Lẽ phải là gì GDCD 8

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đặt vấn đề

Quan tuần phủNguyễn Quang Bích

Tri huyện Thanh Ba: ăn hối lộ, ức hiếp dân nghèo, xử án không công minh, bắt giam không đúng người, ghép tội gây rối trị an.

Nguyễn Quang Bích là viên quan liêm chính: làm đơn khiếu nại cho người nông dân.

Bắt tên nhà giàu, trả lại ruộng cho người nông dân. Phạt tên nhà giàu về tội hối lộ, ức hiếp. Cách chức tri huyện Thanh Ba.

=> Quan tuần phủ là người dũng cảm, trung thực, dám đấu tranh để bảo vệ chân lý, lẽ phải, không chấp nhận những điều sai trái.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

Lẽ phải là những điều được cho là đúng đắn, phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội.

Tôn trọng lẽ phải là công nhận ủng hộ, tuân theo và bảo vệ những điều đúng đắn; biết điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo hướng tích cực; không chấp nhận và làm những việc sai trái. Ví dụ: Tố cáo kẻ giết người; giúp công an bắt đối tượng buôn ma túy, chấp hành nghiêm chỉnh luật của nhà nước, chấp hành nội quy của lớp và trường

b. Biểu hiện

Tôn trọng lẽ phải được thể hiện qua thái độ, lời nói, cử chỉ, hành động của con người.

Các việc làm vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế tại nơi làm việc, nơi công cộng là những hành vi không tôn trọng lẽ phải.

c. Ý nghĩa

Tôn trọng lẽ phải giúp mọi người có cách ứng xử phù hợp, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

2. Luyện tập

Câu 1: Em lựa chọn cách giải quyết nào trong trường hợp sau đây và giải thích vì sao ?

Trong các cuộc tranh luận với các bạn cùng lớp, em sẽ :

a) Bảo vệ đến cùng ý kiến của mình, không cần lắng nghe ý kiến của người khác ;

b) Ý kiến nào được nhiều bạn đồng tình thì theo ;

c) Lắng nghe ý kiến của bạn, tự phân tích, đánh giá xem ý kiến nào hợp lí nhất thì theo ;

d) Không bao giờ dám đưa ra ý kiến của mình.

Gợi ý trả lời

Em lựa chọn cách giải quyết:

(c) Lắng nghe ý kiến của bạn, tự phân tích, đánh giá xem ý kiến nào hợp lý nhất thì theo.

Bởi vì: khi bạn có ý kiến em lắng nghe tức là em tôn trọng ý kiến của bạn, khi lắng nghe ý kiến của bạn trên cơ sở đó em phân tích, đánh giá xem ý kiến của bạn đã hợp lý hay chưa hợp lý, sau đó em mới đưa ra ý kiến của mình, nếu ý kiến của bạn đúng em phải bảo vệ ý kiên đó tức là em tôn trọng lẽ phải. Nếu ý kiến của bạn chưa đúng em phải thuyết phục bạn và mọi người thấy được cái sai để tôn trọng ý kiến đúng.

Câu 2:Theo em, hành vi nào sau đây thể hiện sự tôn trọng lẽ phải ?

a) Chấp hành tốt mọi nội quy nơi mình sống, làm việc và học tập ;

b) Chỉ làm những việc mà mình thích ;

c) Phê phán những việc làm sai trái ;

d) Tránh tham gia vào những việc không liên quan đến mình ;

đ) Gió chiều nào che chiều ấy, cố gắng không làm mất lòng ai ;

e) Lắng nghe ý kiến của mọi người, nhưng cũng sẵn sàng tranh luận với họ để tìm ra lẽ phải ;

g) Bực tức và phê phán gay gắt những người không có cùng quan điểm với mình.

Gợi ý trả lời

Theo em, hành vi (a), (c), (e) biểu hiện sự tôn trọng lẽ phải.

Câu 3:Theo em, học sinh cần phải làm gì để trở thành người biết tôn trọng lẽ phải ?

Gợi ý trả lời

Phải có thói quen và biết tự kiểm tra hành vi của mình để rèn luyện bản thân trở thành người biết tôn trọng lẽ phải.

Phải phân biệt các hành vi thể hiện sự tôn trọng lẽ phải và không tôn trọng lẽ phải trong cuộc sống hằng ngày.

Học tập gương của những người biết tôn trọng lẽ phải và phê phán hành vi thiếu tôn trọng lẽ phải.

Phải sống trung thực, thật thà và tôn trọng người khác.

Chấp hành tốt mọi nội quy nơi mình sống, làm việc và học tập.

3. Kết luận

Bài học giúp học sinh hiểu thế nào là tôn trọng lẽ phải, những biểu hiện của tôn trọng lẽ phải vànhận thức được vì sao trong cuộc sống mọi người cần phải tôn trọng lẽ phải. Qua đó các em biết cư xử đúng đắn.