Vai trò tầm quan trọng của việc đi nghiên cứu thực tế

Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến tính thực tế, bất cứ việc gì cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tế. Muốn đạt được kết quả đó thì việc học phải xuất phát từ yêu cầu của công việc và phải học cặn kẽ, thấu đáo. Người mong muốn việc học - hành (tức là nhận thức - hành động) phải đạt tới chỗ thấy cho hết, nhìn cho thấu. Theo Người học tập trong nhà trường, trong sách vở chưa đủ mà phải học cả trong cuộc sống, học ở người khác… Phương châm “lý luận gắn liền với thực tiễn” luôn là một tiêu chí quan trọng hàng đầu đối với đội ngũ giảng viên Trường Chính trị trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy. Qua nghiên cứu thực tế, giảng viên sẽ gắn kết những tri thức lý luận đã truyền đạt đến học viên với thực tiễn đang diễn ra một cách sinh động và phong phú, đánh giá tính đúng đắn của lý luận khi nó được cụ thể hóa trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, giảng viên cần phải được tăng cường nghiên cứu thực tế ở cơ sở.

Quán triệt quan điểm thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của giảng viên, cũng như thực hiện Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 2252/QĐ-HVCTQG, ngày 02/5/2019, quy định một trong những nhiệm vụ của giảng viên chính là khảo sát thực tế tại cơ sở để bổ sung kiến thức thực tiễn vào bài giảng. Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bến Tre được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm thực hiện và xác định đây là một hoạt động chuyên môn được duy trì thường xuyên, có vai trò quan trọng, là nguồn bổ sung kiến thức thực tiễn cho bài giảng của mỗi giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Các hình thức nghiên cứu thực tế được nhà trường triển khai cho đội ngũ giảng viên như: Xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế của giảng viên hằng năm, hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế, nghiên cứu theo đề tài khoa học, nghiên cứu thực tế theo chuyên môn các khoa... Đặc biệt, Trường cũng đã xây dựng kế hoạch đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở.

Nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở giúp cho giảng viên có những minh chứng cụ thể từ thực tiễn các địa phương, làm sáng tỏ lý luận đã nêu, làm cho bài giảng thêm sinh động bằng chính sự trải nghiệm thực tế của giảng viên. Xác định đúng vai trò của kiến thức thực tiễn sẽ giúp cho giảng viên không còn mắc bệnh chủ quan, xa rời thực tiễn và gắn lý luận với thực tiễn, qua đó “thổi hồn thực tiễn” vào trong từng bài giảng.

Ngoài ra, việc nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại cơ sở chính là môi trường rộng mở để giảng viên nắm bắt thêm kiến thức từ thực tế, rèn luyện thêm kỹ năng ứng xử, phân tích vấn đề… là nơi giảng viên có thể kiểm chứng sự đúng đắn của lý luận và định hướng học viên vận dụng những kiến thức lý luận ấy vào thực tế sao cho phù hợp. Các nội dung nghiên cứu, học tập được trong quá trình nghiên cứu thực tế có kỳ hạn không những giúp giảng viên bổ sung thêm kiến thức thực tiễn ở địa phương mà còn giúp giảng viên nắm bắt được các tình huống, vấn đề nảy sinh khi triển khai những chủ trương, chính sách mới vào trong thực tiễn, từ đó liên hệ, vận dụng vào bài giảng. Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp cận, giải quyết công việc cụ thể giúp giảng viên có cơ hội hoàn thiện thêm các kỹ năng: Giao tiếp, thu thập và xử lý thông tin, soạn thảo văn bản,…

Kết quả nghiên cứu thực tế của giảng viên đối với công tác giảng dạy: Giảng viên biết kết hợp tốt giữa lý luận và thực tiễn sẽ làm cho bài giảng sinh động, lôi cuốn học viên, tăng tính thuyết phục đối với người học khi lý giải những vấn đề diễn ra trong thực tiễn. Ngoài ra, giảng viên có thể nắm bắt những kiến thức thực tiễn, khái quát thực trạng có liên quan đến nội dung bài giảng, rút ra những ưu điểm, hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp để giải quyết vấn đề, tình huống phát sinh một cách hiệu quả, hợp lý. Có như vậy buổi học sẽ mang lại hiệu quả cao và thiết thực hơn.

