Em la con gái nhà giàu, mẹ cha thách cưới

Dàn ý

1. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài:

* Lời thách cưới khác thường của cô gái:

- Cô gái nói với người yêu: Nhà em thách cưới một nhà khoai lang, để đáp lại lời giãi bày về chuyện định dẫn cưới bằng những lễ vật to tát, hoặc kì lạ khác thường của chàng trai [voi, trâu, chuột].

- Cái độc đáo chính là ở sự không giống ai:

Người ta thách lợn thách gà,

Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.

- Từ thách vốn có nghĩa là yêu cầu, đòi hỏi quá cao về mặt lễ vật. Ở trường hợp này, nó mâu thuẫn với thứ lễ vật quá tầm thường [khoai lang]. Có nhiều chăng là ở số lượng quá lớn [một nhà], khiến chàng trai lâm vào tình thế ngạc nhiên và khó xử.

- Để gỡ bí cho người mình yêu, cô gái giải thích cặn kẽ về cách sử dụng số khoai lang thách cưới đó. [Mời làng, mời họ, cho trẻ con ăn, củ nào hư thì cho lợn, cho gà].

* Cảm nghĩ của bản thân trước lời "thách cưới" lạ lùng đó:

- Nó chứng minh rằng cô gái thực sự yêu thương, muốn tiến đến hôn nhân với chàng trai. Tình yêu của cô gái chân thành, trong sáng, không vụ lợi.

- Cô gái thực sự thông minh, hóm hỉnh và đảm đang, tháo vát.

- Cô gái giữ vai trò chủ động trong việc sắp xếp cuộc hôn nhân của mình.

3. Kết bài:

- Nêu cảm nhận chung

Bài mẫu

       Người nông dân xưa gần như suốt đời cơ cực, bần hàn về vật chất, nhưng đời sống tinh thần thì vô cùng phong phú. Các yếu tố lạc quan, hài hước phần nào làm vơi bớt nỗi lo toan cơm áo hằng ngày. Vào những dịp vui vẻ như lễ. Tết, cưới hỏi... thì dân chúng trong làng, trong xóm cùng nhau chia sẻ.

       Chúng ta có thể cảm nhận được tiếng cười lạc quan trong ca dao qua nghệ thuật trào lộng thông minh, hóm hỉnh của người bình dân. Điển hình là bài ca dao sau đây:

- Cưới nàng anh toan dẫn voi,

Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn.

Dẫn trâu, sợ họ máu hàn,

Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân.

Miễn là có thú bốn chân,

Dẫn con chuột béo mời dân, mời làng.

- Chàng dẫn thế em lấy làm sang,

Nỡ nào em lại phá ngang như là...

Người ta thách lớn thách gà,

Nhà em thách cưới một nhà khoai lang:

Củ to thì để mời làng,

Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi.

Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi,

Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà.

Bao nhiêu củ rím, củ hà,

Để cho con lợn, con gà nó ăn.

       Có thể coi bài ca dao trên là lời hát đối đáp giữa nam và nữ, mượn hình thức trào lộng, hài hước để thể hiện nội dung trữ tình. Nói khác đi, đây là một cách tỏ tình khá độc đáo và đặc sắc.

       Chàng trai bàn đến chuyện cưới xin, như thế tức là cô gái đã chấp thuận hôn nhân - mục đích cuối cùng của tình yêu. Hôn nhân là việc hệ trọng của đời người, vậy mà ta hãy thử xem chàng trai bàn bạc bằng giọng điệu như thế nào ? Những lễ vật dẫn cưới toàn là những thứ to tát khác thường. Lúc đầu, chàng định dẫn voi cho thiên hạ phải nể sợ, vì từ trước đến nay, chưa ai làm thế cả ; nhưng lại chợt nghĩ ra voi là thứ quốc cấm, nên thôi. Không có voi thì dẫn trâu vậy. Vẫn oai hơn người, vì nhà giàu cũng chỉ nộp lễ vật cho bên đằng gái bằng gà, bằng lợn. Nhưng lại sợ họ hàng nhà em toàn máu hàn, ăn thịt trâu vào đau bụng thì anh mang tiếng. Thật là khó nghĩ! Không nộp thủ bốn chân thì áy náy, chẳng yên lòng được. Thôi thì : Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng[?!] Bất ngờ và ngộ nghĩnh vô cùng, bởi chuột cũng là thú bốn chân!

