Nam, nữ không đăng ký kết hôn và chung sống với nhau như vợ chồng thì

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Trong xã hội hiện nay, tồn tại nhiều cách hiểu về "nam nữ chung sống như vợ chồng". Theo cách hiểu chung nhất nam nữ chung sống như vợ chồng là hành vi của hai bên nam nữ, tuy không phải là vợ chồng nhưng đã ăn ở với nhau và coi nhau là vợ chồng. Họ liên kết với nhau trên cơ sở tự nguyện và không đăng ký kết hôn. Việc kết hôn chỉ có giá trị pháp lý khi hai bên nam nữ tuân thủ các quy định của pháp luật về kết hôn và đăng ký kết hôn. Như vậy, nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì sẽ không được công nhận là vợ chồng trước pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên chung sống vẫn coi nhau là vợ chồng và mọi người xung quanh vẫn cho rằng họ là vợ chồng của nhau.

Xét về bản chất: đây là quan hệ vợ chồng mà quan hệ đó không được xác lập theo thủ tục và trình tự pháp lý nhất định nhưng lại đã và đang tồn tại trên thực tế. Hai bên chung sống với nhau như vợ chồng, thực sự coi nhau là vợ chồng và thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với gia đình và với xã hội. Vì vậy, trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng và hôn nhân có đăng ký kết hôn về bản chất là giống nhau.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 định nghĩa: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”[1]. Xét về đặc điểm, muốn được pháp luật thừa nhận là “chung sống như vợ chồngthì phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, về chủ thể, dựa vào nội hàm khái niệm này có thể hiểu rằng chủ thể của hành vi chung sống như vợ chồng có thể hiểu là giữa nam với nam, nam với nữ hoặc nữ với nữ. Với quy định này, nhà làm luật đã “có ý” thừa nhận chung sống như vợ chồng giữa hai người khác giới tính hoặc cùng giới tính họ đã tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Có thể thấy, đây là một quy định khá tiến bộ tuy không phải là mới so với các nước trên thế giới. Ví dụ, Điều 515 Bộ luật dân sự Pháp thừa nhận việc chung sống giữa những người khác giới và giữa những người cùng giới tính thông qua một loại hợp đồng kết đôi dân sự (PACS). Tương tự, pháp luật Australia cũng thừa nhận thỏa thuận sống chung trong Luật của Khối Thịnh vượng chung về phân chia tài sản đối với các cá nhân chung sống như vợ chồng.

Thứ hai, về điều kiện, hai cá nhân đã “tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Có thể nói, đây là điểm giúp chúng ta phân biệt giữa chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn với trường hợp sống “tạm bợ” với nhau. Nhưng trên thực tế, để đánh giá hai người có coi nhau là vợ chồng hay không là không đơn giản mà phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện, hoàn cảnh sống và tâm lý quan điểm từng người. Vì vậy, pháp luật có những tiêu chí cụ thể để xem xét là chung sống như vợ chồng như: “có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc được người khác hay tổ chức chứng kiến; hoặc họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình”[2].

Nguyên nhân của việc chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn

- Tác động của xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Xu hướng toàn cầu hóa tác động đến hàng loạt các lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… Song song với sự tự do hóa thương mại thì tự do văn hóa cũng được mở rộng và có tác động tới Việt Nam, trong đó có hôn nhân, gia đình truyền thống. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh của công nghệ thông tin, mạng xã hội với hàng trăm các ứng dụng nhu cầu, kể cả nhu cầu làm quen, tìm bạn, tìm người yêu qua mạng… đã tạo điều kiện cho nam nữ tiếp cận nhau nhanh và dễ dàng hơn góp phần đẩy nhanh tình trạng chung sống như vợ chồng.

- Yếu tố chủ quan, khách quan của hai bên nam, nữ. Việc chung sống như vợ chồng có thể diễn ra phụ thuộc vào ý muốn của hai bên: giữa những người phụ nữ và đàn ông đã trải qua một cuộc hôn nhân trước đó. Họ không thấy sự cần thiết của việc đăng ký kết hôn và tự nguyện chung sống hoặc có những trường hợp đủ điều kiện kết hôn, nhưng không đăng ký (họ quan tâm đến lễ cưới theo tập quán hơn là theo đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền…). Việc không thể đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền giữa những người cùng giới tính hoăc giữa người chuyển giới với người khác, giữa những người chuyển giới bởi vi phạm điều kiện về giới tính.

