Mua bán thận tại thành phố Hồ chỉ Minh

(PLO)- Các bị cáo từng là nạn nhân của đường dây bán thận chui, sau đó trở thành môi giới kiếm tiền từ việc mua bán thận.

Ngày 5-5, TAND TP.HCM mở phiên xử vụ mua bán bộ phận cơ thể người xuyên quốc gia do Tôn Nữ Thị Huyền (sinh năm 1975) và các đồng phạm thực hiện. Dự kiến phiên xử kéo dài trong hai ngày.

Phạm tội có tính chuyên nghiệp

Trước đó, TAND TP.HCM từng trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề của vụ án. Trong thời gian này, bị cáo Huyền (người chỉ đạo, điều hành đường dây) đã qua đời. Vì vậy, tòa quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Huyền.

Ngoài Huyền, các bị cáo trong vụ án hầu tòa về tội mua bán bộ phận cơ thể người gồm: Đào Đức Hai Việt, Hoàng Đức Tùng, Phạm Quang Cảnh, Huỳnh Linh Tâm, Nguyễn Minh Tâm, Đào Quang Hưng và Huỳnh Kim Ngân.

Mua bán thận tại thành phố Hồ chỉ Minh

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN

Theo cáo buộc, các bị cáo đã câu kết chặt chẽ, phân công vai trò cụ thể của từng người từ việc tìm kiếm người bán thận trên Internet, đưa người đi xét nghiệm ở bệnh viện, nuôi dưỡng người bán thận, đưa người bán thận sang Campuchia và về Việt Nam đến việc thanh toán tiền mua thận.

Các bị cáo phạm tội có tính chuyên nghiệp, gây thương tích hay tổn hại sức khỏe của người khác với tỉ lệ 61% trở lên và với sáu người trở lên theo khoản 3 Điều 154 BLHS có khung hình phạt 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.

Đáng chú ý, trong vụ án này, các bị cáo từng là nạn nhân của đường dây bán thận chui, sau đó trở thành môi giới kiếm tiền từ việc mua bán thận. Theo kết luận giám định, họ là người bị cắt hoặc mất một quả thận, bị tổn thương cơ thể từ 45% đến 50%.

Khi được HĐXX hỏi, bị cáo Cảnh thú nhận bản thân từng là nạn nhân khi đồng ý bán thận. Sau đó, bị cáo biết đến tổ chức mua bán bộ phận cơ thể người qua nhóm trên Facebook.

Từ đó, Cảnh liên hệ giao dịch với bị cáo Tùng rồi được dẫn đi xét nghiệm, lấy mẫu máu. Nghe lời Tùng lôi kéo, Cảnh nhận việc đưa người bán thận đi xét nghiệm với tiền công 2 triệu đồng/người.

Tương tự, bị cáo Huỳnh Linh Tâm thừa nhận hành vi môi giới người bán thận, nhận hoa hồng. Tâm khai: “Với mỗi ca cắt ghép thận thành công, bị cáo nhận 20 triệu đồng. Bị cáo dẫn mối 15 người bán thận, trong đó có 5-6 ca cắt ghép thận thành công”.

Tại tòa, nhiều bị hại nói rằng đã bán một quả thận. Trong đó, có người đã nhận đủ 210 triệu đồng, có người chỉ mới được tạm ứng 18-60 triệu đồng và đi bán thận là do khó khăn.

Đưa người sang Campuchia bán thận với giá 15.000-17.000 USD

Theo hồ sơ, Huyền làm nghề bán vải tại quận Phú Nhuận, TP.HCM từ năm 2007. Năm 2009, Huyền đi ghép thận tại Trung Quốc, quen biết với Đào Thành Nhân (người Việt, chưa rõ lai lịch) sinh sống tại Campuchia.

Cuối năm 2016, Huyền sang Campuchia và được Nhân giao việc mua bán thận với một bác sĩ tên Trần (người Singapore) làm việc tại bệnh viện quân đội ở Phnôm Pênh.

