Tại sao kỹ năng thuyết phục lại quan trọng

Rèn luyện kỹ năng thuyết phục cho bé là vô cùng quan trọng trong đời sống, tuy nhiên không phải phụ huynh nào cũng nhận thức được điều này để sớm trang bị cho con. Hãy cùng BMyC lý giải về những lợi ích khi con bạn giỏi thuyết phục và bố mẹ nên làm gì để rèn luyện kỹ năng thuyết phục cho bé ngay từ lúc còn nhỏ.

Tại sao kỹ năng thuyết phục lại quan trọng
Rèn luyện kỹ năng thuyết phục cho bé.

1. Kỹ năng thuyết phục là gì?

Thuyết phục nghĩa là dùng lời nói, hành động để thay đổi hành vi, thái độ và niềm tin của người khác.

Kỹ năng thuyết phục thường được thể hiện dưới những hình thức như:

  • Bài thuyết trình;
  • Lời mời chào mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ;
  • Lời nói, bằng chứng để khiến người khác tin tưởng hoặc đồng ý với quan điểm của bạn.

Ví dụ: Bạn bước vào cửa hàng điện thoại di động với ý định mua một điện thoại hãng A, nhưng nhân viên cửa hàng giới thiệu sản phẩm hãng khác cùng mức giá nhưng có công năng tốt hơn, pin “trâu” hơn, bộ nhớ khủng hơn… thế là bạn gật gù đồng ý và xuống tiền mua nó.

Nếu bạn muốn con mình ăn rau xanh vì lời khuyên từ bác sĩ, bạn sẽ chọn ép buộc hay thuyết phục để bé vui vẻ chấp nhận đề nghị của mình? Nếu muốn con vui vẻ đồng ý, bạn sẽ dùng lời lẽ nào để thuyết phục con? Và tại sao bạn lại chọn thuyết phục thay vì ép buộc?

Chỉ cần trả lời được những câu hỏi này thì chính bạn sẽ tìm thấy được lý do để dạy bé kỹ năng thuyết phục.

2. Lợi ích của việc rèn luyện kỹ năng thuyết phục cho bé từ nhỏ

Với một người trưởng thành thì kỹ năng thuyết phục là vô cùng cần thiết và quyết định phần lớn đến thành tựu cá nhân cũng như sự nghiệp. Còn đối với trẻ nhỏ, thuyết phục giỏi sẽ giúp con đạt được những gì?

2.1. Giúp con hình thành thói quen tốt

Những thói quen tốt của con người nên được xây dựng và rèn luyện từ nhỏ nhằm hỗ trợ cho cuộc sống cũng như tương lai lâu dài. Thói quen nói chuyện nghiêm túc, đúng lúc là một trong những điều mà bố mẹ nên dạy con sớm. Dù ở lứa tuổi nào chúng ta cũng cần có những phút giây vui vẻ hoặc giận dỗi, tuy nhiên việc hành xử hợp lý trong từng hoàn cảnh là điều cần thiết.

Ví dụ: Bé nhìn thấy món đồ chơi yêu thích trong siêu thị và nằng nặc đòi mua, bố mẹ cảm thấy con đang ham thích nhất thời nên từ chối. Lúc này một đứa trẻ được dạy dỗ cẩn thận sẽ hỏi bố mẹ lý do mình không được sở hữu nó thay vì lăn đùng ra sàn để ăn vạ. Bố mẹ cần cho con biết rằng, việc la hét ăn vạ nơi công cộng sẽ làm phiền không gian chung, gây ra sự khó chịu và xáo trộn không đáng có. Bé cần được rèn thói quen tranh luận lịch sự và tôn trọng người khác.

Thuyết phục giỏi, bé sẽ sử dụng kỹ năng này trong các tình huống cần thiết, từ đó thói quen sẽ được phát triển hàng ngày.

2.2. Giúp con sống có trách nhiệm

Trẻ con thường được nuông chiều, do đó mang tâm lý thích đòi hỏi. Hầu hết các bé sẽ la hét và giận dỗi nếu không được bố mẹ chiều ý. Nếu muốn thoát khỏi tình trạng này và giúp con tiến bộ hơn, hãy tập cho con thói quen đối thoại.

