Tác dụng phụ của vaccine bao lâu

COVID 19 - TIÊM CHỦNG

Ảnh minh họa: Ba loại vac-xin Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna trên nền cờ Liên Hiệp Châu Âu. REUTERS - DADO RUVIC

Nhiều người lo ngại là có khi phải đến nhiều năm sau khi tiêm vac-xin thì các tác dụng phụ mới xuất hiện. Đó chính là một trong những nỗi sợ lớn khiến nhiều người nghi ngại tiêm chủng Covid-19, nhất là đối với vac-xin theo công nghệ ARNm hoàn toàn mới mà chúng ta vẫn chưa có đủ thời gian và hiểu biết sâu rộng để đánh giá hết hệ quả. Nỗi lo này có sơ sở hay không ? Le Figaro ngày 07/08/2021 nhìn lại lịch sử lâu đời của vac-xin.

Trên mạng xã hội, một số bác sĩ muốn trấn an công luận. Chẳng hạn, giáo sư Mathieu Molimard, trưởng khoa Dược học tại Bệnh viện Đại học Bordeaux, khẳng định trên Twitter : « Không có ví dụ nào cho thấy từng có một loại vac-xin gây ra các tác dụng phụ lâu dài mà không được biểu hiện trong vòng 2 tháng sau khi tiêm phòng ». Còn tại Mỹ, Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Tiêm chủng tại bệnh viện Philadelphia, cũng khẳng định : « Trong lịch sử tiêm chủng, những tác dụng phụ không mong muốn luôn xuất hiện trong vòng hai tháng sau khi chích ngừa ».  

Tác dụng phụ chỉ thoáng qua và không gây hại nhiều

Trước tiên, chúng ta hãy nhớ rằng, đối với đại đa số trường hợp, tác dụng phụ của vac-xin chỉ thoáng qua và không gây hại nhiều : sốt, mệt mỏi, khó chịu tại chỗ tiêm hoặc đau nhức cơ. Nhưng đó là dấu hiệu cho thấy phản ứng miễn dịch đang thực sự diễn ra. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn chỉ là những trường hợp cá biệt : dị ứng phản vệ do kháng nguyên hoặc do các thành phần khác có trong vac-xin, chẳng hạn chất bảo quản. Tuy nhiên, những phản ứng đó rất hiếm (dưới 1 ca/500.000 lượt tiêm) và xảy ra rất nhanh sau mũi tiêm (sau vài phút đến một giờ đồng hồ). 

Các ảnh hưởng khác cũng có thể có, nhưng còn hiếm gặp hơn nữa. Chẳng hạn đối với vac-xin Pandemrix ngừa cúm H1N1 hồi năm 2009, sau này người ta phát hiện ra chứng ngủ rũ (buồn ngủ không thể kiểm soát nổi nhiều lần trong ngày), đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên, có liên quan đến việc tiêm phòng. Ở châu Âu, trong số 19,4 triệu người được tiêm vac-xin Pandemrix, ước tính có 600 - 800 người bị ảnh hưởng (0,0036%). 

Theo một nghiên cứu Pháp công bố vào năm 2013, đối với 3/4 số trường hợp, triệu chứng đầu tiên của bệnh xuất hiện trong vòng 3 tuần sau khi tiêm, còn các chẩn đoán được đưa ra trung bình 10 tháng sau khi tiêm. Nói cách khác, các triệu chứng sẽ xuất hiện ngay sau khi tiêm, còn việc chẩn đoán bệnh thường muộn hơn, nhất là đối với các chứng bệnh khó chẩn đoán như chứng ngủ rũ. 

Tuy nhiên, có thể đặt cược rằng tác dụng phụ sau khi tiêm ngừa Covid-19 có thể được phát hiện rất nhanh, bởi số người được tiêm rất lớn chỉ trong một thời gian gian rất ngắn và các cơ quan y tế trên toàn thế giới đều cảnh giác cao độ. Chẳng hạn, nguy cơ huyết khối liên quan đến vac-xin AstraZeneca đã được xác định một tháng rưỡi sau khi loại vac-xin này được tung ra ngày 29/01/2021 và chính thức được công nhận vào đầu tháng 04, nhưng tỉ lệ bị huyết khối là cực kỳ thấp : chỉ 4-6 ca/trên 1 triệu người được tiêm). 

