Mạnh thường quân và nhà hảo tâm

Chúng ta thường hay gọi các nhà từ thiện, những người hảo tâm là các "Mạnh Thường Quân". Nhưng không phải ai cũng biết vì sao lại dùng cụm từ đó. Có người lại nghĩ rằng đó là do Mạnh Thường Quân là một người vô cùng hảo tâm trong lịch sử nên mới được ví như vậy. Mạnh Thường Quân đúng là một người khá tốt nhưng chưa đến mức có thể lấy ra để làm một biểu tượng cho lòng tốt. Sự thật thì khi nhắc đến cụm từ này người ta muốn gợi lại một câu chuyện, một sự tích về lòng nhân nghĩa hơn là về một con người, một cá nhân. Câu chuyện đó như sau:

Mạnh thường quân và nhà hảo tâm

Dưới thời của Tướng quốc nước Tề là Mạnh Thường Quân có một thực khách tên là Phùng Hoan, anh là một người đa mưu túc trí, có tầm nhìn xa trông rộng. Một lần Mạnh Thường Quân sai Phùng Hoan đến Tiết Địa thu thuế, Phùng hỏi: “Thu thuế xong có cần mua thứ gì về không, thưa chủ nhân?”. Chủ nhân trả lời: “Ngươi xem ta còn thiếu thứ gì thì mua thứ đó về là được”.

Phùng Hoan đến Tiết Địa thấy người nộp thuế đều là những người nông dân bần cùng khốn khó, lập tức lấy danh nghĩa Mạnh Thường Quân tuyên bố hủy bỏ khoản thuế, đem đốt hết các khế ước nộp thuế của các hộ dân. Khi trở về, Mạnh Thường Quân hỏi Phùng Hoan có mua được gì không, Phùng Hoan trả lời: “Ngài tiền tài, phú quý, ngựa đẹp, mỹ nữ thứ gì cũng không thiếu, tôi chỉ thay ngài mua về hai chữ ‘nhân nghĩa’”. Sau đó đem toàn bộ sự việc kể lại. Mạnh Thường Quân nghe xong rất tức giận, nhưng việc đã rồi nên đành bỏ qua. 

Về sau, vua nước Tề phế truất tước vị của Mạnh Thường Quân, ông ta chỉ còn cách lui về Tiết Địa sinh sống. Người dân Tiết Địa nghe tin Mạnh Thường Quân đến, già trẻ lớn bé kéo ra đứng suốt 10 dặm đường để chào đón. Lúc đó ông ta mới đột nhiên hiểu ra cái giá mà Phùng Hoan đã mua ‘nhân nghĩa’ về cho ông, trong lòng hết mực cảm ơn Phùng Hoan.  

Câu chuyện này rất nhiều người đều biết, qua đó sự đa mưu túc trí và tầm nhìn xa trông rộng của Phùng Hoan khiến người ta cảm phục. Mạnh Thường Quân không thiếu thốn gì về vật chất, nhưng ông ta thiếu một chút ‘nhân nghĩa’, Phùng Hoan đã nhìn ra được thứ mà tương lai khi thế sự thay đổi hoặc chủ nhân thất thế có thể dùng đến. Tấm lòng cao cả, sự "nhân nghĩa" sẽ giúp bạn ngay cả khi bạn không còn gì trong tay.

Một trí giả hiểu rằng trời đất phong ba bão táp khó lường, con người có lúc thăng lúc trầm, cho nên khi có điều kiện thì phải biết tích đức hành thiện, phòng khi biến cố thì vẫn có thể bình an. 

Cho nên Phùng Hoan đã để lại cho chủ nhân của mình một con đường ‘nhân nghĩa’. Trong lịch sử Trung Quốc, những trí giả như Phùng Hoan nhiều như sao buổi sớm, rất nhiều câu chuyện về họ còn lưu lại để truyền dạy người đời cách sống cho phải Đạo.

Đọc câu chuyện trên chắc bạn cũng đã hiểu cụm từ "Mạnh Thường Quân" không phải là ý nói về Mạnh Thường Quân là người rất hảo tâm, rất nhân nghĩa. Nếu ông nhân nghĩa thì đã không tức giận khi nghe Phùng Hoan kể lại sự việc. Mà cụm từ này là dùng để ám chỉ một câu chuyện một bài học về sự "nhân nghĩa"

Theo: Website Phật Giáo

Biên tập và chỉnh sửa: Hiepsibian - OhayTV

Xem thêm các bài đăng của mình tại đây

Mạnh Thường quân (chữ Hán: 孟尝君, ? - 279 TCN) tên thật là Điền Văn (田文), thuộc tông thất nước Tề, làm Tể tướng nước Tề thời Chiến Quốc, và là một trong Chiến Quốc tứ công tử. Ông là một nhà chính trị tài năng, nổi tiếng vì quý trọng nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ nên trong nhà lúc nào cũng có trên cả ngàn thực khách.

