Phương pháp giáo dục sức khỏe cho học sinh Tiểu học

GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO TRẺ EM

BS, ThS Trương Trọng Hoàng
Trung tâm Truyền thông-Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

1. Giáo dục là gì?

Ðã từ lâu, nói đến giáo dục chúng ta thường nghĩ ngay đến việc dạy học hay nói một cách khác là việc truyền đạt kiến thức từ người này sang người khác. Tuy nhiên thực tế trong giáo dục ta không chỉ giúp cho người học có kiến thức mà còn tạo dựng ở họ thái độ và cách suy nghĩ cũng như những chuẩn mực, giá trị, niềm tin văn hóa. Bên cạnh những tác động hướng đến sự thay đổi về nhận thức, giáo dục còn hướng tới sự thay đổi về hành vi, là một sản phẩm cụ thể của nhận thức có tác động đến bản thân, người xung quanh và môi trường sống của người học. Để có được sự thay đổi về hành vi, ngoài việc tác động vào nhận thức còn cần hướng dẫn, huấn luyện những kỹ năng cho đối tượng.

Từ những điều trên mà hiện nay người ta đã định nghĩa Học là Thay đổi và kết quả của việc học chính là sự thay đổi không chỉ trong Kiến thức mà còn trong Thái độ, Quan niệm, Niềm tin và Hành vi. Ðây cũng chính là nội dung của khái niệm Giáo dục giác ngộ của Paulo Freire người được coi là cha đẻ của phương pháp giáo dục chủ động. Với cách hiểu này về Học thì Dạy được định nghĩa là Tạo sự thuận lợi cho việc học thay vì chỉ là truyền đạt kiến thức. Người dạy trong giáo dục chủ động thực tế là một người tạo thuận lợi (Facilitator) hơn là một người thầy (Teacher) và càng không phải là người truyền giảng (Preacher).

2. Giáo dục sức khỏe và Giáo dục sức khỏe cho trẻ em

Giáo dục sức khỏe (GDSK) là một tiến trình thông qua các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm giúp cho cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng có được những hành vi có lợi cho sức khỏe. Nói một cách cụ thể GDSK cũng là một hoạt động giáo dục nhưng nhắm tới những kiến thức, thái độ, hành vi liên quan đến sức khỏe. Trẻ em là lứa tuổi đầu đời, những hành vi sức khỏe không chỉ có lợi hay hại cho các em trong hiện tại mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cả cuộc đời các em sau này. Ví lý do đó GDSK cho trẻ em là một việc hết sức cần thiết.

Khác với người lớn có khả năng suy nghĩ trừu tượng, trẻ em nhất là trẻ em nhỏ thường chỉ suy nghĩ bằng hình ảnh cụ thể. GDSK cho trẻ em do đó nên thiên về cụ thể hơn trừu tượng, thiên về hoạt động hơn lý thuyết. Thêm vào đó trẻ em thích được vui, thích hoạt động nên trong GDSK cho trẻ em trò chơi giáo dục đóng vai trò rất quan trọng.

Trẻ em nhất là trẻ vị thành niên đặc biệt chú trọng đến cái nhìn của nhóm bạn đối với mình. Các em có thể bỏ qua sức khỏe hoặc thậm chí tính mạng của mình để đổi lấy sự nhìn nhận của nhóm hoặc sự vượt trội hơn các thành viên khác của nhóm. GDSK cho trẻ cần quan tâm đến tương tác nhóm cụ thể là hạn chế các tác động nhóm không tốt và phát huy các tác động nhóm tốt.

Riêng đối với trẻ em đường phố vốn đã quen với cuộc sống tự do, không bị gò bó bởi các chuẩn mực đạo đức thông thường mà thay vào đó thường lại tuân thủ các chuẩn mực của cuộc sống đường phố, GDSK cho trẻ đường phố đòi hỏi người GDV phải hiểu về cuộc sống của các em, về nhu cầu cũng những chuẩn mực riêng của các em để áp dụng các nội dung và hình thức giáo dục phù hợp.

