Thực trạng tái cơ cấu nguồn vốn doanh nghiệp nhà nước

Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tiến hành rất chậm, dù Chính phủ đã nhiều lần đôn đốc. Trong ảnh: Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong có nhiệm vụ thoái 37,1% vốn nhà nước.

Nguồn lực lớn của nền kinh tế đang nằm chờ

Nếu kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm nay được thực hiện đúng, nền kinh tế sẽ có thêm 40.000 tỷ đồng, bù đắp cho phần ngân sách để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nói như vậy và cảm thấy tiếc khi tìm kiếm cơ sở cho những khuyến nghị giải pháp phục hồi, kích thích kinh tế.

So với những khoản đã chi từ các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hiện tại, con số này không hề nhỏ. Ví dụ, gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động [theo Nghị quyết 68/2021/NQ-CP] có giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng. Với gói giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 30% thuế giá trị gia tăng và miễn tiền chậm nộp tiền sử dụng đất hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được ban hành, nguồn hỗ trợ từ ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, 10 tháng của năm 2021, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về quỹ là 366 tỷ đồng. Trong điều kiện bình thường, để hoàn thành số còn lại trong 40.000 tỷ đồng kế hoạch thu từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn trong 2 tháng đã rất khó, thì trong tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, khả năng thực hiện gần như không có.

Hiện tại, Bộ Tài chính đã đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước [SCIC] tập trung thoái vốn tại Tập đoàn Bảo Việt [3,26%], Tổng công ty cổ phần Bảo Minh [50,7%] và Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong [37,1%]. Khoản thu sẽ nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12/2021 để nộp ngân sách nhà nước. Tổng vốn nhà nước trong 3 doanh nghiệp này là hơn 1.121 tỷ đồng.

Khoản thu từ hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước đã được Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 dành để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương và bổ sung vốn điều lệ cho một số doanh nghiệp nhà nước then chốt... Nếu không thu đủ, kế hoạch đầu tư các dự án hạ tầng có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Ở góc độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, một trong 3 trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, sự chậm trễ này kéo dài những yếu kém trong năng lực cạnh tranh của khu vực được xác định có vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Mặc dù cổ phần hóa, thoái vốn không phải là mục tiêu, mà là một số trong những phương thức tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng sẽ gây áp lực để khu vực này công khai, minh bạch các hoạt động, làm rõ các vấn đề về tài chính, đất đai... cũng như tạo sức ép thay đổi lên cả cơ quan đại diện chủ sở hữu và bộ máy quản trị, quản lý doanh nghiệp. Chậm cải thiện quản trị, năng lực, hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp nhà nước sẽ không phải là “khoản mục đầu tư” hấp dẫn, ảnh hưởng lớn tới giá trị phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp.

Hơn thế, khi vốn nhà nước vẫn chiếm lĩnh ở nhiều ngành, lĩnh vực, thì không gian phát triển của khu vực kinh tế tư nhân sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Đặt tiếp câu hỏi về trách nhiệm

Trong Quyết định 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025, có hiệu lực từ giữa tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục thực hiện theo các danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn đến hết năm 2020 đã ban hành, cho đến khi có kế hoạch mới về sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp [Bộ Tài chính] điều đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy hoạt động này. Như vậy, những doanh nghiệp có tên trong Quyết định 26/2019/QĐ-TTg [phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020] và Quyết định 908/2020/QĐ-TTg [phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020] vẫn phải tiếp tục thực hiện theo đúng kế hoạch.

Cũng phải làm rõ, những chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thời gian qua có lý do từ Covid-19, khi phần lớn doanh nghiệp nằm ở các địa bàn phải thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, theo ông Tiến, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu.

Đầu năm, khi dịch bệnh chưa thực sự căng thẳng, việc cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm. Tâm lý chờ đợi danh mục mới của lãnh đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu, các bộ, UBND các địa phương, các doanh nghiệp nhà nước rất rõ. Thời điểm này, các ban đổi mới của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và cả Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất ít họp bàn triển khai các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo danh mục đã ban hành.

