Vì sao công an phải trung thành với đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đến lực lượng CAND. Người thường xuyên đến thăm, động viên và có những lời dạy bảo sâu sắc, quý báu đối với lực lượng CAND trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu.

“Tư cách người Công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH.

Đối với đồng sự, phải: THÂN ÁI, GIÚP ĐỠ.

Đối với chính phủ, phải: TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH

Đối với nhân dân, phải: KÍNH TRỌNG, LỄ PHÉP.

Đối với công việc, phải: TẬN TỤY

Đối với địch, phải: CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO”.

(Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công an Khu 12 ngày 11-3-1948).

“Công an phải là đầy tớ dân. Đã là đầy tớ dân thì Công an phải ra sức bảo vệ nhân dân, ra sức phục vụ nhân dân”

(Trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường Công an Trung cấp – Khoá I, năm 1950)

“Cách tổ chức Công an phải đơn giản, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má. Lề lối làm việc phải dân chủ. Cấp trên phải thường kiểm tra cấp dưới. Cấp dưới phải phê bình cấp trên. Giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mạng. Phải hoan nghênh nhân dân phê bình Công an, để đi đến hiểu Công an, yêu Công an và giúp đỡ Công an”.

(Trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Công an toàn quốc năm 1950)

“Làm Công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm Công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân thì dân không cần đến nữa”.

“…Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao để có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

(Trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với học viên lớp Trung cấp khoá 2, Trường Công an Trung cấp, năm 1951).

“Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là Quân đội để đánh giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hoà bình. Một lực lượng nữa là Công an, để chống địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hoà bình. Lúc chiến tranh thì Quân đội đánh giặc, lúc hoà bình thì tập luyện. Còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hoà bình lại càng nhiều việc…”.

 (Trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1 năm 1956).

“Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân… phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp Công an và Công an mới thành công được. Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành khác thì công việc mới thắng lợi”.

(Trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lớp nghiên cứu khoá I và Lớp bổ túc khoá VI Trường Công an Trung ương, năm 1958).

“Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là phải đi đến hoàn toàn không có chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”

(Trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ Công an khoá XII, ngày 16-5-1959).

“Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Phải thật sự đoàn kết, đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa Công an với nhân dân. Phải kịp thời kiện toàn tổ chức và chỉnh đốn lề lối làm việc của các bộ phận Công an để làm tròn nhiệm vụ mới. Các cấp đảng bộ trong lực lượng Công an nhân dân phải rất coi trọng xây dựng đảng bộ và chi bộ “bốn tốt”, phải coi trọng công tác xây dựng Đoàn thanh niên. Trong các cơ quan phải thực hành dân chủ, thường xuyên phê bình nghiêm chỉnh và thật thà tự phê bình để giúp nhau tiến bộ”.

(Trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thi đua lực lượng CAND tháng 10-1966)

                            Nguồn: Sưu tầm

Trong tính hiện thực của nó, Tổ quốc luôn luôn gắn liền với một chế độ chính trị, với một lực lượng cầm quyền. Nói cách khác Tổ quốc luôn luôn mang tính lịch sử cụ thể. Nói về Tổ quốc mà không nói đến chế độ xã hội, không nói đến lực lượng cầm quyền chẳng khác nào nói về sở hữu mà không nói đến chủ thể sở hữu là ai.

Thời Lý, Tổ quốc là nơi Vua Nam ở - “Nam đế cư” (Thơ Thần – Lý Thường Kiệt); Thời Trần, Tổ quốc trước hết là “thái ấp”, là “xã tắc tổ tông” nhà Trần (Hịch tướng sỹ của Trần Hưng Đạo). Khi Pháp cướp được nước ta có nghĩa những ông chủ thực sự của Tổ quốc ta lúc đó là thực dân Pháp. Bởi vậy có thể nói ngày nay Quân đội ta “trung với Đảng”, “bảo vệ Tổ quốc” cũng có nghĩa là trung thành với Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân.

Đối với dân tộc ta, Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng những là người khai sinh mà còn là người rèn luyện, giáo dục Quân đội, Công an là người đề ra đường lối quân sự cách mạng, thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là người lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp các mặt trận đấu tranh, quân sự, chính trị, ngoại giao mà còn là người chỉ đạo chiến lược, trực tiếp chỉ đạo quân đội ta trong những cuộc tiến công, những chiến dịch, chiến lược lớn như chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Trong các xã hội hiện đại, không có quân đội nào không gắn với đảng chính trị cầm quyền. Ở một số quốc gia, quân đội còn tuyên thệ trung thành với người đứng đầu nhà nước (đương nhiên cũng là người đứng đầu đảng chính trị cầm quyền).

