến những lợi ích tuyệt đối với tầm nhìn lâu dài là sự lan tỏa văn hỏa bản địa ra bên ngoài. Một nền kinh tế thị trường là sự ủng hộ để kiến tạo môi trường hòa bình thông qua hợp tác trong quan hệ quốc tế. Sự đan xen giữa lợi ích của các chủ thể theo chủ nghĩa tự do đều có sự tương đồng nhất định. Điểm nổi bật là thái độ ủng hộ đối với một thế giới hòa bình, thịnh vượng; điều này sẽ tạo điều kiện quan trọng cho các bên giải quyết xung đột bằng biện pháp đàm phán, thương lượng và vì thế ít tạo ra sự lưỡng nan an ninh. Trong trường hợp áp dụng chủ nghĩa tự do, Hàn Quốc có thể chủ động hội nhập quốc tế và gia tăng vị thế của mình trên trường quốc tế thông qua chính sách ngoại giao văn hóa. Hội nhập có thể cả ở chiều rộng lẫn chiều sâu, bên cạnh các hợp tác mang yếu tố kinh tế, còn có những hợp tác về quân sự, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ,…

Bên cạnh chủ nghĩa tự do, chúng tôi cũng sử dụng một số luận điểm chính của chủ nghĩa hiện thực (realism) và chủ nghĩa kiến tạo (constructualism) để giải thích về hoạt động ngoại giao văn hóa của Hàn Quốc. Theo chủ nghĩa hiện thực, mục đích của quốc gia là tồn tại và vì thế, nó phải tự cứu lấy mình trong môi trường vô chính phủ. Các quốc gia theo chủ nghĩa này đều mong muốn đạt được quyền lực và đảm bảo tối cao lợi ích quốc gia. Quyền lực được gia tăng trong trường hợp hoặc bản thân quốc gia mạnh lên hoặc làm cho đối phương (các quốc gia khác) yếu đi. Điều này hoàn toàn phù hợp khi áp dụng cho việc triển khai chính sách ngoại giao văn hóa của Hàn Quốc. Rõ ràng, Hàn Quốc có thể đạt được quyền lực thông qua việc triển khai chính sách ngoại giao văn hóa. Bản thân chính sách đã được hiểu như một nguồn của sức mạnh mềm. Nếu thành công, họ có thể đạt được sức mạnh và quyền lực của quốc gia. Tuy vậy, chúng tôi không dẫn luận theo hướng Hàn Quốc mong muốn xảy ra chiến tranh. Điều này sẽ làm phản tác dụng đối với chiến lược ngoại giao văn hóa.

Trong khi đó, chủ nghĩa kiến tạo cho rằng ý thức con người sẽ thúc đẩy sự thay đổi của quan hệ quốc tế. Một trong số nguồn tạo ra điều này là văn hóa và văn hóa cũng chính là yếu tố quan trọng trong việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa Hàn Quốc. Theo đó, bản sắc hay văn hóa mang hàm ý cả những ưu tiên và chiến lược của quốc gia trong cách hoạch định chính sách đối ngoại. Trong một nghiên cứu gần đây, tôi nhận thấy việc triển khai chính sách ngoại giao văn hóa có thể thúc đẩy sự định hình về “hình ảnh quốc gia” mang màu sắc Hàn Quốc. Nhưng nghiên cứu này ở Việt Nam không phổ quát và vì thế, theo tôi, nhận thức con người sẽ là một phần để quyết định hình ảnh quốc gia (Hàn Quốc) trong mắt công chúng. Tức, hình ảnh quốc gia nhìn dưới góc độ chủ nghĩa kiến tạo có thể được định nghĩa là nhận thức, quan niệm của một cá nhân về quốc gia khác (Kunczik, 1997). Ông cũng cho rằng hình ảnh tích cực sẽ góp phân khuyến khích sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, du lịch, giáo dục và các hợp tác khác. Tuy nhiên, nếu là hình ảnh tiêu cực thì lại không khuyến khích hợp tác và có thể gây ra bất ổn và đối đầu giữa các quốc gia. Hình ảnh của quốc gia được người dân các nước khác tiếp nhận từ lâu đã được quan tâm nghiên cứu vì chúng thường được thừa nhận là có ảnh hưởng quan trọng đến quan hệ giữa các quốc gia (McCracken, 1987). Điều này phản ánh thực tế rằng hình ảnh quốc gia được sinh ra từ nhận thức của con người về một thực thể nào đó. Vì thế, tôi cho rằng việc triển khai chính sách ngoại giao văn hóa hoàn toàn nằm trong chiến lược định hình hình ảnh quốc gia (Hàn Quốc).

2. Thực tiễn chính sách ngoại giao văn hóa của Hàn Quốc và sự ảnh hưởng của “làn sóng Hallyu

2.1. Các giai đoạn triển khai chính sách ngoại giao văn hóa của Hàn Quốc

Theo học giả người Anh Raymond Williams, Hàn Quốc từng triển khai chính sách đối nội về văn hóa từ những năm 60 của thế kỷ XX nhằm huy động và truyền cảm hứng đến người dân của mình thông qua niềm tự hào về các sản phẩm của Hàn Quốc (Williams, 1984). Tuy nhiên, phải đến những năm 90 thế kỷ XX, Hàn Quốc mới đưa những thành tựu văn hóa quốc gia ra nước ngoài như một hình thức của ngoại giao văn hóa.

