Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu cơ tim

Khi cơ thể không cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho cơ tim hoạt động sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim. Hầu hết các trường hợp sẽ được chỉ định dùng thuốc để điều trị và ngăn bệnh tiến triển. Bài viết từ Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn đọc nắm được lưu ý khi sử dụng các loại thuốc này.

Thiếu máu cơ tim là gì?

Thiếu máu cơ tim [bệnh mạch vành tim] là tình trạng mạch vành bị tắc nghẽn, dẫn đến giảm lượng máu đến tim. Từ đó, không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho tim. Bệnh lý này thường bắt nguồn từ việc hình thành các cục máu đông, mảng xơ vữa hay sự co thắt bất thường của mạch vành.

Phân loại bệnh thiếu máu cơ tim

Bệnh được phân thành 2 thể như sau:

1. Thể không đau ngực

Thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi có tiền sử bệnh tim mạch hoặc bị đái tháo đường. Ở thể này, người bệnh không cảm thấy đau ngực. Do đó, thiếu máu cơ tim chỉ được phát hiện khi chẩn đoán bằng điện tâm đồ. Việc khó phát hiện dễ dẫn đến biến chứng nhồi máu cơ tim hoặc tử vong đột ngột với tỷ lệ cao.

2. Thể có đau ngực

Ban đầu triệu chứng chỉ xuất hiện khi người bệnh bị xúc động mạnh hay lao động nặng, về sau ngay cả khi nghỉ ngơi cũng sẽ thấy đau ngực. Người bệnh bị đau vùng ngực trái trước tim, có cảm giác bị đè nén, chèn ép vùng xương ức, cổ, vai kèm cảm giác khó thở, buồn nôn, choáng váng…

Đối với trường hợp này tần suất cơn đau sẽ tăng dần theo thời gian, từ vài tháng một lần đến vài lần trong ngày. Thêm vào đó, thời gian đau sẽ kéo dài từ vài giây đến vài phút. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau nhức. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi và có phác đồ điều trị hợp lí.

Nguyên nhân gây bệnh

Những nguyên nhân chính gồm:

1. Xơ vữa động mạch

Hơn 90% nguyên nhân gây nên thiếu máu cơ tim là do sự tích tụ cholesterol và canxi trong lòng mạch vành. Các mảng bám này dày lên theo thời gian khiến lòng mạch ngày càng xơ cứng, khó dẫn máu đến nuôi tim. Do đó, tim bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng, gây nên sự khó chịu ở ngực.

2. Huyết khối trong lòng mạch vành

Khi các mảng xơ vữa nứt vỡ sẽ tạo thành những cục máu đông gây cản trở dòng máu đến nuôi dưỡng tim. Cục máu đông là nguyên nhân gây ra các cơn đau thắt ngực bất thường và nhồi máu cơ tim.

3. Co thắt vành

Đây cũng là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ, quặn thắt ngực kể cả khi động mạch vành không bị tắc hẹp.

Các loại thuốc điều trị thiếu máu cơ tim thường dùng

Tùy vào tình trạng bệnh của từng người bác sĩ sẽ đưa ra đơn thuốc thích hợp, nhưng căn bản vẫn “có mặt” các loại thuốc sau:

1. Nitrat – nhóm thuốc trị thiếu máu cơ tim phổ biến nhất

Các nitrat giải phóng nhanh có thể ngay lập tức làm giảm cơn đau ngực ở người bị bệnh này nhờ khả năng giãn mạch nhanh chóng để tăng cường máu cho tim. Không những thế, các loại thuốc thuộc nhóm nitrat còn giúp giảm gánh nặng cho tim, giảm nhu cầu của cơ tim về lượng oxy cần cung cấp.

Trong số các loại thuốc trị, nhóm nitrat, Nitroglycerin được dùng nhiều nhất, có thể được bào chế dưới dạng giải phóng nhanh hoặc giải phóng kéo dài. Ngược lại, Isosorbide dinitrate và Isosorbide mononitrate ít được sử dụng hơn bởi chúng ít chuyển hóa tại gan.

Nitroglycerin được sử dụng nhiều nhất để điều trị thiếu máu cơ tim

Bên cạnh việc giúp trị bệnh, nhóm nitrat có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như đỏ bừng mặt, hạ huyết áp tư thế đứng, nhức đầu thoáng qua…

2. Thuốc chẹn beta giao cảm với người bệnh thiếu máu cơ tim

Các loại thuốc trị thiếu máu cơ tim thuộc nhóm chẹn beta giúp tim thư giãn, chậm nhịp tim để giảm nhu cầu oxy của cơ tim, từ đó giúp giảm áp lực cho tim.