Một ví dụ khác : Nhiều nghiên cứu cho rằng có mối liên hệ giữa việc tiêm phòng cúm và sự xuất hiện của những trường hợp rất hiếm mắc hội chứng Guillain-Barré trong hai tháng sau khi được chích ngừa. Hội chứng Guillain-Barré là sự tổn thương miễn dịch của các dây thần kinh ngoại vi, biểu hiện qua sự tê liệt nhanh chóng. Đa số các trường hợp có thể hồi phục, thế nhưng chỉ có hai nghiên cứu ở Bắc Mỹ xác định được nguy cơ kể trên. Kể từ đó, một số nghiên cứu đã được tiến hành, nhưng không tìm thấy mối liên hệ nào như vậy.  

Rủi ro do tiêm chủng thấp hơn so với khi mắc bệnh

Và ngay cả khi mối liên hệ đó đã được xác nhận, thì chúng ta cũng nên nhớ rằng chính virus cúm cũng có thể gây ra hội chứng Guillain-Barré. Theo ước tính, nguy cơ xảy ra hội chứng này sau khi tiêm phòng cúm là 1,7/1 triệu người tiêm vac-xin, so với tỉ lệ 4-7ca/100.000 người nhiễm virus cúm. Điều đó có nghĩa là rủi ro liên quan đến việc tiêm chủng thấp hơn 20-40 lần so với khi chúng ta mắc bệnh. 

Theo một ghi nhận khác, vac-xin ngừa bệnh sởi-quai bị-rubella bị nghi ngờ gây ra tác dụng phụ không điển hình : chứng rối loạn đông máu (giảm tiểu cầu) tạm thời, ở khoảng 1/30.000 người được tiêm phòng. Chứng rối loạn đông máu xảy ra thường nhẹ và chỉ thoáng qua (vết bầm tím nhẹ). Thời điểm bắt đầu có triệu chứng đầu tiên thường là dưới 2 tháng sau khi tiêm.  

Liên quan đến vac-xin ngừa sốt vàng da, vac-xin này có thể gây viêm não sau khi tiêm 2-3 tuần, nhưng chỉ là cá biệt : 1 ca/8 triệu người được tiêm ngừa. Vac-xin uống phòng bại liệt (không còn được sử dụng ở hầu hết các nước phương Tây kể từ những năm 1990) có thể gây tê liệt nhưng rất hiếm gặp (1 trường hợp trong 2,4 triệu người được tiêm) và xuất hiện sau khi tiêm tối đa 1 tháng. Nhìn chung, các tác dụng phụ nghiêm trọng đã biết và đã được chứng minh của các loại vac-xin thường xảy ra trong 2 tháng sau khi tiêm chủng. 

Đối với những loại vac-xin mà chúng ta đã có độ lùi nhiều thập kỷ để nhìn nhận, đánh giá, không có bệnh hiếm nào xuất hiện muộn được ghi nhận, kể cả có sự giám sát y tế chuyên sâu. Brigitte Autran, giáo sư danh dự tại đại học Sorbonne, Pháp, thành viên Ủy ban Khoa học về vac-xin ngừa Covid-19, nhấn mạnh : « Các tác dụng phụ của vac-xin xảy ra trong 2 tuần đầu tiên, trường hợp xảy ra trong tháng đầu chỉ là đặc biệt. Và không có bệnh nào phải đợi một thời gian dài sau khi tiêm mới xảy ra ». 