Mặt khác, theo giáo sư của Đại học Australia, ông Joanna Elfving – Hwang, quá trình triển khai ngoại giao văn hóa của Hàn Quốc được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (đầu những năm 90 của thế kỷ XX), mục tiêu chủ yếu là nhằm tăng tính tự tôn và ủng hộ chủ nghĩa quốc gia. Việc chú trọng phát triển thị trường trong nước trước khi xuất khẩu ra bên ngoài giúp ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc có được nền tảng vững chắc, đồng thời tăng sức cạnh tranh đối với sản phẩm của các quốc gia khác. Giai đoạn thứ hai (từ đầu thế kỷ XXI), mục tiêu chủ yếu là nhằm phát triển “sức mạnh mềm”, nâng cao vị thế Hàn Quốc với tư cách một nước phát triển và có vai trò quan trọng trên thế giới (Hwang, 2013).

Trong thời gian triển khai ngoại giao văn hóa, giới tinh hoa Hàn Quốc chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Theo đó, thương hiệu quốc gia là một trong những công cụ quan trọng để xây dựng hình ảnh tốt đẹp đối với công chúng trong và ngoài nước. Để đạt được điều này, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-Hyun đã cố gắng đưa Hàn Quốc trở thành một trong năm nước đứng đầu thế giới về công nghiệp văn hóa với việc sử dụng công cụ văn hóa. Sự thay đổi chính quyền sau đó vẫn tiếp tục công việc mà ông Roh đã làm. Chính quyền kế nhiệm, Tổng thống Lee Myung Bak đã phát triển ngoại giao văn hóa như một hình thức của “sức mạnh mềm” và việc xây dựng thương hiệu quốc gia là một phần quan trọng (Đăng, 2019).

2.2. Các lĩnh vực trong chính sách ngoại giao văn hóa

Vào những năm khủng hoảng kinh tế châu Á 1997 lên đến đỉnh điểm, văn hóa Hàn Quốc lại càng được chính phủ quốc gia này chú trọng để mở rộng phạm vi ảnh hưởng và thay đổi triệt để, để có thể biến “văn hóa” trở thành một hàng hóa xuất khẩu được cũng như có thể mang lại kinh tế hiệu quả nhất. Từ âm nhạc đến phim ảnh, video game, ẩm thực, thời trang,… của Hàn Quốc thay nhau xuất hiện ở khắp các lục địa, nhất là ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc đến nỗi người Trung Quốc phải đặt ra thuật ngữ Hallyu (hay Làn sóng Hàn Quốc). Ngoại giao văn hóa đã đóng góp một phần lớn trong GDP của Hàn Quốc. Tổng doanh thu mà ngành này mang về trong năm 2015 ước tính đạt khoảng 99,6 nghìn tỷ won, tăng gần 75% so với năm 2005 (Thái và cộng sự, 2016).

2.2.1. Điện ảnh, phim truyền hình, truyền thông

Theo Lê Đình Chinh, giai đoạn 1994-1995 là thời điểm phim truyền hình Hàn Quốc bắt đầu du nhập vào Việt Nam với những bộ phim đầu tiên như Hoa cúc vàng hay Cảm xúc… Sau sự thành công của các bộ phim trên, năm 1998 HTV và VTV đã tiến hành cho công chiếu rộng rãi các bộ phim truyền hình khác như “Yumi, tình yêu của tôi”, “Con trai và con gái”, “Anh em nhà bác sĩ”… Tiếp đó giai đoạn 1998-1999, một loạt các phim truyền hình như “Mối tình đầu’”, “Ước mơ vươn tới một ngôi sao”, “Anh em”, “Ngày hôm qua”… lần lượt được trình chiếu tại Việt Nam. Đến năm 2004, bộ phim nhiều tập “ Đôi giày thủy tinh” đồng thời gây ấn tượng mạnh đối với công chúng Việt Nam (Chinh, 2015).

Bài nghiên cứu Khoa học về ảnh hưởng của Kpop đến việc học tiếng Hàn

Các kênh truyền hình Hàn sử dụng lợi thế của mình để phủ sóng ra thị trường quốc tế, xuất khẩu nhiều bộ phim truyền hình dài tập ra, đầu tư vào các rạp chiếu phim ở nước ngoài. Các bộ phim Hàn Quốc đã góp phần làm tăng đột biến số lượng du khách đến quốc này hơn bao giờ hết. Qua những bộ phim, điện ảnh, truyền thông cũng giới thiệu được hệ thống hàng hóa của quốc gia này. Ba yếu tố then chốt đã làm nên bước phát triển thần tốc của phim ảnh Hàn Quốc là nhân lực, vốn đầu tư và chính sách hỗ trợ của chính phủ (Vy, 2020). Gốc rễ của mọi sự phát triển nằm ở con người và Hàn Quốc chọn Hollywood là hình mẫu để noi theo cho sự phát triển của mình nhưng không áp đặt tất cả vào quốc gia mình mà thông qua chọn lọc, xem xét kỹ để phù hợp với sự truyền bá ảnh điện ảnh của quốc gia. Bảng dưới đây lấy từ nghiên cứu của Hoàng Thị Thủy, cho thấy doanh thu từ việc xuất khẩu phim của Hàn Quốc sang Việt Nam vẫn đạt con số khá ca, có thể thấy cao hơn cả Tây Ban Nha, Phillipine hay Đức trong một số trường hợp (Thủy, 2020).

