Bác Hồ có bao nhiêu biệt danh?

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, danh văn hóa thế giới. Tác phẩm báo chí và thơ văn của Hồ Chí Minh tuy chỉ là một phần trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người nhưng cũng là một di sản tinh thần lớn lao và quý giá.


Đó là những bài báo sắc sảo; những áng thơ văn chính luận mạnh mẽ, đầy hào khí; là những truyện ngắn súc tích và giàu chất trí tuệ; là nhũng “vần thơ thép mà vẫn mênh mang bát ngát tình”... gắn liền với những tác phẩm đó là những bút danh, tên gọi của Người qua các thời kỳ, thời điểm khác nhau.

Theo tư liệu trích từ cuốn Bác Hồ thời niên thiếu của Ban Khoa giáo Tỉnh ủy Nghệ An [NXB Chính trị Quốc gia, H-2000], đám cưới của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan được tổ chức tại làng Chùa [xã Chung Cự, Tổng Lâm Thịnh, Nam Đàn, Nghệ An] vào năm 1883. Bảy năm sau, bà Hoàng Thị Loan đã là người mẹ của ba con, trong đó có hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm [sinh năm 1888] và Nguyễn Sinh Cung [1890] tên khai sinh của hai anh em [Khiêm - Cung] và cả tên được đặt trong “lễ vào làng” của hai anh em là Tất Đạt - Tất Thành đều gắn với hàm ý sâu xa của các bậc sinh thành. Có thể nói, tên của hai anh em đều nằm trong một trường nghĩa. Nguyễn Sinh là họ của cha; “Khiêm” có nghĩa chữ Hán là nhún nhường [khiêm nhường, khiêm tốn] “Cung” có nghĩa là kính cẩn [cung kính, cung chúc...] với hàm nghĩa như vậy, phải chăng cha mẹ mong muốn con cái có thức giữ gìn truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình và luôn sống khiêm tốn, nhường nhịn, kính trên nhường dưới... hai cái tên khai sinh Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung còn gắn với một mẫu chuyện nói về cuộc sống thanh bần của gia đình vị quan phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Chuyện kể rằng: Ông Nguyễn Sinh Sắc, đậu phó bảng năm 1901. Sau đó, ông đưa con cái về sinh sống ở Làng Sen quê nội. Tiếng là con quan phó bảng nhưng cách sinh hoạt của anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung cũng không có gì khác trước. Cả gia đình vẫn sống rất đạm bạc. Có lần khách đến thăm nhà, hỏi tên các con, quan Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã nói đùa: “Cu anh tên Khơm, cu em tên công, “khơm công” mà”. [khơm công là âm địa phương khi gọi khiêm cung; và khơm công còn có nghĩa khi nói lái là “không cơm”].

Cũng trong thời gian này, khi chuyển gia đình về quê nội Làng Sen, theo tục lệ ông Nguyễn Sinh Sắc đã làm lễ vào làng cho hai con trai với tên mới: Nguyễn Sinh Khiêm được đặt là Nguyễn Tất Đạt, còn Nguyễn Sinh Cung được đặt là Nguyễn Tất Thành. Chắc khi đặt tên mới cho con, vị quan Phó bảng có đặt kỳ vọng nghĩ đến tương lai của các con. Lúc này Nguyễn Sinh Khiêm 13 tuổi, Nguyễn Sinh Cung 11 tuổi. Có thể quan Phó Bảng còn băn khoăn về đường học vấn của con cái? Đặt tên Tất Đạt, Tất Thành ông những mong cho con thành đạt, có ích cho đời. Tên gọi Nguyễn Tất Thành gắn với tuổi thiếu niên [ từ năm 1901] và cả tuổi thanh niên của Bác Hồ [1907], Nguyễn Tất Thành vào Huế học ở trường Quốc học, năm 1909 đến Phan Thiết được giới thiệu vào dạy học ở trường Dục Thanh; mùa xuân năm 1911 lần đầu tiên Bác đặt chân trên đất Sài Gòn.

Đến Sài gòn, với hoài bão quyết tâm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Đô đốc Latuso Tơrevin để có cơ hội sang Pháp. Ngày 3- 6 -1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc trên tàu. Ngày 05-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời tổ quốc ra đi, bắt đầu cuộc hành trình cứu nước. Trong sổ lương của tàu tên của anh là Văn Ba.

Sau đó, trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước Bác đã đặt chân tới rất nhiều vùng đất trên thế giới, từ nước Pháp [1911], đến nước Mỹ [1912], nước Anh [1914] rồi trở lại Pháp [1919] với một cái tên mới Nguyễn Ái Quốc. Người tự coi mình là một chiến sĩ Ái Quốc - một người yêu nước, luôn tâm niệm sẽ bằng mọi cách để cứu dân, cứu nước ra khỏi cảnh lầm than nô lệ. Nguyễn Ái Quốc - một con người yêu nước họ Nguyễn, một cái tên gắn với lý tưởng, hoài bão và cả sự tự tin, niềm kiêu hãnh. Với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người đã viết hàng trăm bài báo phục vụ cho sự nghiệp tuyên truyền cách mạng. Cũng với bút danh này, Người đã viết tác phẩm quan trọng đối với cách mạng Việt Nam Bản Chế độ thực dân Pháp [1925], Đường Cách mạng [1927] Nguyễn Ái Quốc là một các tên để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, song Người chỉ khiêm tốn nhận mình là “Tôi vẫn là tôi ngày trước: Một người yêu nước”[1].

Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh Nguyễn trong một bức tranh đăng trên báo Người cùng khổ. Như vậy, bút danh này xuất hiện trong tư cách của một họa sĩ. Bút danh Nguyễn còn được sử dụng trong bài báo Đông Dương khổ nhục, viết năm 1928. Từ năm 1924, trong thời gian người hoạt động ở Trung Quốc Nguyễn Ái Quốc dùng bí danh Lý‎‎ Thụy. Phải chăng từ bút danh này mà đã hình thành bút danh L.T. Năm 1925 bút danh L.T xuất hiện trong Thư gửi ông H. [Thượng Huyền]. Mãi sau này, năm 1949, bút danh L.T còn được ghi trong bài “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” đăng trên báo Sự Thật số 109. Bài báo khẳng định sức mạnh của phê bình, phê bình công khai, cũng như thuốc đắng dã tật.

Tố Hữu từng viết: “Người là Cha, là Bác, là Anh”. Nhân dân Việt Nam gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác - một cách gọi thân mật, gần gũi, tự nhiên, quen thuộc. Nhưng ít người biết rằng, tên gọi này lần đầu xuất hiện trong hội nghị Trung ương lần thứ tám, tháng 5 năm 1941 ở Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng. Dịp đó, mọi ngươi dự hội nghị biết có đại biểu quốc tế là đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng có mặt. Lần đầu khi gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người không biết xưng hô thế nào. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã kể trong Hồi ký‎ rằng: “ Mới đầu chúng tôi đều gọi Bác là đồng chí, rồi gọi là “Cụ” sau thấy anh Trường Chinh và anh Hoàng Văn Thụ dùng gọi Bác, anh em thấy gọi như thế hợp với lòng mình, nên từ đó chúng tôi bắt đầu thưa với Bác bằng cái tên thân yêu “Bác” mà bây giờ tất cả chúng ta đều gọi. Tiếng Bác được dùng rộng rãi từ sau năm 1945. Sau này tên gọi Bác còn được kí dưới một số thư gửi các đồng chí trung ương và Bộ Chính trị [vì vậy tên gọi này được hiểu như một bút danh].

Năm 1942, Nguyễn Ái Quốc được Trung ương cử sang Trung Quốc để phối hợp hành động giữa phong trào chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và các lực lương đồng minh chống phát xít. Để đánh lạc hướng bọn mật thám, Nguyễn Ái Quốc lấy tên mới là Hồ Chí Minh nhưng đến phố Túc Vinh, huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây thì Người bị lính tuần canh bắt giữ và Người phải trải qua “Mười bốn trăng tê tái gông cùm” ở nhiều nhà tù trên khắp 13 huyện thị của tỉnh Quảng Tây. Điều đáng nói ở đây là cái tên mới của Người: Hồ Chí Minh lại gắn với tập thơ nổi tiếng “Ngục trung nhật k‎ý”, để đến đây ta có thể nói rằng: “Bên cạnh nhà chính trị lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc, ta lại có thêm nhà thơ lỗi lạc Hồ Chí Minh”.

Về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của tên gọi đồng thời là bút danh Hồ Chí Minh, hiện còn một số cách giải thích khác nhau. Hồi ký cách mạng của đồng chí Vũ Anh là một trong những tài liệu đề cập đến xuất xứ của tên gọi này: “ Tháng 8 năm 1942 Bác có việc phải đi ra nước ngoài. Tôi được Bác giao nhiệm vụ chuẩn bị giúp Bác. Gọi là chuẩn bị, nhưng công việc cũng chẳng có gì. Trong túi của Bác chỉ có một bộ quần áo Tày và một bộ quần áo chàm người Nùng. Tôi lấy đá mềm khắc hai con dấu: một con dấu của Việt Nam độc lập đồng minh hội và một của Quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội. Bác tự viết hai giấy Giới thiệu của hai đoàn thể trên cử cụ Hồ chí Minh đi gặp chính phủ Trung Quốc. Mục đích chính của Bác là qua gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc. Cái tên cụ Hồ Chí Minh ra công khai từ đó, tên của Người ngày càng làm rạng rỡ Đảng ta, nhân dân ta, đất nước ta. Lúc bấy giờ Bác có một danh thiếp đề tên Hồ Chí Minh” [Trích Đầu nguồn, NXB Văn học H.1975].

Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh X,Y,Z trong nhiều bài báo và một số tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Bút danh này được Người sử dụng đến năm 1950. Năm 1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh có bút danh Lê Quốc Thắng. Với bút danh này người viết tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”, trong đó có những câu những lời dạy mộc mạc bình dị nhưng sâu sắc mà chúng ta khó có thể quên:

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ , Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người

Cũng năm 1948, thật thú vị với bút danh K.T Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch hai bài thơ chữ Hán: bài thứ nhất là bài Thu dạ do Người sáng tác, bài thứ hai do cụ Bùi Bằng Đoàn viết, họa lại bài thơ Thu dạ của Người, bài Thu dạ được Người dịch sang tiếng Việt như sau:

“Bàn việc canh chầy mới tạm ngơi

Gió mưa thu báo lạnh thu rồi

Còi thu bỗng rúc vang từng núi

Du kích về thôn, rượu chửa vơi.”

Bài thơ của cụ Bùi Bằng Đoàn được Người dịch như sau:

“Cuộc luyện quân không một phút nghỉ ngơi

Dãi dầu mưa gió, vẫn đùa vui

Tướng thêm thao lược, quân thêm mạnh

Đánh lũ xâm lăng phải chạy dài.”

Từ năm 1948 đến năm 1961, Bác còn dùng một bút danh Trần Lực. Với bút danh này, Người viết gần 70 bài báo và một số tác phẩm ngắn, trong đó có tác phẩm quen thuộc: Đạo đức cách mạng. Trong tác phẩm này, Người chỉ rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng qua những câu nói giàu hình tượng, càng đọc càng thấm thía: “ Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Có một bút danh quen thuộc khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ở đó ẩn chứa nhiều điều thú vị, đó là bút danh T. Lan. Bút danh này được ghi trong tác phẩm “Vừa đi vừa kể chuyện”. Gồm những mẫu chuyện kể về cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Người - Từ khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước năm 1911 đến ngày trở về tổ quốc năm 1941 sau 30 năm xa cách tổ quốc. Điều thú vị ở đây là trong tác phẩm này. Người vào vai tác giả, kể chuyện về cụ HỒ [như một khách thể ở ngôi thứ ba]. Vì vậy, tác phẩm không phải là một cuốn hồi k‎í, tư truyện mà là một tập truyện kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, tác giả có sự “phân thân” rất khéo léo tự nhiên. Vì vậy tác phẩm mang tính khách quan, tính thuyết phục rất cao. Bút danh này còn được ghi trong một bài báo khác, đó là bài Bác ăn Tết với chúng tôi đăng trên báo Nhân dân ngày 14/2 1961. Bài báo này cũng là bài “Bác hồ viết về Bác Hồ”, với “phân thân” tự nhiên, khéo léo giống như tác phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện”.

Một điều thú vị khác nữa là cũng với bút danh T.Lan này, Người đã dịch ra tiếng Việt rất thành công bài thơ chữ Hán “Tân xuất ngục, học đăng sơn” do mình sáng tác:

Mây ôm núi, núi ôm mây

Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng

Bùi ngùi dạo đỉnh Tây phong

Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai.

Một cuộc đời hoạt động sôi nổi, phong phú gắn với nhiều tên gọi, bí danh khác nhau; một cây bút hoàn toàn không có‎ định làm văn chương nghệ thuật, nhưng đã thành danh trên nhiều phương tiện, nhiều thể loại, từ thơ ca truyện kí, đến văn chính luận... gắn với những bút danh, bút hiệu khác nhau; một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà hoạt động chính trị lỗi lạc; một danh nhân văn hóa thế giới ... cuộc đời đó, con người đó, sự nghiệp đó, không ai khác chính là cuộc đời - con người - sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


[1]: Theo Trần Dân Tiên- Hồ Chí Minh truyện, NXB Tháng Tám- Thượng hải trung quốc - 1949].

Mộ số tư liệu của bài viết được lấy từ cuốn sách: Những tên gọi, bí danh, bút danh của chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia H - 2003.

Bác Hồ còn có tên gọi là gì?

Hồ Chí Minh [chữ Nho: 胡志明; 19 tháng 5 năm 1890 – 2 tháng 9 năm 1969], tên khai sinh Nguyễn Sinh Cung [chữ Nho: 阮生恭], còn được biết với tên gọi thân mật Bác Hồ, là một nhà cách mạng và chính khách người Việt Nam.

Bố của Bác Hồ tên là gì?

Nguyễn Sinh Sắc

Bác Hồ có 175 tên là gì?

Một số tên của Bác như: Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Vương, Lý Thụy, Lin, Thầu Chín, Tống Văn Sơ, Hồ Quang, Già Thu, Nguyễn Ái Quốc, XYZ, Nguyễn, T.L., Trần Lực, Wang, N.A.Q., Lincôpxki,…

Tại sao bác lại lấy tên Văn Bá?

Trong sổ lương của tàu tên anh là Văn Ba. Những người bạn cùng làm việc với Văn Ba ở tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin, đều thân mật gọi anh là Ba, anh Ba. Anh Ba sống giản dị, gần gũi với mọi người. Những việc làm của anh đã để lại trong họ ấn tượng, tình cảm tốt đẹp.

Chủ Đề