       Lúc đầu, anh toan dẫn voi, sau đó định dẫn trâu, cuối cùng dừng lại ở việc: Dẫn con chuột béo. Chắc hẳn con chuột này phải to khủng khiếp mới đủ làm tiệc đãi cả làng! Ngẫm kĩ, ẩn chứa đằng sau câu nói hài hước, khoa trương đó là một sự thật phũ phàng: gia cảnh chàng trai quá nghèo, chẳng có gì để mà cưới vợ.

       Cách nói của anh chàng giống hệt như cách nói khoác ở một số địa phương ở Phú Thọ, Hải Phòng, hay như kiểu của bác Ba Phi Nam Bộ. Nói cho vui, nói để gây nên những tràng cười giòn giã, cho quên đi trong phút chốc cải thân phận nghèo hèn của mình.

       Còn cô gái khi nghe người yêu bàn thế thì có thái độ ra sao ? Thông minh, sắc sảo, cô lấy ngay cái độc đáo chưa từng có trong tục dẫn cưới để đối đáp lại:

Người ta thách lợn thách gà,

Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.

       Từ thách nghe mới ghê gớm làm sao! Thách có nghĩa là đòi hỏi quá cao về mặt lễ vật. Thường thì nhà giàu gả con gái mới thách cưới. Về sau, nghĩa của từ này dần dần mang tính phổ thông, dân gian. Điều đáng lưu ý là trong bài ca dao trên, cô gái thay mặt cha mẹ mà thách cưới [Cũng hiếm gặp cô gái nào chủ động và mạnh dạn đến thế!]. Xem thử cô thách những gì? Chỉ có một thứ rất bình thường, nếu không nói là tầm thường: khoai lang, nhưng số lượng thì rất nhiều: một nhà [1] Khoai lang là thức ăn quen thuộc của người nghèo và họ có thể tự trồng được, chẳng khó khăn gì. Ta thử hình dung sự lúng túng, băn khoăn của chàng trai trước lời thách cưới cũng thuộc loại chưa từng thấy của người yêu. Hình như cô gái đoán ra điều ấy nên cô giải thích cặn kẽ, cụ thể luôn:

Củ to thì để mời làng,

Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi.

       Đúng rồi! Đám cưới thì đương nhiên phải mời các vị chức sắc trong làng cùng họ hàng nội ngoại, bà con thôn xóm. Như thế là hợp lẽ. Còn đám trẻ, cũng phải cho chúng ăn cỗ cưới với chức

Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi,

Để cho lũ trẻ ăn chơi giữ nhà.

       Thế cũng chưa hết được một nhà khoai lang. Chàng đừng lo, hãy nghe em nói tiếp:

Bao nhiêu cũ rím, củ hà,

Để cho con lợn, con gà nó ăn...

       Tính toán đâu ra đấy đến thế thì chàng chỉ có nước... chịu nàng! Ôi chao! Cưới được người vợ tháo vát, đảm đang như nàng thì dẫu có dẫn voi, dẫn trâu thật cũng chưa xứng đáng!

       Nói là nói vậy, chứ cốt lõi của lời thách cưới kì lạ trên chính là thái độ vui vẻ chấp nhận gia cảnh nghèo khó của người yêu. Nhà anh chẳng có gì, nhà em cũng vậy, nhưng ông bà ta đã chẳng từng khẳng định:

Đã yêu quán cũng như nhà,

Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói xây.

       Hay:

Yêu nhau chẳng lọ chiếu giường,

Dẫu rằng tàu lá che sương cũng tình.

       Rõ ràng, cô gái trân trọng người lao động, trân trọng những gì người lao động làm ra bằng mồ hôi nước mắt, bằng một nắng hai sương. Và trên hết là tình yêu trong sáng, bất vụ lợi. Đáng quý biết chừng nào.

Nguồn: Sưu tầm

Loigiaihay.com

LÀM MẸCác môn ngoại khóa, nhạc thơ sách cho bé

Có bố mẹ nào biết bài thơ Thách Cưới cho mình xin. Mình đã tìm rất lâu, mà ngừoi ngày xưa ru mình bằng bài này là bà nội bây giờ đã lẫn. :[ Mình có hỏi các cô, chú, bác, rất nhièu ngừoi nói có biết nhưng không nhớ hết. :[Mình nhớ câu đầu và những "phụ kiện" theo sau xin pót ra đây:Em là con gái nhà giầu, mẹ cha thách cưới ra mầu xanh xao.Thách anh... gan ruồi, mỡ muỗi cho tươiThách anh bắt được con dơi góa chồng...Nói chung là thách nhiều lắm, mà thách câu nào cũng rất vui. Mình hy vọng tìm lại đựoc để dạy cho con đọc. Cám ơn mọi người trước.

