Nhà báo nguyễn hồng lam là ai

- "Cách đây nhiều năm, tại Đắk Lắk có một tội phạm giết người bị tuyên án tử hình. Bữa ăn cuối cùng trước khi ra pháp trường, anh ta không đụng tới mà yêu cầu cán bộ quản giáo gói lại và “gửi giúp” nắm xôi, chiếc đùi gà về cho đứa con gái nhỏ ở nhà".

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam [báo An ninh Thế giới], còn là nhà văn với 7 đầu sách đã được xuất bản. Trong đó có nhiều sách viết về thế giới giang hồ, tội phạm ở Sài Gòn trước kia và TP.HCM hiện nay. Sau loạt bài về tội phạm và giang hồ trên VietNamNet, nhà báo Nguyễn Hồng Lam với tư cách là người đã bỏ nhiều thời gian tìm hiểu các khía cạnh của giới tội phạm đã có cuộc trao đổi với PV.

Nhà báo Hồng Lam: "Đưa tin, viết bài về tội phạm, về vụ án, nhiều nhà báo không ngần ngại chụp ngay cho kẻ phạm tội cái mũ “dã thú, mất hết tính người”. Nếu tỉnh táo và có đầy đủ thông tin hơn, chắc người ta sẽ thận trọng không mấy khi dám gọi kẻ khác như thế!".


- Thưa nhà báo Hồng Lam, tình hình tội phạm tại TP.HCM trong năm qua có diễn biến bùng phát tới mức báo động, nhiều vụ chém người để cướp giật đồ, cướp xe vv…Theo anh, nguyên nhân từ đâu?

Thực ra cướp giật, đâm chém đã có ở trên đất Sài Gòn, và bất cứ nơi đâu, từ lâu chứ không phải nay mới có.

“Bùng phát” mạnh chỉ là vấn đề thời điểm, vì nhiều nguyên nhân. Riêng trong từng năm thì giai đoạn áp Tết luôn được xem như “tháng củ mật”, bọn tội phạm có xu hướng gia tăng hoạt động phạm tội nhằm kiếm tiền…tiêu Tết.

Ngăn chặn, trấn áp mạnh thì chúng bớt lộng hành, lơ là thì chúng sẽ thừa cơ ngóc dậy.

Thế giới giang hồ và tội phạm tồn tại liên tục, lúc mạnh lúc suy chứ chưa khi nào biến mất hoặc đứt đoạn.

Về tính chất, không hẳn tội phạm giai đoạn hiện nay hung hãn, nguy hiểm hơn những giai đoạn trước. Nhưng tính chất manh động thì rõ ràng là đang gia tăng. Chúng ra tay bất cứ lúc nào có cơ hội, hành xử tàn bạo, nhanh chóng và bất chấp hậu quả.

Nguyên nhân chính, theo tôi là do tác động của ma túy. Phần lớn tội phạm cướp giật, giết để cướp đều là con nghiện hoặc là “khách quen” của các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp.

Đang phê thuốc hoặc vã thuốc thì chúng bất cần tính toán, cũng chẳng kiêng dè gì ai. Phải nhìn công bằng, ngoài chuyện lo sợ và luôn tìm cách đối phó với luật pháp, trước đây tội phạm đường phố còn sợ cả “luật giang hồ”, dù bất thành văn.

Từ sau vụ Năm Cam, về cơ bản, tội phạm có tổ chức, có phân chia lãnh địa, ảnh hưởng ở TP.HCM đều đã bị triệt phá.

Đó là điểm rất đáng ghi nhận. Nhưng mặt trái, nó cũng chính là cơ hội để những cá nhân, nhóm tội phạm nhỏ lẻ tự tung tự tác mà không còn sợ bị các ông trùm, đại ca nào đó trừng trị vì xâm phạm “lãnh địa” hay lĩnh vực của các băng nhóm tội phạm khác. Đó là cơ hội cho tội phạm mang tính chất manh động trỗi lên.

- Vậy chúng ta hãy thử nhận diện từng bước. Thưa anh, nhiều người nhận xét rằng, tội phạm ngày nay ít chất “giang hồ” hơn trước đây. Nghĩa là chúng “thực dụng” hơn, miễn sao cướp được tài sản là mục đích cao nhất?

Tôi cho rằng báo chí nói riêng và xã hội nói chung thường lẫn lộn hai khái niệm “giang hồ” và “tội phạm”. Về cấu trúc, tôi nghĩ rằng hai khái niệm này khác nhau rất cơ bản.