Mạnh Thường Quân
孟尝君Công tước chư hầu nước Tề

(chi tiết...)

Quân chủ đất Tiết nước Điền TềTiền nhiệmTĩnh Quách QuânKế nhiệmkhông rõ Thông tin chungMất279 TCN
Trung Quốc
Tên thật
Điền Văn (田文)
Tước hiệuTiết công (薛公)
Mạnh Thường quân (孟尝君)Tước vịTướng quốc (相國)Chính quyềnnước Điền TềThân phụTĩnh Quách quân

Tước hiệu "Mạnh Thường quân" về sau trở thành danh từ chỉ những người hào hiệp, hảo tâm sẵn sàng quyên tiền để làm từ thiện. Tuy nhiên, ông chỉ dùng tiền để nuôi kẻ sĩ, môn hạ nhằm củng cố quyền lực, địa vị, danh tiếng, nên dùng Mạnh Thường Quân để chỉ những nhà từ thiện là không chính xác.

Phụ thân của ông là Điền Anh (zh), con thứ của Tề Uy vương (vua thứ ba của Điền Tề), em khác mẹ với Tề Tuyên vương (vua thứ tư của Điền Tề). Thời Tuỵên vương đã phong cho Điền Anh làm Tướng quốc, phong cho ở đất Tiết (nay thuộc đông nam Sơn Đông), gọi là Tĩnh Quách quân.

Điền Văn chỉ là con vợ thứ của Điền Anh. Do ông sinh ra ngày 5 tháng 5, phong tục cho rằng đứa trẻ sinh ngày này sẽ hại cha mẹ, nên Điền Anh bảo mẹ ông bỏ ông, nhưng mẹ ông không nghe theo mà lén nuôi ông lớn. Sau này mẹ ông dắt ông đến gặp cha, ban đầu Điền Anh không bằng lòng, nhưng sau đó Điền Văn đã thể hiện là người có năng lực, dùng lời lẽ thuyết phục cha về phương hướng phát triển thế lực họ Điền lớn mạnh. Điền Anh bị Điền Văn thuyết phục, giao việc cho ông và chọn làm người kế vị.

Sau khi Điền Anh qua đời, Điền Văn lên kế tập, cai quản ấp Tiết, còn gọi là Tiết công (薛公), phong hiệu gọi là Mạnh Thường quân.

Từ khi gặp lại cha, Điền Văn ra sức thuyết phục Điền Anh về phương pháp dùng tài sản trong nhà một cách hữu ích nhất vào việc thu hút thực khách để gây thế lực. Điền Anh giao việc này cho ông và công việc lập tức có hiệu quả.

Đến khi kế vị cha, ông tiếp tục chiêu tập rất nhiều khách. Phàm ai đến với ông, cũng đều được giữ lại cung phụng ăn uống. Loại người này được gọi là môn khách hay thực khách.

Theo nói lại, trong nhà Mạnh Thường quân thường có ba ngàn thực khách, trong đó rất nhiều người thực ra không có tài năng gì, chỉ nhằm kiếm ăn mà thôi. Mạnh Thường Quân về nước Tề, được làm tướng quốc. Thực khách của ông ngày càng nhiều, có hơn 3000 người danh tiếng. Ông chia môn khách làm mấy bậc; Loại thứ nhất đi đâu cũng có xe ngựa, loại thứ hai ăn cơm có thịt cá, còn loại thứ ba chỉ có gạo thô và rau dưa mà thôi.

Một hôm, có người tên là Phùng Hoan (zh) yết kiến ông. Mạnh Thường quân hỏi: "Khách có điểm gì hay", Phùng Hoan bảo: "Tôi không có gì hay cả". Lại hỏi: "Khách có tài gì". Phùng Hoan lại trả lời không. Mạnh Thường quân cho vào hạng khách thấp nhất.