Phim truyền hình Hàn Quốc đã đóng góp vào tăng trưởng đáng kể doanh số bán hàng thời trang và mỹ phẩm. Họ là một nguồn cảm hứng dẫn dắt khán giả đến âm nhạc Hàn Quốc thông qua OST. Phim truyền hình Hàn Quốc thật sự đã trở thành một nét văn hóa đáng chú ý trong chính sách ngoại giao văn hóa của quốc gia này. Bên cạnh những bộ phim truyền hình thì luôn có những phim điện ảnh gai góc để giới thiệu chất lượng thật sự của điện ảnh Hàn Quốc. Thị trường sản xuất phim cũng như văn hóa nói chung đang ngày càng mở rộng hơn và những sản phẩm văn hóa dù có sặc mùi bạo lực hay mang chủ đề cấm kỵ vẫn được mô tả một cách chân thực, vẽ nên một xã hội Hàn Quốc đã cởi mở hơn rất nhiều (Hương, 2016). Dưới đây sẽ mô tả về mức độ sở thích xem phim truyền hình của Hàn Quốc, được thực hiện bởi TS. Hà Thanh Vân (Vân, 2012)

Về sở thích xem phim truyền hình Hàn Quốc Tỉ lệ
Rất hay xem 18%
Có xem nhưng không nhiều 38%
Ít xem 40%
Không bao giờ xem 4%

Điện ảnh[4] Hàn đã tiếp thu tinh hoa điện ảnh thế giới để sáng tạo ra một phong cách làm phim riêng cho quốc gia này. Tạo được sự khác biệt nhưng đem lại hiệu ứng mạnh mẽ đối với người xem không chỉ ở trong quốc gia mà còn trên các vùng lãnh thổ khác. Nắm bắt được tâm lý giới trẻ là một phương diện khiến điện ảnh Hàn không bao giờ trở nên tụt hậu mà ngày càng đi lên. Hàn Quốc đã tung ra những bộ phim có nội dung nhẹ nhàng, lấy bối cảnh chính từ xã hội hiện đại, giải quyết những mâu thuẫn gần gũi với cuộc sống đời thường, xoay quanh chữ hiếu, tình yêu chung thủy và các giá trị gia đình châu Á, song họ lại rất chú trọng đến ngoại hình của diễn viên, cảnh quay đẹp, nhạc phim hay, có sức cạnh tranh với phim nước ngoài, đã biến Liên hoan phim Busan trở thành một dạng Liên hoan phim Cannes của châu Á.

Truyền thông cũng góp phần không nhỏ trong những chính sách ngoại giao của Hàn Quốc. Truyền thông Hàn được xem như là một phương diện để quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra khu vực cũng như toàn cầu. Nó trở thành một ngành kinh tế truyền thông mũi nhọn cho quốc gia này. Chúng ta có thể nhận thấy nếu đọc nhữn tư liệu gần đây đã chỉ ra rằng Hàn Quốc có rất nhiều hãng truyền hình tư nhân, cạnh tranh quyết liệt với Đài truyền hình TW KBS của Chính phủ. Các thông tin truyền tải trên các hãng này không bao giờ lấy lại của nhau, nhưng nội dung đều nhằm mục tiêu quảng bá ra thế giới hình ảnh văn hóa, đất nước và con người Hàn Quốc. Ngành công nghiệp giải trí rất phát triển như âm nhạc, game-show, talk-show,… với hình ảnh các ca sĩ, diễn viên có vẻ ngoài xinh đẹp và cuốn hút tạo ra các thần tượng, góp phần Hàn hóa thanh thiếu niên nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam.

2.2.2. Âm nhạc

Trong những năm gần đây, K-pop đã phát triển mạnh mẽ và lan tỏa trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam là biểu hiện rõ ràng cho sự tác động này. Năm 2012 khi thành công của Gangnam Style[5] đã thúc đẩy quá trình ảnh hưởng của văn hóa Hàn ngày càng sâu rộng đến các quốc gia trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Gangnam Style là album đơn đầu tiên do nghệ sĩ Hàn Quốc thu âm đã bán được 1 triệu bản tại Vương quốc Anh và hàng loạt chuyến lưu diễn của nghệ sĩ này trên khắp lục địa Nam Mỹ. Nhờ trang mạng Youtube, Gangnam Style đã trở thành một điệu nhảy thu hút hơn 1,5 tỷ lượt xem (Oanh, 2016). Lần đầu tiên, nhờ một sản phẩm như vậy mà Hàn Quốc nổi lên như một quốc gia khiến người khác phải trầm trồ khen ngợi cũng như thán phục. Gangnam Style vươn xa khỏi lãnh thổ Hàn Quốc để mang về vô số lợi ích cho đất nước này. Tiếp bước xu hướng toàn cầu này, BTS đã tạo ra một ca khúc quảng bá đặc biệt cho thủ đô Seoul mang tên “With Seoul”. MV cho bài hát đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem chỉ trong vài giờ, giống như tất cả các MV khác của nhóm. MV quảng bá Seoul của BTS thậm chí còn khiến máy chủ của Tổng cục Du lịch Seoul rơi vào tình trạng quá tải.

