Tâm quan trọng của tâm lý học trong xã hội hiện đại

Tâm quan trọng của tâm lý học trong xã hội hiện đại

Xã hội càng  phát  triển, áp lực cuộc sống ngày càng cao dẫn đến các rối nhiễu cũng như bệnh lý về tinh thần có xu hướng phổ biến ở các nước phát triển như trầm cảm, tự kỷ, hoang tưởng, lo âu, cô đơn... (ảnh minh họa)

Ngành học của xã hội hiện đại

Trên thế giới, Tâm lý học chính thức trở thành một ngành  khoa học độc  lập từ năm  1879. Từ rất sớm, ngành  khoa học có sự giao thoa  giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội này đã xuất hiện do nhu cầu cần nghiên cứu, tìm hiểu về sự vận động của tư duy, cảm xúc, tâm lý con người dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội.

Các trung tâm đại học hàng đầu thế giới của Mỹ, Pháp, Anh, Úc... cho đến các nước châu Á phát triển đều không thể thiếu ngành Tâm lý học trong hệ thống các ngành khoa học về xã hội và nhân văn.

PGS.TS Trịnh Thị Linh - Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN giải thích: "Tâm lý là tất cả các hiện tượng của đời sống tinh thần, thế giới nội tâm của con người; gắn liền và điều hành mọi hoạt động  của con người. Tâm lý học là ngành  khoa học chuyên nghiên cứu về các hiện tượng tinh thần của cá nhân và nhóm xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của con người. Đây là một khoa học liên ngành và là ngành khoa học của xã hội hiện đại".

Trên thực tế, xã hội càng  phát  triển, áp lực cuộc sống ngày càng cao dẫn đến các rối nhiễu cũng như bệnh lý về tinh thần có xu hướng phổ biến ở các nước phát triển như trầm cảm, tự kỷ, hoang tưởng, lo âu, cô đơn...

Thực trạng này xảy ra không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp  hay trình độ học vấn của mỗi người. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai tấn công sức khỏe con người chỉ sau tim mạch.

Hiện nay, có 3%-5% dân số thế giới mắc bệnh  này. Một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Cũng theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), khoảng 8%-29% trẻ em vị thành niên Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần.

Theo nhiều nghiên  cứu trong nước, 87% số trẻ em trong  mẫu nghiên  cứu có vấn đề về tâm lý. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

"Xã hội hiện đại ngày càng phát triển, nghề Tâm lý càng được coi trọng bởi tính cần thiết cũng như giá trị nhân văn mà nghề này mang lại trong việc mưu cầu đời sống hạnh phúc cho con người" - PGS.TS Trịnh Thị Linh khẳng định.

Trong thực tế, Tâm lý học không chỉ giúp chữa trị các bệnh lý về tâm thần hay các rối nhiễu tâm lý mà tri thức Tâm lý học còn có ứng dụng hết sức rộng rãi trong nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau.

Tâm lý học học đường cung cấp kiến thức về ứng dụng  của Tâm lý học vào quá trình giáo dục và dạy học ở trường phổ thông. Tâm lý học du lịch nghiên cứu các hiện tượng và cơ chế vận hành các quy luật tâm lý của con người và nhóm người trong hoạt động du lịch; nghiên cứu sự phát triển các loại hình du lịch và đặc điểm tâm  lý của các nhóm du khách; nghiên  cứu giao tiếp của con người trong hoạt động du lịch.

Tâm lý học xã hội cung cấp cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành và phát triển tâm lý của cá nhân  trong  quá trình gia nhập  vào các nhóm  xã hội khác nhau. Tâm lý học tuyên truyền quảng cáo nghiên cứu các hình thức, nguyên tắc hoạt động tuyên truyền quảng  cáo, tâm thế, ý thức và các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả và chất lượng của hoạt động tuyên truyền quảng  cáo, cách thức tổ chức và quy  trình tiến hành một chương trình quảng  cáo cụ thể. Tâm lý học pháp lý đánh giá về các hiện tượng tâm lý con người trong lĩnh vực luật pháp.

