Yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông

X

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Thực hiện: Lê Xuân Phương

Với sự hiệu đính của thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ: Yêu sách Biển Đông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Đầu tháng Giêng năm 2022, Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển với nội dung phân tích các yêu sách biển của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông.

Các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với pháp luật quốc tế được thể hiện trong UNCLOS 1982. Cụ thể, Trung Quốc đưa ra 04 yêu sách biển đi ngược lại pháp luật quốc tế trên Biển Đông: [1] Yêu sách chủ quyền đối với các thực thể địa lý ở Biển Đông. [2] Yêu sách đường cơ sở thẳng. [3] Yêu sách vùng biển bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với từng nhóm đảo trên Biển Đông. Và [4] Trung Quốc khẳng định quốc gia mình có “quyền lịch sử” ở Biển Đông.

Tuần tự theo 4 yêu sách trên báo cáo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã lần lượt bác bỏ dựa trên hệ thống các nguyên tắc và quy định của pháp luật quốc tế. Cụ thể: 

[1] Về yêu sách chủ quyền đối với các thực thể địa lý ở Biển Đông

Báo cáo chỉ ra rằng nguyên tắc cốt lõi của luật biển quốc tế là “đất thống trị biển”, theo đó lãnh thổ vùng đất sẽ quyết định việc mở rộng ra các vùng nước phụ cận. Đồng thời cũng cần thiết làm rõ các thực thể  địa lý nổi ở thủy triều cao [đảo/đá] [high-tide features] và các thực thể địa lý chìm ở triều cao [chỉ nổi ở thuỷ triều thấp] [low-tide elevations], trong đó các thực thể địa lý nổi ở triều cao sẽ được hưởng quy chế pháp lý riêng biệt theo Điều 121 UNCLOS 1982, còn các thực thể địa lý chìm ở triều cao sẽ phụ thuộc vào quy chế pháp lý của vùng biển mà những thực thể này nằm trong. Cũng theo khoản 3, Điều 121 UNCLOS, những đảo, đá không có đời sống kinh tế riêng và không phù hợp cho con người đến ở sẽ không được hưởng quy chế pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Báo cáo cũng nêu rõ việc cải tạo đất hoặc các hoạt động khác của con người làm thay đổi trạng thái tự nhiên của các thực thể địa lý không thể biến các thực thể địa lý này thành đảo và được hưởng các quy chế pháp lý đầy đủ.

Từ đó đi đến kết luận yêu sách của Trung Quốc đối với với hơn 100 thực thể chìm ở triều cao  ở Biển Đông, không đáp ứng được định nghĩa của luật quốc tế về “đảo” và nằm ngoài lãnh hải hợp pháp, là không phù hợp với luật pháp quốc tế, do đó sẽ không được Hoa Kỳ và các quốc gia khác công nhận. Kết luận này cũng bao gồm tất cả các thực thể  địa lý chìm dưới mực nước biển như Bãi ngầm James [Tăng Mẫu], Bãi Tư Chính, bãi ngầm Trung Sa, và bao gồm bất kỳ yêu sách chủ quyền nào đối với các thực thể địa lý chìm ở triều cao như Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây hoàn toàn nằm ngoài lãnh hải hợp pháp và không phải là đối tượng của việc thụ đắc lãnh thổ theo Luật quốc tế. 

[2] Về yêu sách đường cơ sở thẳng

Báo cáo viện dẫn kết luận của ICJ về đường cơ sở thẳng: “Đường cơ sở thẳng là một trường hợp ngoại lệ đối với các quy tắc thông thường để xác định đường cơ sở và chỉ được áp dụng nếu đáp ứng đủ một số điều kiện. Do đó, phương pháp đường cơ sở thẳng chỉ được áp dụng một cách hạn chế với các điều kiện bờ biển bị khoét sâu, lồi lõm, hoặc có một chuỗi đảo chạy dọc ven bờ”. Điều 7 UNCLOS cũng đặt ra việc vẽ đường cơ sở thẳng không được chệch quá xa so với xu hướng chung của bờ biển, đường cơ sở không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, và không được vẽ theo hướng làm tách rời lãnh hải của một quốc gia khác khỏi biển cả hoặc vùng đặc quyền kinh tế. Báo cáo cũng khẳng định lại quy định của UNCLOS tại phần IV về việc thiết lập đường cơ sở quần đảo, do đó chỉ có quốc gia quần đảo mới có quyền thiết lập đường cơ sở quần đảo, các quốc gia lục địa có một phần lãnh thổ là các quần đảo hợp không được vẽ đường cơ sở quần đảo. 