“Form”, mẫu kịch bản đảo lộn chính trị hoặc cách mạng xã hội ở nhiều quốc gia, khu vực khởi đầu thường là những cuộc binh biến. Nếu đi sâu nghiên cứu thì ở đó đằng sau quân đội là những tổ chức chính trị, những đảng chính trị đang hoạt động... Tiếp đó là sự can thiệp dưới những hình thức khác nhau của những lực lượng chính trị từ bên ngoài, vì lý do “dân chủ”, “nhân quyền” (chẳng hạn), nhằm chuyển chế độ xã hội hoặc chí ít là lực lượng cầm quyền hiện hữu sang lực lượng chính trị mới mà người ta mong đợi.

Trong thời đại ngày nay, các quốc gia - dân tộc không chỉ đối diện với nguy cơ an ninh truyền thống mà còn đối diện với nguy cơ an ninh phi truyền thống, không chỉ đối diện với những cuộc chiến tranh xâm lược bằng lực lượng vũ trang chớp nhoáng từ bên ngoài mà còn phải đối diện với những cuộc chiến tranh “không khói súng”, “diễn biến hòa hình”, bạo loạn lật đổ, gắn với các hình thức “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và chiến tranh kinh tế - giành giật “biên giới mềm”. Trong đó không loại trừ có tình huống “đối tác” có thể trở thành “đối tượng” đấu tranh. Đó là những cuộc chiến tranh không còn theo nghĩa đen mà là thay đổi chế độ xã hội hoặc thay đổi ê-kíp lãnh đạo, cầm quyền. Chính vì vậy mà ngày nay chiến lược bảo vệ Tổ quốc không chỉ là xây dựng quân đội tinh nhuệ, bảo đảm trang thiết bị hiện đại mà còn phải có Bộ tham mưu kiên định về chính trị, tuyệt đối trung thành với dân tộc, với chế độ xã hội, có khả năng đánh giá đúng tình hình, phân tích tình huống, không sa vào cạm bẫy, các thủ đoạn chính trị, quân sự xảo quyệt của đối phương. Điều này càng nói lên rằng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân ngày nay, quân đội càng không thể nằm ngoài chính trị, không thể thoát ly sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng lãnh đạo, cầm quyền.

Với tầm tư duy chính trị sâu rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội ta đã nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng” (Hồ Chí Minh tuyển tập, T II, NXB ST, HN, 1980. Tr 345).

Đặt trong bối cảnh chính trị quốc tế và trong nước hiện nay, Điều 70 của Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi dựa trên nội dung chủ yếu câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện trên: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế” chẳng những là phù hợp, hơn nữa còn là cần thiết.

Tất nhiên nội dung trung thành với Đảng ngày nay có nội dung cụ thể. Trung thành với Đảng lúc này là trung thành với Cương lĩnh, đường lối của Đảng được Đại hội XI thông qua. Trung thành với Đảng là kiên định mục tiêu và con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH hướng đến xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại: “Độc lập tự chủ… giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển”. Trung thành với Đảng trong lúc này còn có nghĩa Quân đội ta là lực lượng ủng hộ tích cực và kiên quyết cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm.

Không phủ nhận rằng xã hội ta còn rất nhiều vấn đề mà cán bộ đảng viên, nhân dân không hài lòng, thậm chí là bức xúc như tình trạng phân hóa giàu nghèo, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một số cán bộ đảng viên như Hội nghị TW 4 (khóa XI) của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra. Song chỉ vì vậy mà phủ nhận những vấn đề có tính quy luật trong chính trị, cho rằng: “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào” hoặc “Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc;… không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào” là sai lầm về nhận thức… Về khách quan, điều đó, việc làm đó chỉ làm phương hại đến an ninh quốc gia, đến sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân của Quân đội.

Nói Tổ quốc, nhân dân trừu tượng, chung chung thoát ly khỏi hoàn cảnh lịch sử lúc này nếu không phải là một sự ngây thơ thì cũng là một sự ngụy biện, là sai lầm về khoa học và nguy hại về chính trị. Chưa bao giờ quân đội trung lập về chính trị được thực tiễn xác nhận. Sự khác nhau chỉ là ở chỗ người ta có nói và viết ra điều đó công khai hay không mà thôi. Còn làm thế nào để có được một chế độ xã hội, một đảng cầm quyền, một nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân như mọi người mong muốn lại là một vấn đề khác

N.T.