Ảnh hưởng của phong tục tập quán, thủ tục lạc hậu.

Hiện nay đời sống hôn nhân và gia đình của phần lớn người dân tộc thiểu số vẫn bị chi phối sâu sắc bởi phong tục tập quán. Họ chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc đăng ký kết hôn đối với quan hệ vợ chồng. Việc kết hôn của người dân tộc thiểu số chủ yếu theo phong tục, tập quán (có sự chứng kiến của gia đình, cộng đồng và được cộng đồng thừa nhận). Vì vậy, tình trạng chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn còn khá phổ biến ở một số địa phương có đồng bào dân tộc ít người, vùng xa3.

Thực trạng chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn ở nước ta hiện nay

Thực trạng “nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn” là một hiện tượng xã hội đã và đang tồn tại trong xã  hội Việt Nam, hiện nay đang có xu hướng phát triển khá phức tạp cả về số lượng và tính chất quan hệ.

Căn cứ vào số liệu thống kê của TANDTC thông qua báo cáo hàng năm của ngành số vụ án xin ly hôn mà không được công nhận là vợ chồng được thể hiện (Bảng 1).

Bảng 1. Tổng số án xin ly hôn mà Tòa án không công nhận là vợ chồng4

01/10/2006-

30/09/2007

01/10/2007-

30/09/2008

01/10/2008-30/09/20010

01/10/2010-

30/09/2016

Không công nhận là vợ chồng

2.251

2.336

2.455

3.245

Nguồn: Tòa án nhân dân tối cao.

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 của Bộ Tư pháp về công tác hộ tịch trong bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của những trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn trước thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực, trong năm 2016, hầu hết các tỉnh/thành phố trong toàn quốc đã tổ chức rà soát, lập danh sách những trường hợp hôn nhân thực tế tại địa phương, phân loại theo hai đối tượng trước và sau ngày 3/1/1987 (theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 và Nghị định số 77/2001/NĐ-CP). Tính đến ngày 31/12/2016, theo báo cáo của 56 tỉnh/thành phố, tổng cộng 925.753 trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ sau 3/1/1987 đến trước ngày 1/1/2001 (các đối tượng có nghĩa vụ đăng ký kết hôn theo Điểm b, Mục 3 của Nghị quyết số 35/2000/QH10); trong đó các địa phương đã cấp đăng ký kết hôn được 623.489 trường hợp (đạt 68%), còn lại 302.264 trường hợp chưa đăng ký (chiếm 32%). Đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc kết hôn chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán (kết hôn có sự chứng kiến của gia đình, cộng đồng dân cư và được những người này thừa nhận). Vì vậy, tình trạng chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn còn khá phổ biến ở một số địa phương có đồng bào dân tộc ít người, vùng xa. Theo số liệu thống kê của Ủy ban dân tộc: tỉnh Thanh Hóa năm 2004 có hơn 40.101 chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 nhưng không đăng ký kết hôn (đã đăng ký được 33.728 trường hợp), trong đó có 1.298 trường hợp không đủ điều kiện kết hôn. Tỉnh Cao Bằng từ năm 2001-2012, Tòa án đã thụ lý và giải quyết 371 vụ không công nhận là vợ chồng; Tỉnh Lai Châu từ năm 2009-2011 có 722 trường hợp.

