Sử dụng điện thoại trong giờ học nên hay không

[Dân sinh] - Sáng 25/9, tại Trường THPT Hùng Vương [Quận 5, TP. HCM] Báo Tiền phong phối hợp với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức Tọa đàm "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học – Nên hay không?".

Bộ Giáo dục và Đào tạo [GD&ĐT] vừa ra Thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT, trong đó có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên… đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho học sinh sử dựng điện thoại trong giờ học phục vụ trong học tập là cần thiết, phù hợp với xu thế công nghệ 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người phản đối nội dung này, vì việc cho học sinh dùng điện thoại sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường như làm sao nhãng việc học, giáo viên không thể quản nổi học sinh…

Để có cái nhìn đa chiều hơn, buổi tọa đàm "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học – Nên hay không?" được tổ chức có sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. HCM và các giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên địa bàn... sẽ đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm về vấn đề đang được quan tâm này.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, khi Thông tư 32 này ra đời, phản ứng đầu tiên là người dân có vẻ không tán thành. Chúng tôi cũng bỏ công tìm hiểu thì nhận thấy hầu hết các ý kiến đồng ý cho rằng, điện thoại di động kết nối internet sẽ giúp học sinh học hỏi được nhiều kiến thức quý báu. Do đó, chúng ta cần định hướng, hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại di động đúng cách.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối lại cho rằng, hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới đều cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, do bị phân tâm trong giờ học, lười vận động, chát chít. Ngoài ra, học sinh giao lưu trên mạng, dễ nảy sinh tình trạng bắt nạt, ẩu đả…

"Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi thấy ý kiến phản đối đều xuất phát từ việc học sinh được sử dụng điện thoại di động mà chưa hiểu là phải được sự đồng ý của giáo viên. Báo Tiền Phong nhận thấy cần phải có sự nghiên cứu, thảo luận dưới nhiều góc độ khác nhau để cùng nhau có góc nhìn thấu đáo ". Nhà báo Lê Xuân Sơn cho hay!

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc buổi tọa đàm

 Chia sẻ dưới góc nhìn từ chuyên gia giáo dục, bà Tô Thụy Diễm Quyên - Chuyên gia giáo dục toàn cầu [CEO Innedu STEAM] cho biết, trên thế giới hiện có 5 tỷ người đang sử dụng điện thoại di động. Cho nên những đứa trẻ được sử dụng điện thoại thông minh từ rất sớm, nghiên cứu chỉ ra là lúc 12 tuổi. 92% người Mỹ tin rằng, nghiện điện thoại di động là có thật trong khi 86% người sử dụng điện thoại thường xuyên kiểm tra điện thoại di động, dù đang nói chuyện với nhau…

Theo bà Quyên, hiện nay, học sinh chỉ cần 1 chiếc điện thoại là biết tất cả thông tin trên thế giới. Do đó, 10 học sinh ra trường thì 8 bạn phải giỏi về Công nghệ thông tin, nếu không các bạn sẽ bị đào thải. Nếu các bạn chỉ ôm điện thoại chỉ để chát chít thì sẽ tạo ra thách thức rất lớn. Việc kiểm soát công nghệ là chìa khóa cho tương lai"

"Hãy biến thách thức thành cơ hội. Điện thoại thông minh hay ngu ngốc, tùy thuộc vào việc chúng ta sử dụng", bà Quyên cho hay!

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương - Trưởng bộ môn Luật [Đại học Quốc tế Hồng Bàng] phát biểu tại buổi tọa đàm

Còn theo, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương - Trưởng bộ môn Luật [Đại học Quốc tế Hồng Bàng] cho biết, không nên hiểu quy định theo Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, THPT do Bộ GD&ĐT ban hành là cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động một cách thoải mái trong giờ học. Thay vào đó, quy định mới trao quyền chủ động cho giáo viên trong việc quản lý và định hướng học sinh sử dụng điện thoại hiệu quả, đúng mục đích.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương trên thế giới, việc sử dụng điện thoại trong giờ học cũng quy định khác nhau. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, mang điện thoại đến trường đề phòng thảm họa thiên nhiên để tiện liên hệ. Tại Mỹ, không phải tại Bang nào cũng cho phép cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học…

Và ngay tại Việt Nam, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị cho con em mình một chiếc điện thoại thông minh để sử dụng trong giờ học.

