Mật rắn có tốt không

Rượu rắn được cho là một loại rượu thuốc sử dụng xác rắn ngâm trong rượu có nồng độ cồn cao. Loài rắn được sử dụng để ngâm rượu đa số là loài có độc. Rượu rắn được tin là có tác dụng bổ dương, chữa phong tê thấp… Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, người uống rất có thể sẽ bị ngộ độc rượu rắn. 

Tác dụng của rượu rắn theo kinh nghiệm dân gian

Theo đông y, thịt rắn có tính ôn, vị ngọt và mặn, quy kinh can, có tác dụng tiêu độc, giảm đau, trừ phong thấp… Mật rắn có vị ngọt, không đắng như mật của các loài động vật khác, có tác dụng giảm ho, giảm đau nhức, chống viêm. Vì lẽ đó nên rắn thường được sử dụng để ngâm rượu theo 2 cách: Cắt khúc, sấy khô rồi ngâm rượu hoặc để nguyên con ngâm rượu. 

Rắn dùng ngâm rượu thường là loài có độc

Để tăng thêm hiệu quả, nhiều người còn ngâm rắn với các vị thuốc với công dụng khác nhau như:

  • Ngâm với cẩu tích, thiên niên kiện, hà thủ ô, ngũ gia bì để chữa đau nhức xương khớp, tê thấp, đau lưng.
  • Ngâm cùng kê huyết đằng, huyết giác để tăng cường lưu thông máu và bổ máu. 
  • Ngâm cùng tiểu hồi, trần bì để có tác dụng giảm đầy bụng, khó tiêu. 

Rượu rắn được cho là đã xuất hiện từ năm 771 trước công nguyên [ở thời Tây Chu]. Người ta thường dùng rắn độc, 3 loại [tam xà] hoặc 5 loại [ngũ xà] để ngâm rượu. Có lẽ đây là nguyên nhân dẫn đến các trường hợp ngộ độc rượu rắn đáng tiếc. 

Dân gian cho rằng, rượu rắn có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lý ở nam giới. Loại rượu này cũng có tác dụng giảm đau và chữa phong tê thấp. Nhưng thực hư việc rượu rắn có giúp cải thiện khả năng sinh lý hay không vẫn còn là một câu hỏi và mối hoài nghi lớn. 

Nguyên nhân gây ngộ độc rượu rắn

Nhiều người vẫn cho rằng rượu rắn là một loại rượu vừa bổ, vừa quý. Nhưng thực tế, đã có không ít trường hợp ngộ độc rượu ngâm từ rắn. Nguyên nhân gây ngộ độc là gì?

Ngâm rắn nguyên con

Ngâm toàn tính là cách ngâm để nguyên con rắn tươi sống vào ngâm rượu. Khi đó, phần nọc rắn [nằm ở hai bên bành, sát cổ] vẫn còn nguyên. Sau một thời gian ngâm, nọc rắn hòa tan vào rượu. Dù chỉ uống một lượng nhỏ loại rượu này cũng có thể bị ngộ độc, thậm chí có nguy cơ tử vong. 

Theo các chuyên gia, rượu rắn không bổ như nhiều người vẫn nghĩ

Ngâm rắn ngâm với thành phần không rõ ràng

Nhiều người ngâm rượu rắn cùng các vị thuốc khác để tăng hương vị và công dụng. Nhưng không phải sự kết hợp nào cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe. Thực tế đã có trường hợp tử vong do uống rượu rắn hổ mang ngâm bào ngư. Thịt rắn và bào ngư là hai nguyên liệu tưởng là “đại bổ” nhưng kết hợp với nhau lại trở thành mối nguy hại.

Uống quá liều

Uống rượu quá liều vốn đã không tốt và là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rượu cấp. Uống rượu rắn quá liều càng nguy hại cho sức khỏe. Theo kinh nghiệm dân gian, rượu rắn mỗi lần chỉ nên uống 1 - 2 chén nhỏ. Không nên uống quá 25ml mỗi ngày, và mỗi đợt uống rượu rắn không nên lâu hơn 10 ngày. 

Ăn thực phẩm kỵ rắn

Ngộ độc rượu rắn cũng có thể do nạn nhân uống rượu cùng lúc ăn các thực phẩm kỵ với rắn. Kinh nghiệm dân gian cho rằng, nếu ăn củ cải cùng thịt rắn sẽ dễ bị nôn mửa, đau bụng.