Phùng Hoan từ khi vào nhà ông, suốt ngày cầm kiếm hát: "Kiếm ơi, về thôi, ăn cơm mà không có cá". Có người nói với Mạnh Thường quân, ông bèn cho Phùng Hoan vào hàng khách được ăn cá. Nhưng Phùng Hoan vẫn chưa hài lòng, hát rằng: "Kiếm à, về thôi, đi ra ngoài mà không có xe!". Mạnh Thường quân bèn cho Hoan vào hàng khách được ngồi xe. Phùng Hoan lại hát: "Kiếm ơi! về đi thôi! chẳng có gì gửi về nhà giúp đỡ!". Mạnh Thường quân hỏi nhà Phùng Hoan có thân nhân không, Phùng Hoan nói có mẹ già, Mạnh Thường quân bèn chu cấp cho mẹ Hoan.

Mạnh Thường quân để có tiền nuôi khách nên cho dân ấp Tiết vay, nhiều người trốn nợ. Phùng Hoan xin ông cho mình thay mặt đòi. Khi thu tiền, Phùng Hoan cho thiêu huỷ hết giấy nợ, dân chúng tung hô rất nhiều. Khi về phủ, Mạnh Thường quân hỏi về việc thu nợ, Hoan nói rằng đã thu lòng dân rồi. Mạnh Thường quân trách móc mãi. Sau này, tiếng tăm của Mạnh Thường Quân ngày càng vang dội.

Trốn thoát khỏi Tần

Năm 298 TCN[1], Mạnh Thường quân Điền Văn đi sứ sang Tần. Khi Mạnh Thường quân sang Hàm Dương, mang theo rất nhiều môn khách. Tần Chiêu Tương vương thân hành tiếp đãi họ, Mạnh Thường quân biếu Tần Chiêu Tương vương một chiếc áo lông chồn toàn màu trắng làm lễ ra mắt. Tần Chiêu Tương vương biết đó là loại da chồn bạc rất quý, liền vui mừng tiếp nhận và cất vào trong kho riêng.

Chiêu Tương vương nghe Mạnh Thường quân Điền Văn là người hiền, muốn giữ lại, bèn nghĩ ra kế nếu Điền Văn quy phục sẽ phong tướng. Nhưng có người nói với ông: "Điền Văn là quý tộc nước Tề, có rất nhiều tay chân. Nếu ông ta làm thừa tướng thì nhất định sẽ toan tính những việc có lợi cho nước Tề, trở thành mối nguy cho nước Tần ta".

Tần Chiêu Tương vương nói: "Nếu thế, thì để ông ta về thôi". Họ nói: "Ông ta ở đây đã lâu, biết hầu hết mọi việc của nước Tần, sao có thể dễ dàng để ông ta về được?". Tần Chiêu Tương Vương liền giam lỏng Mạnh Thường quân lại.

Mạnh Thường quân rất lo lắng, dò biết Tần Chiêu Tương vương có một sủng phi rất được yêu mến, liền nhờ người cầu cứu bà ta. Sủng phi đó sai người nói lại: "Nhờ ta nói giùm với đại vương thì không khó, nhưng ta thích có một áo bằng lông chồn bạc". Mạnh Thường quân bàn với các môn khách: "Ta chỉ có một cái áo, đã biếu vua Tần rồi, làm thế nào đòi lại được?".

Một môn khách nói: "Tôi có cách để lấy được chiếc áo đó". Ngay đêm hôm đó, môn khách này mò vào Vương cung, ăn trộm được chiếc áo đó ra. Mạnh Thường quân đem áo lông chồn bạc biếu cho sủng phi. Nhận được áo, sủng phi đó liền khuyên vua Tần tha Mạnh Thường quân về nước. Chiêu Tương vương đồng ý, cấp cho giấy tờ thông hành để Mạnh Thường quân về. Khi Mạnh Thường quân nhận được giấy tờ, liền vội vã đi ra Hàm Cốc. Ông sợ Tần Vương đổi ý, liền vội vã thay đổi tên họ và chữa giấy thông hành. Đến cửa quan, vừa đúng nửa đêm. Theo quy định của nước Tần, mỗi buổi sớm, chỉ đến khi gà gáy mới được mở cửa quan cho người qua lại. Mọi người đang sốt ruột chờ sáng thì một môn khách giả làm tiếng gà gáy liên tiếp. Toàn bộ gà vùng xung quanh đều gáy ran. Người canh giữ nghe tiếng gà gáy, liền mở cửa quan, xét giấy tờ rồi cho Mạnh Thường quân đi. Tần Chiêu Tương vương quả nhiên hối lại, phái người đuổi theo, đến Hàm Cốc thì Mạnh Thường quân đã đi xa rồi. Sự tích này được gọi là Bắt gà trộm chó (雞鳴狗盜, Kê minh Cẩu đạo).

