Vai trò của con người trong cách mạng

Thế kỷ XX, ở Việt Nam diễn ra nhiều sự kiện lớn lao và trọng đại. Trong đó có lẽ có 3 sự kiện gây dấu ấn lịch sử, tác động sâu sắc nhất đến đời sống xã hội nước ta, tạo sự chuyển xoay vận mệnh của dân tộc đưa nước ta thoát khỏi vòng nô lệ, trở thành nước độc lập tự đo, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Ba sự kiện ấy là: Sự xuất hiện lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh; sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; cuộc chiến tranh nhân dân đánh thắng chủ nghĩa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ba sự kiện này có mối quan hệ biện chứng thống nhất và gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó, vấn đề nhân cốt vẫn là sự xuất hiện của lãnh tụ vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là tác giả, là linh hồn của việc tổ chức quá trình ra đời, hoạt động vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; của đường lối chiến tranh nhân dân vĩ đại ở nước ta.

Đảng ta khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chính tư tưởng Hồ Chí Minh đã soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, một vấn đề rất cốt lõi là Hồ Chí Minh xác định rõ vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Một là, nhân dân là chủ thể của lịch sử.

Điểm trung tâm của tư tưởng Hồ Chí Minh là con người, là nhân dân lao động trong nước và thế giới, là dân tộc Việt Nam và cả loài người. Hồ Chí Minh dành tất cả tình thương yêu cho con người; dành tất cả ước mơ, hoài bão cho sự nghiệp giải phóng con người khỏi ách áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, dốt nát; dành niềm khát vọng cho mọi người được ấm no, tự do, hạnh phúc.

Nhân dân, con người trong tư tưởng, tình cảm Hồ Chí Minh không chung chung, trừu tượng mà rất cụ thể. Đó là người nông dân, người công nhân, nhà trí thức, các chiến sĩ bộ đội, công an, các cháu thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, học sinh, sinh viên, các bậc phụ lão, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài... Hồ Chí Minh cho rằng, tất cả đều là nhân dân và dưới bầu trời này, không gì quý bằng nhân dân. Theo Người, nhân dân bao gồm mọi tầng lớp người trong xã hội cùng có chung một vận mệnh, một cuộc sống, một tương lai, tiền đồ, một truyền thống lịch sử, một nền văn minh, văn hóa. Cho nên khi đất nước có ngoại xâm, nhân dân có chung một kẻ thù, một nhiệm vụ là cùng đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Khi hòa bình xây dựng đất nước, nhân dân có chung một nhiệm vụ kiến quốc bảo vệ xây dựng giang sơn gấm vóc ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Có thể nói, Hồ Chí Minh luôn luôn ở giữa nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh, Người tìm mọi cách tiếp xúc thân mật, tự nhiên với các tầng lớp nhân dân. Cần gặp ai, Người chủ động đến trước với họ, mở rộng cánh tay và tấm lòng đón mừng bằng cử chỉ tự nhiên, khiến cho người được tiếp xúc hòa ngay vào không khí thân mật, cởi mở, bị cuốn hút bởi tình cảm tự nhiên, chân thật, chan hòa.

Chúng ta đều nhớ, khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 ở Quảng trường Ba Đình, Người thân mật hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Trong khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng ấy, Hồ Chí Minh đi ngay vào lòng người bởi những ấn tượng rất sâu. Hồ Chí Minh luôn luôn hướng về nhân dân và nhân dân luôn luôn ở trong tâm trí của Người. Chính vì thế, nhân dân luôn rất mực quý trọng Người và hình ảnh Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong lòng các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Hai là, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân.

Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, qua thực tiễn suốt mấy chục năm bôn ba khắp thế giới, Hồ Chí Minh càng thấm sâu chân lý: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; và trong tư tưởng tình cảm và hành động, Người luôn thể hiện nhất quán chân lý ấy. Quần chúng cách mạng chính là các tầng lớp nhân dân nước ta mà Hồ Chí Minh đã tìm thấy sức mạnh to lớn ở họ. Cơ sở của quan điểm tư tưởng ấy là lòng tin vào con người của Hồ Chí Minh. Người cho rằng, nhân dân rất thông minh, sáng tạo; nhân dân là lực lượng đông đảo của toàn xã hội; nhân dân là người hiểu biết tất cả; nhân dân là nguồn sức mạnh vô tận ở mọi nơi, mọi lúc. Chính vì thế, Người cho rằng nhân, nghĩa là nhân dân và trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng của nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của nhân dân được hình thành trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm của phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng ở nhiều nước trên thế giới, nhất là phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Những thành công hay thất bại của các phong trào ấy đều được Người nghiên cứu rút ra những bài học cần thiết cho việc hình thành tư tưởng về sức mạnh của nhân dân.

Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, nhưng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân đông đảo. Người nhắc nhở, công tác dân vận của Đảng phải tìm mọi cách giải thích cho từng người dân hiểu rõ, việc mình làm là vì lợi ích của chính họ, nên họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Người cũng chỉ rõ làm bất cứ việc gì cũng phải bàn với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành. Đảng phải lãnh đạo để nhân dân đứng lên đấu tranh tự giải phóng và xây dựng xã hội mới do mình làm chủ. Sự nghiệp ấy chỉ có thể được thực hiện bằng sức mạnh của nhân dân. Nhân dân mới chính là người sáng tạo ra lịch sử, là chủ thể của lịch sử, là người làm nên lịch sử. Người nhấn mạnh, cá nhân dù có tài giỏi mấy cũng không thay thế được nhân dân. Rõ ràng trong những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng về sức mạnh của nhân dân là một cống hiến đặc sắc, có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn rất quan trọng, lâu dài.