Cũng cần nhắc lại là nghi ngờ chẳng hạn liên quan đến bệnh đa xơ cứng do vac-xin ngừa viêm gan B, chứng tự kỷ do vac-xin ngừa sởi-quai bị-rubella, viêm cơ đại thực bào do vac-xin có tá dược nhôm ... đều đã được các nghiên cứu khoa học trong nhiều năm trở lại đây chứng minh là sai. Giáo sư Stéphane Paul, nhà miễn dịch học tại Bệnh viện Đại học Saint-Etienne, Pháp và thành viên Ủy ban vac-xin Covid-19, nhấn mạnh : «Tất cả các nghi vấn đều đã được bác bỏ. Các dữ liệu cho thấy không có nguy cơ lâu dài đối với các loại vac-xin hiện nay. Đối với vac-xin theo công nghệ ARNm, chúng ta có ít độ lùi hơn, nhưng không có lý do gì để có thể nghĩ rằng sẽ có sự khác biệt ». 

Có thể rút ra kết luận : Hoặc là các hiệu ứng phụ xảy ra muộn có tồn tại, nhưng rất hiếm, nên không thể phát hiện ra ; hoặc vac-xin không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng một thời gian dài sau khi tiêm . 

Còn vac-xin ARNm thông tin, loại vac-xin chưa từng được sử dụng trên quy mô lớn như vậy trước đại dịch Covid-19? Trước hết, cần nói rõ là công nghệ này không phải chỉ mới xuất hiện vào năm 2020, mà đã được nghiên cứu từ những năm 1990. Các thử nghiệm lâm sàng về vac-xin ngừa các loại virus khác, như virus Zika, cúm, Chikungunya, đã được thực hiện trên hàng trăm, hàng ngàn người. Giáo sư Brigitte Autran khẳng định: « Không hề có báo cáo nào về tác dụng phụ của những loại vac-xin đó, nên chúng ta không cần phải lo lắng ». 

Kinh nghiệm của những chiến dịch tiêm chủng đại trà

Các vac-xin bào chế theo công nghệ ARNm thông tin không có tá dược (chẳng hạn như nhôm, tá dược được sử dụng để tăng phản ứng miễn dịch trong các vac-xin khác) hoặc vector virus trong thành phần của vac-xin. ARNm thông tin trong vac-xin không thể tiếp xúc với mã gien của chúng ta và sẽ bị phá hủy sau vài giờ trong cơ thể người được tiêm. Do đó, không có cơ chế sinh học nào khiến chúng ta có thể nghĩ rằng các tác dụng phụ sẽ xuất hiện sau khi tiêm một thời gian dài. 

Ngoài dữ liệu chắc chắn từ các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên hàng chục nghìn người vào năm 2020, giờ đây chúng ta còn có kinh nghiệm từ các chiến dịch tiêm chủng ồ ạt khắp nơi trên thế giới. Kể từ tháng 12/2020, hơn 3 tỷ người đã được chích ngừa Covid-19, đa phần là với vac-xin ARNm thông tin. Sau hơn sáu tháng, với số người được tiêm chủng rất lớn và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan y tế trên toàn thế giới, không có tác dụng phụ muộn nghiêm trọng nào được xác định. Một số sự cố xảy ra sau khi tiêm chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thế nhưng, dẫu đến nay vẫn không có dấu hiệu nào đáng lo ngại thì trong y học, rủi ro mức 0 là không tồn tại. 

Đầu tháng 08/2021, chuyên gia về bệnh phổi, Irène Frachon, người khởi nguồn các tiết lộ về vụ bê bối Mediator (vụ bê bối thuốc từng gây chấn động nước Pháp) đã lên tiếng khuyến khích người dân tiêm phòng. Tức giận vì vụ bê bối Mediator được dùng làm công cụ để gây ngờ vực về vac-xin ngừa Covid-19, bà khẳng định : « Mặc dù có một vài tác dụng phụ như hội chứng cúm, các biến chứng nghiêm trọng hơn chỉ là cá biệt và lợi ích của vac-xin lớn hơn vô cùng nhiều so với nguy cơ mà Covid-19 gây ra. Rõ ràng là như vậy ».