Cùng với việc các ngôi sao K-pop được lựa chọn làm đại sứ văn hóa Hàn Quốc, xuất khẩu âm nhạc[6] của Hàn Quốc cũng cho thấy sự tăng trưởng theo từng năm, đặc biệt phát triển mạnh ở thị trường châu Âu và Nam Mỹ. Xét trên phương diện kinh tế, sự tăng trưởng và lan tỏa mạnh mẽ của K-pop ra bên ngoài biên giới Hàn Quốc một mặt củng cố thêm uy tín cho Hàn Quốc trong vai trò là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, mặt khác gây hiệu ứng tốt giúp tăng xuất khẩu hàng tiêu dùng của nước này.

Theo thống kê của Cục nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), ngành công nghiệp Kpop đã thu về 3,4 tỷ USD năm 2011. Doanh thu tại nước ngoài ước tính đạt 180 triệu USD, tăng khoảng 112% so với năm 2010. Số liệu này đã tăng liên tục với tốc độ gần 80% hàng năm kể từ 2007 (Hương, 2016). Việc đào tạo ca sĩ của họ nghiêm khắc và cũng rất chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ phải bỏ ra hàng năm trời để luyện tập, thậm chí nhiều người còn không thể trải qua thời học sinh như bạn bè đồng trang lứa. Người Hàn cũng không ngần ngại thể hiện tham vọng lấn sân sang các thị trường âm nhạc khác. Các thành viên ngoại quốc xuất hiện trong các nhóm nhạc nổi tiếng[7] (như Black Pink, EXO, GOT7,…) đã giúp họ dễ dàng tấn công các nước khác và giành được sự quan tâm của người hâm mộ. Thậm chí, các công ty còn mạnh dạn đưa nghệ sĩ sang Mỹ, thị trường âm nhạc hàng đầu thế giới.[8]

2.2.3. Thời trang

Rất nhiều những bộ sưu tập thời trang như áo bóng chày, quần legging, váy tennis… của người Hàn đã khiến mọi người đổ xô săn lùng vì tính thẩm mỹ và tính ứng dụng cao của các sản phẩm này. Phong cách ăn mặc của người Hàn rất đặc trưng, không nghiêng về đơn giản, phóng khoáng như Mỹ, không mang hơi hướng “manga” như Nhật mà trẻ trung, năng động hơn hết. Bên cạnh đó, thời trang được mang vào điện ảnh, truyền thông như một cách để quảng bá sản phẩm của quốc gia trên trường quốc tế. Dưới đây là bảng thống kê theo nghiên cứu của Hà Thanh Vân (Vân, 2012).

Lý do thích ăn mặc, trang điểm theo phong cách Hàn Quốc Tỉ lệ
Màu sắc đẹp, kiểu dáng đẹp 61%
Lịch sự, thanh nhã 58%
Phù hợp với dáng người, làn da 32%
Gía thành phù hợp với túi tiền 23%

Nhiều hãng mỹ phẩm của Hàn cũng được săn đón trên các mặt trận nhờ vào chiến dịch quảng cáo cực kỳ thông minh của Hàn Quốc. Họ sử dụng điện ảnh, âm nhạc, các thần tượng như một công cụ hỗ trợ đặc biệt để quảng bá các sản phẩm về làm đẹp, quần áo, mỹ phẩm, nước hoa. Thông qua đó, thời đại mỹ phẩm Hàn đã chiếm lấy thị phần ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là chủ yếu, nhưng vẫn góp mặt ở một số quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ hay Châu Úc. Hàng loạt các nhãn hiệu về làm đẹp của Hàn nổi lên như một cơn sóng nhưng vẫn không có dấu hiệu suy giảm như Innissfree, Etude House, 3CE, Black Rouge, BBIA, Some By Mi…

2.2.4. Ẩm thực

Ẩm thực cũng là một thành tố được nhắc đến trong chính sách của Hàn Quốc. Thành tố này cũng như thời trang, nó được củng cố và truyền bá thông qua các kênh truyền hình, phim điện ảnh, những game-show, các thần tượng quảng cáo. Trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, đồ ăn của họ mang đậm nét văn hoá cổ truyền từ xưa tới nay, với những món ăn như Kimchi, Bibimbap, những nồi lẩu nấm nghi ngút khói và đặc biệt là món sườn nướng Hàn Quốc thì dường như những món ăn này đã trở thành nét truyền thống trong văn hoá ẩm thực Hàn Quốc. Và những món ăn như thế này đã được các nhà lãnh đạo, nhà chức trách, các chuyên gia,… kết hợp cùng các thành tố khác để gia tăng sự hiệu quả của chính sách này.

