Những hiểu lầm không đáng có tiếng anh là gì năm 2024

Trong cuốn tiểu thuyết “Hoàng tử bé” của Saint-Exupéry, cáo đã nói điều này với hoàng tử bé: “Cậu đừng nói gì cả. Vì lời nói là khởi nguồn của sự hiểu lầm.” Thế nhưng cáo lại liến thoắng nói tiếp. Cảnh này mang tính mâu thuẫn và cho thấy rõ tính hai mặt của hội thoại. Đó là bởi phương tiện quan trọng nhất để giao tiếp và hiểu được suy nghĩ của đối phương cũng là lời nói.

Sự hiểu lầm phát sinh không chỉ từ lời nói mà còn từ hành động. Giống như tục ngữ Hàn Quốc “Quạ vừa bay đi thì lê rụng xuống”, dù không có ý đồ khác nhưng đối phương có thể hiểu lầm rằng ấy là hành động có ý đồ. Không có việc nào oan ức và bực mình hơn việc bị hiểu lầm. Tuy nhiên trong cuộc sống, việc bị oan ức thường xuyên xảy ra.

Không một ai có thể truyền đạt 100% suy nghĩ của bản thân cho người khác. Và chúng ta cũng không thể biết được tấm lòng của người khác 100%. Ngay cả trong gia đình vốn tự hào là hiểu rõ về nhau nhất thì sự hiểu lầm vẫn liên tục nảy sinh. Điều giúp vượt qua và khắc phục hiểu lầm thể này chính là sự hiểu. Nếu chúng ta mở rộng phạm vi hiểu và giảm bớt phạm vi hiểu lầm thì con đường thông hiểu sẽ trở nên vững chắc hơn.

Những yếu tố dẫn đến hiểu lầm

① Thái độ coi bản thân là trung tâm

Người cổ đại tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mọi thiên thể đều quay xung quanh trái đất. Vì vậy, Galileo, người ủng hộ thuyết nhật tâm trái ngược với thuyết địa tâm, đã phải đối mặt với sự đàn áp gay gắt vào thời điểm đó. Chủ trương của ông là sự thật, nhưng mọi người chỉ đơn giản là không muốn tin điều đó. Nếu cố chấp với những suy nghĩ coi bản thân là trung tâm như thế này thì chúng ta không thể có được quan điểm đúng đắn. Ngay cả khi trò chuyện, nếu chỉ nói về bản thân một cách phiến diện, tiếp nhận mọi thứ dựa trên giá trị của bản thân hoặc chỉ nghĩ về lập trường của bản thân, chúng ta sẽ không thể hiểu đúng ý định của đối phương và hiểu lầm họ.

② Suy đoán và kết luận ngay lập tức

Một đứa trẻ đang học bài đã bật máy tính lên vì có nội dung cần giải đáp. Nhưng khi đang tìm kiếm trên Internet, đứa trẻ vô tình ấn vào trang trò chơi. Đúng lúc đó, người mẹ vào đưa đồ ăn thấy vậy bèn lớn tiếng mắng mỏ, đứa trẻ tỏ ra khó chịu và giải thích đầu đuôi câu chuyện, nhưng người mẹ nghe ấy như thể lời chống chế mà thôi.

Một người chồng làm việc đến tận khuya, về đến nhà nhưng không thấy vợ ra đón mà chỉ nằm trong phòng thôi. Người chồng thất vọng đến mức nổi cáu. Nhưng hóa ra người vợ mệt mỏi vì phải giặt chăn và dọn dẹp cả ngày.

Nếu vội vàng kết luận chỉ bởi nhìn vào tình huống trước mắt mà không biết chính xác đó là gì thì có thể dễ dàng nảy sinh hiểu lầm. Điều tương tự cũng xảy ra khi người nghe bỏ qua những gì mà người nói đề cập, hoặc tin vào những phỏng đoán của mình như thể ấy mới là sự thật.

③ Định kiến

Có câu chuyện kể rằng một người bị mất chiếc rìu nên đã nghi ngờ hàng xóm của mình, khiến mọi hành động của người hàng xóm ấy đều có vẻ đáng ngờ, nhưng sau khi tìm được chiếc rìu, anh ta đã không còn nghi ngờ chút nào nữa. Khi vẫn còn định kiến, sự hiểu lầm và ngờ vực sẽ hình thành. “Mẹ [hoặc bố] chẳng hiểu gì cả”, “Anh ấy không hiểu điều tôi nói”, “Chao ôi, lại cằn nhằn”… Nếu có những định kiến thể này với gia đình, hãy kiểm tra xem bản thân mình có vấn đề gì không trước khi đổ lỗi cho người khác.

④ Thiếu trò chuyện

Một chương trình hài kịch châm biếm đã từng rất nổi tiếng kể về một gia đình ở tỉnh Kyungsang sống chung dưới một mái nhà nhưng gặp khó khăn trong việc thông hiểu lẫn nhau. Người bố trách móc con trai “Dạo này con đi đâu vậy? Ra ngoài từ tờ mờ sáng đến tối muộn mới mò về. Con làm cái gì ở bên ngoài thế?” Thấy bố nói vậy, người con trai đáp “Con đi học”. Nếu thiếu sự giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình thì ngay cả khi họ thực sự quan tâm và yêu thương nhau, những hiểu lầm không đáng có sẽ nảy sinh và theo đó là những tình huống khiến họ không thể bày tỏ được cảm xúc thật của mình. Đồng thời, đôi bên đều sẽ cảm thấy khó chịu vì đối phương không hiểu cho tấm lòng của mình.

Để đề phòng trước hiểu lầm?

