Tại sao bệnh tiêu chảy cấp chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh ở trẻ em

Bệnh tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu của tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cho trẻ em các nước đang phát triển. Ước tính hàng năm có tới 1,3 ngàn triệu lượt tiêu chảy, hầu hết xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.

Khoảng 4 triệu người chết/ năm, 80% tử vong ở trẻ dưới 2 tuổi, cao nhất là 6 đến 24 tháng tuổi. Nguyên nhân chính gây tử vong là do cơ thể bị mất nước và điện giải.

Bệnh tiêu chảy là một trong những nguyên nhân chính gây suy dinh dưỡng trẻ em. Bệnh tiêu chảy còn chiếm 30% giường bệnh nhi trong các nước đang phát triển

Hậu quả của bệnh tiêu chảy trở thành gánh nặng cho các cơ sở y tế và kinh phí quốc gia.

Tác nhân nào gây bệnh tiêu chảy?

Hiện nay trên  75% nguyên nhân tiêu chảy đã được xác định.

Các tác nhân chủ yếu:

Rotavirus: 15-25%

ETEC: 10-20%

Shigella: 5-15%

Cryptosporidium: 5-15%

Campylobacter jejuni: 10%

Vibrio Cholerae 01 và Salmonella non-typhoid

Một số tác nhân gây tiêu chảy thường gặp

Một số tác nhân khác:

Virus: Norwalk virus, Adenovirus đường ruột, Astrovirus,

Vi khuẩn: Aeromonas hydrophila, EAEC, EIEC, EHEC, Plesiomonas shigelloides, V.Cholerae, Yersinia enterocolitica.

Đơn bào: Giardia Lamblia, Entamoeba histolitica.

Bệnh tiêu chảy lây truyền qua đường nào?

Tác nhân gây tiêu chảy truyền bằng đường phân - miệng thông qua thức ăn hoặc nước uống ô nhiễm, hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh.

Có một số thói quen tạo thuận lợi cho sự lan truyền tác nhân gây bệnh như: không rửa tay sau khi đi ngoài, trước khi chế biến thức ăn, để trẻ bò chơi ở vùng đất bẩn có dính phân người hoặc phân gia súc.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy là gì?

Những tập quán làm tăng nguy cơ tiêu chảy:

Không rửa tay sau khi đi ngoài, trước khi chế biến thức ăn.

Để trẻ bò chơi ở vùng đất bẩn có dính phân người.

Không nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 - 6 tháng đầu. Cai sữa trước 1 tuổi.

Trẻ bú bình: Bình dễ bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn đường ruột.

Để thức ăn nấu ở nhiệt độ trong phòng: khi thức ăn đã được nấu chín và để một thời gian trước khi ăn thì rất dễ bị ô nhiễm.

Dùng nước uống đã bị nhiễm các vi khuẩn đường ruột.

Không xử lí phân [nhất là phân trẻ nhỏ] một cách hợp vệ sinh.

Các yếu tố vật chủ:

Suy dinh dưỡng: Trẻ suy dinh dưỡng thì bị tiêu chảy kéo dài và nặng hơn, dễ bị tử vong

Sởi: Trẻ đang mắc bệnh sởi hay mới khởi bệnh trong vòng 4 tuần thì mắc tiêu chảy nhiều hơn do bị tổn thương hệ miễn dịch sau sởi

Ức chế hoặc suy giảm miễn dịch: do nhiễm virus [HIV, sởi].

Tài liệu: Bệnh tiêu chảy  do vi khuẩn

Tuổi và mùa nào dễ mắc dịch tiêu chảy?

Tuổi:

Tiêu chảy thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, cao nhất là trẻ 6 - 11 tháng tuổi.

Tính chất mùa:

Ở những vùng ôn đới: tiêu chảy do vi khuẩn thường xảy ra vào mùa nóng, tiêu chảy do virus [Rotavirus] lại xảy ra cao điểm vào mùa đông.

Ở những vùng nhiệt đới: tiêu chảy do Rotavirus xảy ra quanh năm nhưng tăng vào các tháng khô và lạnh, tiêu chảy do vi khuẩn lại cao điểm vào mùa mưa và nóng.