1.  Dẫn nhập

Kho tàng ca dao dân ca Việt Nam rất phong phú và đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức. Nó phản ánh những tình cảm tốt đẹp của nhân dân lao động trong đời sống hàng ngày. Đến với ca dao dân ca, chúng ta có thể bắt gặp mọi vấn đề liên quan đến đời sống con người như thiên nhiên thời tiết, lao động sản xuất và những mối quan hệ xã hội của họ: gia đình, tình yêu, tình bạn...

Riêng về tình yêu, có thể nói rằng: dung lượng những bài ca dao về tình yêu đôi lứa rất lớn và thể hiện được những cung bậc tình cảm của thanh niên nam nữ từ khi bước vào tình yêu cho đến khi buớc vào đời sống hôn nhân gia đình - trong đó, phải kể đến những bài ca dao thách cưới.

Sau một thời gian tìm hiểu cô gái, người con trai nhận ra một nửa đích thực của đời mình và muốn tiến tới hôn nhân, muốn cùng cô gái xây dựng hạnh phúc gia đình. Thế nhưng khi ngỏ lời thì lập tức cô gái [nhà gái] lại đưa ra yêu cầu: chàng phải sắm [phải có] cái này cái kia làm sính lễ thì em mới chịu theo chàng về nhà. Cái này cái kia có thể là những thứ rất bình dị, dễ tìm nhưng cũng có thể là những thứ khó kiếm nhưng bắt buộc phải có. Việc đưa ra yêu cầu phải có một cái gì đó để làm sính lễ được gọi là thách cưới.

Thách cưới là một tục lệ đã tồn tại từ rất lâu đời. Về vấn đề này, chúng tôi không bàn tới, bởi vì từ trước đến nay có nhiều ý kiến bàn luận về những mặt xấu mặt tốt của tục này. Người ta cũng đưa ra vấn đề này để trao đổi với nhau trong những lúc trà dư tửu hậu. Ở đây, chúng tôi chỉ tìm hiểu những bài ca dao dân ca về vấn đề thách cưới đúng như tên đề tài của nó. Để qua đó thấy được những sắc thái tình cảm của nhân dân lao động.

 Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã tiến hành tìm những bài ca dao có nội dung thách cưới có mặt trong tài liệu Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật [chủ biên].

     Ở đây, chúng tôi sẽ làm rõ hai vấn đề: một là nội dung, tức là những thứ lễ vật mà cô gái yêu cầu chàng trai phải có và sự đáp trả của chàng trai. Hai là số lượng của những lễ vật đó. Qua sự phân tích này, chúng tôi cũng muốn làm rõ dụng ý của những người trong cuộc [người thách cưới].

2. Các thách cưới trong ca dao

2. 1. Các lễ vật thách cưới

    Nói về nguyên nhân tại sao lại có tục thách cưới thì có nhiều nhưng theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân đó là cô gái thách cưới vì để khỏi mang tiếng là theo không. Cha mẹ nói chung rất coi trọng phẩm giá của con gái mình cũng như danh dự của gia đình mình nên họ đặt ra những lễ vật thách cưới cho chàng trai muốn lấy con gái mình làm vợ. Họ nghĩ rằng, lễ vật thách cưới càng cao thì phẩm giá của con gái mình càng trọng. Đối với họ, mức độ thách cưới tỉ lệ thuận với danh giá con gái họ.

     Chúng ta hãy nghe cô gái tự hào khoe về gia đình mình:

"Nhà em ở cạnh vườn đình

Xung quanh có gạch xây thành tứ vi

Nhà em ăn chơi chẳng thiếu đồ chi

Tủ chè, sập gụ, hoành phi trong ngoài

Đằng trước có núi Yên Lai

Đằng sau có cả vườn trúc, vườn mai, vườn hồng

Cha em mặc áo thêu rồng

Mẹ em hoàng hậu chính cung nhà vàng

Chú em là đức Thánh Quan

Bác em là ông Hàn Tín, đánh tan giặc loàn" [1, 1042, câu 106].