Trần nói Huyền về Việt Nam tìm người bán thận đưa sang Campuchia để ghép thận cho người có nhu cầu với giá 15.000-17.000 USD. Trần hướng dẫn Huyền cách tuyển chọn người và phương pháp làm các xét nghiệm kiểm tra đối chiếu chéo.

Đến đầu tháng 4-2017, Việt sang Campuchia bán thận cho Huyền, từ đó quen biết nhau. Sau khi trở về nước, Việt tham gia cùng Huyền tổ chức việc mua bán thận và được giao nhiệm vụ lên Facebook tìm kiếm người bán thận, đi làm các xét nghiệm. Huyền trả công cho Việt 15-25 triệu đồng/quả thận nếu phẫu thuật ghép thận thành công.

Ngoài ra, Huyền còn giao cho Việt đưa người bán thận mà Huyền tìm được đi làm các xét nghiệm và các mẫu xét nghiệm do Huyền đưa để đối chiếu chéo và lấy kết quả đưa lại với tiền công 1-3 triệu đồng.

Sau đó, Hưng cũng sang Campuchia bán thận và quen biết với Huyền. Việt cùng Hưng đã môi giới các bị cáo còn lại… bán thận cho Huyền. Từ đó, những người này cũng tham gia tìm kiếm người có nhu cầu bán thận môi giới cho Huyền.

Thông qua mạng xã hội, nhóm này đã tìm được và đưa những người bán thận đến các bệnh viện tiến hành các xét nghiệm theo hướng dẫn trước đó của Trần, Huyền.

Khi có kết quả, nhóm chụp hình ảnh thông tin về người bán thận gửi qua phần mềm cho Huyền, Huyền chuyển cho BS Trần… Nếu các chỉ số xét nghiệm giữa người ghép thận và người bán thận phù hợp với nhau, Huyền tổ chức đưa những người này sang Campuchia làm phẫu thuật cắt bán thận.

Khi đến Campuchia, Huyền đưa những người này đến thủ đô, tập trung tại một khu vực. Mỗi ngày, Huyền sẽ tổ chức đưa hai người vào bệnh viện quân đội để phẫu thuật cắt thận. Xong việc, người bán thận sẽ được nghỉ dưỡng tại bệnh viện 12 ngày, đưa về nước và được trả 200-210 triệu đồng.

Cơ quan điều tra xác định từ năm 2017 đến 2019, nhóm Huyền đã tìm kiếm hơn 100 người bán thận và đã đưa 20 người sang Campuchia cấy ghép thận thành công.

Huyền thu lợi 1,4 tỉ đồng nhờ những phi vụ mua, bán thận trót lọt như vậy. Còn Việt môi giới tám người bán thận rồi nhận 150 triệu đồng. Ngân giúp Huyền đưa năm người bán thận đi xét nghiệm, nhận tiền công 30 triệu đồng.

Thâm nhập “thị trường” này trong vai người bán thận, chúng tôi mới nhận ra, việc bán thận chỉ đơn giản như bán một chiếc xe máy.

Thủ tục nhanh gọn

Trong vai đôi vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn, phải bán thận vì cần tiền gấp, chúng tôi đã liên lạc được với nhiều tay trung gian để tìm hiểu quy trình mua bán này.

Khi bày tỏ lo lắng về sức khỏe sau khi bán thận, một trung gian tên Ly - chuyên “thu mua” thận ở TP.Huế - khẳng định ngay: “Với vết mổ hiến thận, anh chị yên tâm, một năm sau vẫn sinh đẻ bình thường. Sau này anh chị vào bệnh viện, bác sĩ trưởng khoa cũng sẽ tư vấn như vậy. Hơn nữa, sau khi hiến xong, mình sẽ có bảo hiểm y tế trọn đời, chi trả 100% luôn”.

Ly cũng quảng cáo thêm rằng, do hiến ở Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện của Nhà nước nên bảo hiểm trọn đời này có giá trị toàn quốc: “Đi đâu cũng dùng được hết, bảo hiểm đến khi chết thì thôi, nhưng cái này chỉ mình được hưởng chứ không được ủy quyền cho ai hết”.