Như vậy, nhiệm vụ nghiên cứu thực tế của giảng viên không chỉ để tích lũy kiến thức thực tiễn, nâng cao năng lực của giảng viên mà còn góp phần tìm ra những phương pháp, cách thức để truyền đạt tri thức đến người học một cách sinh động nhất và hiệu quả nhất góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Một số kinh nghiệm qua công tác nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên về mục đích, ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu thực tế nói chung, nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở nói riêng. Qua đó giảng viên sẽ tích cực, chủ động sắp xếp công việc chuyên môn, gia đình để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu với kết quả cao.

Thứ hai, giảng viên đi nghiên cứu thực tế cần trao đổi thông tin với đơn vị tiếp nhận để được phân công nhiệm vụ theo khả năng và gần với công tác chuyên môn, tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công ở đơn vị tiếp nhận.

Thứ ba, giảng viên đi nghiên cứu thực tế cần tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của nhà trường và lãnh đạo tại đơn vị tiếp nhận giảng viên nghiên cứu thực tế. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, trong thực hiện nhiệm vụ được giao cần chủ động báo cáo, xin ý kiến để giải quyết vướng mắc nhanh chóng, kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng các công việc được giao.

Thứ tư, giảng viên đi nghiên cứu thực tế ngoài việc tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao theo mảng công việc cụ thể. Qua đó, hiểu rõ và trải nghiệm quy trình giải quyết công việc cụ thể như thế nào. Đồng thời, đối với những mảng công việc khác của đơn vị không được phân công cần quan sát tỉ mỉ, có thể tham gia thực hiện những việc cụ thể (phù hợp với khả năng và thời gian hợp lý). Từ đó, giảng viên mới có thể vừa xử lý tốt công việc được giao vừa nắm bắt toàn diện các mảng công việc khác của đơn vị đi thực tế.

Thứ năm, cần chủ động sắp xếp thời gian, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, dành thời gian tham gia đi cơ sở theo nhiệm vụ được phân công và các hoạt động khảo sát, kiểm tra cơ sở của các ngành khác có nội dung gắn với bài giảng để có thêm kiến thức thực tiễn.

Giảng viên Trường Chính trị là người truyền đạt kiến thức lý luận chính trị và hướng dẫn học viên cách thức vận dụng kiến thức lý luận đó để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Do đó, việc nghiên cứu thực tế, gắn lý luận với thực tiễn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi giảng viên. Đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa của nghiên cứu thực tế, thời gian qua Ban Giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các hoạt động nghiên cứu thực tế ở địa phương với nhiều hình thức, giúp giảng viên học tập, bồi dưỡng, củng cố kiến thức thực tiễn có liên quan đến chuyên môn, đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy./.

Vai trò tầm quan trọng của việc đi nghiên cứu thực tế

Vai trò tầm quan trọng của việc đi nghiên cứu thực tế

Vai trò tầm quan trọng của việc đi nghiên cứu thực tế

 

 

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BÌNH PHƯỚCĐịa chỉ: Đường Trường Chinh, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước

Email: Khóa công khai (GPG PublicKey Tải về)

Điện thoại: 02713.879.251 - 02713.883.238Trưởng ban Biên tập website: ThS. Nguyễn Thanh Thuyên, Hiệu trưởng© 2018 - Bản quyền thuộc về trường Chính trị tỉnh Bình Phước.Ghi rõ nguồn "Trường Chính trị tỉnh Bình Phước" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

Điều khoản sử dụng | Chính sách bảo mật (Quyền riêng tư) Design by tichtac.net

HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU THỰC TẾ GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI

Ngày xuất bản: 18/07/2017 7:56:00 SA

Lượt đọc: 3981

 “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” (Hồ Chí Minh. Toàn tập T8 tr 496,Nxb CTQG,1996). Theo Người lý luận là sự khái quát kinh nghiệm thực tiễn, là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên, xã hội đã được tích lũy trong quá trình lịch sử, tiêu chuẩn của một lý luận khoa học là nó phản ánh đúng bản chất quy luật của đối tượng nhận thức và phải được khái quát thành một hệ thống bao gồm các khái niệm phạm trù nhất định. Lý luận giữ vai trò định hướng chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người để nhằm đạt được kết quả cao nhất. Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có tính xã hội – lịch sử của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Thực tiễn có vai trò đặc biệt to lớn đối với lí luận, là cơ sở, điểm xuất phát, là động lực cho sự phát triển của lí luận, đồng thời là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.

Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn bắt nguồn từ mối quan hệ giữa con người với thế giới khách quan. Con người luôn luôn tác động tích cực vào thế giới khách quan - tự nhiên và xã hội, cải biến thế giới khách quan bằng thực tiễn. Trong quá trình đó, sự phát triển nhận thức của con người và sự biến đổi thế giới khách quan là hai mặt thống nhất. Điều đó quy định sự thống nhất biện chứng giữa lý luận với thực tiễn trong hoạt động sinh tồn của cá nhân và cộng đồng. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguyên tắc đó trở thành phương châm trong giảng dạy và học tập nói chung và ở các trường Chính trị tỉnh nói riêng.

Hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu là những mặt cơ bản gắn liền và quy định lẫn nhau trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng ở các trường Chính trị. Chủ thể của hoạt động học tập là học viên, đây là chủ thể trong nhận thức, thông qua sự truyền thụ kiến thức của giảng viên. Nội dung truyền thụ là những kiến thức lý luận khoa học, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, kiến thức lịch sử và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… là hệ thống tri thức đã được tổng kết, là kinh nghiệm thực tế trong từng ngành, từng lĩnh vực và được thể hiện trong nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cấp cơ sở. Do đó, trong giảng dạy nếu giảng viên kết hợp được giữa lý luận với tình hình và diễn biến thực tế ở các ngành, các địa phương, ở trong nước và trên thế giới để minh họa, chứng minh, làm sáng tỏ những nguyên lý, nguyên tắc, quan điểm, lý luận thì sẽ giúp học viên tiếp thu được một cách hiệu quả nhất lượng kiến thức mà giảng viên truyền đạt. Khi kết hợp như vậy học viên sẽ cảm thấy dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn vì nó gắn liền với hoạt động thực tế, với công việc hàng ngày của học viên. Trong quá trình học tập, nghiên cứu học viên cũng nêu ra những suy nghĩ, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, trong phạm vi ngành và địa phương của mình để cùng nhau trao đổi thảo luận và áp dụng những kiến thức được học để giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất. Đó chính là quá trình học viên vận dụng những kiến thức lý luận đã học vào thực tiễn, góp phần giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tế.

Nhận thức được ý nghĩa và vai trò quan trọng của việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy giúp nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ trường Chính trị tỉnh Yên Bái. Căn cứ vào tình hình thực tế của Nhà trường hiện nay có đội ngũ giảng viên trẻ chiếm số lượng tương đối lớn. Với đội ngũ giảng viên trẻ, tuy được đào tạo bài bản, có tinh thần trách nhiệm cao trong giảng dạy. Tuy nhiên trong các cuộc họp rút kinh nghiệm sau những buổi dự giờ và từ ý kiến phản hồi của học viên thì vẫn còn có nhiều bài giảng nặng về lý thuyết, thiếu kiến thức thực tiễn. Để khắc phục hạn chế trên, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, thì trong những năm qua Đảng ủy, Ban giám hiệu trường Chính trị tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm và luôn đề ra kế hoạch cử giảng viên đi nghiên cứu, thâm nhập thực tế cơ sở tại các địa phương trong tỉnh và xem đây là một trong những nhiệm vụ cần thiết của người giảng viên.