Các loại thuốc như metoprolol, propranolol, atenolol,… sẽ được dùng với liều lượng tăng dần cho người bệnh. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ đáng lưu ý như chóng mặt, mệt mỏi, nhịp tim chậm quá mức,… Do đó nên sử dụng với liều lượng hợp lý.

3. Thuốc chẹn kênh canxi điều trị thiếu máu cơ tim

Với khả năng làm giãn mạch máu, thuốc chẹn canxi mang lại hiệu quả tích cực trong việc điều trị bệnh. Các loại thuốc chẹn kênh canxi như amlodipin, nifedipine dành cho người có nhịp tim bình thường. Đối với người có nhịp tim nhanh có thể sử dụng verapamil hay diltiazem.

Tác dụng phụ thường thấy khi sử dụng thuốc chẹn kênh canxi là phù chi. Ngoài ra, có thể bị chóng mặt, táo bón, buồn nôn,…

4. Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin giúp điều trị thiếu máu cơ tim

Không có tác dụng làm giãn mạch và giảm huyết áp như các nhóm thuốc khác, thuốc ức chế men chuyển Angiotensin có khả năng làm giảm biến cố tim mạch ở người bệnh bị đái tháo đường, huyết áp cao….

Một số loại thuốc phổ biến ở nhóm này có thể kể đến như Enalapril, Lisinopril, Perindopril. Các loại thuốc này tương đối an toàn, tuy nhiên cũng có một số ít trường hợp có thể bị ho khan, có vị kim loại trong miệng,…

5. Các loại thuốc phòng chống đau thắt ngực thế hệ mới

Trong trường hợp các loại thuốc nhóm nitrat, chẹn beta, chẹn kênh canxi không đáp ứng tốt cho người bệnh thì có thể dùng thuốc chống đau thắt thế hệ mới. Điển hình của nhóm thuốc này gồm 2 loại:

Ivabradine [Procoralan]

Ivabradine là loại thuốc mới, có thể xoa trên nút xương để làm chậm nhịp tim, giảm đau ngực nhưng không tác động đến huyết áp hay sức cơ tim co bóp. Đặc biệt, loại thuốc này được sử dụng cho bệnh nhân bị co thắt phế quản, hen suyễn – người chống chỉ định của nhóm thuốc chẹn beta.

Khi dùng loại thuốc này có thể gây nên những rối loạn về thị giác. Ngoài ra, thuốc có thể khiến người bệnh bị táo bón, tiêu chảy,… Tuy nhiên, tỉ lệ này rất thấp, không đáng lo ngại.

Trimetazidin

Trimetazidin là loại thuốc trị thiếu máu cơ tim duy nhất không gây ra bất cứ thay đổi về nhịp tim hay đông máu. Thuốc thường ít gây tác dụng phụ, nếu có thì người bệnh sẽ đau đầu, buồn nôn hay chóng mặt.

6. Thuốc phòng huyết khối do thiếu máu cơ tim với thuốc chống đông máu

Các loại thuốc chống đông máu bao gồm aspirin, ticlopidine, warfarin, clopidogrel,… Đây là các loại thuốc chống đông máu được chỉ định dùng trong trường hợp người bệnh có cục máu đông. Các trường hợp bệnh do hậu phẫu thuật, xơ vữa động mạch,… có thể gây nên tình trạng này.

Thuốc chống đông máu nếu sử dụng quá liều trong thời gian dài sẽ gây tác dụng phụ chảy máu quá mức. Các triệu chứng thường gặp là chảy máu chân răng, chảy máu cam, bầm tím dưới da… Khi gặp trường hợp này người bệnh cần báo cho bác sĩ biết để có biện pháp xử lý kịp thời.

7. Chữa thiếu máu cơ tim với các loại thảo dược Đông y

Rất nhiều người quan tâm đến các loại thảo dược điều trị bệnh này.

Để giải đáp thắc mắc này, các bác sĩ chuyên môn lâu năm trong nghề đã trả lời rằng: Ngoài thuốc Tây y, người bệnh có thể dựng dụng thảo dược Đông y để trị bệnh. Có nhiều cây thuốc trị bệnh tim được sử dụng như đan sâm, khổ sâm,…

Đan sâm, hoàng đằng, khổ sâm,… các loại thảo dược này cho hiệu quả làm giảm đau thắt ngực, khó thở, hồi hộp, giảm cholesterol máu,… Nhờ đó có thể hạn chế tối đa việc hình thành các mảng xơ vữa, giúp người bệnh ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Có thể dùng thảo dược Đông y trị thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim không khó chữa như các bệnh lý về tim mạch khác. Do đó, người bệnh nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để bệnh được điều trị tốt nhất. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn phần nào hiểu hơn về các loại thuốc trị bệnh. Ngoài việc hiểu tình trạng bệnh của bản thân, hãy lựa chọn cho mình loại thuốc thích hợp nhé!

Chủ Đề