Trung gian này cho biết, nếu đồng ý, có thể khám sức khỏe tại các phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện, nhưng nên khám ở phòng khám để có kết quả nhanh hơn. Người hiến trước tiên phải làm các xét nghiệm nhóm máu, viêm gan siêu vi B, C và siêu âm ổ bụng, khi có kết quả thì gửi cho Ly để xem xét khả năng.

Sau đó, Ly sẽ mua vé ô tô cho người hiến vào Huế để tiếp tục làm xét nghiệm lần nữa tại bệnh viện, khi đó mới có thể khẳng định là hiến được hay không.

Ly nói: “Chị nhóm máu O nên dễ hiến, anh nhóm máu A thì phải đợi sang năm. Giá thận em có thể trả cho chị là 230 triệu đồng, đó là chưa tính tiền bồi dưỡng. Anh chị hiến xong, người nhận có thể trả thêm 20-50 triệu đồng, tùy theo họ có nhiều hay ít. Em sẽ mua vé cho chị vào trước, nếu hiến được thì khi nào cần ký giấy tờ pháp lý, em sẽ gửi vé cho anh vào”.

“Có tăng tiền lên được không, anh thấy người ta bán được 280 triệu đồng/quả, vợ chồng anh đang cần tiền quá. Anh muốn ứng trước tiền để tiêu tết thì sao?” - chúng tôi hỏi. Ly quả quyết: “Em chỉ có thể ứng trước cho anh chị 15-20 triệu tiêu tết.

Chỗ em còn có hơn 30 người đang chờ, gần tết ai cũng đòi ứng tiền, mà ứng nhiều hơn thì em không đáp ứng được. Còn giá thận thì tùy người nhận, họ bồi dưỡng nhiều thì mình được nhiều thôi, nhưng bên em thấp nhất là 20 triệu. Chị yên tâm là sẽ cầm đủ 230 triệu, không tốn thêm, tất cả chi phí khác bên em lo”.

Mua bán thận tại thành phố Hồ chỉ Minh

Tang vật do cơ quan chức năng thu giữ khi phá một đường dây mua bán thận tại TP.Hà Nội.

Sau đó, Ly hướng dẫn chúng tôi chuẩn bị các giấy tờ pháp lý như sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận dân sự có dán ảnh và bản sao giấy khai sinh. Khi nghe chúng tôi nói đã có hai con nhỏ, Ly yêu cầu chúng tôi phải mang theo giấy khai sinh của các con.

Đáng nói, trong quá trình tư vấn, khi thấy chúng tôi vẫn còn “lăn tăn” về việc có ảnh hưởng sức khỏe sau khi hiến thận hay không, Ly đã thuyết phục một cách thiếu hiểu biết rằng: “Anh chị yên tâm là không ảnh hưởng sức khỏe, mỗi người có hai quả thận, lúc bình thường thì có một quả hoạt động thôi. Bác sĩ sẽ cắt quả không hoạt động nên không ảnh hưởng về sau”.

Chốt lại câu chuyện, để chúng tôi thêm yên tâm, đối tượng này còn khẳng định: “Mình làm tại Bệnh viện Trung ương Huế còn được cấp bảo hiểm, nên anh chị yên tâm. Ở Việt Nam, không có chỗ làm chui đâu, làm chui là chết đó”.

Mặc dù cho rằng trong đường dây của mình có 30 người đang chờ hiến thận, nhưng chỉ một ngày sau, Ly liên tục gọi điện cho chúng tôi, giục khám sức khỏe và gửi giấy tờ vào. “Anh đưa chị đi khám luôn đi, rồi gửi giấy cho em. Xong rồi em gửi vé ra, thứ Bảy này chị vào Huế, thứ Hai em dẫn đi viện khám lần nữa, nếu ổn là ra tết, anh chị có tiền” - Ly thúc giục.