Khi con biết rằng những thứ mà bản thân đòi hỏi không thuộc về mình, con sẽ khiêm nhường hơn. Khi con biết rằng mình đang đòi hỏi một thứ không nằm trong khả năng mua sắm của bản thân, con sẽ hiểu được trách nhiệm của mình đối với kinh tế gia đình.

Nhiều bố mẹ gặp phải tình huống con khóc ngặt nghẽo không muốn đi học vào mỗi buổi sáng. Đây là tình trạng chung thời gian đầu con đến lớp. Nếu bố mẹ có sự chuẩn bị tâm lý trước cho con thì sự việc như vậy sẽ rất ít khả năng xảy ra. Để làm được điều đó, bố mẹ cần đưa ra những lý do con cần đến lớp, tạo cho con niềm hứng thú học hành, giúp con nhận ra những điều hay ho mà chỉ ở lớp mới có… Khi làm như vậy chính là bố mẹ đang thuyết phục con rồi đấy.

2.3. Giúp con hiểu được giá trị của lời nói và hành động chuẩn mực

Hành vi chuẩn mực được đánh giá là không gây phiền phức cho người khác, không bất lịch sự, không để lại hậu quả. Một em bé ngoan hay một em bé hư đều xuất phát từ những hành vi và thái độ hàng ngày. Nếu trẻ được điều chỉnh từ sớm thì điều đó cùng đồng nghĩa với việc sẽ loại bỏ được những tính xấu vô tình hình thành từ sự nuông chiều của gia đình hay học tập từ bạn bè.

Con đánh bạn vì tranh giành đồ chơi, con khóc khi không vừa ý là những gì mà bố mẹ thường thấy nếu bé chưa được rèn dũa. Hành động này được xem là thiếu chuẩn mực, chắc chắn không thể chấp nhận và không được phép kéo dài. Để chấm dứt, bố mẹ hãy cho con hiểu được rằng bạn bè của con đã đau đớn và tổn thương thế nào khi bị con đánh, nếu bạn đánh con thì con cảm thấy sao, con có biết cách hành xử nào hợp lý hơn không…

Lời nói thuyết phục được người khác đôi khi sẽ có giá trị lớn hơn bất kỳ hành động nào. Con cần hiểu được điều đó và thay đổi hành vi để có thể dần hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

2.4. Giúp con rèn tư duy

Để có thể thuyết phục bố mẹ, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh, đương nhiên bé cần suy nghĩ để đưa ra những lý do hợp lý. Đứng trước vấn đề mà mình muốn thay đổi, bé sẽ phải suy nghĩ để lập luận sao cho đối phương tin tưởng và đồng ý với mình. Trong nhiều tình huống, bé cần có tư duy phản biện để không dễ dàng xuôi theo ý người khác dù ban đầu bé không hề thích. Đừng để bé trở thành một con người “dễ dụ”, bởi điều đó chính là biểu hiện đầu tiên của việc “dễ dãi” về sau.

Việc hình thành tư duy phân tích và thuyết phục từ sớm sẽ giúp bé hoàn thành tốt các bài thuyết trình trên lớp, làm bài chặt chẽ có logic, biết cách đưa ra lập luận cá nhân trước mọi vấn đề.

2.5. Giúp con biết cách tạo lòng tin

Khi biết cách thuyết phục và sử dụng thuần thục kỹ năng này, con sẽ ngày càng khiến cho bố mẹ hay những người xung quanh cảm thấy tin tưởng mình hơn. Việc sử dụng lập luận chặt chẽ để trình bày vấn đề, lý do… được đánh giá cao, bé sẽ dần dần khiến cho những người xung quanh đánh giá cao hơn. 

Tại sao kỹ năng thuyết phục lại quan trọng
Kỹ năng thuyết phục rất quan trọng đặc biệt là khi bé lớn lên.

Điều này không có nghĩa là bố mẹ sẽ dạy con phải lấy lòng người khác mà hãy giúp bé hiểu được giá trị của sự tin cậy.