 Tâm lý học tôn giáo quan tâm đến góc độ tâm lý trong tín ngưỡng, tôn giáo. Tâm lý học gia đình giải thích cơ sở kết nối, thiết lập mối quan hệ giữa các thành  viên trong gia đình. Kỹ năng tham vấn qua điện thoại và internet cung cấp quy trình tham vấn qua điện thoại và internet, cách phân tích tình huống của thân chủ thông qua nghe và nhìn gián tiếp vấn đề của thân chủ...

Tại Việt Nam, Khoa Tâm lý học,Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN được hình thành  từ Bộ môn Tâm lý Xã hội của Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và chính thức trở thành Khoa Tâm lý học từ năm 1997.

Hiện nay, Khoa Tâm lý học có 02 chương trình đào tạo cử nhân hệ chuẩn và hệ chất lượng cao. Đặc trưng đào tạo của Khoa là đào tạo kiến thức nền tảng rộng về Tâm lý học, trên cơ sở đó đi sâu vào các định hướng chuyên  ngành. Kiến thức  chuyên  sâu  trong  CTĐT ngành Tâm lý học gồm 03 khối kiến thức chính.

Một là khối kiến thức nền tảng về sự hình thành  và phát triển tâm lý con người với các môn học như Tâm lý học phát triển, Sinh lý học hoạt động thần kinh cấp cao, Giải phẫu sinh lý, Tâm lý học nhân cách, Tâm lý học thần kinh...

 Hai là khối kiến thức trang bị những  hiểu biết chung nhất về các hiện tượng tâm lý của cá nhân và nhóm xã hội với các môn học như Tâm lý học xã hội, Tâm lý học quản lý kinh doanh, Tâm lý học học đường, Tâm lý học giao tiếp, Tâm lý học gia đình, Tâm lý học dân tộc, Tâm lý học tổ chức, Tâm lý học du lịch...

Ba là khối kiến thức chuyên sâu, nền tảng  về nhận  diện, đánh giá và can thiệp, trị liệu các vấn đề tâm lý với các môn học về Tâm lý học lâm sàng đại cương, Đánh giá tâm lý, Tâm lý học trị liệu, Tâm bệnh học trẻ em và thanh thiếu niên, Tham vấn nhóm, Tham vấn trẻ em và thanh thiếu niên…

Sau 3 năm đào tạo, sinh viên sẽ theo đuổi một trong các hướng chuyên ngành: Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học tham vấn, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học quản lý kinh doanh. Trong đó, Tâm lý học lâm sàng định hướng đào tạo bài bản, chuyên sâu về việc nhận diện các vấn đề tâm lý, cách can thiệp và trị liệu... Tâm lý học tham vấn định hướng trợ giúp cho các cá nhân có các khó khăn, rối nhiễu tâm lý.

Tâm lý học quản lý kinh doanh hỗ trợ các hoạt động về nhân sự, kết nối, tuyển dụng, tổ chức trong  môi trường  doanh  nghiệp... Tâm lý học xã hội định hướng các hoạt động nghề nghiệp trong các dự án cộng đồng, trong lĩnh vực gia đình, tôn giáo, giới hay luật pháp...

Các cơ sở thực tập là các đơn vị chăm sóc sức khỏe tinh thần chuyên biệt như bệnh viện, trung tâm tư vấn tâm lý, trung tâm trợ giúp xã hội... cho đến các trường học, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các đơn vị tổ chức sự kiện, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Viện Tâm lý học, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình...

Nở rộ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần

PGS.TS Trịnh Thị Linh cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, Tâm lý học là ngành  học khá "hot" của xã hội. Ngày nay cùng  với sự nâng  cao nhận  thức của con người về vai trò quan trọng của sức khỏe tinh thần, tỷ lệ sinh viên Tâm lý học ra trường có việc làm khá cao. Các bệnh  viện lớn như  Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... đều đã có biên chế chính thức dành cho người tốt nghiệp ngành Tâm lý học.