Nhưng hiện giờ, lý do này không còn. Những lấn cấn về cơ chế, chính sách cũng đã được giải tỏa với các thể chế mới về định giá đất đai, tài sản, giá trị thương hiệu... đã được làm rõ.  “Rõ ràng, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện”, ông Tiến nhận định.

Ngay trong thời điểm dịch bệnh, thị trường chứng khoán lại là điểm sáng. Nếu các đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp quyết tâm phải làm, phải tận dụng cơ hội, thì có thể sẽ có nhiều đợt thoái vốn nhà nước, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế phát triển trong năm nay như dược phẩm, bất động sản, công nghệ thông tin...

“Bộ Tài chính là cơ quan xây dựng chính sách, không thể chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải làm nhanh. Trách nhiệm đầu tiên phải là người đứng đầu các đơn vị này, các bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn”, ông Tiến lý giải khi nhận được câu hỏi trách nhiệm.

Lý do này không mới. Trong báo cáo về kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ gửi kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước được phân tích là do tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất, dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Một số vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, nhưng chậm được tổng kết thực tiễn, kết luận để có thể cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ vấn đề vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vấn đề trao quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước, vấn đề sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ điều tiết kinh tế...

Hệ quả là khâu chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn, nhất là xử lý đất đai không được tập trung thực hiện, thấy khó là dừng, đi hỏi, sợ không làm, dù cơ chế chính sách đã quy định. Khi đất đai không được làm rõ, khâu định giá doanh nghiệp sẽ không thực hiện được. Khi khâu tổ chức, chuẩn bị thực hiện không thông, việc thực hiện các đề án cổ phần  hóa, thoái vốn đương nhiên là không chạy.

“Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Có như vậy thì mới có khoản thu cho ngân sách như kế hoạch mà Quốc hội đã giao”, ông Tiến đề xuất.

Bao giờ chế tài được thực thi

Hiện tại, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 đã có, sẽ có thêm những doanh nghiệp quy mô lớn có tên sau khi Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ được phê duyệt. Nếu không giải quyết dứt điểm khúc mắc về trách nhiệm trong thực thi, rất có thể, tình trạng chậm cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước của kỳ kế hoạch 5 năm trước sẽ tái diễn.

Nhìn lại 5 mục tiêu không đạt được của Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, có 2 mục tiêu liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đó là thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành, nghề không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn; thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.

Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhiều, nhưng không triển khai theo đúng kế hoạch. Hà Nội đăng ký cổ phần hóa 15 doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn thực hiện được 1. TP.HCM thậm chí chưa thực hiện được trường hợp nào trong số 39 doanh nghiệp đăng ký trong danh sách cổ phần hóa.

Trong khi đó, mục tiêu của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong 5 năm 2021-2025 là đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này.

Theo ý kiến một số đại biểu Quốc hội khi trao đổi về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, phải nhắc đến việc thiếu các chế tài đủ mạnh, mang tính răn đe đối với việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước không hoàn thành/không triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Để kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thoát khỏi tình trạng chậm triền miên, đây là lúc cần sử dụng nghiêm cơ chế về đánh giá trách nhiệm cán bộ khi không thực hiện đúng nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và một số vấn đề đặt ra

ThS. PHAN THỊ THÙY LINH

14:16 22/12/2015

Nhìn lại quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua có thể thấy, mặc dù tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả khả quan, song những kết quả này vẫn chưa tạo sự chuyển biến về chất trong cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản lý tài chính cũng như chất lượng lao động của doanh nghiệp nhà nước. Để quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đạt được kết quả như mong muốn, cần có sự đánh giá khách quan về tình hình thực hiện và nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại, từ đó có giải pháp thực hiện.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Thực trạng và giải pháp

Vai trò của thị trường vốn trong tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam 2016 – 2020

Đảm bảo an toàn, lành mạnh và minh bạch nền tài chính quốc gia

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Giai đoạn nước rút

Mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước [DNNN], trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một trong 3 trụ cột chính của mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế đã được cụ thể hóa tại Hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành Trung ương khóa XI. Mục tiêu của tái cơ cấu DNNN nhằm xây dựng các DNNN có cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có khả năng góp phần điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, có sức cạnh tranh được tăng cường, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh ổn định và tăng trưởng.

