Nêu giá trị tư tưởng của bản Tuyên ngôn độc lập

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. [Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM.]

[Thanhuytphcm.vn]- Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với quốc dân và thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[1]. Tuyên bố đó đã thể hiện ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó cũng là lời hịch truyền gửi đến muôn đời con cháu mai sau với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

- TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo ngay giữa lòng Hà Nội, tại số nhà 48 phố Hàng Ngang của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Văn kiện quan trọng này được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng, các thành viên Chính phủ lâm thời, trong quần chúng nhân dân và ý kiến tham khảo của A. Patti - đại diện cho quân Đồng minh.

- TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP có 1.120 từ, được sắp xếp trong 49 câu. Đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định chủ quyền quốc gia của một dân tộc và giá trị về quyền con người của người dân một nước độc lập.

- TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc; thể hiện trí tuệ sắc sảo, tư duy lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học, độc đáo và thiên tài của Người.

- Trong phần đầu của bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn hai bản Tuyên ngôn của hai quốc gia lớn, văn minh hàng đầu thế giới là bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của Mỹ và bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” năm 1791 của Cách mạng Pháp. “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[2]; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”[3].

Với lập luận này, Người đi đến khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[4] và “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”[5]. Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc. Và vì thế, mỗi người dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam đều có những quyền chính đáng ấy; không ai có thể tước đoạt được; và nếu bị tước đoạt, cả dân tộc sẽ kiên cường, đoàn kết, kiên trì chiến đấu để giành lại và quyết tâm bảo vệ.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM.

- TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ nhân dân các nước thuộc địa, các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Vì thế, TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP không chỉ gắn liền với Hồ Chí Minh mà còn mở ra thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với hành trình nhân dân Việt Nam kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

- TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do; thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

- TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Việc nâng tầm quyền con người lên thành quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một cống hiến về nguyên lý lý luận của Người vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.

- Trong TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa".

"Về chính trị - Chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào... Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu... Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy... Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu... Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng...”[1]

- Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP về quyền độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam là đòn phủ đầu vào âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam, khẳng định trước công luận: Mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam độc lập là đều vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ. Qua TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc đấu tranh giành tự do độc lập của dân tộc Việt Nam là chính nghĩa. Một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít, dân tộc đó phải được tự do, độc lập và sẽ bằng mọi giá để giữ vững nền độc lập của mình.

- TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP minh chứng cho một sách lược mềm dẻo, linh hoạt về đối ngoại, tinh thần nhân văn cao cả, tính hòa hiếu của một dân tộc “muốn là bạn với các nước”.

- TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP là cột mốc đánh dấu lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP về quyền con người, quyền dân tộc, khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do vẫn trường tồn cùng lịch sử, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

____________________

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, T.4, tr.3.

[2] Sđd, tr.1.

[3] Sđd, tr.1.

[4] Sđd, tr.1.

[5] Sđd, tr.1.

Tin liên quan

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập - tuyên bố với toàn thể đồng bào cả nước và các dân tộc trên thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam mới. Bản Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện khẳng định và kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam từ bao đời, phản ánh tính quốc tế, thời đại sâu sắc.

Cách đây 76 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhân dân ta đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, lập ra chính quyền cách mạng trong cả nước. Ngay sau đó, vào ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, để tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và nhân dân thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam và sự ra đời của một chính thể nhà nước ở Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam, đồng thời mang giá trị quốc tế, thời đại sâu sắc. Đó là văn kiện khẳng định tinh thần, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc. Mặt khác, bản Tuyên ngôn Độc lập đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc của các dân tộc trên thế giới; là ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bản Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam

Trong công cuộc dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam sớm hình thành và hun đúc truyền thống yêu nước nồng nàn. Yêu nước là chuẩn mực cao nhất  trong giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Truyền thống quý báu này luôn gắn kết chặt chẽ với khát vọng được sống trong độc lập, tự do của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, mỗi khi Tổ quốc đứng trước sự đe dọa của giặc ngoại xâm, Nhân dân ta lại đứng lên, kiên cường, bất khuất đánh đuổi bọn xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị. Tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc, không cam chịu ách thống trị của thực dân Pháp, lớp lớp thế hệ người Việt Nam yêu nước đã đứng lên đấu tranh dưới nhiều hình thức để cứu nước, cứu dân. Song các cuộc đấu tranh yêu nước đó cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đều bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Nhưng sự thất bại đó đã không làm nản lòng Nhân dân Việt Nam, mà là những bài học kinh nghiệm quý giá, giúp cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công.

Bản Tuyên ngôn Độc lập chính là văn kiện khẳng định và kết đọng giá trị truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời khẳng định quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc Việt Nam: “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[1].

Với tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm cao của cả dân tộc, trong 30 năm chiến tranh ái quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục kháng chiến đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, có tiềm lực kinh tế và quân sự, kỹ thuật hiện đại hơn chúng ta nhiều lần. Nhân dân Việt Nam đã và sẽ làm hết sức mình để bảo vệ vững chắc độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bản Tuyên ngôn Độc lập - Văn kiện khai sinh ra nước Việt Nam mới; mở ra một kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc

Trước Cách mạng Tháng Tám, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, Nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than, bị tước đi các quyền dân tộc và quyền con người. Thực dân Pháp đã thi hành những chính sách hết sức phản động, cả về chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội, để áp bức bóc lột Nhân dân ta. Đó là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”[2]. Lịch sử dân tộc từ cuối thế kỷ XIX đặt ra yêu cầu bức thiết là phải giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã buộc: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”[3]. Việt Nam từ một xứ thuộc địa, bị xóa tên trên bản đồ thế giới đã giành lại vị thế của một quốc gia độc lập; từ một dân tộc nô lệ, dân tộc ta đã giành lại tự do, giành được quyền hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quyền tự quyết định sự phát triển của mình.

Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “Bản Tuyên ngôn Độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên dân chủ cộng hòa”[4].

Bản Tuyên ngôn Độc lập - Văn kiện đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc

Quyền con người, quyền dân tộc luôn là những vấn đề tác động mạnh đến sự phát triển của nhân loại. Với sự bùng nổ và giành thắng lợi của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản Âu - Mỹ, tư tưởng nhân loại về quyền con người đã có sự phát triển vượt bậc. Thay vì bị định đoạt cuộc sống bởi vương quyền và thần quyền, con người đã ý thức rõ ràng về quyền tự quyết định vận mệnh của chính bản thân, về những quyền thiêng liêng, không ai có thể xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Vì vậy, “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” là mục tiêu phấn đấu, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy cuộc cách mạng xã hội phát triển mạnh mẽ và giành thắng lợi.

Tuy nhiên, trên thực tế, những giá trị cao đẹp đó chỉ giành cho một thiểu số người trong xã hội, mà không phải giành cho đại đa số người dân. Những người dân lao động, chiếm đa số trong xã hội vẫn phải sống nghèo khổ, “vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”[5]. Sang đến nửa sau của thế kỷ XIX, khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” đã bị chủ nghĩa đế quốc làm cho tha hóa, trở thành chiêu bài mị dân để ru ngủ các cuộc đấu tranh của người lao động ở chính quốc và đi xâm chiếm, cướp bóc tàn bạo các thuộc địa.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định không phải chỉ thiểu số người, mà “tất cả mọi người” đều sinh ra bình đẳng và đều được hưởng các quyền thiêng liêng của mỗi con người, nhất là quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Từ chỗ quyền con người chỉ dành cho một thiểu số trở thành quyền dành cho tất cả mọi người, đó thực sự là một đóng góp quan trọng, một bước phát triển lớn về giá trị nhân văn, nhân bản; sự bổ sung, phát triển tư tưởng nhân loại về quyền con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Từ việc bổ sung, phát triển tư tưởng về quyền con người, bản Tuyên ngôn Độc lập đã tiến tới xác lập quyền của cả dân tộc, của tất cả các dân tộc được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc - đó là quyền thiêng liêng của tất cả mọi người, cũng như tất cả các dân tộc. Bởi vì, “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”[6]. Đó là chân lý, là lẽ phải và chính nghĩa không ai chối cãi được. Đây là một đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự phát triển tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Từ khi chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược và cướp bóc ở các nước thuộc địa, vấn đề dân tộc bắt đầu được đặt ra và trở thành một nội dung trọng tâm của thời đại. Cùng với cường độ khai thác, vơ vét thuộc địa ngày càng gia tăng của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, vấn đề này ngày càng đòi hỏi phải được giải quyết một cách cấp thiết. Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ XX, trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, chưa có một quốc gia, dân tộc nào thành công.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga [năm 1917] là dấu mốc vĩ đại đánh dấu sự phát triển nhảy vọt của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đánh giá về Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người”[7]. Người cho rằng, cuộc cách mạng đó không chỉ có ý nghĩa vạch thời đại, mà còn cả ý nghĩa là ngọn cờ tiên phong cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Với thắng lợi của Liên Xô và phe Đồng Minh, sự thất bại của chủ nghĩa phát xít trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Tranh thủ thời cơ vô cùng thuận lợi, học tập gương Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam Tổng khởi nghĩa thành công. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước quốc dân đồng bào đã tuyên bố trước toàn thể Nhân dân Việt Nam và dân tộc trên thế giới về việc Việt Nam thoát ly mối quan hệ với thực dân Pháp, rằng Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập và quyết tâm cao độ của Nhân dân Việt Nam để bảo vệ quyền tự do, độc lập.

Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam mới được khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã góp phần thức tỉnh và cổ vũ, động viên to lớn các dân tộc đang bị áp bức ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ La-tinh, trước hết là các dân tộc trên bán đảo Đông Dương đang bị thực dân Pháp cai trị, vùng dậy đấu tranh giành độc lập, tự do với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Trải qua 76 năm, đất nước Việt Nam và thế giới đã có những thay đổi sâu sắc về mọi mặt, nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 vẫn có sức sống trường tồn và tính thời sự sâu sắc; tư tưởng và nội dung chủ đạo của Tuyên ngôn vẫn mãi soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng, củng cố và giữ gìn độc lập - tự do - hạnh phúc./.

-----------------------------------

Ghi chú:

[1],[2],[3],[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.3, tr.1, tr.3, tr.3.

[4] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, H.1970, tr.110.

[5]  Sđd, tập 2, tr.291.

[7] Sđd, tập 11, tr.159.

ThS Phùng Thanh - Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị

Theo: //tcnn.vn/

Video liên quan

Chủ Đề