Tại Hội nghị chuyên đề quốc tế mang tên “Ẩm thực Hàn Quốc đến với thế giới 2009”, Bộ Thực phẩm – Nông-Lâm nghiệp và Thủy sản nước này đã chính thức giới thiệu chiến lược của Chính phủ về toàn cầu hóa nghệ thuật nấu ăn truyền thống của Hàn Quốc đến năm 2013, với tổng kinh phí 50 tỷ won (Viettravel, 2009). Chính phủ Hàn Quốc tiếp đó cho ban hành Phiếu quảng cáo về các dịch vụ ẩm thực, để cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính và huấn luyện đội ngũ nhân viên cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Bộ này sẽ cộng tác chặt chẽ với các trường dạy nấu ăn danh tiếng trên thế giới như: Le Cordon Bleu của Pháp, mở những lớp dạy  nấu món ăn Hàn Quốc ở nước ngoài. Bộ Thực phẩm-Nông-Lâm nghiệp và Thủy sản Hàn Quốc sẽ thảo luận về chi tiết của chiến lược toàn cầu hóa ẩm thực này với các Bộ có liên quan, và hoàn thành vào tháng 5.

Ngành ẩm thực truyền thống rất phong phú của Hàn Quốc đã được thế giới biết đến và yêu thích qua các bộ phim truyền hình, đặc biệt là món kim chi và kim-bab. Các món ăn Hàn Quốc tuy không được chế biến một cách cầu kỳ, nhưng lại có hương vị rất đặc biệt và hình thức bắt mắt.

3. Tác động của chính sách ngoại giao văn hóa đối với quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam

3.1. Tác động

Cho đến nay, mặc dù không còn nở rộ như những năm cuối của thập kỷ 90 thế kỷ XX và đầu thập niên thế kỷ XXI, nhưng làn sóng văn hóa Hàn Quốc vẫn tiếp tục được quảng bá tại Việt Nam như các bộ phim điện ảnh, truyền hình vẫn trình chiếu đều đặn hàng ngày trên các kênh thông tin, truyền hình hoặc thương hiệu của hàng hóa Hàn Quốc vẫn được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Và cơ bản, những ảnh hưởng từ làn sóng này đã tác động vừa tiêu cực vừa tích cực đến đời sống người dân Việt Nam.

3.1.1. Tác động tích cực

Với quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc đã để lại nhiều thành tựu to lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa ở hai nước. Thông qua quan hệ hợp tác Việt – Hàn mà nền kinh tế, văn hóa, giáo dục Việt Nam đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ phía Hàn Quốc và góp phần  phát triển trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Về kinh tế[9], Hàn Quốc là một trong những đối tác nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Về văn hóa, Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Về mặt tư tưởng, văn hóa Việt và văn hóa Hàn đều có một điểm chung là mang đậm tính nhân văn, tất cả vì con người và phục vụ con người. 

Về giáo dục, ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo là  ở Việt Nam là khá lớn. Tính từ khi quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc được thiết lập, việc học tiếng Hàn ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhiều trường đại học và cao đẳng Việt Nam đã thành lập ngành Hàn Quốc học đào tạo tiếng Hàn, văn hóa Hàn và các chuyên môn khác về Hàn Quốc học

Về xã hội, trào lưu cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc đã tăng lên mạnh mẽ trong những năm gần đây ( chủ yếu là khu vực miền Tây Nam bộ Việt nam). Có nhiều nguyên nhân  lý giải về việc các cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Theo ý kiến của GS. TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng sở dĩ phụ nữ miền Tây Nam bộ Việt Nam lấy chồng Hàn nhiều là vì do đời sống kinh tế nghèo, trình độ văn hóa thấp cùng bối cảnh văn hóa vùng là những nguyên nhân sâu xa khiến cho con gái miền Tây lấy chồng ngoại qua các công ty môi giới hôn nhân nhiều đến vậy, nhiều nhất cả nước (Chinh, 2015).

3.1.2. Tác động tiêu cực

Với sự ảnh hưởng sâu rộng của ngoại giao văn hóa Hàn Quốc, đã tác động một số điều tiêu cực đến với xã hội Việt Nam hiện nay. Chúng ta có thể thấy nhan nhãn các bạn trẻ cho rằng “dùng sản phẩm” của Hàn Quốc là sự thể hiện đẳng cấp trong phong cách sinh hoạt hoặc hưởng thụ mà không nhận thấy sự phụ thuộc thậm chí là cổ xúy nó. Về âm nhạc, một số nhà văn hóa học cho rằng vì quá nồng nhiệt với nền âm nhạc Hàn mà giới trẻ Việt Nam sẽ đánh mất bản sắc của chính mình nếu không muốn nói xa hơn là sẽ dẫn tới nguy cơ bị “xâm lược văn hóa”.