Nội dung trọng tâm của quá trình tái cơ cấu DNNN tập trung vào 5 nhóm vấn đề cụ thể: [i] Định vị lại vai trò và thu hẹp phạm vị kinh doanh, hoạt động của DNNN; [ii] Thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới cơ chế khuyến khích, khen thưởng, bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các DN thuộc các thành phần kinh tế khác; [iii] Đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa [CPH], đa dạng hóa sở hữu DNNN, giảm dần tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại những DNNN thuộc những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu; [iv] Thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo hướng điều chỉnh lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính; đẩy việc thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường ở những ngành không phải/không trực tiếp liên quan tới lĩnh vực kinh doanh chính hoặc Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối; [v] Đổi mới, nghiên cứu, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị và kiểm soát nội bộ hiện đại theo thông lệ tốt của kinh tế thị trường đối với các DNNN, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu DNNN có hiệu quả, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp đối với nhiệm vụ này: [i] xây dựng, hoàn thiện và ban hành thể chế, cơ chế chính sách về sắp xếp, CPH; đổi mới tổ chức quản lý, hoàn thiện cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động và hoàn thiện các cơ chế nội bộ của DNNN; xác định vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thành viên và Ban điều hành; tăng cường cơ chế công bố thông tin, công khai, minh bạch tài chính; [ii] xây dựng, ban hành, triển khai, chỉ đạo thực hiện kế hoạch tái cơ cấu DNNN từng giai đoạn, từng năm, trong đó đặt mục tiêu CPH 432 DN giai đoạn 2014 - 2015; [iii] Xây dựng tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, rà soát bổ sung DN cần CPH, thoái vốn nhà nước qua các năm; xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp DNNN giai đoạn 2016 – 2020; [iv] Ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước.

Tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015

Năm 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối trong việc thực hiện Đề án 929 [Ban hành kèm Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012] về tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015. Kết quả triển khai tái cơ cấu DN, trọng tâm là CPH và thoái vốn nhà nước trong 10 tháng đầu năm 2015 [tính đến ngày 10/11/2015] cụ thể như sau:

Về sắp xếp, cổ phần hóa

Từ năm 2011 đến ngày 10/11/2015 cả nước đã sắp xếp được 471 DN, trong đó CPH được 408 DN [bằng 79,37% tổng số DN phải CPH theo kế hoạch 2011 - 2015] và sắp xếp theo các hình thức khác 63 DN [bán 10 DN; sáp nhập, hợp nhất 37 DN; giải thể, phá sản 9 DN; chuyển thành đơn vị sự nghiệp 1 đơn vị; chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên 6 DN].

Riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước đã có 175 DN được sắp xếp. Trong đó, 159 DN đã được phê duyệt phương án CPH; 16 DN thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác gồm: 4 DN thực hiện bán, 5 DN sáp nhập, 2 DN giải thể, 5 DN chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên. Dự kiến, số DN CPH giai đoạn 2011 - 2015 sẽ là 459 DN, đạt 90% kế hoạch. Trong 2 năm 2014 và 2015, sẽ có 353 DN được CPH theo kế hoạch.

Kết quả thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương có sự khác biệt tương đối. Trong đó, các đơn vị chỉ đạo triển khai quyết liệt, đạt kết quả cao so với kế hoạch đã được phê duyệt là TP. Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TP. Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Ngược lại, một số đơn vị tuy triển khai tích cực nhưng đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả là Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nam Định, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Về thoái vốn Nhà nước

Lũy kế từ năm 2012 đến ngày 28/10/2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 8.704 tỷ đồng [trên tổng số 23.325 tỷ đồng phải thoái tại 5 lĩnh vực nêu trên, bằng 37% kế hoạch], thu về 9.540 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 7.746 tỷ đồng, thu về 13.330 tỷ đồng. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước đã thoái được 9.152,2 tỷ đồng, thu về 13.767,5 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 4.418,2 tỷ đồng thu về 4.956,3 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 4.734,1 tỷ đồng thu về 8.811,4 tỷ đồng. Các đơn vị thoái vốn đạt kết quả tốt 10 tháng đầu năm 2015 là Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Về bán đấu giá cổ phần lần đầu năm 2015