Thầy Lê Quang Huy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương phát biểu tại buổi tọa đàm

Nêu ý kiến về vấn đề trên, thầy Lê Quang Huy - Phó Hiệu trưởng [trường THPT Hùng Vương] cho rằng, có thể khuyến khích các em sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin. Tuy nhiên, thời gian để các em sử dụng điện thoại để phục vụ học tập là nhiều hay ít hơn các hoạt động khác như xem phim, lướt Facebook mới là điều đáng quan tâm. Nếu các em sử dụng điện thoại để phục vụ giải trí nhiều hơn thì nên tự xem lại mình.

Còn trên phương diện của một chuyên gia về giáo dục thể chất, Phó Giáo sư Lương Thị Ngọc Ánh – Trưởng bộ môn giáo dục thể chất [ Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng] cho rằng, con người không chỉ chăm lo sức khỏe về thể chất mà còn có sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội.

Việc sử dụng điện thoại di động quá nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn về mặt tinh thần, thể chất, làm cho con người vô cảm. Học sinh cũng vậy, không là ngoại lệ, nên cũng cần tự ý thức sử dụng điện thoại di động một cách hiệu quả nhất ".Bà Lương Thị Ngọc Ánh, nhấn mạnh!

Tại buổi tọa đàm, có thể thấy đa số các ý kiến từ các chuyên gia và các thầy cô cho rằng, bên cạnh những phân tích về lợi ích của việc sử dụng điện thoại, cũng còn có nhiều lo lắng về tác hại của việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.

Để có cái nhìn nhiều chiều hơn, khi được hỏi về quan điểm của mình trong việc sử dụng điện thoại trong lớp học, một số học sinh cũng đã chia sẻ thành thật về vấn đề này, về tác hại cũng như lợi ích khi sử dụng điện thoại ở trong lớp.

Em Tống Ngọc Thảo My [Lớp 12A10 - Trường THPT Nguyễn An Ninh, Quận 10] chia sẻ quan điểm của mình trong việc sử dụng điện thoại trong lớp học

Em Tống Ngọc Thảo My [Lớp 12A10 - Trường THPT Nguyễn An Ninh, Quận 10] chia sẻ: Trong lớp, tiết học đi quá nhanh, không hiểu hết thì trên Youtube hoặc Google có nhiều người giảng, em vào đó xem. Trên internet cũng có nhiều kiến thức giúp em tự học ở nhà bằng điện thoại.

Ngoài ra, thỉnh thoảng em có kết hợp giải trí, chơi game, nghe nhạc và tán gẫu với bạn bè nhưng phần lớn thời gian vẫn tập trung vào việc học.

Còn theo quan điểm của lãnh đạo Bộ giáo dục và đào tạo, ông Lê Thắng Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD&ĐT phía Nam [Bộ GD&ĐT] cho rằng: Thông tư 32 tạo cơ sở pháp lý giúp nhà trường, giáo viên sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin phục vụ việc giảng dạy. Còn việc sử dụng như thế nào, tùy vào các trường.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có phát ngôn chính thức về vấn đề này, bởi nó liên quan đến thế hệ tương lai của đất nước. Trước khi đưa ra quyết định này, Bộ GD&ĐT đã tham vấn các nhà chuyên môn, chuyên gia về vấn đề nay, ông Lợi cho biết thêm!

Kết thúc buổi tọa đàm, "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học – Nên hay không?". Nhiều chuyên gia đều đồng ý nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng sử dụng như thế nào cho thông minh?

Tuy nhiên, sẽ bằng cách nào để làm được việc này, đây là câu hỏi rất lớn. Nên chăng Bộ GD-ĐT cần có các khóa tập huấn cho giáo viên về quản lý, hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại một cách có ích trong giờ học?

