Hướng dẫn sử dụng máy đo đường huyết TRUE Metrix

Máy đo đường huyết cá nhân là dụng cụ sử dụng tại nhà, dùng để đo lượng đường trong máu.

Tại sao phải đo lượng đường trong máu?

Nếu bạn bị bệnh tiểu đường [còn gọi là đái tháo đường] bạn cần phải theo dõi lượng đường trong máu. Bác sỹ sẽ sử dụng kết quả đo đường huyết để:

  • Thay đổi điều trị cho bạn, ví dụ: điều chỉnh liều tiêm insulin hay thuốc uống…
  • Biết được đường huyết của bạn có nằm trong vùng nguy hiểm hay không? Hạ đường hay đường huyết tăng quá cao.
  • Biết được thức ăn và tập thể dục sẽ thay đổi đường huyết như thế nào?

Nghiên cứu Diabetes Control and Complications Trial đã chứng minh rằng việc kiểm soát đường huyết bằng cách sử dụng máy đo đường huyết tại nhà đã giúp giảm biến chứng do bệnh đái tháo đường.

Bao lâu bệnh nhân nên thử đường huyết tại nhà?

Tùy theo tình trạng bệnh, cách điều trị, sự cần thiết của việc theo dõi đường huyết thường xuyên hay không mà Bác sỹ sẽ khuyến cáo số lần thử đường huyết khác nhau.

Các thời điểm thử đường huyết trong ngày có thể bao gồm:

  • Buổi sáng, nhịn đói
  • Trước khi ăn chiều
  • Sau ăn sáng, trưa, chiều 1- 2 giờ
  • Trước khi đi ngủ….
  • Trước khi tập thể dục
  • Khi nghi ngờ hạ đường huyết
  • Sau khi xử lý hạ đường huyết

Mức đường huyết bao nhiêu là tốt?

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ – The American Diabetes Association:

  • Đường huyết đói của bệnh nhân: 80- 130 mg/dl
  • Đường huyết sau ăn 1-2 giờ < 180 mg/dl
  • Đường huyết trước khi đi ngủ < 160 mg/dl

Tuy nhiên, các mục tiêu này có thể thay đổi tùy theo tuổi, thời gian mắc bệnh đái tháo đường, thời gian sống còn lại, bệnh lý khác [ như bệnh lý tim mạch], và khả năng bị hạ đường huyết của bệnh nhân…

Mục tiêu điều trị phải được cá nhân hoá theo từng bệnh nhân. Bệnh nhân tiểu đường nên khám và tham vấn Bác sỹ chuyên khoa để chọn mục tiêu điều trị thích hợp cho mình.

Máy đo đường huyết cá nhân chính xác không?

Sự chính xác của máy đo đường huyết cá nhân tùy thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Chất lượng của máy thử đường huyết
  • Chất lượng của que thử đường huyết
  • Cách bạn thực hiện việc thử đường huyết như thế nào? Ví dụ: bạn phải rửa tay và để tay khô ráo trước khi thử đường huyết và phải làm đúng theo những hướng dẫn của sử dụng máy đo đường huyết.
  • Tùy vào số lượng hồng cầu trong máu. Nếu bạn bị mất nước nặng hay thiếu máu, kết quả sẽ ít chính xác.
  • Những chất như: Vitamin C, Paracetamol [ Panadol, Efferalgan…] và uric acid, có thể làm thay đổi kết quả thử đường huyết một số trường hợp. Kiểm tra hướng dẫn sử dụng máy và que thử đường huyết để biết những chất nào có thể làm thay đổi kết quả.
  • Độ cao, nhiệt độ cao hay thấp và độ ẩm có thể gây ra kết quả đường huyết không lường trước được.
  • Việc bảo quản máy đo đường tại nhà và đặc biệt là que thử đường huyết không đúng cách sẽ làm sai lệch kết quả khi đo, ví dụ: để que thử đường hết hạn sử dụng, không đóng kỹ nắm lọ đựng que sau khi sử dụng, máy hết pin… sẽ làm sai lệch kết quả.

Làm thế nào để chọn máy đo đường huyết ?

Có rất nhiều loại máy đo đường huyết cá nhân trên thị trường, các máy có rất nhiều đặc điểm khác nhau, bạn cần xem xét trước khi mua:

  • Số lượng máu cần lấy cho một lần thử đường
  • Mức độ dễ sử dụng
  • Tốc độ: máy cho kết quả nhanh hay chậm
  • Kích thước của máy
  • Khả năng lưu trữ kết quả của máy
  • Giá thành máy đo đường huyết
  • Giá que thử đường
  • Khuyến cáo của bác sỹ trong việc chọn máy đo đường
  • Cần xem xét đến các chỉ số kỹ thuật của máy: coding, màn hình lớn, đèn màn hình sáng vào ban đêm…
  • Bạn nên tham khảo ý kiến của Bác sỹ để chọn máy đo đường huyết thích hợp….

Làm cách nào để biết máy đo đường huyết hoạt động bình thường.