3. Các phương pháp giáo dục trẻ em (GDTE)

3.1. Giáo dục qua làm mẫu (modeling)

Theo phương pháp này, người dạy truyền cho người học những gì mình biết, mình nghĩ, mình làm, có thể chính quy trong lớp học, hoặc không chính quy khi tiếp xúc với các em trong đời sống. Việc làm mẫu này có thể có ý thức (cố ý) hoặc có thể không có ý thức. Giáo dục qua làm mẫu đòi hỏi người dạy không chỉ dạy mà còn phải sống đúng như những điều mình dạy để không tạo nên sự hoang mang ở người học khi mà những điều mình làm không giống như những điều mình nói. Trăm nghe không bằng một thấy: điều mình làm có ảnh hưởng mạnh đến người học hơn những điều mình nói cho nên cách sống đúng của GDV là một điều hết sức quan trọng trong GDTE.

Ngoài việc làm mẫu bằng chính bản thân, có thể sử dụng các hình mẫu (models) trong truyện cổ tích, báo chí, đời sống v.v... Kể chuyện, giới thiệu gương điển hình, tham quan thực địa, giao lưu là những hoạt động làm mẫu tốt, có hiệu quả giáo dục cao.

3.2. Giáo dục củng cố bằng thường, phạt (enforcing)

Một kiến thức, thái độ hoặc hành vi không dễ có ngay ở người học mà cần phải được củng cố. Có 2 cách để củng cố. Thứ nhất là thưởng (rewarding) khi người học có kiến thức, thái độ hoặc hành vi đúng theo hướng người dạy muốn. Thứ hai là phạt (punishing) khi người học có kiến thức, thái độ hoặc hành vi không đúng theo hướng người dạy muốn.

Tuy nhiên cần để ý đến việc thưởng và phạt. Thưởng không phải đơn thuần là cho, tặng, thưởng các lợi ích vật chất ví dụ như tiền mà là đáp ứng một nhu cầu của người học. Trong giáo dục ta cần phải chọn lựa đáp ứng những nhu cầu chính đáng chứ không phải là nhu cầu chung chung. Maslow là người nêu lên tháp nhu cầu của con người theo đó nhu cầu của con người phát triển theo những bậc thang như sau:

- Bậc thấp nhất ở dưới đáy tháp là những nhu cầu sống cơ bản (ăn, uống, hoạt động tình dục v.v...)

- Bậc thứ hai là nhu cầu về an toàn

- Bậc thứ ba là nhu cầu về giao tiếp

- Bậc thứ tư là nhu cầu tự khẳng định trong mối quan hệ với người khác

- Bậc thứ năm là nhu cầu vượt trội.

Những nhu cầu trong bậc thứ nhất được gọi chung là những nhu cầu cơ bản (basic needs). Những nhu cầu trong bậc thứ hai, ba, và bốn là những nhu cầu khiếm khuyết (deficiency needs) tức là những điều còn thiếu cần được bổ sung. Nhu cầu thứ năm -- nhu cầu vượt trội (meta needs) được coi là cao nhất và bao hàm nhu cầu tri thức, sáng tạo, công lý, tự hoàn thiện. Theo quan niệm về nhu cầu của Maslow thì việc được chú ý, khen ngợi nhất là trước mặt những bạn bè xung quanh có khi là những phần thưởng có giá trị hơn gấp nhiều lần những giá trị vật chất.

Về phạt thì không phải chỉ là những tác động gây ra sự khó chịu về mặt thể chất ở người học mà cũng liên quan đến những nhu cầu của họ. Một trong những hình phạt có hiệu quả trong giáo dục trẻ em đó là không nói chuyện, không để ý tới người học, đây chính là hình phạt tác động vào nhu cầu giao tiếp. Cần chú ý không nói chuyện, không để ý ở đây là biểu lộ để cho đối tượng bị phạt thấy chứ không phải là sự bỏ mặc. Trong trường hợp này, ngược lại người dạy càng cần để ý đến đối tượng bị phạt hơn để đánh giá tác động của hình phạt và dừng hoặc đổi hình phạt khi cần thiết.

Một điều cần chú ý trong việc phạt đó là không nên hạ nhục người học, khiến họ mặc cảm hoặc tức giận, là việc không có lợi trong giáo dục. Nên tạo sự dân chủ kể cả trong việc phạt bằng cách lấy ý kiến và thống nhất trước trong những người học những điều không nên làm và những hình phạt tương ứng. Khi phạt thì nhắc lại những điều đã thống nhất này để người bị phạt không cảm thấy mình bị oan cũng như bị áp đặt một hình phạt vô lý.

Tóm lại, chuyện thưởng phạt không phải đơn thuần dựa vào chủ quan của người dạy mà thực sự phải dựa trên sự hiểu biết và thấu cảm người học.