Ẩm thực Việt Nam cũng đang bị các đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn theo phong cách nước ngoài xâm lấn. Những món ngon, những tinh hoa ẩm thực Việt đã và đang bị mai một dần và thay vào đó là sự xuất hiện của hàng loạt các thức ăn, đồ uống của nước ngoài, đặc biệt là đồ ăn Hàn. Nhiều người Việt Nam đã có những hành vi thể hiện sự cuồng nhiệt với văn hóa Hàn Quốc, mà mạnh mẽ nhất là các bạn trẻ. Sự cuồng nhiệt ấy đã được đẩy tới mức tối đa thông qua các hành vi ứng xử bên ngoài mà tiêu biểu là sự đổi thay văn hóa tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam. Văn hóa Hàn Quốc theo sự phát triển và lan truyền của nó đã đi vào Việt Nam một cách ồ ạt và mạnh mẽ chỉ trong gần hai mươi năm qua. Chính những nguồn văn hóa này đã tạo ra sự xung đột giữa giá trị mới và giá trị truyền thống; giá trị bản địa và giá trị ngoại lai. Điều này cho chúng ta nhận thấy sự lo ngại trước những ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới giới trẻ trong thời đại công nghệ số này.

3.2. Bài học cho Việt Nam

Đầu tiên, Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu của các hoạt động ngoại giao văn hóa trong từng giai đoạn cụ thể. Mục tiêu trước mắt của chúng ta cần làm đó là phải tập trung xây dựng lại hình ảnh con người Việt Nam với những giá trị đạo đức tốt đẹp trước khi muốn thế giới tiếp nhận văn hóa của chúng ta. Để đạt được mục tiêu này, thì không đâu ngoài công tác giáo dục, tư tưởng, ý thức, văn hóa dân tộc, các giá trị sống tử tế cho mỗi người dân Việt Nam là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó thì việc nâng cao dân trí cũng rất thiết yếu trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam còn thua kém các nước về kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật. Ở phương diện điện ảnh, truyền hình, Việt Nam cần: (1) tạo được sự đồng cảm trong các bộ phim có sự hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc, (2) công nghệ hóa ngành điện ảnh Việt bằng mô thức chuyển giao công nghệ làm phim, (3) tham gia mạng lưới hội đồng điện ảnh châu Á (AFCNet) có trụ sở ở Busan (Hàn Quốc), (4) tăng cường đạo tạo nhân lực phục vục ngành điện ảnh giữa Việt Nam – Hàn Quốc (Thủy, 2020).

Thứ hai, việc đẩy mạnh quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới cần được thực hiện một cách hiệu quả hơn. Chúng ta có hàng loạt các di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới, di sản phi vật thể,… do UNESCO công nhận thì chúng ta cần phải tích cực đưa những hệ giá trị ấy ra bên ngoài chứ không phải là việc đã được công nhận rồi nhưng chỉ để trong nước mà công tác truyền bá lại không được chú trọng. Văn hóa ẩm thực Việt Nam vốn có sức hấp dẫn với du khách do khẩu vị Việt Nam gắn liền với sản vật nông nghiệp nhiệt đới, giúp cho các món ăn Việt Nam bổ dưỡng mà nhẹ nhàng, thanh lịch, có hương vị và màu sắc riêng. Tuy nhiên chúng ta cũng chưa phát huy được tối đa lợi thế này, do đó cần đẩy mạnh hơn nữa việc đưa món ăn Việt vào các nhà hàng trên khắp thế giới, tổ chức các lễ hội ẩm thực.