Trong nhiều tình huống cuộc sống, việc được tin tưởng sẽ giúp bé dễ dàng giải quyết vấn đề hơn. Có thể nói, kỹ năng thuyết phục và sự tin cậy là hai yếu tố cần đi kèm với nhau trong cuộc sống. Hai yếu tố này bổ trợ cho nhau. Nếu bạn biết cách thuyết phục thì dần dần đối phương sẽ đặt niềm tin vào bạn nhiều hơn. Nếu bạn đã được tin tưởng thì mọi lý do mà bạn đưa ra đều có giá trị thuyết phục người khác hơn.

2.6. Giúp con nâng cao năng lực bản thân

Năng lực bản thân chắc chắn được hình thành từ rất nhiều yếu tố, trong đó kỹ năng thuyết phục là không thể thiếu. 

Đơn cử như việc bạn ứng tuyển vào một công ty mà mình yêu thích. Khi bạn khiến cho họ chấp nhận tuyển dụng mình giữa vô số ứng viên tài năng khác thì có nghĩa là bạn phải là người giỏi cả chuyên môn lẫn giỏi gây ấn tượng. Đó là điều mà không phải ai cũng có thể làm được dù trình độ chuyên môn có thể ngang ngửa nhau.

Đây chính là lý do tại sao mỗi người cần hoàn thiện bản thân trên nhiều phương diện. Đừng nghĩ rằng năng lực chỉ thể hiện ở khía cạnh chuyên môn, bởi nếu bạn làm ra một sản phẩm hay dịch vụ tốt mà không biết cách thuyết phục đối tác/khách hàng sử dụng thì bạn cũng sẽ thất bại.

Người lớn thường cho rằng đó là những điều quá xa vời mà trẻ con không thể hiểu được, tuy nhiên hãy lựa chọn thời điểm thích hợp để dạy trẻ kịp thời.

2.7. Giúp con tăng khả năng giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ xã hội

Việc vận dụng khả năng thuyết phục vào cuộc sống khiến cho bé ngày càng hoàn thiện kỹ năng tư duy và lập luận tốt hơn. Người biết cách sử dụng ngôn ngữ để phục vụ cuộc sống thông thường sẽ làm tốt việc xây dựng mạng lưới quan hệ xã hội.

Bố mẹ biết rõ sự cần thiết của quan hệ xã hội đối với cuộc sống của mình, vậy thì tại sao không giúp bé có được công cụ để tự mình tạo nên một mạng lưới cho mình?

3. Những yếu tố giúp việc rèn luyện kỹ năng thuyết phục cho bé thành công

3.1. Tạo sự tin tưởng

Như đã nói ở trên, sự tin tưởng và kỹ năng thuyết phục thường bổ trợ cho nhau, do đó cần lợi dụng yếu tố này để nâng cao yếu tố còn lại.

Bé có thể tạo sự tin tưởng với bố mẹ và mọi người bằng những việc rất nhỏ trong cuộc sống như: sự lễ phép, thành tích học tập, đi chơi về đúng giờ, làm việc nhà như lời mẹ dặn… tùy theo lứa tuổi. Sự tin tưởng từ người khác chính là một trong những yếu tố giúp cho lời thuyết phục của con có hiệu quả hơn.

3.2. Hãy thuyết phục con trước khi dạy con điều đó

Ví dụ hôm nay con không muốn ăn thịt, bố mẹ cần hỏi xem tại sao con không muốn ăn và xem xét sự cần thiết để giải thích cho con lý do mà con nên ăn. Dần dần, mỗi lời thuyết phục của bố mẹ hàng ngày sẽ ngấm vào tâm trí con để giúp hình thành nên một đứa trẻ biết lý lẽ. 

3.3. Làm gương cho con

Trẻ em thích bắt chước người lớn để sống và hành xử. Đó là lý do mà bố mẹ nên sử dụng lời lẽ để tranh luận một cách văn minh với nhau. 

Đối với con, bạn đơn giản chỉ cần đưa ra những lý do chính đáng để bé ăn rau nếu bé táo bón; Nên giải thích cho bé hiểu về hậu quả của việc chi tiêu quá đà khi thấy gì đẹp cũng muốn mua; Nên cho con biết tại sao con cần dậy sớm để học bài và đánh răng trước khi đi ngủ… 

Thay vì quát nạt và bắt ép, bố mẹ nên kiên nhẫn để con vui vẻ thực hiện. Trong khi yêu cầu con không được gào thét ăn vạ mà bố mẹ lại quát nạt bắt ép con làm điều bé không thích thì điều đó chính là bố mẹ đang “tự vả” vào phương pháp giáo dục của mình.