① Hãy nói cụ thể và khách quan

Người anh trở về nhà sau khi tập luyện thể thao, nói rằng hãy mang cho anh nước lạnh, nên em trai lấy nước trong tủ lạnh và đưa cho anh trai. Rồi anh trai đột nhiên nói “Nếu anh nhờ em lấy nước mát thì em nên bỏ ít đá vào chứ!” Nếu nói như thế thì người em sẽ cảm thấy khó chịu dù đã bị sai vặt. Khi xin nước, nếu ngay từ đầu người anh nói “Cho anh nước mát có đá nhé”, thì người em sẽ đưa cho nước mát có đá mà, chẳng phải vậy sao? Khi nói chuyện, truyền đạt ý kiến rõ ràng thì có thể ngăn chặn sự hiểu lầm.

② Hãy lắng nghe lời nói của người khác

Con người có bản chất truyền đạt ý định hoặc mục đích của mình cho người khác hơn là nghiêm túc nghe câu chuyện của người khác. Cho nên có nhiều trường hợp suy nghĩ rằng “Tôi sẽ nói gì?” dù đối phương đang nói. Tuy nhiên người nghe phải nỗ lực lắng nghe ý định của người nói. Chúng ta phải chăm chú lắng nghe lời nói của đối phương và phải có tư thế tiếp nhận lời ấy bằng tấm lòng cởi mở, để đồng cảm với ý nghĩa của lời nói đó.

③ Hãy suy nghĩ trên lập trường của đối phương

Khi người chồng đi làm về và nói rằng mình rất mệt, nếu người vợ nói rằng “Sao ngày nào anh cũng mệt mỏi thế?”, hoặc nếu người vợ nói rằng mình rất mệt mà người chồng lại bảo “Làm việc nhà thì có gì mà mệt…”, thì cả hai sẽ nóng mặt mất thôi. Đối phương có thể đang bị đau ở đâu đó, hoặc có thể có những lo lắng mà không thể nói ra. Khi ấy chúng ta cần dịu dàng hỏi thăm rằng “Anh có mệt lắm không?” “Công việc thế nào rồi?”, “Việc nhà và chăm con có vất vả không em?” Hãy hỏi thăm nhau xem dạo này thế nào. Thế thì sẽ có thể giãi bày tâm tình một cách tự nhiên.

④ Hãy có tấm lòng để hiểu cho đối phương

Suy nghĩ và phương thức biểu đạt của người lớn và trẻ nhỏ, người nam và người nữ là khác nhau. Vì vậy, sự khác biệt trong suy nghĩ của mỗi gia đình gồm cha mẹ và con cái, vợ chồng, anh chị em đôi khi cao ngất như có tường rào ngăn cản. Những lúc như vậy, thay vì phàn nàn rằng không ai hiểu cho tấm lòng của mình, hãy nhận thức sự thật rằng ngay cả các thành viên trong gia đình cũng khác biệt. Việc làm biến hóa đối phương theo khuôn mẫu của mình là suy nghĩ thiếu thận trọng. Nếu nói chuyện bằng tấm lòng muốn hiểu đối phương thì sự hiểu lầm sẽ được giải tỏa.

⑤ Hãy tránh những thái độ có yếu tố gây hiểu lầm

Có lời nói rằng “Chớ sửa mũ dưới gốc cây mận”. Một người qua đường đứng nghỉ ngơi dưới gốc cây mận và giơ tay lên đầu để sửa quai mũ, bị chủ cây mận tình cờ nhìn thấy. Người qua đường chỉ vô tình giơ tay lên thôi nhưng người chủ có thể hiểu lầm rằng người kia đang hái trái, nên lời này có nghĩa là đừng hành động để người khác phải nghi ngờ. Hơn nữa, nếu không phải một người mà là nhiều người đều hiểu lầm về bản thân thì đừng cảm thấy oan ức và hãy nỗ lực để cải thiện.

Nếu cảm thấy đối phương đang hiểu lầm về lời nói của mình thì hãy bình tĩnh giải thích và chỉnh sửa. Vì sự hiểu lầm nhỏ ngày càng sâu sắc thì có thể gây ra những hiểu lầm khác nữa. Sự hiểu lầm thường là cơ hội để có thể hiểu tấm lòng chân thật của nhau. Vì điều đó đóng vai trò xây dựng niềm tin và rút ngắn khoảng cách với nhau, trong khi suy nghĩ rằng tại sao sự hiểu lầm xảy ra và phải giải quyết như thế nào.

Dù cãi vã bắt đầu vì sự hiểu lầm nhưng phải được kết thúc bởi sự thông hiểu. Hãy nhớ các phép tính đơn giản là 5-3=2, 2+2=4. Dù có hiểu lầm, nếu suy nghĩ từ góc nhìn của người khác 3 lần thì chúng ta sẽ hiểu họ, và nếu thêm sự thông hiểu vào sự thông hiểu thì sẽ trở thành tình yêu thương [Trong tiếng Hàn, “hiểu lầm” đồng âm với số 5, “hiểu” đồng âm với số 2, “tình yêu thương” đồng âm với số 4]. Nếu không suy nghĩ đến lập trường của người khác thì không thể hiểu họ được, và nếu không hiểu được thì không thể yêu thương được. Sự hiểu trong tiếng Anh là “understand”, được kết hợp bởi hai từ là “under” [dưới] và “stand” [đứng], có nghĩa là để hiểu thì phải hạ thấp tấm lòng và quan tâm.

Hãy bao bọc gia đình thân yêu, hàng xóm và những người trân quý của chúng ta bằng sự thấu hiểu thay vì đẩy họ ra xa vì những hiểu lầm. Tình yêu thương và hạnh phúc không ở đâu xa mà ở ngay bên trong chúng ta.

Chủ Đề