Các trường học tư thục và quốc tế đều có phòng  tâm lý học đường để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các em học sinh. Xu hướng này đang ngày càng lan rộng đến hệ thống các trường công lập.

Sinh viên Tâm lý học còn có thể trở thành  chuyên viên trị liệu tâm lý tại các trung tâm cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, trại cai nghiện, cơ sở giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật.

Theo các nhà khoa học, một xu hướng phát triển của nghề tâm lý trong tương lai là các dịch vụ chăm sóc, can thiệp, điều trị sức khỏe tâm thần, tâm lý cho các cá nhân tại nhà.

Bên cạnh  đó, với kiến thức về Tâm lý học, người học còn có thể hoạt động hiệu quả ở nhiều vị trí công việc thuộc nhiều lĩnh vực như: chuyên viên phụ trách nhân sự, quảng cáo, chăm sóc khách hàng, tổ chức sự kiện,... trong các tổ chức, doanh nghiệp hoặc làm việc tại các cơ quan hành pháp, các dự án trong lĩnh vực tâm lý - xã hội.

Các cơ quan nghiên  cứu và giáo dục, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ cũng là những đơn vị tuyển dụng đầy tiềm năng đối với cử nhân ngành Tâm lý học.

Một bộ phận người học sau tốt nghiệp cũng đã rất thành công trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về Tâm lý học tại các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu. Trên thực tế, nhiều cựu sinh viên của Khoa đang  nắm giữ những  trọng trách chuyên  môn  và quản  lý quan  trọng  tại nhiều  bệnh viện, trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp...

Có lẽ không có lĩnh vực nào ảnh hưởng đến cung cách hành xử của con người bằng tâm lý. Từ dạy dỗ con cái trong nhà, đến chính sách giáo dục tư/công, tư duy mua và bán/tiếp thị (marketing), văn hóa tập thể/tổ chức, quản lý thay đổi (change management), đào tạo nhân tài/lãnh đạo, tâm lý chiến v.v…, và đặc biệt là tác động chính trị. Mọi cuộc vận động hay thay đổi chính trị đều cần đến kiến thức nền tảng, nếu không phải là chuyên môn nhất, về tâm lý để mang lại hiệu quả và kết quả sau cùng.

Ít có một lãnh đạo quân sự và chính trị nào quan tâm nhiều đến lĩnh vực tâm lý như Dwight D. Eisenhover, vị Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ từ năm 1953 đến 1961, và cũng là Tổng tư lệnh tối cao của Lực lượng Viễn chinh Đồng minh trong Thế Chiến II, chỉ huy cuộc chiến từ châu Phi đến châu Âu.

Sau Thế Chiến II, trong lá thư đề ngày 2 tháng Giêng 1946 gửi cho tướng Maxwell Taylor, lúc đó giữ vai trò Tổng Chỉ huy Học viện Quân sự West Point, một trong những trường đào tạo lãnh đạo quân sự và chính trị danh tiếng nhất của Hoa Kỳ, Tướng Eisenhover khuyến khích tướng Taylor xây dựng ngành tâm lý vào trong giáo trình của West Point vì ông cảm thấy rằng rất nhiều thất bại về lãnh đạo mà ông đã quan sát trong Thế Chiến II là kết quả của sự thiếu giáo dục và hiểu biết của cấp chỉ huy về tâm lý [1]. Trong lá thư Eisenhover viết cho Taylor, ông cho rằng ngành tâm lý thực tiễn và tâm lý áp dụng, từ lý thuyết đến thực hành, ít nhất cũng làm thức tỉnh phần lớn các học viên về sự cần thiết trong việc xử lý các vấn đề con người trên cơ sở con người để cải thiện khả năng lãnh đạo và xử lý nhân sự trong Quân đội nói chung.

