Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ 1954 1975




Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc Việt Nam kết thúc oanh liệt bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mở ra trang sử mới - non sông thu về một mối, cả nước đi lên xây dựng CNXH. Đánh giá tầm vóc và ý nghĩa thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV [12-1976] khẳng định:Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc[1]. Một trong nguyên nhân làm nên thắng lợi đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong đó, đặc biệt là đường lối của Đảng về tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền - nhân tố quan trọng nhất, quyết định trực tiếp đến thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đặc điểm lớn nhất của cách mạng Việt Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ là đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau: miền Bắc hoàn toàn độc lập, quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Trước tình hình đó, Đảng ta nhận định rằng: nếu trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, việc kết hợp đúng đắn nhiệm vụ chống đế quốc với nhiệm vụ chống phong kiến có tác dụng góp phần quyết định thắng lợi, thì trong thời kỳ mới, việc kết hợp đúng đắn giữa nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước cũng có tác dụng quyết định đến thắng lợi của cách mạng miền Nam. Vì vậy, Đại hội lần thứ III của Đảng tháng 9-1960 xác định đường lối chung của cách mạng Việt Nam: tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng hai miền Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau[2]. Trong hai chiến lược cách mạng đó, cách mạng XHCN ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Còn đồng bào ta ở miền Nam có nhiệm vụ trực tiếp đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng để giải phóng miền Nam. Đồng thời cũng là theo yêu cầu của cả nước, góp phần bảo vệ miền Bắc và tạo điều kiện thuận lợi cho miền Bắc xây dựng CNXH.

Đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng hai miền thể hiện sự trung thành của Đảng ta với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là về tư tưởng cách mạng không ngừng và được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể cách mạng Việt Nam nhằm giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH. Lênin nói: sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ, chúng ta sẽ chiếu đúng theo lực lượng của chúng ta, theo lực lượng của giai cấp vô sản giác ngộ và có tổ chức mà tiến ngay lên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lênin còn khẳng định: chúng ta chỉ có thể nói và chỉ nói một điểm là: chúng ta sẽ dốc toàn lực lượng ra giúp đỡ nông dân thực hiện cách mạng dân chủ để cho chúng ta, chính đảng của giai cấp vô sản chúng ta ngày càng được dễ dàng hơn trong việc chuyển hết sức nhanh sang một nhiệm vụ mới và cao hơn là: cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta nhận định: Trong thời đại ngày nay, khi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không thể tách rời nhau, và ở nước ta, khi giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo cách mạng thì thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng là sự bắt đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự bắt đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, sự bắt đầu của thời kỳ thực hiện nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản. Từ đó, Đảng ta đề ra và giải quyết đúng đắn vị trí, vai trò nhiệm vụ của cách mạng từng miền cũng như mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở hai miền. Đây cũng là sự sáng tạo của Đảng ta trong quá trình nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa hoà bình và cách mạng khi đã trở thành vấn đề lý luận và thực tiễn nóng hổi, trong khi Liên xô và Trung Quốc có khuyên Việt Nam không nên đối đầu với đế quốc Mỹ, vì sợ một đốm hồng lửa sẽ thiêu rụi cả rừng cây và khi chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân tộc đang làm cho tình hình thêm phức tạp! Đường lối trên thể hiện tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo của Đảng ta. Lý luận đó đã được thực tiễn chứng minh, đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền là đúng đắn, sáng tạo. Hai chiến lược cách mạng chẳng những không mâu thuẫn mà còn hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển, đồng thời góp phần làm phong phú lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin về đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng trên phạm vi một nước bị chia cắt và đường lối này chưa có tiền lệ trong lịch sử, chỉ duy nhất được thực hiện ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng ở hai miền cũng là quá trình Đảng ta cụ thể hoá đường lối Đại hội III của Đảng. Trong khi đề ra nhiệm vụ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng không chỉ căn cứ vào tình hình miền Bắc, mà còn căn cứ vào tình hình miền Nam, đề ra những chủ trương không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân miền Bắc, nhân dân miền Nam, mà còn tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của tầng lớp trên ở miền Nam có tinh thần dân tộc, yêu nước, mở rộng mặt trận dân tộc giải phóng và tinh thần quốc tế. Bằng công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội ở miền Bắc trên đà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH, vừa bảo đảm đời sống cho nhân dân miền Bắc, vừa tăng cường lực lượng làm hậu thuẫn và chi viện cho cách mạng miền Nam. Sự gắn bó chặt chẽ giữa cách mạng XHXN ở miền Bắc và cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam làm cho thế và lực của cách mạng cả nước cũng như của miền Nam không ngừng tăng lên. Nhờ vậy, cách mạng miền Nam đã sử dụng được sức mạnh tổng hợp của cả nước để tiến công địch, đánh bại mọi chiến lược, chiến thuật của đế quốc Mỹ và tay sai trong phong trào Đồng khởi, chiến lược chiến tranh đặc biệt, đồng thời minh chứng đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn.