3.4. Tạo môi trường cho bé rèn luyện

Tùy từng lứa tuổi và môi trường sống, bố mẹ có thể cùng con ham gia vào các hội chợ, các đợt bán hàng gây quỹ từ thiện nhằm hỗ trợ con và giúp con dạn dĩ hơn trước người lạ. Khi đã có thể bắt chuyện với những người chưa từng quen biết, bé sẽ dần quen với cảm giác không sợ người lạ nữa. Sau đó, bố mẹ dạy bé cách giới thiệu sản phẩm, mời khách dùng thử/trải nghiệm, đưa ra lý do mà khách nên mua…

Tham gia các cuộc thi hùng biện là một trong những cách để bé nghiêm túc rèn luyện. Đó là một môi trường có tính cạnh tranh, mang lại thành tích và niềm tự hào cho bé. Rèn được kỹ năng hùng biện trước đám đông không phải là chuyện dễ dàng. Rất có thể bé sẽ phải trải qua nhiều cuộc thi mới đạt được kết quả mỹ mãn, nhưng vượt qua được những thử thách khó thì con sẽ càng có động lực để vươn tới phía trước hơn.

Tại sao kỹ năng thuyết phục lại quan trọng
Tạo môi trường để con rèn luyện kỹ năng thuyết phục.

Hoặc đơn giản là bố mẹ có thể tạo ra những thử thách cuộc sống cho con. Ví dụ những câu hỏi nâng dần độ khó: Theo con thì tại sao chúng ta không nên lãng phí thức ăn? Câu hỏi này không chỉ đánh giá xem bé có hiểu được sự vất vả của bố mẹ hay không, tầm quan trọng của đức tính tiết kiệm và sự hiểu biết của con về các nạn đói đang diễn ra trên thế giới…

Chỉ cần những câu hỏi nhỏ như thế là bố mẹ cũng đã hiểu được tư duy của con và giúp con rèn luyện.

Ví dụ mùa hè này con muốn được đi biển chơi, bố mẹ đừng vội đồng ý hay từ chối mà hãy cho con cơ hội để đưa ra lý lẽ của mình. Hãy coi như đó là một thử thách, khuyến khích bé chuẩn bị một cuộc nói chuyện đầy thuyết phục hoặc thậm chí bé còn có thể thuyết trình về lý do tại sao mình cần được đi biển. Từ việc dám mạnh dạn bày tỏ ý kiến trước người lớn đến việc tự tin nói trước đám đông là một bước đi rất lớn, nhưng nếu không có nền móng thì chắc chắn không có được thành quả.

Có thể nói, nếu bố mẹ thật sự thấu hiểu con và biết cách dẫn dắt thì mọi đứa trẻ đều có thể trở thành một chuyên gia thực thụ. Tuy nhiên bố mẹ cũng cần lưu ý để trẻ không quá cực đoan khi bảo vệ ý kiến của bản thân. Thay vào đó, bé cần tôn trọng sự phản biện của bố mẹ trước lý lẽ mà mình nêu ra.

Sau mỗi lần thất bại, bé có thể sẽ buồn, khóc hoặc “làm mình làm mẩy” với ông bà và bố mẹ… Tuy nhiên đừng vì thế mà chiều theo ý con. Hãy kiên quyết để bé đi vào khuôn khổ, tránh mè nheo. Việc du di cho con sẽ khiến cho bạn vất vả hơn trong việc rèn con.

Như vậy, luyện kỹ năng thuyết phục cho bé là điều không hề khó khăn nếu bạn bắt đầu từ sớm, xác định đúng trọng tâm và mục tiêu hướng đến. Hãy bắt tay rèn luyện cho bé ngay trong các hoạt động gia đình thường ngày nhé. Và đừng quá bất ngờ nếu một ngày nào đó em bé của bạn sẽ nói chuyện chững chạc như người lớn.

Đừng quên chia sẻ niềm vui cho BMyC nếu bạn áp dụng thành công. Bởi thành công của mỗi bố mẹ chính là điều mà BMyC luôn mong đợi!