Báo cáo khẳng định rằng các đường cơ sở mà Trung Quốc thiết lập đối với quần đảo Hoàng Sa và ý đồ của quốc gia này nhằm thiết lập đường cơ sở xung quanh các nhóm đảo khác ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế. Không có bất kỳ đảo hoặc nhóm đảo nào trong số 04 nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là “Nam Hải Chư Đảo” đáp ứng đủ các điều kiện địa lý để thiết lập đường cơ sở thẳng theo Điều 7 UNCLOS 1982. Báo cáo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng đưa ra các minh chứng để chứng minh rằng các yêu cầu của Trung Quốc về việc hình thành tập quán  quốc tế liên quan đến các nhóm đảo xa bờ không được đáp ứng và do đó không có bất kỳ tập quán quốc tế nào tạo ra các cơ sở pháp lý thay thế cho phép các quốc gia lục địa như Trung Quốc yêu cầu đường cơ sở thẳng ở các nhóm đảo xa bờ

[3] Về yêu sách đối với các vùng biển

Báo cáo nhắc lại một lần nữa các quy định của UNCLOS 1982 về cách xác định và quy chế pháp lý của lãnh hải, vùng tiếp giáp, EEZ và thềm lục địa. Theo đó quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, và có các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp, EEZ và thềm lục địa, trong 03 vùng biển này các quốc gia khác cũng được hưởng các quyền tự do theo UNCLOS. 

Trên cơ sở quy chế pháp lý của các vùng biển theo UNCLOS, Báo cáo đi đến kết luận yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh “Nam Hải Chư Đảo” cũng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Bất kỳ yêu sách nào về nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa dựa trên việc coi các nhóm đảo ở Biển Đông là “một thể thống nhất” đều không được pháp luật quốc tế cho phép. Trong các vùng mà mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, quốc gia này cũng đưa ra các tuyên bố về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong đó có yêu cầu về sự cho phép trước đối với các tàu chiến để thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải, một thẩm quyền được Trung Quốc khẳng định được tạo ra nhằm ngăn chặn và trừng phạt các hành vi vi phạm luật “an ninh” của Trung Quốc trong vùng tiếp giáp; và các hạn chế đối với các hoạt động quân sự trong EEZ.

[4] Về yêu sách quyền lịch sử

Báo cáo khẳng định không có bất kỳ điều khoản nào của UNCLOS quy định về quyền lịch sử cũng như không có bất kỳ cách hiểu, giải thích nào về thuật ngữ “quyền lịch sử” trong hệ thống pháp luật quốc tế. Hai trường hợp được UNCLOS đề cập đến là Vịnh lịch sử tại Điều 10, và Danh nghĩa lịch sử tại Điều 15 khi xác định các vùng biển chồng lấn. Những điều khoản này cũng tương tự như các quy định được thỏa thuận trước đó trong công ước Geneva năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp. Việc UNCLOS không quy định về quyền lịch sử cũng được kết luận trong Phán quyết trọng tài Biển Đông năm 2016. 

Do đó, kết luận yêu sách của Trung Quốc đối với các “quyền lịch sử” là không phù hợp với pháp luật quốc tế vì đã vượt quá các quyền và lợi ích hợp pháp có thể có trên biển của Trung Quốc  theo quy định của luật pháp quốc tế được quy định trong UNCLOS. 

Tải toàn văn báo cáo ở đây. 