     Gia đình cô gái thật là danh giá: không thiếu thứ gì, cha là vua, mẹ làm hoàng hậu, chú bác là những tướng giỏi trong thiên hạ. Vì thế, khi lấy chồng, cô cũng muốn lấy được một người chồng xứng đáng, không gì cũng là "môn đăng hộ đối". Điều đó đồng nghĩa với việc nhà trai phải sắm những lễ vật thật hậu, thật "xông xênh". Đây là thách cưới của cô gái:

"Cưới em trăm tấm lụa đào

Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời

Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi

Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng

Sắm xe tứ mã đem sang

Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu ...

... Cưới em chín chĩnh mật ong

Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò

Cưới em tám vạn trâu bò

Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm

Lá đa mặt nguyệt hôm rằm

Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi

Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi

Xin chàng chín chục con dơi góa chồng

Thách thế mới thỏa trong lòng

Chàng mà lo được, thiếp cùng theo chân" [1, 1043, câu 111].

    Đó là những lễ vật mà cô gái con nhà giàu yêu cầu. Nhìn qua những lễ vật đó dễ khiến chúng ta có cảm giác chóng mặt. Những lễ vật của cô gái thật khó tìm, khó kiếm và có lẽ trên đời này cũng chẳng ai có đủ khả năng để mà lo được. Những lễ vật đầu tiên như: lụa đào, ngọc thì có thể xoay được, nếu như chàng trai là con vua. Nhưng đến lễ vật thứ ba là ông sao trên trời thì chàng trai sẽ khó lòng mà đáp ứng được. Người ta nói: "Đố ai đếm được vì sao trên trời?", ngay cả việc đếm cũng khó chứ không nói gì đến chuyện lên trời hái sao mà đưa xuống làm sính lễ cho cô gái. Những lễ vật sau càng khó hơn nữa. Cô gái đòi phải có nào là "mỡ muỗi", "gan ruồi", "con dơi góa chồng"... toàn là những thứ không có và khó tìm cả. Đòi hỏi thật là oái oăm: muỗi thì làm gì có mỡ mà lấy? Ruồi làm gì có gan để mà lấy? Và giữa cả đàn nhiều con dơi như thế thì biết con nào là con dơi góa chồng? Không hiểu cô gái thách như thế để làm gì. Để "thỏa tấm lòng chăng? Có lẽ thế nhưng như vậy thì xứng hợp với thân phận cao sang của cô hơn.

Nhưng những cô gái con nhà nghèo thì sao? Chắc phải ít và đơn giản lắm.

"Xin chàng chín tấm gấm đào

Một trăm hạt ngọc, chín mươi chín ông sao trên trời

... Gan rồng trứng muỗi cho tươi

Lông nách con ếch nấu với lông đuôi bạch xà

Xin chàng trăm trứng ba ba

Chín chục sừng gà chọn lấy cho tinh

Xin chàng trăm rễ cột đình

Kiến trắng chín gánh gan cá kình nghìn ba" [1, 1045, câu 113].

Thật không ngờ, lễ vật mà cô gái nhà nghèo đòi hỏi chàng trai phải có cũng không kém gì cô gái con nhà giàu. Nếu như cô gái nhà giàu đòi "hai mươi tám ông sao" thì cô gái nhà nghèo lại đòi tới "chín mươi chín". Chưa hết, cô lại đòi nào là "gan rồng", "trứng muỗi", "lông nách con ếch", "lông đuôi bạch xà", "sừng gà", "rễ cột đình", ... Ở đây, lễ vật mà cô gái nhà nghèo đòi hỏi có vẻ còn nhiều hơn cô gái nhà giàu, hiếm hơn và ngược đời hơn nhiều. Từ xưa tới nay, không có chuyện và chưa ai thấy lông nách con ếch, lông đuôi bạch xà và cũng chưa ai thấy con gà có sừng, cột đình có rễ bao giờ cả. Cho nên, chàng trai cũng không đào ở đâu ra mà đưa cho nhà gái được.