Thấy được mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng hai miền, vào đầu năm 1965, sau thất bại của chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ quyết định đưa quân Mỹ và quân đội một số nước đồng minh của Mỹ cùng một khối lượng lớn vũ khí, thiết bị chiến tranh hiện đại, đô la ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, thời điểm cao nhất là nửa triệu quân Mỹ, trực tiếp tham chiến, thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam; dùng không quân, hải quân mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhằm uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Giới cầm quyền Mỹ từng hò hét đánh gãy xương sống Việt cộng ở miền Nam, đẩy lùi miền Bắc về thời kỳ đồ đá, đưa biên giới nước Mỹ đến vĩ tuyến 17 của Việt Nam, buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà phải ngồi vào bàn đàm phán theo những điều kiện áp đặt của Mỹ. Chính quyền Giôn-xơn chủ trương đưa quân Mỹ vào nhanh và rút ra nhanh, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian ngắn, đè bẹp ý chí giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam!

Chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc chiến tranh lớn nhất, ác liệt nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cuộc chiến này không chỉ đơn thuần là cuộc chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam mà là cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai hình thái kinh tế - xã hội, giữa tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, gây nên tình hình hết sức căng thẳng không chỉ trên bán đảo Đông Dương mà còn đe doạ nghiêm trọng nền hoà bình, an ninh thế giới.

Theo dõi sát diễn biến phức tạp tình hình chiến trường trong nước và trên thế giới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 [3-1965] và Trung ương lần thứ 12 [12-1965] [khóa III] của Đảng đã được triệu tập, nhằm đánh giá tình hình, đề ra nhiệm vụ, quyết tâm để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chung sức đồng lòng quyết chiến đế quốc Mỹ xâm lược. Nội dung của quyết tâm được thể hiện: Kiên quyết đánh thắng đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng hàng đầu của cả dân tộc. Tiếp tục thực hiện hai chiến lược cách mạng ở hai miền, giữ vững thế chiến lược tiến công, kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự, đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược. Phương châm chiến lược là đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời phải tranh thủ giành thắng lợi khi có thời cơ. Quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta không chỉ giành thắng lợi ngay từ đầu trên lý thuyết mà còn trở thành hiện thực hùng hồn, minh chứng sống bằng những trận ra quân đầu tiên của quân và dân cả nước.

