Ai cũng biết rằng, hình dáng của thai nhi là do gen quy định. Điều đó tất nhiên là đúng nhưng chưa đủ! Chính chế độ chăm sóc và dinh dưỡng trong thai kỳ cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến ngoại hình em bé. Nếu mẹ bầu muốn con sinh ra được lành lặn, xinh đẹp thì dứt khoát phải tránh xa những điều sau đây. 1. Tại mẹ mà con bị hở hàm ếch Lí do lớn tạo nên dị tật hở hàm ếch không phải do gen như nhiều người vẫn tưởng. Việc bà bầu không quan tâm đến bữa ăn, chủ quan trong việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết là một trong những dẫn đến hở hàm ếch ở thai nhi. Theo một số chuyên gia dinh dưỡng, trong quá trình mang thai mẹ ăn uống sơ sài, đặc biệt là chế độ ăn không đủ vitamin A và a-xít folic sẽ dẫn đến trẻ khi sinh ra có nguy cơ bị dị tật hở hàm ếch. Chính vì vậy, để bé chào đời được hoàn toàn khỏe mạnh, mẹ bầu nên có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo đầy đủ những thực phẩm giàu vitamin A và a xít folic như dầu gấc, cá hồi, trái cây họ cam quýt, thịt bò, cà chua … Đặc biệt, nếu mẹ bầu sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, thai nhi không chỉ có khả năng bị hở hàm ếch mà còn phải đối mặt với nhiều loại dị tật khác. Trong thời gian mang thai, mẹ bầu hãy thận trọng trước khi quyết định dùng bất kì loại thuốc nào nhé. Chú ý, trước và trong khi mang thai, mẹ bầu cần thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho cả mẹ và bé nhé. 2. Tại mẹ mà con bị thiếu...ngón tay Nhiều người đã vô cùng sửng sốt trước vụ việc một em bé sinh ra với bàn tay phải dị tật bẩm sinh không có ngón. Khi hỏi người mẹ về thói quen sinh hoạt của gia đình, chị cho biết nhà chị có nuôi khá nhiều mèo và chị thường xuyên chơi với chúng cũng như dọn dẹp chuồng cho mèo. Các bác sĩ cho rằng, trong phân chó, mèo, lông mèo có chứa vi khuẩn Toxoplasmosis, nếu thai phụ bị nhiễm vi khuẩn này trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ làm 40% thai nhi bị dị tật, trong đó 15% bị dị tật nặng. Những dị tật thường gặp là điếc, đầu nhỏ và chậm phát triển... Tốt nhất, tất cả các mẹ bầu không nên nuôi chó, mèo hoặc tiếp xúc với chúng trong suốt thai kì. 3. Tại mẹ mà con bị bớt, chàm Các mẹ có biết rằng, nguyên nhân chính tạo nên vết bớt, chàm là do sự tích lũy sắc tố tại lớp hạ bì, gây ra các vùng da có màu nâu xám, vàng, xanh hoặc đỏ… Nếu trong quá trình mang thai, người mẹ thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, độc hại đặc biệt là nguồn nước bẩn sẽ làm tăng nguy cơ tích tụ sắc tố dính trên da bé, nên khi ra đời con sẽ có vết chàm. Nghiên cứu khoa học còn cho thấy rằng, tâm trạng của bà bầu còn ảnh hưởng đến sự bài tiết các hormon. Nếu mẹ thường xuyên căng thẳng, buồn bã trong thai kỳ sẽ khiến sự trao đổi chất bị tác động, làm tăng sắc tố tích tụ trên da của trẻ. Ngoài ra, việc mẹ ăn các loại thực phẩm bị ngâm kích thích tăng trưởng hoặc phân bón (nhất là hoa quả trái mùa) sẽ ảnh hưởng tới sự cân bằng nội tiết trong cơ thể, khiến sắc tố hình thành trên da của thai nhi tăng cao, gây ra các vết chàm.