Tại sao lại có sự bất ngờ đến như vậy? Chẳng ai ngờ lễ vật của cô gái nhà nghèo đòi hỏi lại "quá quắt" đến thế. Cô thách cưới cao như vậy để làm gì? Để nâng cao danh giá, giá trị của mình trong mắt chàng trai [nhà trai] chăng? Trước khi giải quyết thắc mắc này, chúng ta hãy đến xem lễ vật của cô gái lỡ thì:

"Em là con gái lỡ thì

Thầy mẹ thách cưới làm chi vẽ vời

Giàu thì ba quả phù tang

Khó thì hũ rượu cho làng uống chơi

Còn như của vụn của rời

Đàn bà con trẻ ăn chơi trong nhà

Rượu thì chín cảnh khiêng ra

Trâu thì chín chục, lợn hòa một trăm

Cưới em một vạn đôi trằm

Mười chín tấm lĩnh, ba trăm quan tiền

Vàng mười chín nén tinh nguyên

Cùng là bạc bảy sắp liền cho cao

Cưới em vải vóc lụa đào

Quần the áo lĩnh xếp vào năm rương" [1, 1040, câu 103]

Gái "lỡ thì" là gái hết duyên, không còn có quyền để mà chọn lựa, để làm cao được nữa. Những tưởng có ai thương yêu và đến dạm hỏi thì chấp nhận ngay vì từ chối thì có thể sẽ cô đơn suốt đời. Ấy vậy mà, lễ vật mà cô đòi hỏi cũng không kém, cũng nhiều và "xông xênh" lắm. Tuy nhiên, nhìn xem một lượt những lễ vật mà cô đòi hỏi, chúng ta nhận thấy một điều: những thứ cô yêu cầu tuy có cao thật nhưng cũng là những thứ có thể kiếm được, lo được. Trong yêu cầu của cô không có "gan ruồi", "mỡ muỗi", "sao trên trời"... như cô nhà giàu và nhà nghèo trên kia, mà chỉ là những thứ rất thực tế. Tuy vậy, chàng trai trong trường hợp này cũng phải là con nhà thế phiệt thì mới có thể đáp ứng yêu cầu của cô. Đến đây, chúng ta lại thắc mắc: một cô gái lỡ thì thì còn gì đâu để mà đòi hỏi nữa, được ai thương yêu thì đó là một điều may mắn nhất rồi. Vậy mà cô vẫn cứ đòi cao như thế! Tại sao?

Chúng ta thử lật lại vấn đề: Ở trên kia, cô gái nhà giàu thì không nói làm gì, cô thách cao như vậy là vì cô là con nhà cao sang. Nhưng cô gái nhà nghèo thì lại thách cao hơn cô nhà giàu nữa. Phải chăng là để nâng cao giá trị, thể diện trong mắt nhà trai? Câu trả lời chính là ở đó. Từ lễ vật của cô gái lỡ thì nhìn lại lễ vật của cô nhà nghèo và nhà giàu mà chúng tôi đi đến kết luận như vậy.

Bất cứ một cô gái nào, trước khi về làm dâu nhà người ta cũng đều muốn mình được tôn trọng. Cho nên, họ thách cưới thật cao để cho gia đình nhà trai phải nhìn lại giá trị thật sự của mình, rằng cưới được họ về không phải là điều đơn giản.

Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, chúng ta cũng nhận thấy là cô gái đang làm khó chàng trai, gần như là buộc chàng trai phải từ bỏ ý định của mình. Trước những yêu cầu có vẻ "ngược đời" như thế của cô gái, thái độ của chàng trai thế nào? Chấp nhận? Từ bỏ? Hay thương lượng giảm lễ vật thách cưới?

Anh là con trai học trò

Em mà thách cưới thế anh lo thế nào?

Em khoe em đẹp như sao

Để anh lận đận ra vào đã lâu

Mẹ em thách cưới cho nhiều

Thử xem anh nghèo có cưới được không?

Nghèo thì bán bể bán sông

Anh cũng cố cưới lấy công ra vào

Cưới em trăm tám ông sao

Trăm tấm lụa đào mươi cót trầu cau

Cưới em một trăm con trâu

Một nghìn con lợn, bồ câu tám nghìn

Cưới em tám vạn quan tiền

Để làm tế lễ gia tiên ông bà

Cưới em một chĩnh vàng hoa

Mười chum vàng cốm bạc là trăm nong

Cưới em ba chum mật ong

Mười thúng mỡ muỗi ba nong quýt đầy

Họ hàng ăn uống no say

Mười ngày ròng rã mặc rày xướng ca [1, 130, câu 366].

Anh học trò này thật lém lỉnh và táo bạo, anh không thương lượng giảm bớt mà lại tỏ ra bình thản đến lạ lùng. Và thậm chí lễ vật của anh còn có vẻ vượt mấy lần yêu cầu của cô gái đề ra. Nếu như cô gái thách "hai mươi tám", "chín mươi chín" ông sao thì anh lại dẫn tới "trăm tám ông sao trên trời". Vì tình yêu, anh không sợ, không để những lễ vật đó trở thành rào cản anh đến với cô gái và có lẽ cũng hiểu tâm lí của cô gái mà chàng trai cũng đáp lại như thế cho thỏa tấm lòng của cô. Việc dẫn hơn số lễ vật mà cô gái yêu cầu cũng thể hiện sự trân trọng của chàng trai đối với phẩm giá của cô gái và sự đồng cảm của anh đối với người yêu như thế nào.