Nhiễm ký sinh trùng

Nhiễm ký sinh trùng khi uống rượu tiết rắn cũng là nguyên nhân gây ngộ độc. Nhiều người pha rượu với tiết rắn và mật rắn tươi để uống. Rất có thể trong máu rắn có ký sinh trùng, sẽ xâm nhập và gây hại cơ thể con người. 

Uống rượu ngâm chưa đủ ngày

Theo kinh nghiệm dân gian, rượu rắn nếu chưa ngâm ít nhất 100 ngày, chưa được hạ thổ thì chưa nên uống. Khi đó, độc trong nọc rắn đã được dung hòa và giảm bớt độc tố sẽ giảm nguy cơ ngộ độc cho người khỏe mạnh. Với người thận yếu, gan yếu, nguy cơ ngộ độc sẽ cao hơn. 

Uống loại rượu rắn dùng bôi ngoài da

Rượu rắn có nhiều loại, có những loại chỉ được dùng để bôi ngoài da. Nếu uống loại này sẽ bị ngộ độc. Nếu người uống không hiểu rõ thứ rượu mình định uống thuộc loại gì sẽ tự “chuốc họa vào thân”. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rượu rắn 

Biểu hiện ngộ độc rượu rắn

Người bị ngộ độc do uống phải chất độc của rắn thường có những biểu hiện như:

  • Buồn nôn và nôn ói nhiều, có thể xuất hiện kèm tiêu chảy. Tình trạng này gây mất nước và thiếu điện giải nghiêm trọng.
  • Thở khò khè, khó khăn giống như người bị bệnh hen, có thể suy hô hấp.
  • Hoa mắt, chóng mặt, bị nặng có thể ngất hoặc lú lẫn.
  • Chân và tay tê, khó vận động. Cấp cứu muộn có thể liệt chi.
  • Buồn ngủ và mệt mỏi cao độ, cảm giác muốn ngất xỉu.
  • Nhịp tim rối loạn, có thể dẫn đến tử vong.

Ngộ độc rượu rắn cần làm gì?

Ngộ độc rượu rắn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy khi uống rượu rắn bị ngộ độc cần làm gì? Cách chữa ngộ độc rượu tốt nhất là gọi cấp cứu hoặc đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất. Trong thời gian chờ đợi, người nhà có thể sơ cứu bằng cách kích thích nôn để nạn nhân nôn ói phần rượu đã uống vào dạ dày. 

Cấp cứu kịp thời giúp người bị ngộ độc rượu rắn qua cơn nguy kịch

Nhưng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Để tránh nguy cơ ngộ độc đáng tiếc, việc đầu tiên là phải tìm hiểu kĩ một số vấn đề như sau:

Những đối tượng không được sử dụng rượu rắn:

  • Phụ nữ đang trong thai kỳ và đang nuôi con bằng sữa mẹ 
  • Trẻ em không được dùng, người dưới 45 tuổi chưa có gia đình không nên dùng
  • Người bị bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận, huyết áp cao không nên dùng rượu rắn
  • Những người bị dị ứng với rượu nặng [nồng độ cồn 40 độ]

Những lưu ý khi ngâm rượu rắn:

  • Không tự ý ngâm rượu cùng các thành phần khác.
  • Không nên ngâm nguyên con vì nhiều loài rắn cực độc. Ngoài ra, rắn có thể “ngủ đông” trong quá trình ngâm, sau đó vẫn sống lại bình thường. Đã có không ít trường hợp rắn được ngâm sống lại cắn người. 

Khi uống rượu rắn cần đặc biệt lưu ý:

  • Không dùng rượu rắn cùng củ cải.
  • Không uống rượu pha mật rắn và tiết rắn.
  • Uống nhiều và liên tục rượu rắn dễ dẫn đến liệt dương, thậm chí có trường hợp liệt vĩnh viễn.
  • Nên tìm hiểu rõ nguồn gốc, thành phần của rượu rắn trước khi uống.

Thực tế, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh những công dụng được “thần thánh hóa” của rượu rắn ngâm. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không nên coi rượu rắn là một loại rượu thuốc bổ. Những gia đình có rượu rắn ngâm càng không nên dùng nó để thiết đãi khách. 

Đã có không ít trường hợp ngộ độc rượu rắn dẫn đến tổn hại lâu dài về sức khỏe. Cũng không ít trường hợp tử vong vì uống rượu rắn. Mỗi chúng ta nên tìm hiểu kỹ trước khi ngâm hoặc uống bất kỳ loại rượu nào để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh. 

Chủ Đề