3.3. Giáo dục thông qua tác động vào nhận thức

Đây là phương pháp giáo dục dựa trên việc phân tích lý lẽ để người học hiểu và thay đổi. Phương pháp này thích hợp với người lớn hơn trẻ em, tuy nhiên cũng có thể áp dụng được ở trẻ em nếu sử dụng các hình ảnh, sự việc, câu chuyện cụ thể.

3.4. Giáo dục thông qua tác động vào cảm xúc, tình cảm

Suy nghĩ, hành vi của con người không phải chỉ chịu ảnh hưởng bởi lý lẽ mà còn bởi cảm xúc, tình cảm. Nếu người dạy tạo được ở người học những cảm xúc tình cảm tốt thì hiệu quả giáo dục sẽ tăng lên nhiều. Trẻ càng quý mến, kính trọng, thương yêu người thầy bao nhiêu thì trẻ càng học theo những điều thầy dạy bấy nhiêu.

Đặc biệt trẻ em thích vui đùa, năng động, nên những hoạt động vui tươi như ca hát, trò chơi sẽ lôi cuốn các em. Sử dụng tốt những bài hát, trò chơi giáo dục kể cả các hình thức hơi phức tạp hơn như sắm vai, diễn hoạt cảnh, đóng kịch, nếu được tổ chức sinh động, phù hợp sẽ có tác động rất lớn đến thái độ, hành vi của các em.

4. Giáo dục chủ động/Giáo dục tạo tham gia

Con người không phải là một bộ máy hoàn hảo hễ được truyền kiến thức là có thể nắm bắt và nhớ được hết. Một kết quả kinh điển của các nhà truyền thông học về mức độ nhớ qua các hoạt động truyền thông như sau:

- Chỉ nghe: nhớ được 10%

- Nghe và thấy trực tiếp: nhớ được 50%

- Thực hành: nhớ được 90%

- Tự phát hiện: nhớ 100%.

Ðiều này cho thấy nếu con người chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động thì khả năng nhớ kém hơn rất nhiều lần so với khi chính mình chủ động dự phần vào quá trình khám phá thông tin. Tất nhiên việc tự phát hiện không có nghĩa là bắt người học phải tự mình xoay sở mà là với sự giúp đỡ thích hợp của người dạy để thúc đẩy nhanh việc tự phát hiện thông tin. Hơn thế nữa, như ta biết trong giáo dục ta không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn nhắm đến việc tạo dựng hoặc thay đổi thái độ và cả hành vi của người học. Với mục đích này thì phương pháp tạo sự tham gia lại một lần nữa được chứng minh là có hiệu quả hơn hẳn phương pháp truyền giảng thụ động. Người học càng tham gia nhiều chừng nào thì càng có nhiều khả năng nhớ và thay đổi thái độ, hành vi.

Trong GDCÐ ta có thể thấy người dạy như là họ làm việc rất ít bên cạnh các hoạt động của người học, thực tế dạy theo phương pháp GDCÐ khó hơn rất nhiều lần so với giáo dục thụ động (GDTÐ). Bởi vì GDCÐ không phải là thả lỏng để người học muốn làm gì thì làm mà phải định hướng họ đến mục tiêu cần đạt trong khi vẫn phải đảm bảo sự tự do, chủ động của người học. Ðiều này đòi hỏi người dạy trong GDCÐ phải nắm vững một số nguyên tắc và có một số kỹ năng về một số phương pháp GDCÐ cụ thể.

Một số nguyên tắc về giáo dục chủ động

- Ít người giáo dục chủ động hiệu quả hơn nhiều người

- Cần có sự tương tác giữa các thành viên để kích thích sự suy nghĩ trong đó kích thích từ người dạy đóng một vai trò quan trọng

- Không phải bất cứ điều gì cũng có thể GDCÐ được. Cẩn thận trước một tập thể học viên mà một niềm tin hoặc thái độ nào đó đã ăn sâu vào toàn bộ họ. Cần nhạy cảm, cẩn thận, không nóng vội

- Tìm mọi cách để tạo điều kiện cho người học tự suy nghĩ, nhận xét, hành động

- Ðiều hòa tốt các xung đột giữa người học nếu có. Có thể thống nhất với người học một số nguyên tắc học tập ngay từ đầu: học là để giúp nhau cùng tiến bộ, không có ý kiến của một cá nhân cụ thể mà là ý kiến của người học nói

- Ðiều hòa tốt sự tham gia của mọi người, tránh hiện tượng chỉ một số ít người tham gia còn đa số khác thì thụ động.