Sự gắn bó của cách mạng hai miền đã tạo sức mạnh vô địch trên toàn đất nước. Miền Bắc không chỉ từng bước đối phó và đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mà còn thức cùng miền Nam những đêm không ngũ! Những chàng trai miền Bắc xếp bút nghiên, để lại sau lưng tất cả những gì tốt đẹp nhất của miền Bắc XHCN, lên đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Ở lại hậu phương, nhân dân miền Bắc luôn nêu cao khẩu hiệu thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Vì miền Nam ruột thịt miền bắc làm việc bằng hai hay Xe chưa qua nhà không tiếc... Đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển không chỉ là tuyến vận tải chiến lược mà còn là một căn cứ hậu phương, một chiến trường, một biểu tượng nổi bật của ý chí, trí tuệ và khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam - con đường có một không hai trên thế giới. Miền Bắc còn là cầu nối giữa nhân dân miền Nam với bè bạn năm châu Lòng yêu nước, khát vọng độc lập, thống nhất đất nước đã làm nên những huyền thoại có thật trên đất nước hình chữ S: ngã ba Đồng Lộc, hang Tám cô, Chuông Bồn, Hàm Rồng Điều đó chứng tỏ, miền Bắc đã dốc vào chiến tranh giữ nước và cứu nước toàn bộ sức mạnh của chế độ XHCN và hoàn thành một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Sức mạnh vật chất và tinh thần của hậu phương miền Bắc đã được nhân lên, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Nam. Nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục đã thể hiện vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng trong cuộc chiến đấu kiên cường, dẻo dai, vượt qua mọi thử thách ác liệt, sáng tạo ra nhiều cách đánh đầy uy lực như đồng khởi, vành đai diệt Mỹ, đánh địch bằng hai chân, ba mũi, ba vùng... xứng đáng là Thành đồng của Tổ quốc.

Có Đảng và Bác lãnh đạo, quân và dân miền Nam đã giành thắng lợi oanh liệt ngay trong những trận đầu khi chúng bắt đầu ra quân tìm diệt chủ lực ta ở Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Đất Cuốc, Bầu Bàn... Qua cuộc đọ sức đầu tiên này, quân và dân ta đã phát hiện chỗ yếu cụ thể của bộ binh Mỹ, từng bước đánh bại các cuộc hành quân lớn của chúng trên từng chiến trường. Từ đó, chủ động ra đòn quyết định, giành thắng lợi ngay từ hiệp đầu ra quân. Thắng lợi trên có thể khẳng định, quân ta có thể tiêu diệt hoàn toàn quân viễn chính Mỹ, đè bẹp ảo tưởng xâm lược đế quốc Mỹ.

Mùa khô 1966-1967, ta chủ động mở mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, sau đó đánh bại hoàn toàn cuộc phản công lần thứ 2 của viễn chinh Mỹ. Vào đầu năm 1968, do phát hiện Mỹ-ngụy có nhiều sơ hở ở đô thị và chớp thời cơ khi đế quốc Mỹ đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, ngập ngừng về chiến lược sau khi đã đưa chiến tranh cục bộ lên cao tột đỉnh mà vẫn thất bại, Đảng đã lãnh đạo quân và dân miền Nam tổ chức thành công cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân cực kỳ táo bạo và kiên quyết. Bằng đòn sấm sét, quân ta đã đánh bại một bước nghiêm trọng ý chí xâm lược của địch, tạo một bước ngoặt lớn cho cuộc kháng chiến, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược và xuống thang chiến tranh xâm lược khi quân Mỹ còn rất mạnh [1 triệu 20 vạn quân] viễn chinh và hơn 60.000 quân các nước đánh thuê cho Mỹ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân được ví như một đòn sét đánhđối với bọn trùm xâm lược, làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Giôn xơn phải tuyến bố đơn phương ngừng bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari; không ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2. Đây là sự thừa nhận đầu tiên nhưng đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược chiến tranh cục bộ - chiến lược chiến tranh quan trọng nhất được Mỹ công phu chuẩn bị và đánh giá cao trong chiến lược toàn cầu phản ứng linh hoạt những năm 60 của thế kỷ XX. Âm mưu bẻ gãy xương sống Việt cộng ở miền Nam, đẩy lùi miền Bắc về thời kỳ đồ đá đến đây đã bị phá sản hoàn toàn, mở ra thời kỳ kết hợp đấu tranh chính trị quân sự với đấu tranh ngoại giao của dân tộc ta.