Theo giáo sư Michael D. Matthews, thành viên cao cấp của Khoa học Ứng xử và Lãnh đạo của học viện West Point, và là một trong các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tâm lý quân sự, thì tâm lý là ngôi nhà tự nhiên cho ngành lãnh đạo học chính thức. Các học viên có thể chọn năm chương trình học sau đây: tâm lý thiết kế, lãnh đạo, quản lý, tâm lý và xã hội học. Và ít có trường đại học nào tại Hoa Kỳ cung cấp chương trình học một cách đa dạng như học viện West Point. Đó là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Eisenhover hơn bảy thập niên qua. Giáo sư Matthews kết luận rằng sau cùng có lẽ Eisenhover đúng, vì kiến thức căn bản của tâm lý là bao gồm nhân cách, căng thẳng, kiên trì, học tập và trí nhớ, và hành vi xã hội, đều là những điều mà các nhà lãnh đạo cần biết để lãnh đạo một cách hiệu quả.

Tâm lý trong thời đại này ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhất là trong vai trò lãnh đạo thuộc mọi địa hạt và mọi cấp bậc. Nếu lãnh đạo không tốt thì không chỉ giảm hiệu lực và còn hiệu năng của nhân viên, và sau đó còn mất người. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, 60 đến 70 phần trăm nhân viên làm việc không hết khả năng của mình, làm mất đi năng suất trị giá 450 tỷ đô la, và sau đó bỏ việc đi nơi khác không phải vì công ty mà vì lãnh đạo trực tiếp của mình [2]. Nhiều nghiên cứu khác cũng kết luận tương tự.

Theo giáo sư, nhà nghiên cứu và cũng là nhà điều trị/thực hành tâm lý, Melania Greenberg, lãnh đạo chủ yếu là về con người, và những nhà lãnh đạo tài hoa nhất là bậc thầy của động lực và cảm hứng [3]. Công việc của người lãnh đạo, theo Greenberg, là “tạo ra và duy trì môi trường cảm xúc tích cực, trong đó sự căng thẳng và sự đòi hỏi phải làm việc trong một thế giới cạnh tranh và luôn thay đổi được bù đắp bằng sự hỗ trợ của đồng nghiệp, cơ hội phát triển, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, và chia sẻ những phần thưởng của thành công của tổ chức.” Khoa học thần kinh trong thập niên qua đã khám phá vô vàn kiến thức về chức năng cảm xúc nhưng rất nhiều lãnh đạo hiện nay vẫn không am tường về vấn đề này.

Ba lĩnh vực quan trọng dựa trên tri thức tâm lý khoa học có thể giúp cho mọi lãnh đạo hiện nay trở nên hiệu quả hơn là: quản lý lo lắng và sợ hãi; xử lý thay đổi và bất định; và động viên người khác. Một, biết quản lý sợ hãi và lo lắng của mình và nhân viên khi bị áp lực để giữ vững tinh thần và tín nhiệm của nhân viên và khách hàng là cực kỳ quan trọng. Tâm lý giúp được điều này nếu chúng ta ý thức những cảm xúc của mình, không để bị phần não Amygdala chiếm đoạt lấy phần não lý trí pre-frontal cortex/PFC. Hai, bộ óc con người thích những tình huống quen thuộc và có thể dự đoán được, và đương nhiên không thích rủi ro, cho nên nó nhìn thay đổi và bất định như là mối đe dọa. Hiểu được như thế, lãnh đạo tập làm quen và chịu đựng những khó chịu về cảm xúc để rộng mở tiếp thu các thông tin mới để cân nhắc, tính toán và rà soát lại chiến lược, thử thách và cơ hội đang gặp phải. Ba, con người chúng ta tự nhiên được động viên để tối đa hóa phần thưởng và tránh đau đớn. Vì thế khi lãnh đạo trừng phạt nhân viên vì lỗi lầm hay vì những lý do khác, họ giết chết sự sáng tạo, nhưng nếu họ xem lầm lỗi là cơ hội để học hỏi và phát triển, và ai mà không lầm lỗi, nó sẽ giúp cho nhân viên phát triển kỹ năng và muốn thử tìm các giải pháp mới, sáng tạo và tốt hơn.