Theo Thông tư 32/2020/TT- BGDĐT Điều lệ trường THCS và THPT toàn cục: Điều 37. Các hành vi học sinh không được làm: Nội dung 4: Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

DIỆU LINH

Cô Đồng Thị Kim Thủy hướng dẫn bài tập cho học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn [TP.HCM] thực hành trên smartphone - Ảnh: TỰ TRUNG

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông nhiều cấp học là học trò được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên. Điều chỉnh mới này xuất phát từ thực tế có các tình huống học sinh cần sử dụng những

tính năng của điện thoại thông minh vào việc thực hiện yêu cầu học tập, tìm kiếm tài liệu tham khảo ngay trong thời gian diễn ra giờ học.

Phụ huynh ngỡ ngàng

Chị Nguyễn Bích Trang, phụ huynh có con học lớp 6, Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM, kể: "Năm nay con tôi vào lớp 6, nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường. Quy định mới của Bộ GD-ĐT làm phụ huynh chúng tôi rất ngỡ ngàng.

Việc cho học sinh học tập với các loại máy móc hiện đại, trong đó có máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh, là một nhu cầu tất yếu của giáo dục hiện nay. Nhưng tôi cho rằng không nhất thiết phải cho học sinh mang điện thoại vào lớp mới có thể áp dụng được các hình thức dạy học hiện đại".

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay ở TP.HCM có khá nhiều trường tiểu học, THCS, THPT cấm học sinh mang điện thoại vào trường, nếu vi phạm sẽ bị tịch thu điện thoại.

Một lãnh đạo Trường THCS Trần Văn Ơn giải thích: "Khi nhà trường đưa ra lệnh cấm, một số phụ huynh cũng phản ứng rất dữ. Họ nói muốn cho con em mang điện thoại đi học để tiện liên lạc khi đưa đón.

Để đáp ứng nhu cầu này, nhà trường đã bố trí 2 line điện thoại đặt ngay sảnh ra vào để học sinh tiện liên lạc với gia đình, nhưng điện thoại di động thì tuyệt đối không được mang vào trường vì phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh".

Tương tự, hiệu trưởng một trường THPT ở Q.Tân Phú, TP.HCM, phân tích: "Chúng tôi cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường vì lợi thì ít mà hại thì nhiều. Những cái hại thì rất kinh khủng: hẹn nhau chơi game, tán gẫu trên mạng, rồi khi mâu thuẫn các em hẹn gặp để đánh nhau.

Có lần giáo viên của tôi phát hiện một nhóm học sinh ở trường khác sang tụ tập trước cổng trường tôi trong giờ tan học với thái độ khác thường. Điều tra một hồi thì được biết một học sinh trường tôi đã lên mạng "khiêu chiến" với nhóm học sinh này và hai bên nhắn tin sẽ gặp nhau sau giờ ra về để "giải quyết".

Chưa kể, tình trạng học sinh lén vào Facebook, lén chơi game trong giờ học thì giáo viên rất khó quản lý vì sĩ số lớp quá đông".

Trường tư cấm, trường công mở

Trong khi đó, thầy Th. - giáo viên đã có kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm hơn 15 năm tại một trường THPT ở TP.HCM - nhận định: "Nếu có một cuộc khảo sát ở TP.HCM sẽ thấy 100% trường phổ thông tư thục cấm học sinh mang điện thoại vào trường, có lẽ vì họ đã nhận thức quá rõ những tác hại của việc này.

Trường công lập thì có trường cấm, trường không. Tuy nhiên những trường không cấm là những trường chưa xảy ra những vấn đề nghiêm trọng từ việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường hoặc sợ phụ huynh phản ứng, kiện cáo...".

Thầy Th. cho biết thêm: "Bản thân tôi cũng ủng hộ quan điểm cấm học sinh sử dụng điện thoại, bởi nó không phục vụ tốt cho việc học của học sinh. Giờ học mà các em lén lấy điện thoại ra làm việc riêng. Buổi trưa các em cũng không ngủ trưa mà mở điện thoại ra chơi game".

Thầy Th. đề nghị nếu cho học sinh sử dụng điện thoại để học tập thì chỉ đến giờ học học sinh mới được lấy điện thoại ra, còn tất cả thời gian còn lại học sinh phải nộp điện thoại cho nhà trường giữ, khi tan học mới được lấy về.