Truy nguyên nguồn gốc, “giang hồ” là những người phiên bạt, hành hiệp trượng nghĩa, giúp kẻ yếu, người cô thế giành lại sự công bằng; phô diễn tài năng, hơn thua cao – thấp, chủ yếu về võ nghệ làm niềm vui. Với ý nghĩa đó, “giang hồ” được nhìn nhận như một lối sống, một loại tính cách đẹp…

Một vụ bắt cướp trên đường phố Sài Gòn


Còn tội phạm, đó là loại người thuần túy chỉ nhắm đến lợi ích, lợi nhuận cho riêng bản thân, thủ lợi bằng con đường phạm pháp.

Cái đẹp của “giang hồ” chỉ tồn tại trên sách kiếm hiệp mà đa phần là hư cấu. Theo thời gian, “giang hồ” cũng đã biến chất, tha hóa và dịch chuyển tính chất khái niệm.

Đến nay “giang hồ” được hiểu là thế giới của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, kết bè kết đảng, thủ lợi bằng con đường phạm pháp, nghĩa là đã đích thị trở thành tội phạm!

Giang hồ đúng nghĩa vẫn có những đặc trưng riêng, luật lệ riêng. Ở thời điểm hiện tại, khi nói đến giang hồ là nói đến những tên tội phạm - điều đó đúng, nhưng một tên cướp giật, giết người manh động, một tên móc túi, trộm vặt mà gọi là giang hồ thì chắc chắn là sai.

- Vậy theo anh, “cơ chế” nào hình thành nên “giang hồ”, cơ chế nào hình thành các loại “tội phạm”?

Vắn tắt thế này: giang hồ là một loại tội phạm có tổ chức, chủ yếu hình thành qua việc xác định “lãnh địa” riêng để hoạt động tội phạm - một hình thức sơ khai của kiểu tội phạm mafia.

Nôm na, tất cả mọi người sinh ra đều muốn vượt lên trên chính bản thân mình, luôn khao khát định vị mình trong cuộc đời. Nếu được giáo dục, học hành đầy đủ ở trường học, người ta sẽ trở thành những nhà chuyên môn có ích.

Ngược lại, nếu “tốt nghiệp” trường đời, nhiều khả năng người ta sẽ hóa...giang hồ. Như vậy, giang hồ là một thứ “tay nghề cao”, những “nhà chuyên môn” của xã hội lề phố, đời sống lề phố.

Còn “tội phạm” thì chỉ đơn giản mang tính hành vi cá nhân. Ai có hành vi vi phạm luật pháp, kẻ đó tự biến mình thành tội phạm. Hành vi  đó có thể  được thực hiện đơn lẻ, có thể do nhiều người cùng tham gia, nhưng nó không bị điều chỉnh [trong quá trình phạm tội] bởi các yếu tố cấu trúc, đẳng cấp hay bất kỳ thứ luật nào khác ngoại trừ luật pháp hiện hành.

- Theo tiêu chí trên, Năm Cam có phải là giang hồ không?

Dứt khoát là không! Năm Cam dù là một tên tội phạm sừng sỏ, dù đầy tội ác nhưng vẫn không đáng được gọi là giang hồ.

Điều duy nhất mà Năm Cam làm được, hơn đứt nhiều tên tội phạm khác, là đã mua chuộc được một bộ phận thoái hóa trong bộ máy công quyền ở nhiều cấp.

Với thế mạnh này, từ một tên gá bạc vô danh, Năm Cam đã ngoi dần lên trên từng nấc thang của quyền lực tội ác. Thế nhưng, trước sau Năm Cam vẫn bị giới giang hồ xem như một trùm xã hội đen sừng sỏ chứ không hề là một giang hồ có số.

Lý do đơn giản, trên con đường ngoi lên, Năm Cam thiếu hẳn ba tiêu chuẩn: bản lĩnh cá nhân, cách chơi đúng luật [đen] và ân uy với đàn em...Xét về cấu trúc, trong giang hồ chỉ có quan hệ đàn anh - đàn em [được phân ngôi tùy theo đẳng cấp, trình độ, bản lĩnh chứ không theo tuổi tác], tuyệt nhiên không có quan hệ chủ - tớ.

Với tham vọng biến thành “vua”, Năm Cam đã biến tất cả những kẻ dưới trướng thành đầy tớ khiến chúng chỉ sợ mà phục tùng chứ không nể trọng. Vì thế, Năm Cam chỉ đáng được xem như một tên trùm tội phạm kiểu xã hội đen mà không đáng được coi là “người của giang hồ”.