Báo cáo bổ sung về Thực tiễn quốc gia 

Báo cáo này được thực hiện nhằm bổ sung phần thực tiễn của các quốc gia trong việc đánh giá yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, báo cáo cho rằng Trung Quốc đã lập luận rằng “chế độ pháp lý đối với các quần đảo xa bờ không được quy định trong UNCLOS do đó các quy tắc của tập quán quốc tế cần phải được áp dụng trong trường hợp này”. 

Trung Quốc cho rằng quốc gia mình coi trọng các quy định và điều kiện áp dụng được quy định trong UNCLOS đối với việc vẽ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Đồng thời, Trung Quốc tin rằng thông lệ lâu đời trong luật pháp quốc tế liên quan đến các quần đảo xa của các Quốc gia lục địa cần được tôn trọng. Trung Quốc cho rằng việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở lãnh hải trên các đảo và bãi đá ngầm có liên quan ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế chung. Các lập luận được Trung Quốc đưa ra bao gồm: [1] Việc áp dụng đường cơ sở liên quan đến các quần đảo ở xa lục địa không bị điều chỉnh bởi UNCLOS và [2] “Tập quán quốc tế” đã cung cấp cơ sở pháp lý để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo xa bờ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Phần báo cáo bổ sung thực tiễn này của Hoa Kỳ tập trung vào việc chứng minh rằng không có bất kỳ quy tắc pháp luật quốc tế nào tách biệt với những quy tắc được phản ánh trong Công ước cung cấp cơ sở pháp lý thay thế cho việc vẽ đường cơ sở của các Quốc gia lục địa xung quanh các quần đảo xa bờ. 

Hai vấn đề được xem xét đến liên quan đến lập luận của Trung Quốc là tập quán quốc tế và các bằng chứng trên thực tế. 

Trước hết, đối với tập quán pháp luật quốc tế. Để chứng minh cho sự tồn tại của một nguyên tắc pháp luật theo tập quán quốc tế phải có “bằng chứng về một thông lệ chung được chấp nhận là luật”, như được nêu trong Quy chế của ICJ. Do đó các tập quán này phải đảm bảo 02 yếu tố [1] Thông lệ của quốc gia và [2] Quan điểm về việc thực tiễn được chấp nhận như là luật, [opinio juris] nếu thiếu vắng một trong hai yếu tố trên thì sẽ không được thừa nhận là tập quán quốc tế.

Và thứ hai, bằng chứng thực tế: Việc rà soát thực tiễn quốc gia và opnio juris. Trên cơ sở xem xét thực tiễn áp dụng đường cơ sở của một số quốc gia, Báo cáo cho thấy nhiều quốc gia hoàn toàn không sử dụng đường cơ sở thẳng  cho các quần đảo xa bờ thay vào đó sử dụng đường cơ sở thông thường theo quy định tại Điều 5 UNCLOS. Trong một số trường hợp tương đối hiếm các quốc gia cũng thiết lập đường cơ sở đối với toàn bộ một nhóm đảo xa bờ. Tuy nhiên, những trường hợp này không thể được coi là thông lệ chung và nhất quán.

Báo cáo bác bỏ lập luận của Hội Luật quốc tế Trung Quốc rằng hầu hết các quốc gia lục địa có các quần đảo xa bờ đều thiết lập đường cơ sở thẳng. Việc sử dụng có chọn lọc các đường cơ sở thẳng trong một nhóm đảo theo cách mà Quốc gia ven biển coi là phù hợp Điều 7 của Công ước sẽ không hỗ trợ quan điểm rằng tồn tại một tập quán quốc tế riêng biệt về việc vẽ các đường cơ sở thẳng xung quanh một nhóm đảo xa bờ, đặc biệt là một quy tắc đối lập với các điều khoản cơ bản được quy định trong UNCLOS. Báo cáo cũng chỉ rõ Hội Luật quốc tế Trung Quốc không phân tích toàn bộ thực tiễn áp dụng của các quốc gia mà chỉ viện dẫn các trường hợp ủng hộ cho quan điểm của Trung Quốc và những trường hợp Trung Quốc viện dẫn như vậy không có tính đại diện cho một thông lệ chung và nhất quán của các quốc gia. Từ đó, Báo cáo đi đến kết luận không tồn tại thông lệ chung và nhất quán nào về việc các quốc gia đại lục có thể vẽ đường cơ sở thẳng cho các quần đảo xa bờ. 