Dù bị thất bại trên chiến trường, nhưng Mỹ luôn chứng tỏ sức mạnh trên bàn đám phán. Trước âm mưu, thủ đoạn của chúng trên bàn bàn đàm phán, buộc Việt Nam phải khuất phục, ký vào Hiệp định do Mỹ soạn thảo, Đảng Công sản Việt Nam lãnh đạo cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến gay go, quyết liệt với hình thức, nội dung, biện pháp đấu tranh vừa đánh, vừa đàm. Miền Bắc vừa tăng gia sản xuất, bảo vệ miền Bắc XHCN vừa chi viện sức người sức của cho tiến tuyến lớn miền Nam với khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Sức mạnh và tính ưu việt của chế độ XHCN ở miền Bắc đã tiếp thêm sức mạnh để nhân dân miền Nam đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào. Thắng lợi của nhân dân miền Bắc 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không và thắng lợi của nhân dân miền Nam đánh bại chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, cộng với, bản lĩnh, trí tuệ tuyệt vời của những bộ óc Việt trên bàn đàm phán, đã buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Paris năm 1973 - tôn trong độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, điều mà đáng lẽ ra chúng đã phải công nhận từ năm 1954!

Hiệp định Pa-ri - mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự thất bại hoàn toàn vai trò của Mỹ ở Việt Nam, tạo ra thế và lực mới để dân tộc Việt Nam quyết tâm chung sức đồng lòng tiến lên đánh cho nguỵ nhào, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đên năm 1974, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch có những biến đổi căn bản, tình hình có lợi cho ta. Bộ Chính trị nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến và quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và năm 1976. Năm 1975 tạo tiền đề, để năm 1976 tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam. Trong khi Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đang họp thì Phuớc Long - tỉnh đầu tiên ở miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Vì vậy, Bộ Chính trị nhận định: Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có đủ điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc[3]. Từ đó hạ quyết tâm: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ở cả hai miền trong thời gian 1975 - 1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện lực lượng, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam[4]. Tây Nguyên được chọn làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975 với trận mở màn là Buôn Ma Thuật. Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đó là chiến dịch Huế-Đà Nẵng, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh. Sài Gòn - Gia Định là huớng tiến công chiến lược chủ yếu cũng là mục tiêu chiến lược cuối cùng của ta.

Chiều ngày 26-4, trận quyết chiến cuối cùng bắt đầu. Đến 11h30 phút ngày 30-4-1975, là cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc dinh Độc lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn!

Ngày 30-4-1975, người dân Sài Gòn nô nức xuốngphố đón chào Đoàn quân Giải phóng.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 chỉ trong 55 ngày đêm, thay vì 2 năm như kế hoạch đã đề ra, thu non sông về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của cả hai chiến lược cách mạng được tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ với nhau và Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa, suốt mười sáu năm qua, luôn luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược. Đó cũng chính là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng và là ngọn cờ bách chiến bách thắng của cách mạng Việt Nam.

Kế thừa và phát huy đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng lên tầm cao mới, tại Đại hội lần thứ V, Đảng ta xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: xây dựng thành công CNXH và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cụ thể Trong khi không một phút lơi lỏng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và nhân dân ta phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội[5]. Đây cũng chính là đường lối của Đảng ta trong suốt quá trình đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện thắng lợi hai chiến lược cách mạng, trước những thay đổi khôn lường của tình hình thế giới, Đảng ta luôn coi trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng, củng cố Đảng là then chốt, nắm bắt đúng xu thế phát triển của thời đại, từng bước tạo thế, lực, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể, tiến hành cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, triệt để, chớp thời cơ đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng, tiếp tục thực hiện mục tiêu lý tưởng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thành tựu của công cuộc đổi mới 25 năm là minh chứng đường lối của Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Hiện nay, các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam bằng Diễn biến hoà bình, bạo lạo lật đổ nhằm phi chính trị hoá trong quân đội, đòi xoá Điều 4 trong Hiến pháp năm 1992, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường sự cảnh giác, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó quân đội và an ninh là lực lượng nòng cốt. Bên cạnh đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, cả nước chung sức đồng lòng dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng, quyết tâm xây nước đất nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phạm Thị Nhung
Trường sĩ quan Lục quân 2


[1] Văn kiện Đảng toàn tập, t.37, Nxb CTQG, H.2002. tr.979. [2] Sđd. tr.916

3, 4.Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, t2, Nxb Sự thật, H.1991, tr178, 184.

[5] VKĐTT, t.43, tr.57

Video liên quan

Chủ Đề