"Rồi những học sinh khó khăn, không đủ điều kiện mua smartphone thì sao. Những việc này Bộ GD-ĐT cũng cần nghĩ tới" - thầy Th. băn khoăn.

Cô Bùi Thị Minh Tâm - hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, Q.Tân Bình, TP.HCM - cho rằng nếu cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường cần có quy chế hướng dẫn cụ thể chứ không thể nói chung chung.

Thậm chí, học sinh không mang điện thoại vào trường thì vẫn có thể học và thi trên mạng. Ví dụ học sinh cần lên mạng để tìm tài liệu học tập thì mời vào thư viện truy cập trên máy tính của nhà trường. Học sinh cần học và thi online thì vào phòng máy tính...

Cho phép nhưng không tùy tiện

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những lo ngại của nhiều phụ huynh, giáo viên trước điểm mới cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, cho biết việc cho phép học sinh dùng điện thoại thông minh trong lớp học có điều kiện đi kèm, chứ không phải tùy tiện có thể dùng điện thoại thoải mái để giao tiếp, giải trí.

"Trường hợp học sinh phải học trực tuyến, học sinh phải có máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện việc tương tác với giáo viên, nhận nhiệm vụ học tập. Hay khi dạy học trực tiếp một số môn học, bài học cụ thể, nhất là các bài học đòi hỏi học sinh phải tìm hiểu thực tế, tìm kiếm tài liệu, giáo viên có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại để thực hiện nhiệm vụ học tập" - ông Thành nêu ví dụ.

VĨNH HÀ ghi

TS Hoàng Ngọc Vinh [nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT]:

Phải đánh giá kỹ lưỡng

Việc cho học sinh sử dụng điện thoại di động dù rằng vì mục đích học tập nhưng cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng, trước hết xem người học và người dạy có thật sự cần hay không, cần tới đâu.

Nhiều khi chúng ta nghĩ việc mang điện thoại vào trường là cần thiết, nhưng trên thực tế học sinh và giáo viên ở một số lớp, một số địa phương thấy không. Ở nhiều vùng còn khó khăn, có được một chiếc điện thoại thông minh vẫn không dễ.

Khi cho phép các em sử dụng điện thoại, cần có quy định cụ thể các em được dùng trong trường hợp nào, tránh việc lạm dụng. Chẳng hạn, giờ ra chơi các em lấy lý do học tập để ở trong lớp dùng điện thoại cho mục đích khác như chơi game thì không nên.

Khi đó, giờ chơi có thể chỉ thấy các em mỗi người ngồi một góc cùng chiếc điện thoại. Ngoài ra, việc ảnh hưởng đến sức khỏe thị lực, nhất là với các học sinh nhỏ tuổi, cũng cần được tính đến.

Ông Trần Anh Tuấn [phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM]:

Cần thêm quy định về an toàn thông tin

Cho phép học sinh sử dụng điện thoại phục vụ học tập là một bước đi tích cực. Nhiều nước trên thế giới đã cho phép học sinh dùng điện thoại nhưng phải nằm trong khuôn khổ.

Liệu học sinh có thể dùng điện thoại để ghi âm thầy cô giảng bài rồi cắt ghép vì mục đích tiêu cực? Học sinh có lén quay phim thầy cô rồi sử dụng để bôi xấu? Khác với sinh viên đại học, học sinh còn nhỏ và nhận thức chưa tới, nên những trường hợp như trên dễ xảy ra hơn.

Do vậy cần cụ thể hóa những việc học sinh được phép và không được phép làm gì với chiếc điện thoại trong giờ học. Cũng cần nói rõ cho học sinh từ đầu rằng ghi âm, quay clip để bôi nhọ là vi phạm pháp luật, tránh trường hợp các em phạm phải vì nghĩ đấy chỉ là trò đùa.

Ngay cả các thầy cô cũng cần được tập huấn để có thể dạy tốt hơn trong môi trường công nghệ hiệu quả và an toàn thông tin.

TRỌNG NHÂN ghi

Quy định mới cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập

HOÀNG HƯƠNG

Video liên quan

Chủ Đề