Cách kiểm tra máy đo đường huyết hoạt động bình thường:

Sử dụng dung dịch chuẩn [liquid control]:

  • Mỗi lần thay hộp que thử đường mới, bạn nên dùng lọ dung dịch chuẩn kèm theo máy để kiểm tra.
  • Hay khi bạn làm rơi máy thử đường
  • Bất cứ khi nào bạn nghi ngờ kết quả không chính xác

Để sử dụng dung dịch chuẩn test máy, bạn sử dụng dung dịch này giống như giọt máu, tức là bạn nhỏ ra 1 giọt và cho vào que thử như khi thử máu.

Nếu kết quả nằm trong giới hạn ghi trên lọ que thử [ thường là trong giới hạn bình thường] thì máy thử đường huyết đang hoạt động bình thường.

Cách kiểm tra khác: mỗi lần khởi động, máy đo đường huyết sẽ tự động kiểm tra, nếu phát hiện bất thường, máy sẽ báo mã code lỗi.

Nhìn vào cuốn hướng dẫn sử dụng bạn sẽ biết máy bị lỗi gì và cách khắc phục.

So sánh kết quả với xét nghiệm tại bệnh viện:

Cách chắc chắn để biết kết quả máy đo đường huyết chính xác hay không, đó là so sánh kết quả với xét nghiệm đường huyết được thực hiện tại bệnh viện ở cùng một thời điểm.

Vị trí lấy máu thử đường huyết bằng máy đo đường huyết cá nhân

Thông thường, bệnh nhân lấy máu để thử đường huyết từ ngón tay. Tuy nhiên, một số loại máy đo đường cũng cho phép mẫu máu được lấy từ những vị trí khác, như bàn tay, cánh tay, vai, đùi hay bắp chân.

Tuy nhiên, những vị trí này cho kết quả ít chính xác hơn so với ngón tay.

Có một số máy thử đường không chấp nhận máu được rút ra từ tĩnh mạch, do vậy bạn không nên rút máu từ tĩnh mạch để thử.

Một số máy có thể chấp nhận máu tĩnh mạch. Bạn nên tham khảo ý kiến từ nhà sản xuất để biết chính xác.

Tip: Khi lấy máu ở ngón tay, bạn nên lấy máu ở 2 cạnh bên ngón tay, vì mạch máu chạy dọc 2 bên cạnh ngón tay, do đó chúng tay lấy được nhiều máu mà ít đau hơn.

Các đầu dây thần kinh ở ngón tay phân bổ nhiều ở vùng giữa ngón, do vậy nếu lấy ở đây sẽ đau hơn và ít máu hơn. Bạn cũng nên vuốt nhẹ ngón tay từ gốc tới ngọn chi và giữ lại ở vị trí đầu đốt thứ 2 để máu dồn nhiều vào đốt xa, nơi chúng ta lấy máu, sẽ ít đau hơn.

Những yếu tố ảnh hưởng đến sự chính xác của máy đo đường huyết.

Bao gồm:

  • Vùng lấy máu không được rửa sạch
  • Que thử đường không được bảo quản đúng cách
  • Lượng hồng cầu trong máu ảnh hưởng đến kết quả
  • Những chất khác hiện diện trong máu như: uric acid, glutathione, vitamin C, paracetamol…làm thay đổi kết quả đối với một số loại máy
  • Độ cao, nhiệt độ và hơi ẩm
  • Coding máy không đúng: mã code trên máu và trên que không tương thích, không thay chip khi thay hộp que mới…
  • Nhiều que thử đường huyết không phân biệt được đường glucose trong máu với những loại đường khác [ lactose, fructose…] cho kết quả cao giả tạo. Nhìn trên hộp que bạn có thể thấy thành phần thuốc thử là GDH-PQQ hay GDO. Cần thận trọng với những que này.
  • Mua que thử đường huyết không đúng từ nhà sản xuất sẽ cho kết quả sai
  • Nếu bạn sử dụng chai oxy già để sát trùng vùng lấy máu, có thể cho kết quả sai
  • Đưa que vào máy chưa đủ sâu hay máy thử đường hết pin.
  • Lượng máu lấy thử quá ít cũng cho kết quả sai.

Hiểu những hiển thị trên máy đo đường Glucose

Mỗi máy thử đường huyết sẽ có phạm vi hiển thị kết quả khác nhau, ngoài phạm vi đó, máy sẽ hiển thị những ký tự khác nhau.

Trong sách hướng dẫn sử dụng máy sẽ cho bạn biết phạm vi hiển thị giá trị đường huyết là bao nhiêu.

Thông thường, giá trị hiển thị từ 60- 600 mg/dl.

Như vậy, khi kết quả đo được trong phạm vi từ 60 -600 sẽ hiển thị thành số chính xác, ngoài phạm vi: ví du: kết quả là 51 mg/dl hay 620 mg/dl thì máy sẽ không hiển thị kết quả, mà chỉ hiển thị là LO [ viết tắt chữ LOW = THẤP] khi đường huyết dưới 60 mg/dl.

Và máy sẽ hiển thị HI [ viết tắt chữ HIGH= CAO] khi đường huyết trên 600 mg/dl.
Và những hiển thị khác bạn cũng nên biết:

  • E03, E…..= ERROR: lỗi
  • Hình viên pin nhấp nháy: Máy hết pin, bạn cần thay pin cho máy…

Video liên quan

Chủ Đề