Tại khoản 3 điều 2 của bộ quy chế giảng viên trường Chính trị tỉnh Yên Bái quy định chi tiết về nhiệm vụ của giảng viên: “ Nghiên cứu khoa học, thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền địa phương; góp phần phát triển lý luận, đường lối, đấu tranh chống những luận điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Theo đó đi nghiên cứu thực tế hàng năm để bổ sung kiến thức vào bài giảng là một trong những nhiệm vụ bắt buộc của người giảng viên. Các giảng viên sẽ căn cứ vào tình hình giảng dạy, nghiên cứu của mình để xây dựng kế hoạch đi thực tế tại một số địa phương, cũng như đề ra chủ đề nghiên cứu cụ thể trong quá trình đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Do đó việc triển khai kế hoạch đi thực tế hàng năm của Nhà trường đã thành nề nếp thường xuyên và đem lại kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên về lý luận và thực tiễn.

Với một người giảng viên muốn truyền đạt hiệu quả lượng kiến thức đến với học viên, thì trong quá trình giảng dạy ngoài truyền thụ những kiến thức lý luận còn phải gắn với thực tiễn. Kết hợp hài hòa giữa kiến thức lý luận và thực tiễn để người học hiểu rõ lý luận, đồng thời vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ cũng như tầm quan trọng của công tác đi nghiên cứu thực tế, cho nên mỗi người giảng viên trường Chính trị tỉnh Yên Bái  luôn quan tâm và đề cao vấn đề này. Đi nghiên cứu thực tế cơ sở giúp người giảng viên bổ sung thêm nhiều kiến thức thực tế đồng thời tạo điều kiện cho người giảng viên năm bắt được tình hình thực tế cơ sở (như hệ thống chính trị ở cơ sở, tình hình phát triển kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân ở cơ sở…). Ví dụ như đối với giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật khi đi nghiên cứu thực tế sẽ nắm được những kiến thức thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các tổ chức đoàn thể ở cấp xã. Đặc biệt là hoạt động của cơ quan pháp luật, cơ quan quản lý hành chính – tư pháp (công an, tư pháp) ở cấp xã. Từ đó vận dụng những kiến thức này vào nội dung của bài giảng giúp cho nội dung bài giảng sinh động hơn, học viên dễ hiểu, dễ vận dụng hơn. Mặt khác đi thực tế cũng là để giảng viên nghiên cứu và lý giải những vấn đề thực tiễn đặt ra ở cơ sở. Mục đích của quá trình nghiên cứu chủ yếu là phục vụ công tác giảng dạy, đồng thời giúp các giảng viên nâng cao được khả năng trình bày, thuyết trình, nói trước đám đông, nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học…Đây là những yếu tố rất cần thiết đối với người giảng viên, đặc biệt là với những người giảng viên trẻ.

Qua đó có thể khẳng định rằng, nghiên cứu thực tế là một việc làm rất cần thiết đối với đội ngũ giảng viên trường Chính trị tỉnh Yên Bái. Bởi vì khi đã có vốn kiến thức vững chắc cả về lý luận và thực tiễn sẽ giúp người giảng viên tự tin, chủ động hơn, bài giảng trở nên sinh động, chất lượng hơn từ đó chất lượng giảng dạy, đào tạo của Nhà trường cũng nâng lên.

Mong là trong những năm tiếp theo Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục quan tâm đến hoạt động nghiên cứu thực tế cơ sở của giảng viên. Có những cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ đi nghiên cứu, thâm nhập thực tế ở cơ sở. Vì đây là một hoạt động có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong công tác giảng dạy cũng như chất lượng đào tạo của Nhà trường.

                                                                                Hoàng Khắc Cương