Thứ ba, chúng ta cần tăng cường sức mạnh mềm của ngoại giao công chúng để giúp nhân dân thế giới cập nhật những thông tin đúng đắn về Việt Nam[10]. Việt Nam, tùy theo khả năng hiện nay hiện có, có thể từng bước tham gia vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, vào giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, cho quân đội tham gia cứu trợ, cứu nạn trên Biển Đông hay tham gia các lực lượng bảo vệ hòa bình của LHQ,… Thông qua những hoạt động đó, hình ảnh Việt Nam sẽ được cải thiện rất nhiều trong con mắt của thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Đình Chinh (2015), “Quyền lực mềm của văn hóa Hàn Quốc – Hanllyu ở Việt Nam và ảnh hưởng của nó”, Đông Phương học, http://dongphuonghoc.org/article/245/quyen-luc-mem-cua-van-hoa-han-quoc-hanllyu-o-viet-nam-va-anh-huong-cua-no.html?fbclid=IwAR2Je8kFt36UkCJOAMzKkOxgfp6W4QUjE6nhLvJJd7oYx6YaUVnsagSYJK4, truy cập ngày 01/04/2021
  2. Lý Xuân Chung (2013), “Nguyên nhân tạo nên Hàn lưu”, Nghiên cứu Hàn Quốc, http://cks.inas.gov.vn/index.php?newsid=351, truy cập ngày 01/04/2021
  3. Nguyễn Hải Đăng (2019), “Ngoại giao văn hóa của một số quốc gia Đông Bắc Á”, Tạp chí Cộng sản, http://dulieu.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2019/54832/Ngoai-giao-van-hoa-cua-mot-so-quoc-gia-Dong-Bac-A.aspx
  4. Phạm Thu Hương (2016), “Quyền lực mềm” kiểu Hàn, https://cvdvn.net/2016/12/21/quyen-luc-mem-kieu-han/?fbclid=IwAR1wF3HdAXCzQlmhuZLRiyrkD4zZjp2vMaN-OOw6NmoFyIS-GACjiE2YXNw, truy cập ngày 25/03/2021
  5. Hwang, J.E., (2013), “South Korean Cultural Diplomacy and Brokering “K-Culture” outside Asia”, Korean History, vol.4
  6. Kunczik, M. (1997), Images of nations and international public relations, Lawrence Erlbaum, New York
  7. McCracken, K.W.J. (1987), “Australia and Australians: View from New York Times”, Journalism Quarterly, vol. 64(1), p. 183–187. https://doi.org/10.1177/107769908706400126 , truy cập ngày 18/09/2020
  8. Phan Thị Oanh (2016), “Hàn lưu – sức mạnh của văn hóa Hàn Quốc”, Nghiên cứu Hàn Quốc, http://cks.inas.gov.vn/index.php?newsid=581&fbclid=IwAR3Oi7TpUdiEL4VJ4BPelRoeZezSlHoruEA_QE2oVhtDFFB0aHeuKqKOJTQ, truy cập ngày 25/03/2021
  9. Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Thắm, Hạ Thị Lan Phi (2016), “Công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản và Hàn Quốc”, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 8 (105), tr.40-58.
  10. Hoàng Thị Thủy (2020), “Kinh nghiệm gia tăng sức mạnh mềm văn hóa thông qua phát triển điện ảnh của Hàn Quốc và một số gợi mở với Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6(232), 68-75
  11. Phạm Thủy Tiên (2016a), “Ngoại giao văn hóa (Cultural Diplomacy)”, Nghiên cứu Quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2016/01/23/ngoai-giao-van-hoa-cultural-diplomacy/, truy cập ngày 25/03/2021
  12. Phạm Thủy Tiên (2016b), “Quyền lực mềm (Soft Power)”, Nghiên cứu Quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2016/05/07/quyen-luc-mem-soft-power/, truy cập ngày 25/03/2021
  13. Hà Thanh Vân(2012), “Sự tiếp nhận văn hóa Hàn Quốc của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay – Những điểm nhìn từ một cuộc khảo sát xã hội học văn hóa”, tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc từ quá khứ, hiện tại tới tương lai, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), số 12, tr. 55 – 64.
  14. Viettravel (2009), “Hàn Quốc: Đầu tư trên 38 triệu USD quảng bá ẩm thực Hàn Quốc trên phạm vi toàn cầu”, https://www.vietravel.com/vn/tin-tuc-du-lich/han-quoc-dau-tu-tren-38-trieu-usd-quang-ba-am-thuc-han-quoc-tren-pham-vi-toan-cau-v3903.aspx, truy cập ngày 28/03/2021
  15. Khả Vy (2020), “Câu chuyện “xuất khẩu văn hóa” thần kỳ của Hàn Quốc”, https://edu2review.com/news/kien-thuc/cau-chuyen-xuat-khau-van-hoa-than-ki-cua-han-quoc-1185.html?fbclid=IwAR2ytuviML2pdUP-kNkrmi4XTFv4I1Tjst-BVDC6swTzedPucBzomAFkHUk, truy cập ngày 05/04/2021
  16. R, (1984), State Culture and Beyond, trong Culture and the State, Institute of Contemporary, Arts, London, p.3-5

Chú thích

[1] Văn hóa hàn lâm gồm giáo dục, nhạc thính phòng, kịch cổ điển…tác động tới một nhóm đối tượng không nhiều nhưng có sức ảnh hưởng mạnh đến các cấp nhà nước và việc quản lý xã hội như hoạch định chính sách. Do phạm vị nhỏ nên tác động của nhóm văn hoá này dễ xác định.

Văn hoá đại chúng bao gồm phim ảnh, chương trình truyền hình, nhạc phổ thông, thể thao,…tác động đến nhóm đối tượng rất lớn bao gồm nhiều tầng lớp trong xã hội. Những ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, thể thao trong trường hợp này chính là những đại sứ quảng bá quyền lực mềm cho quốc gia mình.

[2] Ngoại giao văn hóa là dùng văn hóa để làm ngoại giao, trong khi đó văn hóa ngoại giao thiên về những biểu hiện, cách ứng xử của các cán bộ ngoại giao (phong thái ngoại giao) hoặc cách thức giải quyết vấn đề đối ngoại của một quốc gia dựa trên tư tưởng, chính sách và các ảnh hưởng văn hóa.

[3] Xem thêm: Phạm Thủy Tiên (2016b), “Ngoại giao văn hóa (Cultural Diplomacy)”, Nghiên cứu quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2016/01/23/ngoai-giao-van-hoa-cultural-diplomacy/

– Đối với các nhóm nước hoặc các liên minh, hiệp hội các nước: ngoại giao văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hình thành nền tảng văn hóa và cách suy nghĩ chung, nhằm dễ dàng đạt được các quyết định đồng thuận.