Những dữ liệu của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng chứng minh rằng các Quốc gia ven biển nỗ lực thực hiện các điều khoản cơ bản trong Công ước hơn là tạo ra các quy tắc thay thế như một tập quán quốc tế.

Về khả năng hình thành tập quán, Báo cáo chỉ ra rằng vấn đề sử dụng đường cơ sở thẳng đối với các quần đảo xa bờ đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ III của Liên hợp quốc về Luật Biển. Có 9 quốc gia đưa ra bản dự thảo về việc cho phép các quốc gia ven biển có một hoặc nhiều quần đảo xa bờ được phép áp dụng đường cơ sở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đề xuất như vậy bị từ chối cho thấy quan điểm được đưa ra trong dự thảo là không hợp lý và sẽ không được áp dụng. Chỉ có một cơ sở pháp lý duy nhất cho việc vẽ đường cơ sở thẳng là điều 7 UNCLOS 1982; các trường hợp không tuân thủ điều 7 đều trái với quy định của pháp luật quốc tế. 

Tải toàn văn báo cáo ở đây.

Việt Nam: Giữa Việt Nam và Trung Quốc, UNCLOS cung cấp cơ sở pháp lý duy nhất cho các yêu sách biển của mỗi nước ở Biển Đông

Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố Việt Nam “ghi nhận” động thái này. Bà cũng khẳng định Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ.

Trước đó, trong công hàm ngày 30/3/2020 gửi Liên Hợp Quốc liên quan tới đệ trình yêu sách thềm lục địa của Malaysia, Việt Nam đưa ra lập trường tương tự với Mỹ liên quan tới yêu sách biển của Trung Quốc. 

Cụ thể, Việt Nam tuyên bố rằng “giữa Việt Nam và Trung Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển [UNCLOS] năm 1982 cung cấp cơ sở pháp lý duy nhất và xác định một cách toàn diện và đầy đủ phạm vi các quyền lợi hàng hải của mỗi nước ở Biển Đông. Theo đó, quyền được hưởng vùng biển của các thực thể luôn nổi ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa sẽ được xác định theo Điều 121 [3] của UNCLOS; đường cơ sở của các nhóm đảo trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không thể được vẽ bằng cách nối các điểm ngoài cùng của các thực thể địa lý ngoài cùng của chúng; các bãi cạn lúc chìm, lúc nổi hoặc các bãi ngầm không phải là đối tượng để thụ đắc lãnh thổ và tự chúng không tạo ra các quyền được hưởng vùng biển. Việt Nam phản đối bất kỳ yêu sách biển nào ở Biển Đông vượt quá giới hạn quy định trong UNCLOS, bao gồm cả yêu sách về các quyền lịch sử; những yêu sách này không có giá trị pháp lý.”

Xem thêm:

VOV ngày 14/1/2022: Việt Nam ghi nhận Báo cáo số 150 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về các ranh giới biển

Công hàm của Việt Nam ngày 30/3/2020

Trung Quốc: Báo cáo mới về Biển Đông của Hoa Kỳ gây hiểu lầm, bóp méo luật pháp quốc tế

Bắc Kinh cho rằng hành động của Hoa Kỳ là “trái pháp luật”, là hành vi gây hiểu lầm và bóp méo pháp luật quốc tế, gây bất hòa và phá vỡ các trật tự chung trong khu vực. 

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói thêm  rằng khác với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã không phê chuẩn UNCLOS 1982 nhưng vẫn tự coi mình là “Thẩm phán của UNCLOS”

Xem thêm:

The Straits Times ngày 13/1/2022: Beijing says new South China Sea report by US is misleading, distorts international law

Lê Xuân Phương là trợ lý Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phụ trách Luật quốc tế. Bản tóm tắt có sự tham gia hiệu đính của một số thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: //dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Video liên quan

Chủ Đề