Chính vì sự thấu hiểu đó mà bất cứ một yêu cầu nào của cô [dù là vô lí, ngược đời], anh cũng có thể đối ứng:

"Anh về mua lụa bọc trời

Mua thuyền chở núi em thời theo ngay.

Anh nỏ mua lụa mà mất nhiều tiền

Anh sai người thổi gió mây lên lên che trời" [1, 179, câu 620].

"Anh về chẻ lạt bó tro

Rán sành ra mỡ em cho làm chồng.

Em về gọt đá nấu canh

Thì anh về bắc chảo rán sành được ngay" [1, 170, câu 561].

Có khi anh còn thẳng thắn vạch ra những đòi hỏi phi lí của cô:

"Anh về tìm vảy cá trê

Tìm gan tim thú, tìm mề con lươn.

Tìm cho con bún có xương

Tìm dây tơ hồng có rễ em mà theo không?

- Em về đánh kiểng la làng

Tới đây anh chỉ vảy cá trên vàng em coi

Em đừng nói dại, nói khờ

Bún làm bằng bột ê hề xương đâu" [1, 181, câu 637].

   Bên cạnh những bài ca dao có nội dung thách cưới khó khăn, ngược đời như trên thì cũng có những bài ca dao cho thấy lễ vật của cô gái yêu cầu rất đơn giản. Chẳng hạn như lễ vật là "khoai lang" của cô gái dưới đây.

"Người ta thách lợn thách gà

Còn em chỉ thách một nhà khoai lang

Củ to thì để mời làng

Còn như củ nhỏ họ hàng ăn chơi

Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi

Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà

Còn như củ rím, củ hà

Để cho con lợn, con gà nó ăn" [1, 744, câu 2000].

Đem khoai lang ra để thách cưới quả là có một không hai. Thứ lễ vật này rất quen thuộc, gắn bó với đời sống người nông dân. Và chẳng những mọi người được hưởng niềm vui của hai họ mà những con vật trong nhà cũng được chia sẻ với niềm vui chung ấy.

    Nhưng cũng có những cô gái thách những thứ quá đơn giản tới mức tối thiểu. Bài ca dao sau đây thật thú vị, dí dỏm, vui tươi:

"Cưới em có nửa con gà

Có dăm sợi bún, có vài hạt xôi

Cưới em còn nữa, anh ơi!

Có một đĩa đậu, hai môi rau cần

Có xa dịch lại cho gần

Nhà em thách cưới có ngần ấy thôi

Hay là nặng lắm anh ơi!

                       Để em bớt lại một môi rau cần" [1, 744, câu 1997].

    Làm sao giữa đám cưới lại chỉ có "nửa con gà", "dăm sợi bún", "vài hạt xôi" trong khi mời cả họ hàng nhà trai, nhà gái, bạn bè,... Lễ vật thật đơn sơ, đơn giản và tối thiểu gần như cho không vậy. Cô gái lúc đầu chỉ yêu cầu có "hai môi rau cần" nhưng sau đó lại giảm xuống "một môi" nên chàng trai chỉ có đưa sang những thứ đó cộng với "một môi rau cần" là đủ. Đọc bài ca dao này, chúng ta nhận ra một tình cảm chân chất, hồn hậu mà dung dị biết bao nhiêu. Cô gái muốn chàng trai cưới mình không phải lo lắng một cái gì cả, chỉ có tình yêu của anh là đảm bảo cho cuộc đời của cô rồi. Còn những lễ vật đó là để cho có "lệ làng" mà thôi. Chàng trai thật hạnh phúc khi có được một người con gái dễ thương đến như vậy.