Ba là, những việc cần phải làm để phát huy vai trò của nhân dân.

Không dừng ở việc xác định vai trò có tính quyết định của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ phải làm gì và làm như thế nào để nhân dân phát huy được vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng. Người đề cập tới nhiều khía cạnh, bước đầu có thể khái quát ở mấy điểm chính sau:

- Hồ Chí Minh yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để phát huy sức mạnh của nhân dân. Người nhấn mạnh: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Người lập luận, chỉ có đoàn kết mới tập hợp được sức mạnh riêng rẽ của từng người tạo nên sức mạnh lớn lao của hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu, hàng chục triệu người. Việc có to mấy, nặng mấy, khó mấy nếu biết đồng lòng, hiệp lực thì nhất định sẽ làm được. Người ví công việc cách mạng như hòn đá to, hòn đá nặng, một người nhắc, nhắc không đặng. Ngược lại cũng hòn đá ấy nếu có nhiều người cùng nhắc thì sẽ được. Tương tự, Người cho rằng việc cứu nước, xây dựng quốc gia nếu nhiều người cùng nhau đồng lòng thì nhất định sẽ thành công.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thể hiện rất rõ ràng ở những quan điểm: Đoàn kết phải được coi là vấn đề chiến lược, nó bảo đảm cho mọi thành công của cách mạng nước ta. Đoàn kết phải là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta. Đoàn kết là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và đoàn kết quốc tế. Đoàn kết phải thực sự tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần. Đoàn kết phải thông qua các tổ chức chặt chẽ để tập hợp các tầng lớp nhân dân như Mặt trận, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội. Đoàn kết phải trên cơ sở lợi ích chung của Đảng và của dân tộc. Đoàn kết phải thực hiện dân chủ, công khai, công bằng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên... Nhất là đối với Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người phải tôn trọng, xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình, như giữ gìn một báu vật, nguồn tạo nên mọi sức mạnh của Đảng.

- Phải thục hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh: Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó có quan hệ rất chặt với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ, quần chúng đề ra sáng kiến. Vì thế Người luôn luôn nhắc nhở: Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tuyệt đối không được lên mặt "quan cách mạng" ra lệnh, ra oai với nhân dân. Người nhận thức sâu sắc rằng: Nước ta phải đi đến dân chủ thật sự. Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội để nâng cao đời sống của nhân dân, phải thực hiện dân chủ thực sự. Dân chủ phải là một thuộc tính cơ bản của chế độ ta.

Rõ ràng dân chủ là một nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Người, dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn. Mọi chủ trương, đường lối thuộc tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... đều được Người xem xét và giải quyết từ địa vị dân là người làm chủ và quyền làm chủ thuộc về nhân dân.

Để người dân được hưởng quyền dân chủ trong thực tế và thực hiện quyền làm chủ của mình, Hồ Chí Minh cho rằng không chỉ hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, mà còn nâng cao năng lực làm chủ về nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng văn hóa chính trị, phát triển tính tích cực công dân, mở mang kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, khuyến khích nhân dân giám sát công việc của các cơ quan nhà nước.

Phát huy dân chủ của nhân dân phải kết hợp chặt chẽ với tăng cường pháp chế, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhà nước phải tiếp tục thể chế hóa bằng pháp luật các quyền dân chủ của người dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để làm được những điều nêu trên, Hồ Chí Minh cho rằng phải nhận thức đầy đủ vấn đề mấu chốt: Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Cán bộ, đảng viên phải là công bộc của nhân dân. Người phê phán mọi biểu hiện cán bộ lợi dụng chức quyền đi đến quan liêu, tham nhũng, hống hách, xa rời dân. Điều đó làm cho dân oán giận, mất lòng tin với Đảng, với Nhà nước dẫn đến làm suy yếu Đảng, là nguy cơ tồn vong của chế độ.

- Phải phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Hồ Chí Minh quan tâm, quý trọng con người, trước hết là quan tâm đến quyền dân sinh. Đây là quyền sống của con người, quyền hàng đầu của mọi con người và con người phải được sống tương ứng với cống hiến của mình.

Để bảo đảm quyền sống, con người phải đấu tranh lật đổ ách ngoại xâm, xóa bỏ nạn áp bức giai ấp, áp bức dân tộc, giành lại quyền tự do sinh sống của người dân một nước độc lập có chủ quyền. Không chỉ có thế, để bảo đảm quyền sống, con người còn phải không ngừng vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mình.

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, chúng ta phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, bản thân mỗi người dân phải thực hành tiết kiệm về thời gian, tiền của để phát triển sản xuất ngày càng tạo ra nhiều của cải cho xã hội và cho bản thân cùng gia đình mình. Đảng lãnh đạo nhân dân bằng định ra đường lối phát triển kinh tế, tổ chức huy động nhân dân thực hiện sáng tạo đường lối ấy. Nhân dân tin theo Đảng, chủ động đưa đường lối phát triển kinh tế, phát huy nội lực, khai thác mọi nguồn sức mạnh để phát triển sản xuất. Tư tưởng ấy đã và đang được toàn Đảng, toàn dân ta phát huy trong sự nghiệp đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh một cách có hiệu quả.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nước ta có nội dung rộng lớn, sâu sắc và luôn luôn mới, đầy sáng tạo. Tư tưởng ấy giúp chúng ta tìm thấy sức mạnh trong công việc của mình, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, nếu biết dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thật sự tôn trọng và học hỏi dân thì nhất định sẽ thành công.

Trần Quang Nhiếp

Video liên quan

Chủ Đề