Phân loại bệnh tiêu chảy như thế nào?

Tiêu chảy thường được định nghĩa là đi cầu phân lỏng hoặc tóe nước trên 3 lần trong 24 giờ. Phân lỏng là phân không thành khuôn, trừ những trẻ bú mẹ, thường đi mỗi ngày một vài lần phân nhão, đối với những trẻ này xác định tiêu chảy thực tế là phải dựa vào tăng số lần hoặc tăng mức độ lỏng của phân mà các bà mẹ cho là bất thường.

Người ta đã xác định 3 hội chứng lâm sàng khác nhau của tiêu chảy, thể hiện 3 cơ chế bệnh sinh khác nhau, đòi hỏi các biện pháp điều trị khác nhau.

  1. Tiêu chảy phân lỏng cấp tính

Khởi đầu cấp, kéo dài không quá 14 ngày [thường dưới 7 ngày], phân lỏng hoặc tóe nước, không thấy máu.

Gây mất nước. Bệnh nhân có thể bị nôn và sốt. Thức ăn đưa vào cơ thể giảm cũng góp phần gây suy dinh dưỡng.

Tử vong xảy ra là do mất nước. Các tác nhân quan trọng gây bệnh ở trẻ em tại các nước đang phát triển là: Rotavirus, ETEC, Shigella, Campylobacter Jejuni, Cryptosporidia và ở một nơi còn gặp Vibrio cholerae 01, Salmonella và EPEC.

Tiêu chảy góp phần gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

Có máu trong phân. bệnh nhân chán ăn, sụt cân nhanh, niêm mạc bị tổn thương do sự xâm nhập của vi khuẩn. Bệnh còn gây ra các biến chứng như thủng ruột...

Nguyên nhân quan trọng nhất của lỵ cấp là Shigella các vi khuẩn khác như Campylobacter Jejuni và ít gặp hơn là E. Coli xâm nhập [ETEC] hoặc Salmonella.

  1. Histolytica có thể gây ra hội chứng lỵ nặng ở người lớn nhưng ít gây bệnh hơn cho trẻ em.
  2. Tiêu chảy kéo dài

Là bệnh tiêu chảy khởi đầu cấp tính nhưng kéo dài bất thường [ít nhất là 14 ngày].

Bắt đầu mỗi đợt có thể là tiêu chảy phân lỏng cấp hoặc là hội chứng lỵ. Bệnh nhân thường bị sút cân rõ rệt. Lượng phân đào thải cũng có thể nhiều gây nguy cơ mất nước.

Yếu tố nguy cơ: suy dinh dưỡng, tuổi nhỏ [< 18 tháng], tổn thương hệ miễn dịch, tiêu chảy cấp gần đây.

Các biện pháp phòng chống dịch Tiêu chảy

Truyền thông, giáo dục sức khoẻ

Tổ chức các buổi nói chuyện về bệnh Tiêu chảy trong trường học, buổi phát thanh, khẩu hiệu, tờ tranh, các cuốn sách nhỏ, các buổi chiếu video bằng những thông tin đơn giản, dễ hiểu, minh hoạ rõ ràng thông tin như:

Tình hình tiêu chảy trong nước và tại địa phương.

Triệu chứng của bệnh, điều trị kịp thời để giảm tử vong.

Những biện pháp cụ thể, đơn giản phòng bệnh.

Bốn [04] khuyến cáo phòng chống tiêu chảy:

Bốn [04] khuyến cáo:

[1] Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:

Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc cloramin B sau mỗi lần đi tiêu.

Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, cloramin B…vào sau mỗi lần đi để sát khuẩn.

Tránh tập trung ăn uống nơi đông người như ma chay, cưới hỏi, cúng giỗ.

Hạn chế người ra vào vùng đang có dịch.

[2] An toàn vệ sinh thực phẩm:

Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín uống sôi.

Không ăn rau sống, không uống nước lã.

Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua…

[3] Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch:

Nguồn nước sạch phải được đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ.

Tất cả nước ăn uống phải được sát khuẩn bằng hóa chất cloramin B.

Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Cấm vứt súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng.

[4] Khi có tiêu chảy cấp:

Khi gia đình có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Phát hiện ca bệnh và thông báo dịch

Phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch.

Khai báo ngay cho cơ quan y tế [TT YTDP quận/huyện] khi có ca bệnh nghi ngờ để tiến hành điều tra xác minh dịch [điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm] và triển khai các biện pháp chống dịch.

Thực hiện báo cáo dịch hàng ngày theo đúng quy định báo cáo dịch.

Bệnh lây qua đường tiêu hóa khác: Bệnh tay chân miệng

Xử lý ổ dịch tiêu chảy như thế nào?

Đối với bệnh nhân

Tổ chức cách ly bệnh nhân để hạn chế sự lây lan.

Báo cáo ngay cho cơ quan y tế để chức điều trị sớm tránh các biến chứng và tử vong.

Tất cả các bệnh nhân tiêu chảy trong ổ dịch phải được báo cáo và xử lý phòng chống lây nhiễm.

Phòng lây nhiễm tại trường học

Phân và chất thải của bệnh nhân phải được tiệt trùng bằng dung dịch Cloramine B 1.25% hoạt tính với tỷ lệ 1:1 trong thời gian 30 phút hoặc rắc phủ vôi bột, sau đó đổ vào nhà tiêu riêng hoặc chôn sâu 2 mét xa nguồn nước và nhà ở.

Quần áo, chăn màn của bệnh nhân phải nhúng, dội nước sôi hoặc ngâm vào dung dịch cloramin B 0.25% - 0.5% hoạt tính để trong 2 giờ trước khi đem giặt. Bô, chậu của bệnh nhân phải ngâm vào dung dịch cloramin B 0.5% hoạt tính trong 20 - 30 phút trước khi đem rửa sạch.

Cửa ra vào mỗi lớp học phải có chậu để dung dịch Cloramine B 0.125% hoạt tính để rửa tay và thảm tẩm dung dịch Cloramine B 0.5% hoạt tính [thay thường xuyên] để khử khuẩn giầy, dép và hạn chế tối đa nhiễm khuẩn.

Nghiêm cấm giặt, rửa đồ dùng, quần áo của bệnh nhân ở các ao, hồ, sông, suối, các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt... Không được đổ nước rửa, giặt giũ đồ dùng, quần áo của người bệnh ra hệ thống thoát nước chung trong khu dân cư.

Nơi cách ly bệnh nhân phải được khử khuẩn bằng lau nền nhà bằng thảm tẩm dung dịch Cloramine B 0.5% hoạt tính.

Chất thải phát sinh từ bệnh phải được thu gom và xử lý như chất thải y tế lây nhiễm.

Sau khi tất cả bệnh nhân được chuyển đi, lớp học, buồng cách ly bệnh nhân phải được tổng vệ sinh khử trùng tường, nền nhà bằng phun và lau dung dịch Cloramine B 0.5% hoạt tính với liều lượng phun 0,5 lít/m2, sau đó mới được sử dụng trở lại.

Biện pháp chính phòng chống lây nhiễm TCM tại trường học

Đối với người tiếp xúc

Lập danh sách, theo dõi tình trạng sức khoẻ tất cả những người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong 7 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối cùng

Chỉ những người tiếp xúc gần mới nên được điều trị dự phòng bằng kháng sinh [Học sinh, giáo viên, nhân viên y tế trực tiếp phục vụ và những người có tiếp xúc trực tiếp khác]

Xử lý nguồn nước ăn, nước sinh hoạt

Đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch. Dùng Clo để khử trùng nước kể cả nguồn nước không có biểu hiện bị nhiễm bẩn. Nước đã khử trùng bằng Clo vẫn phải đun sôi mới được uống. Nước ăn, rửa bát đĩa và các đồ đựng thực phẩm phải bằng nguồn nước đã khử trùng bằng clo và không bị nhiễm bẩn sau đó.