Làm giả giấy tờ để “hiến”

Khác với Ly, một tay trung gian khác tên Định khẳng định, hiến ở TP.Hà Nội hay ở Huế là tùy người hiến, nhưng nếu người hiến vào trong Huế thì tiền bồi dưỡng sẽ cao hơn.

Định thuyết phục: “Em hiến ở Hà Nội thì 200 triệu, còn ở Huế thì 220 triệu, ngoài ra, còn có tiền bồi dưỡng. Bên anh toàn tiến sĩ, bác sĩ cao cấp họ làm. Bọn anh làm là làm tại bệnh viện trung ương, nên em yên tâm. Em hiến một quả, nó không ảnh hưởng gì sức khỏe đâu. Giờ anh đang ngồi với mấy người, đều là người hiến cả, anh cũng là người từng hiến nên mới làm nghề này chứ em. Anh hiến được 4 năm rồi vẫn khỏe, làm việc bình thường”.

Đối tượng này cũng cho rằng, nữ thì dễ hiến hơn nam bởi sau đó không ăn nhậu, thuốc lá nên sức khỏe tốt hơn. Phải mất khoảng 3-4 tháng mới xong các thủ tục, giấy tờ. Cũng giống như đường dây của Ly, Định cho biết, chỉ có thể ứng trước 15 - 20 triệu đồng sau khi xong thủ tục pháp lý bởi “giá chung là thế rồi”.

Hiến thận nhanh hay chậm, ngoài việc sức khỏe của người hiến có đảm bảo hay không, còn liên quan đến bệnh viện, người nhận. “Có người 2 tháng nhưng cũng có người chỉ 20 ngày. Không ai hứa trước được việc này, vì nó phụ thuộc nhiều thứ. Khi em đủ điều kiện hiến thì chi phí đi lại anh lo, bên anh cũng sắp xếp người chăm sóc em sau khi phẫu thuật” - Định nói.

Qua tìm hiểu và xác minh một số đối tượng cò mồi nội tạng, chúng tôi nhận thấy, việc hoàn thành thủ tục pháp lý và người ký bảo lãnh hiến tạng cũng có thể “lách” được. Một cò mồi cho biết, việc lách luật sẽ khiến giá thận giảm nhưng đảm bảo cho một số người cần tiền, giấu gia đình đi hiến thận.

Các đối tượng này sẽ làm giả giấy đăng ký kết hôn, sau đó cùng người hiến đến khám tại bệnh viện. Trước khi phẫu thuật, chính các đối tượng cò mồi sẽ là người ký giấy bảo lãnh cho người hiến.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, trong đơn tự nguyện hiến thận của chị Trần Thị T.H. - sinh năm 1988, trú tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - có xác nhận của Trần D.M. - sinh năm 1979, trú tại xã C.V, H.Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - được cho là chồng của chị H.

“Vợ chồng” M. gửi kèm bệnh viện bản sao đã công chứng giấy chứng nhận kết hôn ngày 25/12/2017. Qua xác minh của chúng tôi, Trần D.M. thường trú tại xã trên trong sổ đăng ký kết hôn và hồ sơ lưu trữ năm 2017 của cán bộ hộ tịch xã, không có cặp đôi H. và M. trong số 65 cặp đã đăng ký.

Qua xác minh, giấy chứng minh nhân dân của Trần Thị T.H. cũng không phải do Công an tỉnh Nghệ An cấp như trong hồ sơ hiến thận của họ. Đặc biệt, khi chúng tôi tra số điện thoại của Trần D.M. trên mạng thì M. “hiện nguyên hình” là một tay cò thận, hoạt động từ năm 2014.

Cũng trong quá trình trao đổi với các đối tượng trung gian mua bán thận, khi nhắc đến từ “bán thận”, các đối tượng này đều “chỉnh” ngay lại là “hiến thận”. “Hiến thận chứ, nói bán thận, công an bắt bọn em đấy” - một tay “cò thận” vừa cười vừa nói.

An Vũ - Uông Ngọc