     Nếu như những cô gái ở trên đòi hỏi sính lễ thật cao sang để nâng cao phẩm giá, giá trị của mình thì cô gái đòi nhà khoai lang và cô gái thách nửa con gà, một môi rau cần này lại chỉ yêu cầu những thứ rất tối thiểu. Không phải là các cô không biết nâng cao giá trị của mình mà chính cách thách cưới đơn giản như vậy cũng là cách làm cho mình đẹp hơn trong mắt người yêu, đáng trọng hơn trong mắt người yêu. Dường như họ cũng xác định lấy chồng thì sẽ về "gánh vác giang sơn nhà chồng" nên chẳng đòi hỏi gì nhiều, vì trước sau gì cũng là người một nhà cả thôi, không cần khách khí với nhau làm gì cho phức tạp. Đó là một thái độ rất đúng đắn và phù hợp với mọi thời đại, nhất là với xã hội ngày hôm nay.

   Trong việc thách cưới thì phải căn cứ vào điều kiện của đôi bên để mà yêu cầu sính lễ cho phù hợp. Làm sao để cuộc sống sau này đừng nảy sinh những vấn đề phức tạp từ việc thách cưới là mục đích mà cả hai bên cần hướng tới. Vậy nên, phải cân nhắc cho hợp tình hợp lí là điều quan trọng nhất.

    Còn rất nhiều những bài ca dao về thách cưới mà ở dung lượng của bài viết này, chúng tôi không thể dẫn ra được. Tuy nhiên, từ sự phân tích trên, chúng tôi nhận thấy: lễ vật trong thách cưới rất đa dạng và phong phú. Cô gái [nhà gái] có thể yêu cầu rất nhiều thứ, thậm chí cả những thứ không bao giờ có ở trong trời đất, không ai có thể đáp ứng được. Nhưng cũng có những sính lễ rất đơn giản, dễ tìm và đến mức tối thiểu. Cũng qua lễ vật thách cưới, chúng ta cũng nhận ra được thái độ, động cơ của cô gái [nhà gái] khi thách cưới chàng trai [nhà trai].

     Nói về những những bài ca dao thách cưới, chúng tôi cũng bàn đến một khía cạnh nữa. Đó là số lượng những lễ vật thách cưới.

2.2.  Số lượng lễ vật thách cưới

    Qua quá trình phân tích ở phần trên, chúng ta đã thấy được sự đa dạng, phong phú của những lễ vật thách cưới. Đến đây, chúng tôi dừng lại tìm hiểu số lượng lễ vật thách cưới, biểu hiện thông qua những con số.

    Trở lại với bài ca dao: "Cưới em có nửa con gà, có dăm sợ bún, có vài hạt xôi ..., chúng ta thấy rằng, "nửa con gà", "dăm sợi bún", "vài hạt xôi" là những con số rất cụ thể, có thể xác định một cách dễ dàng.

Nhưng đó là số ít, còn có những bài ca dao có số lượng những lễ vật thách cưới nhiều hơn. Chẳng hạn: Ở bài ca dao thách cưới của cô gái nhà giàu thì có các con số "trăm tấm lụa đào", "một trăm hòn ngọc", "hai mươi tám ông sao", tráp tròn thì phải "trăm đôi", "ba trăm nón Nghệ", "mười cót xôi trắng", "mười nong xôi vò", "tám vạn trâu bò", "bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm"... Những con số này rất cụ thể và chỉ số lượng nhiều.

      Ở một bài ca dao khác, chúng ta bắt gặp rất nhiều con số chín:

"Cưới em chín quả cau vàng

Cưới em chín chục họ hàng ăn chơi

Vòng vàng kéo lấy mười đôi

Lụa là chín tấm, tiền rời nghìn quan

Gọi là có hỏi có han

Mười chum rượu nếp cheo làng là xong" [1, 744, câu 1999].

  Theo quan niệm của dân gian, con số chín là con số thể hiện sự may mắn. Cùng với con số mười, số chín cũng biểu hiện sự đầy đủ sung túc. Việc dẫn ra lễ vật thách cưới phải đủ theo số chín một mặt mong muốn cuộc sống đầy đủ, sung túc về sau của đôi lứa. Mặt khác nó cũng thể hiện sự hoàn hảo: yêu cầu sính lễ phải hoàn hảo [những thứ rất khó tìm] và số lượng cũng phải hoàn hảo [số chín là con số cao nhất trong dãy số], không có ai hơn được nữa. Có thể nhà gái biết rằng, chàng trai không lo được những thứ nhiều như vậy nhưng khi đã thách thì thách cho trọn vẹn.

Để làm rõ hơn điều này, chúng tôi xin dẫn ra một bài ca dao khác mà số lượng lễ vật toàn là con số chín để thấy được quan niệm phổ biến của nhân dân về con số chín trong thách cuới như thế nào.