- Như vậy có phải hiện nay không còn giang hồ mà chỉ có tội phạm?

Ồ, không hẳn. Sau giải phóng, ta không thừa nhận giang hồ nên đã đơn giản hóa nó tới mức tối giản, cứ đồng nhất hết thảy là tội phạm.

Trước năm 1975 đã có hàng loạt nhà văn, đứng đầu là nhà văn nổi tiếng Duyên Anh đã cho ra đời hàng loạt cuốn tiểu thuyết thuộc loại “sách xúi con nít đập lộn”. Nhân vật chính của những cuốn sách này thường là những tên bụi đời, du đãng cộm cán sống ngoài lề phố và bất chấp luật lệ.

Vì mục đích “vị nghệ thuật”, các nhà văn thế hệ này đã đẩy khoảng cách tâm lý đi quá xa, huyền thoại hóa các nhân vật giang hồ, xem tội lỗi, các trận thư hùng của chúng như những chiến tích.

Chịu ảnh hưởng của văn học Phương Tây, kiểu Robin Hood của A.Dumas hay “Thân phận con người” của A.Malraux, những tác giả này đã quá say sưa đề cao chất anh hùng cá nhân của những tên du đãng mà quên mất bản chất đích thực, chúng đích thị là những tên tội phạm.

Trong số đó, cuốn “Điệu ru nước mắt” của Duyên Anh tiêu biểu hơn cả, nhất là khi nó được chuyển thể thành phim “Vết thù trên lưng ngựa hoang” với bản nhạc nền cùng tên nổi tiếng một thời.

Sau Duyên Anh, một loạt ký giả miền Nam hồi đó vẫn mang nặng khuynh hướng huyền thoại hóa. Tuy khai thác người thật, việc thật của một lớp giang hồ như Đại Cathay, Lâm chín ngón, Sơn Đảo...song chủ yếu cũng chỉ khai thác kịch tính của những phi vụ, đẩy các hành động tội phạm của chúng thành một hình thức đối lập, biến những tên tội phạm thành lớp “dân chơi” và “đánh số” chúng theo chuẩn giang hồ chứ không theo những nấc thang đạo đức của xã hội.

Chính chủ nghĩa hiện sinh giai đoạn thoái trào du nhập vào miền Nam, chính sự hỗn loạn của xã hội tiêu thụ sống gấp và chết gấp và ý thức phản kháng thời loạn đã tạo nên khuynh hướng này.

Bản chất giang hồ có bị [hay được] hiểu sai thì cũng không có gì khó hiểu khi chính các ký giả - tác giả với nhân vật giang hồ của họ đều là bạn bè, quen biết nhau và học đòi nhau.

Giữa người nghệ sĩ bế tắc và tên “dân chơi” đập phá ít nhiều cũng có một điểm chung, đó là ý thức bứt phá khỏi các ràng buộc, các định chế của một thứ luật pháp mà họ không tôn trọng; hoặc đơn giản hơn, một ham muốn tự định vị mình.

Bằng cách đó, giang hồ được vẽ nên như một thế giới hỗn loạn trong một xã hội hỗn loạn của một thời đại cũng hỗn loạn nốt.

Nếu không ngăn ngừa khả năng phát sinh tội phạm, sẽ rất khó có một xã hội bình yên.   


- Đã có luồng ý kiến cho rằng, việc ngăn chặn tội phạm hiện nay chỉ mới chú ý xử lý được phần ngọn mà chưa giải quyết triệt để được phần gốc. Để ngăn chặn, hạn chế tối đa tội ác, theo anh phải bắt đầu từ đâu?

Tôi nghĩ, ý kiến trên cũng có phần hơi cực đoan, có lẽ là do tâm lý bức xúc mà ra. Cơ quan chức năng cùng với toàn xã hội đã có rất nhiều chủ trương, biện pháp và hành động cụ thể nhằm loại trừ tội ác, cái xấu ra khỏi đời sống xã hội.

Hiệu quả chưa đạt như mong đợi, có phần bắt nguồn từ kiểu tư duy “nhất thể hóa” mọi thứ vào chung một khái niệm “tội phạm” mà chưa phân định rạch ròi từng nhóm, loại trong vị thế là yếu tố xã hội riêng của chúng.

Tôi xin lỗi, những người làm báo chúng ta thường hay va phải sai lầm này nhất. Đưa tin, viết bài về tội phạm, về vụ án, nhiều nhà báo không ngần ngại chụp ngay cho kẻ phạm tội cái mũ “dã thú, mất hết tính người”. Nếu tỉnh táo và có đầy đủ thông tin hơn, chắc người ta sẽ thận trọng không mấy khi dám gọi kẻ khác như thế.

