Trong thời kỳ 1939 đến 1945 căn cứ địa đầu tiên của cách mạng nước ta là

Thành viên Chính phủ lâm thời. Ảnh Tư liệu

Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về tới Cao Bằng, chọn Pác Bó làm nơi xây dựng căn cứ chỉ huy cách mạng Việt Nam. Tại Pác Bó, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 đã diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng, hoàn thiện chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam cho phù hợp với tình hình và yêu cầu khách quan của lịch sử. Hội nghị Trung ương VIII quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh [gọi tắt là Việt Minh], hình thức mới của Mặt trận dân tộc thống nhất do Đảng lãnh đạo để tập hợp đông đảo nhất, rộng rãi nhất các giai cấp, tầng lớp Nhân dân Việt Nam vì mục đích cứu quốc, giành độc lập dân tộc. Điều đặc biệt quan trọng là tại Hội nghị này, Trung ương Đảng đã tập trung thảo luận về khả năng và phương thức tiến hành một cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị khẳng định: "Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang".

Dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Đảng và Mặt trận Việt Minh, phong trào kháng Nhật, cứu quốc đã dâng lên mạnh mẽ ở cả nông thôn và thành thị, nhất là ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Trong tình hình đó, nhằm thống nhất lực lượng, thống nhất chỉ huy và hành động, đưa cao trào cách mạng phát triển lên một bước cao hơn, ngày 15/4/1945, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Hội nghị đã diễn ra trong 05 ngày tại huyện Hiệp Hoà [Bắc Giang], do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì. Một trong những vấn đề quan trọng mà Hội nghị đã tập trung thảo luận chính là chỉ đạo việc chuẩn bị giành chính quyền và thành lập chính quyền cách mạng.

Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh đã ra Chỉ thị quan trọng về việc thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng, Uỷ ban nhân dân cách mạng và Uỷ ban khởi nghĩa. Chỉ thị xác định rõ: "Trong tình thế chính quyền đế quốc có chỗ tan rã, có chỗ không được ổn định như ở nước ta ngày nay, Uỷ ban dân tộc giải phóng là hình thức tiền Chính phủ, trong đó Nhân dân học tập để tiến lên giữ chính quyền cách mạng".

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng và theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về việc triệu tập một cuộc Đại hội đại biểu Quốc dân Việt Nam, ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào, Quốc dân Đại hội đã khai mạc. Hơn 60 đại biểu đại diện cho các giới, các tầng lớp Nhân dân yêu nước từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và kiều bào ở nước ngoài, tượng trưng cho khối đại đoàn kết dân tộc đã về dự Đại hội. Đại hội nhất trí ủng hộ đề nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương về việc phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc và thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Đại hội cũng nhất trí cử ra Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Uỷ ban có nhiệm vụ chỉ huy cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và khi điều kiện cho phép thì chuyển thành Chính phủ lâm thời, "... thay mặt quốc dân mà giao thiệp với các nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước".

Trong giờ phút quyết liệt đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước vùng lên khởi nghĩa, giành lấy chính quyền.
Theo lời hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã nhất tề vùng lên lật đổ chính phủ bù nhìn, tay sai của phát xít Nhật, lập nên chính quyền cách mạng. Ngày 15/8/1945, tại Hà Nội, Uỷ ban quân sự cách mạng đã được thành lập để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, cuộc mít tinh khổng lồ của khoảng 200.000 người đã nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình vũ trang quần chúng giành chính quyền. Ngày 20/8/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ, Uỷ ban nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập và ra mắt Nhân dân. Ngày 23/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa Thừa Thiên tổ chức một cuộc mít tinh khổng lồ với sự tham gia của hàng vạn người, tuyên bố thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên Huế. Ngày 25/8/1945, Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ cũng đã được thành lập và ra mắt Nhân dân

Như vậy, chỉ trong khoảng hai tuần lễ, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã giành thắng lợi căn bản trên phạm vi toàn quốc. Tại hầu hết các tỉnh, thành phố, huyện, xã, chính quyền cách mạng đã được thành lập.

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 đã đập tan chính quyền của bọn đế quốc và phong kiến tay sai thống trị gần một trăm năm, xoá bỏ vĩnh viễn chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Thắng lợi này đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Ngày 27/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời ra Tuyên cáo nêu rõ: Nhiệm vụ của Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được được Mặt trận Dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, Uỷ ban Dân tộc Giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà Quốc dân đã giao phó cho.

Chính phủ lâm thời có 15 vị Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cơ cấu Chính phủ gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Như vậy, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ và đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo./.

Thanh Tuấn

Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Bộ Nội vụ, NXB Chính trị quốc gia, 2005;
- Biên niên Lịch sử Bộ Nội vụ, NXB Đại học Sư phạm, 2007;
- Việt Nam Dân quốc Công báo, số 1, năm 1945.
- Đề cương tuyên truyền 75 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ và Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước [28/8/1945-28/8/2020].

Video liên quan

Chủ Đề