Vị sao sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng

Khi còn là sinh viên, ai cũng nghĩ đơn giản là khi tốt nghiệp xong thì sẽ đi làm để học hỏi kinh nghiệm, nếu những gì chưa biết thì sẽ được hướng dẫn, Nhưng thực tế không đơn giản như chúng ta nghĩ. Ngay khi bước ra khỏi cổng trường đại học, các em sẽ gặp phải thử thách đầu tiên trong đời, đó là lỡ không tìm được việc làm thì sao? Vì phải tìm được việc làm rồi thì mới nghĩ đến việc học hỏi kinh nghiệm, được hướng dẫn cách làm việc,

Dưới đây là 3 lầm tưởng tai hại khiến không ít sinh viên mới ra trường phải loay hoay suốt một thời gian dài mà vẫn không tìm được việc làm.

Lầm tưởng 1: Bằng đại học là tấm vé vàng để có được công việc mơ ước

Muốn có được công việc mơ ước, các em phải nỗ lực rất nhiều chứ không phải chỉ cần cầm tấm bằng đại học trong tay thì sẽ ước gì được nấy. Công việc mơ ước không tự nhiên mà đến đâu. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà chỉ dựa vào tấm bằng đại học thì các em sẽ khó lòng tìm được bến đỗ sau khi tốt nghiệp.

Đầu tiên, các em phải tự định nghĩa được công việc mơ ước của mình cụ thể sẽ như thế nào (làm ở lĩnh vực nào, vị trí nào, công việc thường ngày là gì, môi trường làm việc ra sao, mức lương bao nhiêu,). Tiếp theo, các em cần xác định xem công việc đó thường sẽ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng như thế nào. Cuối cùng, các em cần rèn luyện, trau dồi các kiến thức, kỹ năng ấy và làm nổi bật chúng trong CV cũng như trong buổi phỏng vấn. Phải vất vả như thế thì mới có được công việc mơ ước!

>> Nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên mới ra trường?

Lầm tưởng 2: Yêu cầu mức lương thấp thì sẽ không lo không tìm được việc làm

Khi đăng lên 1 tin tuyển dụng, dù là tuyển nhân viên ở bất kỳ vị trí nào thì các công ty cũng đều dự trù một khoảng ngân sách để trả lương tương xứng với yêu cầu công việc của vị trí đó. Họ cần một người làm được việc, hoặc ít nhất là một người có tiềm năng làm được công việc đó (có nền tảng kiến thức, ham học hỏi, chăm chỉ,). Thật đấy, chẳng công ty nào lại tiếc tiền lương đến nỗi tuyển một người không yêu cầu lương cao nhưng lại không đủ khả năng hoàn thành công việc cả. Như thế sẽ phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo, theo dõi từng chút một, rồi có khi phải tốn thêm nhiều thời gian và chi phí để xử lý những hậu quả do sai sót trong công việc của người đó gây ra nữa.

Chính vì thế, các em hãy loại bỏ ngay suy nghĩ chỉ cần không yêu cầu lương cao thì sẽ được nhận vào làm việc. Thay vào đó, hãy thể hiện rằng mình là một sinh viên mới ra trường có nền tảng kiến thức vững vàng, khả năng học hỏi tốt và không ngại khó khăn trong công việc. Như thế thì khả năng tìm được việc làm sẽ cao hơn rất nhiều.

>> Đừng bao giờ chọn công việc lương thấp

Lầm tưởng 3: Em đi làm để lấy kinh nghiệm, công ty trả lương bao nhiêu cũng được

Lầm tưởng này sẽ khiến nhà tuyển dụng không nhìn thấy sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu trong công việc của các em. Vì một người không quan trọng tiền lương, không thể hiện được hết những giá trị hiện có của bản thân mình thì thường sẽ bị đánh giá là không có sự cầu tiến. Đối với không ít công ty thì đây là điều tối kỵ. Họ sẽ không tuyển những người không có sự cầu tiến và không tự tin vào năng lực bản thân của mình.

Đúng là sinh viên mới ra trường thường sẽ không có kinh nghiệm, nhưng các em có kiến thức và đặc biệt là khả năng học hỏi tốt (khả năng học hỏi là lợi thế của sinh viên so với người đã đi làm nhiều năm). Bên cạnh đó, không ít sinh viên còn có kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm tốt, được rèn luyện thông qua việc tham gia các CLB/Đội/Nhóm trong trường. Đặc biệt, nếu giỏi ngoại ngữ thì các em còn siêu hơn nữa.

Khi viết CV và phỏng vấn, mình có bao nhiêu ưu điểm thì phải bộc lộ hết ra cho nhà tuyển dụng biết. Đồng thời, các em nên dùng những dẫn chứng càng cụ thể càng tốt, để chứng minh cho họ thấy rằng mình thực sự có những ưu điểm đó, chứ không phải chỉ là lời nói suông. Và đừng quên rằng, trong buổi phỏng vấn không được nói ra câu Em đi làm để lấy kinh nghiệm, công ty trả lương bao nhiêu cũng được. Nếu làm được những điều đó, khả năng cao là các em sẽ được nhận vào làm việc và có được mức lương xứng đáng, đánh giá đúng thực lực của mình.

>> Lần đầu xin việc, phải trả lời thế nào khi được hỏi về điểm yếu?

Đọc tới đây thì chắc các em cũng bớt lo rồi đúng không? Tìm việc làm sau khi ra trường cũng không khó lắm đâu, chỉ cần mình đừng mắc phải những lầm tưởng trên là được.

Hỏi đáp nhanh về vấn đề không tìm được việc làm

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe https://bit.ly/TTVD-HoiDap


Like pageTự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm Profile tác giả tại đây.