Quan điểm thực tiễn là gì

Câu 33: Thực tiễn là gì? Phân tích vai trò của thực tiễn đối với nhận thức?

1. Thực tiễn là gì?

+ Trước C.Mác, một số nhà triết học duy tâm, đặc biệt là Ph.Hêghen, đã tiếp cận được phạm trù thực tiễn, đã phát hiện ra bản tính năng động sáng tạo của nó và đề cao nó, nhưng họ mới hiểu thực tiễn như là một dạng hoạt động sáng tạo của cái tinh thần mà không thấy được nó là một hoạt động hiện thực, vật chất, cảm tính của con người Trong khi đó, các nhà triết học duy vật, kể cả L.Phoiơbắc, hiểu được tính vật chất của thực tiễn nhưng lại coi thực tiễn chỉ là hoạt động vật chất tầm thường mang tính bản năng của con người Vì vậy, lý luận nhận thức của họ còn mắc nhiều hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là không hiểu đúng thực tiễn, không thấy được vai trò của thực tiễn đối với nhận thức.

+ Khi kế thừa những yếu tố hợp lý và khắc phục những thiếu sót của các nhà triết học tiền bối, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa duy vật biện chứng đã mang lại một cách hiểu duy vật và khoa học về thực tiễn, vạch ra vai trò của thực tiễn đối với nhận thức cũng như đối với sự tồn tại và phát triển xã hội loài người. Việc xây dựng và đưa phạm trù thực tiễn vào lý luận là một bước ngoặt mang tính cách mạng của lý luận nói chung, lý luận nhận thức nói riêng. Vì vậy, V.I.Lênin mới nhận xét: Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức .

a] Định nghĩa

Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng: Nếu hoạt động bản năng của loài vật giúp nó nó thích nghi với môi trường, thì hoạt động thực tiễn của con người hướng đến cải tạo thế giới nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình và vươn lên nắm giữ vai trò làm chủ thế giới. Nếu loài vật chỉ sống bằng cách tự thoả mãn với những gì mà tự nhiên cung cấp cho mình dưới dạng có sẵn, thì con người muốn tồn tại phải lao động tạo ra của cải vật chất để tự nuôi sống mình. Để lao động có hiệu quả, con người phải chế tạo và sử dụng công cụ lao động. Bằng hoạt động thực tiễn lao động, con người đã tạo nên những vật phẩm không có sẵn trong tự nhiên nhưng cần thiết cho mình. Và thông qua lao động, con người có quan hệ ràng buộc với nhau tạo nên cộng đồng xã hội. Nhờ vào thực tiễn, con người đã tách ra khỏi thế giới tự nhiên, tôn vinh mình trong vũ trụ, và cũng nhờ vào thực tiễn, con người quay về sống hòa hợp với thế giới xung quanh, để qua đó con người và xã hội loài người tồn tại và phát triển. Như vậy, thực tiễn là phương thức tồn tại của con người và xã hội loài người, là hoạt động cơ bản, tất yếu, phổ biến, mang tính bản chất của con người, nói ngắn gọn, thực tiễn là phạm trù triết học dùng để chỉ toàn bộ hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.

b] Các hình thức cơ bản

Thực tiễn được tiến hành trong các quan hệ xã hội, và luôn thay đổi cùng với quá trình phát triển của xã hội. Trình độ phát triển của thực tiễn nói lên trình độ chinh phục tự nhiên và làm chủ xã hội của con người. Bất cứ hình thức hoạt động nào của thực tiễn cũng gồm những yếu tố chủ quan như nhu cầu, mục đích, lợi ích, năng lực, trình độ của con người đang hoạt động thực tiễn và những yếu tố khách quan như phương tiện, công cụ, điều kiện vật chất [hay tinh thần đã được vật chất hóa] do thế hệ trước để lại và điều kiện tự nhiên xung quanh. Thực tiễn có thể được chia ra thành các hình thức cơ bản như thực tiễn sản xuất vật chất, thực tiễn chính trị xã hội thực tiễn thực nghiệm khoa học, và các hình thức không cơ bản như thực tiễn tôn giáo, thực tiễn đạo đức, thực tiễn pháp luật

+ Thực tiễn sản xuất vật chất là hình thức hoạt động nguyên thủy nhất, cơ bản nhất; bởi vì nó quyết định sự hình thành, tồn tại và phát triển của xã hội loài người, là cơ sở không chỉ quy định các hình thức hoạt động thực tiễn khác mà còn quy định mọi hình thức hoạt động sống của con người, nó không chỉ cải biến tự nhiên mà còn cải tạo luôn cả bản thân con người.

+ Thực tiễn chính trị xã hội là hình thức hoạt cao nhất, quan trọng nhất; bởi vì nó làm biến đổi các quan hệ xã hội, tác động đến sự thay đổi của các chế độ xã hội loài người.

+ Thực tiễn thực nghiệm khoa học gắn liền với sự ra đời và phát triển của khoa học và của các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nó ngày càng trở nên quan trọng; bởi vì nó thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức hoạt động thực tiễn khác

2. Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức

a] Thực tiễn là nguồn gốc, là động lực của nhận thức

Một mặt, con người có quan hệ với thế giới không phải bắt đầu bằng lý luận mà bằng thực tiễn. Chính trong quá trình hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới mà nhận thức ở con người hình thành và phát triển. Bằng hoạt động thực tiễn, con người tác động vào thế giới, buộc thế giới phải bộc lộ những thuộc tính, quy luật của mình để cho con người nhận thức. Ban đầu con người thu nhận những tài liệu cảm tính; sau đó, tiến hành những thao tác lý tính như so sánh, phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa để phản ánh những quy luật, bản chất của sự vật, hiện tượng trong thế giới. Như vậy, thực tiễn cung cấp tài liệu cho nhận thức [lý luận], mọi tri thức dù hình thành ở trình độ, giai đoạn nào, xét đến cùng, đều bắt nguồn từ thực tiễn.

Mặt khác, cũng bằng hoạt động thực tiễn, con người biến đổi thế giới và biến đổi bản thân mình. Trong quá trình đó, con người không ngừng nâng cao năng lực và trình độ nhận thức của mình để đào sâu và mở rộng nhận thức, khám phá ra các bí mật của thế giới nhằm giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ do thực tiễn đặt ra. Để hoạt động thực tiễn hiệu quả, cần phải có tri thức chính xác hơn. Muốn vậy, phải tổng kết, khái quát kinh nghiệm, xây dựng lý luận, nghĩa là, thực tiễn thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các ngành khoa học. Như vậy, thực tiễn luôn đề ra nhu cầu, nhiệm vụ, phương hướng phát triển của nhận thức, nghĩa là luôn thúc đẩy nhận thức phát triển.

b] Thực tiễn là mục đích của nhận thức

Nhận thức [lý luận, khoa học] chỉ có ý nghĩa thật sự khi chúng được vận dụng vào thực tiễn nhằm giải quyết các nhiệm vụ do thực tiễn đặt ra, giúp cải tạo thế giới hiệu quả. Vì vậy, mọi kết quả của nhận thức luôn thực hiện vai trò hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động thực tiễn, giúp thực tiễn nâng cao năng lực cải tạo của chính mình.

Video liên quan

Chủ Đề