Bên cạnh đó, hiện nay ở Việt Nam cũng chưa có một cuộc điều tra nào ước lượng số người đồng tính ở Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), nếu lấy tỷ lệ trung bình 3% được nhiều nhà khoa học thừa nhận, số người đồng tính và song tính trong độ tuổi từ 15-59 ở Việt Nam vào khoảng 1,65 triệu người. Những sức ép từ gia đình, định kiến từ xã hội và sự nghiêm cấm kết hôn của pháp luật hiện hành làm cho người đồng tính gặp trở ngại trong quan hệ. Tuy nhiên, hiện nay cộng đồng người đồng tính sống công khai, có quan hệ tình cảm với nhau ngày càng tăng. Theo kết quả nghiên cứu đồng tính nữ (nghiên cứu trên 2.401 người) năm 2012 của iSEE, có 62% đang có người yêu là nữ và 87% đang hoặc đã từng có người yêu, 92% muốn pháp luật cho kết hôn. Ngày càng có nhiều người đồng tính có nhu cầu sống chung và muốn được pháp luật bảo vệ. Khi sống chung, có nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của các cặp đôi đồng tính như sở hữu tài sản, đầu tư chung hoặc sinh con và nuôi con nên nhu cầu được pháp luật bảo vệ ngày càng tăng6.

Trên thế giới hiện nay, tính đến năm 2016 ở Châu Âu đã có khoảng 17/50 quốc gia pháp luật có công nhận việc chung sống không đăng ký của các cặp đôi cùng giới tính bao gồm: Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Na Uy, Thụy Điển, Ai-xơ-len, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Pháp, Đức, Phần Lan, Anh, Thụy Sĩ, Hung-ga-ri, Áo, Ai-len, Ba Lan, Croatia...Tại cácchâu Phi, Mỹ, Á và Đại Tây Dương có khoảng 11/146 quốc gia trong đó pháp luật có công nhận việc chung sống không đăng ký của các cặp đôi cùng giới tính bao gồm: Ca-na-da, Nam Phi, Ac-hen-ti-na, Niu-di-lân, U-ru-goay, Bra-xin, Ix-ra-en, Úc, Mỹ, Cô-lôm-bia, E-cua-a-đo7

Đánh giá và hướng hoàn thiện pháp luật về những vấn đề liên quan đến chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn theo pháp luật hiện hành

- Hiện nay chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn được chia thành các dạng thức như sau: Chung sống như vợ chồng được pháp luật thừa nhận, chung sống như vợ chồng không được pháp luật thừa nhận và chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Theo Khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn một trong những trường hợp được coi là “Người đang có vợ hoặc có chồng” là người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết8. Kế thừa tinh thn các Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng đã thừa nhận trường hợp chung sống như vợ chồng trước 03/01/1987 mà không đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân của họ vẫn được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

Theo đó, quyền lợi hợp pháp của các bên sẽ được bảo vệ như trường hợp nam nữ kết hôn hợp pháp. Nếu người vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được quyền yêu cầu ly hôn hay nói cách khác người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn9. Đây là một nguyên tắc thể hiện tính nhân văn và tiến bộ trong tư tưởng cũng như bản chất nội dung pháp luật nước ta nói chung và pháp luật về hôn nhân gia đình nói riêng.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 còn ghi nhận quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn khi họ “có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”10. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình chưa đưa ra được quy định như thế nào được hiểu là có “khó khăn về chỗ ở”, bởi về nhu cầu chỗ ăn, ở của mỗi người là khác nhau dễ xảy ra trường hợp dù điều kiện sống như nhau nhưng đối với người này là ổn nhưng đối với người khác thì không ổn. Như vậy, Luật nên quy định rõ ràng hơn “khó khăn về chỗ ở” nhằm tránh được trường hợp một bên lạm dụng quyền này để gây trở ngại, bất tiện, khó xử đối với người kia khi đã ly hôn.

- Về tài sản: Cần khẳng định rằng, việc ưu tiên giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên nam, nữ đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn theo thỏa thuận giữa các bên là rất hợp lý. Theo đó Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định cụ thể như sau: “quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”11.

Tuy nhiên, Luật lại không đề cập đến trường hợp thỏa thuận vô hiệu, trong khi trường hợp giữa các bên không có thỏa thuận và trường hợp giữa các bên có thỏa thuận nhưng thỏa thuận vô hiệu là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Đơn cử, giữa các bên nam, nữ đủ điều kiện kết hôn chung sống như vợ chồng có thỏa thuận với nhau về quan hệ tài sản, nhưng thỏa thuận đó là giả tạo nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì bị xem là thỏa thuận vô hiệu[3].

- Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”. Quy định như vậy không chỉ đảm bảo tính nhân văn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con mà sâu xa hơn còn phù hợp với lẽ công bằng, bảo vệ quyền tài sản của các bên liên quan.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 lần này thừa nhận công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập. Theo đó nội trợ là “lo liệu mọi việc hằng ngày trong sinh hoạt gia đình như cơm nước, giặt giũ, chăm sóc con cái…”12. Rất nhiều người cho rằng công việc nội trợ mà là đơn giản, không quan trọng, thậm chí ăn bám, vô dụng vì không kiếm ra tiền. Nhưng thực tế cho thấy khi xã hội càng hiện đại, vai trò của người nội trợ càng được nâng cao hơn về kiến thức, xã hội, văn hoá, môi trường… Chính vì thế mà chúng ta càng phải trân trọng vai trò của người nội trợ, họ chính là thước đo sức khoẻ và giá trị hạnh phúc của một gia đình. Việc thừa nhận công việc nội trợ lao động có thu nhập nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ trong quá trình chung sống.  

Tuy nhiên, Luật cần hướng dẫn rõ ràng lao động có thu nhập được hiểu như thế nào? Giá trị cụ thể là bao nhiêu hay chăng nên quy định lao động trong gia đình là lao động có giá trị được tính bằng mức tiền công trả cho lao động giúp việc gia đình theo quy định của Bộ luật Lao động. Quy định như vậy sẽ đảm bảo được bình đẳng giới, vừa thể hiện rõ quan điểm về việc bảo đảm quyền lợi cho một bên trong quan hệ vợ chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình chỉ làm nội trợ, thay vì tham gia lao động tạo ra thu nhập trực tiếp. Đồng thời cũng cần giải thích “công việc khác có liên quan” là những công việc gì để áp dụng thống nhất và được đảm bảo pháp lý.

- Về xác định tài sản riêng khi các bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn yêu cầu. Theo nguyên tắc tài sản riêng của ai sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”13.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định “đồ dùng, tư trang cá nhân” là tài sản riêng của vợ, chồng. Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định rõ "đồ dùng, tư trang cá nhân" là gì và giá trị của nó như thế nào? Vì vậy, đồ dùng, tư trang cá nhân thường được hiểu là những tài sản phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của con người (quần áo, giày dép…) và các tài sản phục vụ cho nhu cầu lao động, nghề nghiệp (máy móc, đồ nghề…) hay các tài sản khác mang tính chất kỉ niệm (đồ trang sức, vàng, bạc, đá quý…). Những tài sản này có thể có nguồn gốc phát sinh từ tài sản chung hoặc tài sản riêng của vợ, chồng; trong nhiều trường hợp cũng cần xem xét nguồn gốc và giá trị của tài sản đó so với khối tài sản chung và mức thu nhập thực tế của mỗi người. Trên thực tế đồ dùng, tư trang cá nhân này thường “gắn” với người phụ nữ nhiều hơn do đặc điểm sở thích mua sắm và trưng diện. Nhưng khi xảy ra tranh chấp, việc giải quyết số "vốn liếng" này rất phức tạp, nếu dựa trên nguyên tắc suy đoán tại khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2014 thì có thể coi đó là tài sản chung vợ chồng, nếu ai muốn xác định đó là tài sản riêng của mình thì có nghĩa vụ phải chứng minh. Tuy nhiên Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không quy định “đồ dùng, tư trang cá nhân” là tài sản riêng vậy không có căn cứ xác định đây là tài sản riêng của vợ, chồng. Luật Hôn nhân và Gia đình chưa giải quyết được vướng mắc trên Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không “đả động” tới nên việc giải quyết tranh chấp về tài sản này trên thực tế sẽ vẫn còn tồn tại vướng mắc và khó khăn đặc biệt khi “đồ dùng, tư trang cá nhân” có giá trị lớn.

 

[1] Khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

[2] Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10.

3 Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ngày 16/4/2016

4 Tòa án nhân dân tối cao (2016), Báo cáo tổng kết ngành tòa án 2016, Hà Nội

6 Suy nghĩ về việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Nguyễn Hồng Ngọc , Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội.

8 Khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTPhướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

9 Khoản 3 Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

10 Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

11 Khoản 1 Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

12 http://tratu.soha.vn/dict

13 Khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.