Hiểu được động cơ con người, lãnh đạo có thể tối đa hóa sự tham dự và cam kết của nhân viên mình vì ai cũng muốn thấy mình có giá trị và các đóng góp của mình được trân trọng. Những lãnh đạo thất bại chủ yếu là vì thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc với người khác. Như đã trình bày trong loạt bài về Abraham Lincoln, tài năng xuất chúng của ông nằm ở chỗ ông hiểu tâm lý con người, nhất là những nhu cầu cảm xúc cá nhân của tất cả những người ông làm việc với.

Alphabet/Google là một trong những công ty thành công nhất và mô hình tiêu biểu trong thời đại nay vì nó tạo ra môi trường làm việc hiệu quả nhất. Họ nghiên cứu và hiểu rõ rằng an toàn tâm lý là tiêu chí quan trọng nhất để một đội làm việc với nhau hiệu quả nhất.

Chúng ta, ở trong bất cứ vai trò nào, là cha hay mẹ, anh hay chị, giáo viên hay công chức, lãnh đạo quốc gia hay một hội sinh viên v.v…, khi hiểu được điều này và biết áp dụng thì kết quả làm việc của mình sẽ tích cực và hiệu năng hơn nhiều.

Như thế, chúng ta cũng hiểu được vì sao những nền chính trị và văn hóa chuyên sử dụng tối đa bạo lực và sợ hãi không thể tiến bộ, nhất là về sự phát triển con người toàn diện. Đúng ra những tác hại do các chính sách cai trị này là vô cùng lớn lao, mà bài thơ “Từ Vượn Lên Người” của Nguyễn Chí Thiện đã phản ảnh thực tế này.

Cách sử dụng bạo lực, trừng phạt, chửi mắng, đe dọa v.v…, ngay cả với những người thân thương nhất, với con cái của mình, vẫn còn hiện hữu rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội vì chính chúng ta đã từng là nạn nhân. Không ý thức, chúng ta sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và lan truyền từ đời này sang đời khác những thứ tệ hại nhất.

Tôi tin rằng con người và đất nước Việt Nam có thể vượt qua các chướng ngại, và có thể trở thành cao siêu, lớn mạnh và vĩ đại, vì chúng ta có khả năng như bao dân tộc khác. Nhưng với điều kiện là chúng ta hiểu được bản chất con người, tức thẩm thấu tâm lý và quyết tâm áp dụng nó. Khoa học thần kinh và tâm lý nói chung là kiến thức vô cùng quan trọng và là phương tiện để giúp chúng ta xây dựng một xã hội văn minh và tiến bộ, một đất nước dân chủ và nhân bản, cách đối xử với nhau hài hòa và nhân ái, để góp phần mang lại những cái hay nhất từ con người (bring out the best in people) thay vì mang ra những cái tệ hại nhất (bring out the worst in people) mà các chế độ cường quyền đã làm.

Chúng ta có thể nhận ra và nỗ lực giúp cho các thế hệ mai sau vượt qua chính mình để vươn lên cùng với các nền văn minh khác.

Phạm Phú Khải
Úc Châu, 12/10/2019

Tài liệu tham khảo:

1. Michael D. Matthews, “Psychology and the Study of Leadership”, Psychology Today, 14 June 2014.

2. Victor Lipman, “People Leave Managers, Not Companies”, Forbes, 4 August 2015.

3. Melanie Greenberg, “Why Today's Leaders Need to Know Psychology”, Psychology Today, 25 September 2013.