Cách đây nhiều năm, tại Đắk Lắk có một tội phạm giết người bị tuyên án tử hình. Bữa ăn cuối cùng trước khi ra pháp trường, anh ta không đụng tới mà yêu cầu cán bộ quản giáo gói lại và “gửi giúp” nắm xôi, chiếc đùi gà về cho đứa con gái nhỏ ở nhà.

Anh ta cho biết cho biết, một lần con gái bị ốm, không hiểu sao cứ nằng nặc đòi cha cho ăn đùi gà.

Thương con nhưng không có tiền, người cha đánh liều đi…cướp. Bị nạn nhân chống cự, bị truy đuổi, anh ta phát hoảng, điên cuồng chống lại và giết chết nạn nhân một cách rất tàn bạo, nhưng không thoát được.

Trước giờ dựa cột, anh ta đã khóc vì ăn năn, đau xót, vì tiếc nuối bởi chưa hề có cơ hội mang về cho con trẻ chiếc đùi gà.

Đó là một công dân xấu xa, nhưng là một người cha tốt. Tội ác không thể biện minh, luật pháp không thể dung thứ nhưng động cơ dẫn đến tội ác thì rõ ràng đầy ắp tình phụ tử. Không thể gọi bừa anh ta là “kẻ đã mất hết tính người”.

Ta phải nhận diện đúng bản chất mới có được giải pháp đúng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào không để trong môi trường, xã hội xuất hiện và hình thành hoàn cảnh, điều kiện, cơ hội…đẩy một con người bình thường về phía phạm tội ác.

- Anh có thể nói cụ thể hơn về giới giang hồ, hoạt động tội phạm “kiểu xã hội đen” chẳng hạn?

Ở một tỉnh thành khác, một vùng nông thôn nào đó, nhắc đến “giang hồ” hay “xã hội đen”, một người bình thường hẳn sẽ sởn gai ốc vì xa lạ và sợ hãi.

Ở những đô thị lớn, các vùng bến tàu, bến xe, chợ đầu mối… như tại TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, điều này có vẻ cũng….thường thôi. Người nghèo, dân lao động gần như chạm mặt giới giang hồ, xã hội đen hàng ngày, sống chung với nó mà không hề xa lạ.

Tên bảo kê đi thu hụi chết, kẻ cho vay nặng lãi, đám ma cô chăn dắt gái…trong xóm, phường họ ở chính là giang hồ, xã hội đen đó thôi.

Bình thường, người ta chẳng dại gì “dây vào”. Nhưng trong tình thế quẫn bách, tuyệt vọng mà không thể, không có điều kiện nhận được sự trợ giúp từ chính quyền, xã hội, rất có thể một người lao động bình thường sẽ nghĩ đến xã hội đen, giang hồ như một giải pháp.

Theo khảo sát và tìm hiểu của chúng tôi, tín dụng đen là cánh cửa xô đẩy rất nhiều người dân nghèo, tầng lớn dưới đáy xã hội đi vào con đường phạm tội nhất.

Về “cơ cấu ngành nghề”, nguồn thu của giới giang hồ, xã hội đen tập trung ở ba nhóm chính. Tín dụng đen, cho vay lãi nặng, đó là cách để giang hồ, xã hội đen cướp đoạt của người nghèo.

Bảo kê, thu hụi chết, đó là cách chúng cướp đoạt của người giàu, giới kinh doanh. Cờ bạc, đó là cách giang hồ, xã hội đen tự cướp đoạt lẫn nhau và cướp của những kẻ ngờ nghệch nhưng máu me hơn thua, làm giàu nhanh không thông qua lao động bình thường.

Loại trừ ba mầm mống này, giang hồ và xã hội đen sẽ không có cơ hội tác oai tác quái, tỉ lệ người dân lao động bình thường bị bần cùng hóa, dễ sa chân vào con đường phạm tội chắc chắn sẽ giảm đi nhiều.

Ngân hàng cho người nghèo, các chương trình trợ giúp vốn xã hội cho người nghèo chính là một trong những giải pháp tích cực cho vấn đề này.

Đó là điều mà xã hội, nhà nước đã và đang thực hiện một cách rất có hiệu quả, có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa khả năng phát sinh tội phạm. Phần còn lại mới là công tác trấn áp, trừng trị tội phạm theo luật pháp.

Duy Chiến

[Thực hiện]

Video liên quan

Chủ Đề