Khi sang nước Triệu, có người chê cười Mạnh Thường quân thấp bé, Điền Văn tức giận lập tức giết chết. Sau đó ông trở về nước Tề, được Tề Mẫn vương phong làm Tướng quốc.

Bị thất sủng ở nước Tề

Tần Chiêu Tương vương nghe tin nước Tề trọng dụng Mạnh Thường quân thì rất lo ngại, liền ngầm sai người sang nước Tề phao tin đồn, nói Mạnh Thường quân mua chuộc lòng người để nhằm đoạt ngôi vua. Tề Mẫn vương nghi ngờ và tin theo những lời đồn đại đó, thấy Mạnh Thường quân thanh thế quá lớn, uy hiếp địa vị của mình. Năm sau, Tề Mẫn vương nói với Mạnh Thường Quân: "Quả nhân không thể lấy thần của tiên quân làm thần của mình", liền quyết định thu hồi tướng ấn của Mạnh Thường quân. Mạnh Thường quân bị cách chức, đành phải trở về đất phong của mình là đất Tiết.

Mạnh Thường quân từ đó mới hiểu ý Phùng Hoan. Lúc đó, hơn ba ngàn môn khách phần nhiều bỏ đi, chỉ còn Phùng Hoan và một số người đi theo đánh xe đưa ông về đất Tiết. Khi xe còn cách đất Tiết hàng trăm dặm, đã thấy dân chúng đất Tiết, già trẻ dắt díu nhau ra đón. Trước tình hình đó, Mạnh Thường Quân rất xúc động, nói với Phùng Hoan: "Tình nghĩa trước kia ông mua cho tôi, bây giờ mới thấy".

Sau đó, Mạnh Thường quân theo ý của Phùng Hoan, cấp cho Hoan một cỗ xe, 500 cần đồng đi sang nước Ngụy, nói với vua Ngụy: "Vua Tề bãi chức trọng thần Mạnh Thường Quân, đuổi về phong ấp, nếu quý quốc có thể thu nhận người này thì nhất định sẽ cường thịnh". Vua Ngụy sai sứ đến cầu Mạnh Thường quân, triều thần thấy vậy vội nói với Tề Mẫn vương không thể để mất Mạnh Thường quân, vua Tề đành sai sứ đến tạ tội với Mạnh Thường quân, phục chức Tướng quốc. Tân khách trước kia bỏ ông đi lại kéo về, Phùng Hoan khuyên ông bỏ hiềm khích mà thu dụng lại.

Năm 298 TCN, Mạnh Thường quân phát động hợp tung, cùng liên quân Ngụy, Hàn đánh nước Tần. Dưới sự chỉ huy của Mạnh Thường quân, quân 3 nước cùng tiến đến ải Hàm Cốc, thu được thắng lợi. Sang năm 297 TCN, quân 3 nước lại đánh bại quân Tần. Đến năm 296 TCN, Mạnh Thường quân lại chỉ huy liên quân đánh tới cửa Hàm Cốc lần thứ hai, chiếm được thành Diêm Thị.

Cuối đời

Tuy nhiên năm 286 TCN, Tề Mẫn vương diệt nước Tống, sinh ra kiêu ngạo, muốn giết Mạnh Thường quân, Mạnh Thường quân bèn sang Ngụy.

Nguỵ Chiêu vương dùng ông làm tướng, liên minh với các nước Yên, Tần, Hàn, Triệu cùng đánh Tề. Quân Tề đại bại, Mẫn vương phải bỏ nước chạy rồi bị giết. Phần lớn nước Tề bị quân Yên chiếm đóng.

5 năm sau, nước Tề nhờ tông thất Điền Đan đuổi được quân Yên phục quốc. Từ đó Mạnh Thường quân giữ thái độ trung lập, không ngả theo ai. Vua Tề mới là Tương vương e ngại thế lực của ông, sai sứ đến giao hảo với ông.

Không lâu sau ông mất. Mấy người con ông tranh nhau quyền kế vị. Hai nước Tề, Nguỵ liên hợp tiêu diệt ấp Tiết. Vì vậy Điền Văn bị tuyệt tự không có người nối tiếp.

  1. ^ Sử ký chép năm 25 Tề Mẫn vương, Tư trị thông giám chép năm 3 Tề Mẫn vương

  • Sử ký Tư Mã Thiên, thiên:
    • Mạnh Thường quân liệt truyện
  • Tư Mã Quang, Tư trị thông giám

Lấy từ “https://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Mạnh_Thường_quân&oldid=68831358”