Ở thành phố cần kiểm tra chặt chẽ hệ thống đường ống dẫn nước, đảm bảo nồng độ Clo dư trong nước máy đúng tiêu chuẩn quy định. Ở các vùng nông thôn cần kiểm soát các nguồn nước giếng ăn, nước sông, ngòi, ao, hồ dùng để ăn và rửa thực phẩm.

Cần xử lý nước ăn và nước sinh hoạt bằng Cloramin theo đúng nồng độ quy định theo chỉ dẫn sau: Xử lý nguồn nước ăn uống, nước sinh hoạt cho cộng đồng bằng Cloramin B với nồng độ 10 mg/lít. Cụ thể là để xử lý 1 mét khối nước cần 10 gam bột Cloramin B loại 25% - 30% Clo hoạt tính [10 gam bột Cloramin B tương đương với 1 thìa ăn cơm].

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Mọi người, mọi nhà thực hiện ăn chín, uống chín.

Không ăn thức ăn sống, nguội, thức ăn dễ ô nhiễm, không uống nước đá không đảm bảo vệ sinh.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xử lý phân của bệnh nhân tại ổ dịch

Nếu là hố xí thùng thì cần dùng vôi bột rắc phủ đầy bãi phân sau mỗi lần đi ngoài. Quây kín chuồng tiêu tránh để gà, chó, chạy vào.

Nếu bệnh nhân đi vào bô, chậu thì dùng dung dịch Cloramin B 1.25 % hoạt tính để xử lý theo tỷ lệ 1: 1 trong thời gian 30 phút sau đó đổ vào nhà tiêu riêng hoặc chôn sâu xuống đất cách xa nguồn nước và nhà ở.

Cấm lấy phân ra khỏi chuồng tiêu với bất kỳ mục đích gì.

Xử lý vệ sinh môi trường

Xung quanh khu vực lớp học, khu vực nhà tiêu, cống rãnh tại khu vực ổ dịch phải được xử lý bằng phun dung dịch Cloramin B 0.5% hoạt tính với liều lượng phun 0,5 lít/m2, phun 2 lần/một tuần, trong vòng 3-5 tuần liên tiếp hoặc rắc vôi bột.

Tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác, diệt ruồi nhặng bằng các phương pháp cơ học hoặc phun dung dịch Permethrin 2%.

Nghiêm cấm phóng uế bừa bãi và tuyệt đối cấm sử dụng phân tươi dưới bất kỳ hình thức nào.

Không được đổ nước rửa, giặt giũ đồ dùng, quần áo của người bệnh ra nguồn nước chung trong khu dân cư.

Cách pha dung dịch Cloramine B  để khử khuẩn

Dung dịch cloramin B 0.125%: lấy 50 gam [1 lạng] bột Cloramin B loại 25% - 30% Clo hoạt tính pha với 10 lít nước.

Dung dịch cloramin B 0.25%: lấy 100 gam bột Cloramin B loại 25% - 30% Clo hoạt tính pha với 10 lít nước.

Dung dịch cloramin B 1.25%: lấy 500 gam [nửa cân] bột Cloramin B loại 25% - 30% Clo hoạt tính pha với 10 lít nước.

Biện pháp nào giúp phòng chống dịch tiêu chảy hữu hiệu nhất?

Vaccine là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và hiệu quả nhất [tả, rotavirus,…].

Cần thực hiện phối hợp đồng thời các biện pháp phòng chống dịch với truyền thông giáo dục sức khoẻ.

Tất cả các biện pháp trên phải có kế hoạch thực hiện, kiểm tra đôn đốc, khen thưởng và kỷ luật cụ thể.

>> Xem vaccine phòng Tả, Thương Hàn, Rotavirus...

>> Để có thêm thông tin về cách phòng và điều trị bệnh, lịch tiêm phòng và các loại vaccine phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Bạn có thể gọi số 0896 108 108 / 0899 108 108 hoặc tổng đài tư vấn sức khỏe 1900 633 902 của Health Việt Nam, các chuyên gia, bác sĩ luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí và hỗ trợ bạn.

HEALTH VIỆT NAM - Lá chắn an toàn cho sức khỏe người Việt!

Video liên quan

Chủ Đề