– Đối với các quốc gia đơn lẻ: thường dùng ngoại giao văn hóa để thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao, tăng cường sự hiểu biết, tạo dựng hình ảnh tốt và giới thiệu các giá trị hấp dẫn của mình để thu hút thương mại, đầu tư, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, kể cả an ninh. Ngoại giao văn hóa còn có thể là công cụ chuyển đổi những định kiến truyền thống về các nền văn hóa thành sự hiểu biết và hợp tác.Xét ở góc độ này, ngoại giao văn hóa là một công cụ đắc lực của quyền lực mềm.

– Đối với các tổ chức phi chính phủ (NGOs): ngoại giao văn hóa được dùng để xâm nhập vào các cộng đồng địa phương, tác động lên (hoặc điều chỉnh cho phù hợp với) các tập quán làm việc của chính quyền địa phương nhằm đạt được kết quả hợp tác lâu dài và tốt đẹp.

[4] Điện ảnh Hàn Quốc, đặc biệt là phim truyền hình phổ biến khắp các nước châu Á, mang về cho Hàn Quốc nguồn lợi nhuận khổng lồ. Theo Viện phát triển công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, xuất khẩu phim truyền hình Hàn Quốc tăng đều trong từng năm từ 105 triệu USD trong năm 2008 lên 133 triệu USD năm 2010, 167 triệu USD năm 2011. Năm 2014, ngành điện ảnh Hàn Quốc thu gần 2.028 tỷ Won, tăng 7.6% so với năm 2013 và lần đầu vượt mốc 2.000 tỷ Won (tương đương 1,84 tỷ USD). Năm 2016, bộ phim truyền hình Hậu duệ mặt trời đã xuất khẩu tới 32 quốc gia trên thế giới, chiếm vị trí thứ nhất về số lượt xem trong số 50 bộ phim mới công chiếu trên trang Video trực tuyến Viki ở Mỹ, mang lại nguồn lợi nhuận kinh tế trực tiếp và gián tiếp ước tính là hơn 1.000 tỷ Won (khoảng 880 triệu USD), góp phần thu hút khoảng 100 nghìn khách du lịch tới Hàn Quốc . Trước đó, năm 2004, bộ phim Nàng Dae Jang Geum đã lập kỷ lục xuất khẩu sang 87 quốc gia, thu về 13 tỷ Won.

[5] Theo Viện Nghiên cứu kinh tế hiện đại, lợi nhuận thu được riêng từ việc bán băng đĩa ca khúc này ước tính lên tới hơn 10 tỷ won và tổng các phụ thu khác là hơn 17.2 tỷ won.

[6] Cụ thể năm 2010, doanh thu xuất khẩu âm nhạc đạt khỏang 83 triệu USD, năm 2011 là 177 triệu USD, năm 2012 là 235 triệu USD, năm 2014 là 335 triệu USD.

[7] Buổi biểu diễn K-pop của SM Entertainment tại Paris năm 2011, đã có 14.000 vé được bán ra chỉ trong 2 ngày là một minh chứng rõ ràng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của âm nhạc đại chúng Hàn Quốc, người hâm mộ K-pop không chỉ là người châu Á, thậm chí, tại Lễ hội âm nhạc KCON năm 2015 tổ chức Mỹ đã có tới hơn 20.000 người hâm mộ tại Mỹ tham gia 

[8] Theo báo cáo của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF), tính đến tháng 12 năm 2015, bên cạnh điện ảnh, âm nhạc, ẩm thực thì nhạc hip hop mang phong cách Hàn Quốc (K-hip hop) được biểu diễn cùng với K-pop như thổi làn gió mới, tạo nên một cơn sốt, một làn sóng Hàn lưu mới, thu hút số lượng người hâm mộ Hàn lưu lên tới hơn 35 triệu người, thuộc 86 quốc gia trên toàn thế giới, với 1.493 câu lạc bộ người hâm mộ Hàn lưu, tăng 21% so với năm 2014.

[9] Tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 39,16 tỉ đô la Mỹ, Trao đổi thương mại giữa hai nước lên số kỷ lục hơn 30 tỉ đô la Mỹ năm 2014. Tính đến tháng 5/2015, tổng giá trị thương mại giữa hai nước trong năm nay đã lên tới 14, 66 tỉ đô la Mỹ. Kim ngạch thương mại song phương dự kiến sẽ tăng lên 70 tỉ đô la Mỹ đến năm 2020 từ mức 30 tỉ đô la Mỹ năm 2014. Hiện tại có 4.000 doanh nghiệp Hàn Quốc, và 140.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam; trong khi đó, có 130.000 người Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.

[10] Nội dung của ngoại giao công chúng còn được thực hiện thông qua  hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế, các hội thảo khoa học, các khóa tập huấn, các chươg trình tài trợ cho du học sinh, các cuộc trao đổi, giao lưu văn hóa – nghệ thuật,… với sự tham gia của các nhà hoạt động xã hội, nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo có tên tuổi,… Trong các cuộc giao lưu, tiếp xúc với công chúng ở các nước sở tại thường diễn ra các cuộc phỏng vấn, tọa đàm, đối thoại hai chiều, trao đổi trong phạm vi hẹp, những thông tin công chúng họ thu được tại đây sẽ có tính thuyết phục hơn, trở nên đáng tin cậy hơn