"Chín con gà luộc cho tươi

Chín mâm xôi sói chàng đơm cho đầy

Cau non chín thúng rõ đầy

Rượu chín trăm hũ chàng rày đưa sang

Trước là theo tục lệ làng

Nhà em chật hẹp xin chàng chớ lo

Xin chàng lấy chín con bò

Chín gánh gạo nếp, chín vó rượu tăm

Gạo tẻ chàng sửa chín trăm

Chàng trông cho rõ kẻo lầm chàng ơi.

Xin chàng lấy chín mâm xôi

Chín con gà luộc lễ nơi ông bà

Trước là lễ tổ tiên nhà

Sau là bạn hữu người ta trông vào

Xin chàng chín tấm gấm đào

Để may chăn áo, còn bao may mùng

Xin chàng chín chén vàng hồng

Để thiếp kéo nhẫn, kéo vòng đeo tai ...

... Xin chàng lấy chín cành huê

Cành bạc lá bạc nở ra huê vàng

Rễ nó ăn xuống dọc ngang

Nụ nó bằng vàng, quả nó đồng đen

Chín cây chín ả nàng Tiên

Đánh đu cành bạc giữ gìn cành hoa

Trước là phong cảnh nhà ta

Sau để trong nhà cho dễ làm ăn

Nhà thiếp thực là khó khăn

Tiền nong chẳng có nhất văn một đồng

Xin chàng chín chiếc thuyền rồng

Chiếc thì đón rể chiếc hòng đưa dâu

Xin chàng lấy chín con trâu

           Chín mươi mẫu ruộng thì dâu mới về" [1, 1045-1046, câu 114].

3.  Kết luận

Có thể nói, những bài ca dao về thách cưới rất hay, nội dung của những lễ vật thách cưới cũng rất phong phú và thú vị, đủ cả những thứ trong trời đất này. Cả những điều chưa ai thấy bao giờ cũng có mặt trong danh mục những lễ vật thách cưới như râu cằm Thiên Lôi, lông nách con ếch, lông đuôi bạch xà, sừng gà... Ngay cả những thứ tưởng chừng tầm thường nhất như khoai lang hay thậm chí, tối thiểu nhất như môi rau cần, dăm sợi bún, vài hạt xôi cũng có thể trở thành sính lễ để nhà trai đưa sang nhà gái rước dâu về. Cùng với những sính lễ phong phú như thế thì số lượng được yêu cầu cũng đủ dạng: có khi là "nửa con gà", "dăm sợi", "vài hạt", có khi chín mười [số chín, số mười có khi là cụ thể, có thể xác định và đếm được nhưng cũng có thể là ảo, là trừu tượng nên không xác định được, không đếm được nhưng đều chỉ nghĩa tròn đầy, hoàn hảo], có khi là nghìn vạn.

      Nội dung thách cưới và số lượng các lễ vật cần có cũng thể hiện thái độ của cô gái [nhà gái] đối với chàng trai [nhà trai]. Có nhiều khi việc đưa ra thách cưới khó khăn tỉ lệ thuận với danh giá của cô gái nhưng không vì thế mà những cô gái đưa ra lễ vật đơn giản thì giá trị của cô thua những cô gái khác. Mà chính là do tình yêu của cô gái đối với chàng trai quá sâu đậm quá, quá thắm thiết, tới nỗi không cần câu nệ vật chất [thách cưới chỉ là theo lệ làng mà thôi], chỉ tình yêu là đủ. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, lễ vật càng cao thì tình yêu càng giảm.

      Vấn đề thách cưới là vấn đề cũ mà không cũ. Nó được đưa ra bàn luận rất nhiều và mỗi người một quan điểm, một cách nhìn nên không ai giống ai. Tuy nhiên, đó chỉ là bàn luận mang tính thời sự xã hội. Đề tài của chúng tôi là Tìm hiểu những bài ca dao thách cưới, cho nên, chúng tôi chỉ tiếp cận những bài ca dao có nội dung thách cưới để từ đó phân tích một vài khía cạnh cơ bản mà nó biểu hiện trên từng câu chữ. Cụ thể là những lễ vật mà nhà gái yêu cầu nhà trai phải có và số lượng của chúng.

Lương Thị Khuyên

[SV Đại học Văn Hiến]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kho tàng ca dao người Việt [2001], Nguyễn Xuân Kính - Phan Đăng Nhật [chủ biên], tập 1, Nxb Văn hóa thông tin.

Video liên quan

Chủ Đề