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết ngày 20/10/2015 có 93 DN CPH bán đấu giá cổ phần lần đầu [IPO] ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán với tổng số lượng cổ phần chào bán là 836.227.509 cổ phiếu, trị giá 8.367 tỷ đồng. Số cổ phiếu bán được là 318.595.743 cổ phiếu, trị giá 4.683,8 tỷ đồng, đạt 38% tổng số lượng cổ phần chào bán. Trong tổng số 93 DN IPO có 55 DN bán đạt trên 90% tổng số cổ phần chào bán.

Nhìn chung, tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN đã được đẩy nhanh nhưng số lượng DN phải hoàn thành CPH trong 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 20% kế hoạch 2011 - 2015. Số vốn các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực: bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái.

Một số tồn tại, hạn chế

Quá trình tái cơ cấu DNNN đã đạt được những kết quả khả quan ban đầu và đang có chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, những kết quả này chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất trong cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản lý tài chính, cũng như chất lượng lao động, cán bộ, năng suất, hiệu quả hoạt động của DNNN. Kết quả tái cơ cấu DNNN chưa đạt được kết quả như mong muốn, do chịu tác động của những nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện. Cụ thể:

Thứ nhất, nguyên nhân chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương, DN chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, CPH, thoái vốn đã được phê duyệt. Đồng thời, một số bộ, ngành chưa tập trung cho việc ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch đã đề ra. Về cơ bản, cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên tiến độ còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Trong 10 tháng đầu năm 2015, chỉ có 2 văn bản được trình đúng hạn, 9 văn bản trình chậm so với kế hoạch, vẫn còn 5 văn bản hiện các bộ chủ trì chưa trình. Một số cơ chế, chính sách để giải quyết những vướng mắc trong xác định giá trị DN để CPH, trong thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, bán vốn nhà nước tại công ty cổ phần Nhà nước không cần nắm giữ… tuy được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng các bộ vẫn chưa trình để ban hành kịp thời, chưa được giải quyết dứt điểm.

Thứ hai, nguyên nhân khách quan, những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn nhà nước [bình quân 10 tháng năm 2015 số cổ phiếu IPO bán được chỉ đạt 38% tổng số cổ phần chào bán]. Nhiều DN thực hiện sắp xếp, CPH giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị DN để CPH; việc lựa chọn cổ đông chiến lược… cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý. Hơn nữa, việc bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chưa được đẩy nhanh do vướng những quy định pháp lý về thời gian thực hiện, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, về phía các DNNN, kết quả tái cơ cấu cho thấy các DNNN mới chỉ dừng lại ở việc sáp nhập lại với nhau một cách cơ học [chuyển giao DNNN yếu kém của đơn vị này sang cho đơn vị khác quản lý], quy mô của DN tăng nhưng không có sự chuyển biến về chất trong hoạt động và quản lý điều hành. Do đó, việc tái cơ cấu thời gian qua chưa phát huy một cách tối đa năng lực cũng như lợi thế riêng vốn có của từng DN. Đồng thời, việc xây dựng, triển khai đề án sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý vẫn còn chậm trễ. Cơ chế quản lý DNNN chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp. Việc phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích chưa rõ ràng, minh bạch; Cơ chế đảm bảo cho các DNNN được giao hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có mức sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không đủ sức tham gia vào những lĩnh vực cần thiết cho nền kinh tế còn thiếu.

Bên cạnh đó, chức năng đại diện chủ sở hữu còn phân tán, chưa phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản của DNNN… Những tồn tại trên là lực kéo không nhỏ khiến cho tiến trình tái cơ cấu, đổi mới DNNN bị chậm trễ.

Giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Dựa trên thực tiễn quá trình tái cơ cấu DNNN và kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, để quá trình tái cơ cấu DNNN diễn ra thuận lợi và đạt được kết quả mong muốn, các nhóm giải pháp sau cần tiếp tục được thực hiện: [i] Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích; [ii] Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN; [iii] Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước; [iv] Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của DN; [v] Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật; [vi] Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt; [v] Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN.

Cụ thể hóa những nhóm giải pháp trên, để đạt được kết quả tái cơ cấu DNNN như kế hoạch đã đề ra, Chính phủ, các bộ, ngành đã xây dựng, triển khai các hành động cụ thể về điều hành và quản lý nhà nước, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới DN theo kế hoạch. Tiếp tục rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2015; rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch sắp xếp DNNN để thực hiện ngay hoặc thực hiện trong giai đoạn tới. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của các DN 100% vốn nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và Luật DN, Luật Đầu tư năm 2014 trước ngày 1/6/2016.

Thứ hai, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch sắp xếp, CPH, trong đó tập trung vào các DN thuộc diện khó hoàn thành CPH [đặc biệt là các đơn vị thực hiện CPH chậm như các bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, các địa phương như: Nam Định, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai]. Xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân, tập thể không hoàn thành kế hoạch CPH các DN này, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính hiện đã hoàn thiện các phương án về các giải pháp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN báo cáo Chính phủ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg…

Thứ ba, tổ chức tổng kết và báo cáo tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển DNNN giai đoạn 2011 - 2015, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020 [đến ngày 12/11/2015. Từ đó, tổng hợp, rút ra các bài học kinh nghiệm và nghiên cứu các giải pháp tiếp theo để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu DNNN và CPH DNNN trong giai đoạn tới. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương, DN trong việc thực hiện tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh được giao.

Thứ tư, tăng cường và chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các ngành, các cấp, các DN, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DN nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 đã đề ra.

Hiện nay, tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước [cùng với tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng] là một trong 03 trụ cột quan trọng của mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Có thế khẳng định, khu vực kinh tế nhà nước, trong đó hạt nhân là các DNNN, đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần nhưng mang định hướng xã hội chủ nghĩa. Tái cơ cấu DNNN không phải là để Nhà nước huy động vốn mà là giải pháp thay đổi căn bản hệ thống động lực nội sinh [nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng quản trị, chiến lược kinh doanh] và tạo áp lực thị trường đầy đủ đối với DNNN [xóa bỏ cơ chế bao cấp, các ưu đãi và giảm dần vị thế độc quyền].

Như vậy, thông qua quá trình tái cơ cấu DNNN, tài sản quốc gia được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, DNNN hoạt động kinh doanh ổn định hơn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết nền kinh tế. Tương tự, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành không đơn giản là để cắt lỗ, giảm lỗ mà là giải pháp sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ lại nguồn lực, huy động thêm nguồn lực mới từ bên ngoài, chuyển đổi cơ cấu sở hữu nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng điều hành, nâng cao tính công khai và minh bạch. Đồng thời, tái cơ cấu DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng là giải pháp hiệu quả để đưa bộ phận và nguồn lực còn lại đang thua lỗ hoặc sử dụng kém hiệu quả thành các tài sản được sử dụng có hiệu quả hơn. Ðó mới chính là “thoái vốn” ngoài ngành theo đúng tinh thần, nội dung và mục tiêu của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng như mong muốn của Đảng và Chính phủ.

Tài liệu tham khảo:

1. Đề án 929 [Ban hành kèm Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012] về tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015;

2. Báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN 10 tháng đầu năm 2015, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2015, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN;

3. Báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN tháng 11/2015, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN;

4. PGS.,TS. Trần Đình Thiên, Bài viết tóm tắt những kết quả chính của nghiên cứu về “Đánh giá tái cơ cấu DNNN: Các điểm nghẽn và giải pháp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu” trong khuôn khổ Dự án Chính sách Kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế do UNDP tài trợ;

5. TS. Nguyễn Đình Cung, “Tái cơ cấu kinh tế: Một vài quan sát về kết quả và vấn đề”, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 12

Video liên quan

Chủ Đề