Dịch sốt xuất huyết hiện nay

Cập nhật: 17:48 - 04/10/2022 | Lần xem: 1274

Tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết, Tay chân miệng cập nhật đến tuần 40 [tính đến ngày 02/10/2022]

Số ca mắc Sốt xuất huyết trong tuần 40/2022 giảm gần 14% so với trung bình 4 tuần trước, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm. Số ca tử vong tính trong năm nay đã là 25 trường hợp

Tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue [SXH]

Tính đến tuần 40, Thành phố ghi nhận 62.085 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021 với số ca sốt xuất huyết nặng là 1.360 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc SXH đến tuần 40 là 2,2% tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong tuần 40 [từ ngày 26/9/2022 đến 02/10/2022], Thành phố ghi nhận 2.320 ca bệnh SXH, giảm gần 14% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 27,5% và ngoại trú giảm 0,4%. Trong tuần 40, hầu hết các quận huyện đều có số mắc giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước.

Trong tuần 39, ghi nhận báo cáo bổ sung 01 trường hợp tử vong do SXH tại Củ Chi. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình dịch bệnh Tay chân miệng [TCM]

Tính đến tuần 40, thành phố ghi nhận 15.282 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng. Trong tuần 40 [từ ngày 26/9/2022 đến 02/10/2022], thành phố ghi nhận thêm 532 ca bệnh Tay chân miệng, tăng 22,9% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh tăng ở các trường hợp khám ngoại trú và giảm các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Các ổ dịch SXH và TCM

Trong tuần 40 toàn thành phố ghi nhận 95 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 57 phường, xã thuộc 19/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức; giảm 54 ổ dịch mới so với tuần 39.

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 234 ổ dịch và có 04 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 310 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 137 phường, xã thuộc 22/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Trong tuần 40 toàn thành phố ghi nhận 04 ổ dịch Tay chân miệng mới. Số ổ dịch Tay chân miệng tích luỹ đến tuần 40 năm 2022 là 74 ổ dịch.

Khuyến cáo phòng, chống SXH:

Hiện nay, khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời. Ngành Y tế khuyến cáo:

Khi có dấu hiệu sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.

Trong quá trình điều trị bệnh SXH tại nhà, người chăm sóc/bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện.

Đối với bệnh SXH khi hạ sốt thì càng cần phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.

Trần Thị Ly Ly – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM [HCDC]

Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Số ca mắc sốt xuất huyết liên tục gia tăng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay cả nước hiện đã ghi nhận 236.730 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 98 ca tử vong. Tuần qua, cả nước ghi nhận 11.118 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 2 trường hợp tử vong. So với tuần trước số mắc giảm 7,3%. Trong đó, số nhập viện so với tuần trước giảm 7%. Như vậy tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 236.730 trường hợp mắc, 98 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,6 lần, tử vong tăng 78 trường hợp.

Tại Hà Nội trong tuần qua, cả nước ghi nhận 807 ca mắc sốt xuất huyết, nâng tổng số ca ghi nhận từ đầu năm đến nay lên hơn 4.700 ca mắc [gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước], 5 ca tử vong. Đáng chú ý, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 56 ổ dịch sốt xuất huyết mới, hiện còn 171 ổ dịch đang hoạt động. Đặc biệt, ổ dịch tại thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có tới 131 bệnh nhân sốt xuất huyết.

Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, dịch sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại Hà Nội, thời tiết mưa nhiều càng tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi, phát triển. Dự đoán năm nay sốt xuất huyết bùng thành dịch lớn, tập trung vào cuối tháng 10 đến tháng 11 sẽ là “đỉnh” dịch của Hà Nội. Nếu kèm theo đồng nhiễm Covid-19, cúm, Adeno, các dịch bệnh mới nổi, tái nổi thì nguy cơ tăng nặng cao. 

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, năm nay, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng về số lượng bệnh nhân. Trước tình hình đó, Thành phố đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân thành phố cũng như Sở Y tế Hà Nội.

Còn theo bác sĩ Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, tình hình dịch sốt xuất huyết đang gia tăng tại Hà Nội, người dân cần cảnh giác khi có nghi ngờ mắc bệnh. Mặc dù bệnh sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà, bệnh có diễn biến theo chu kỳ và tự khỏi nhưng nhiều ca đã bị diễn biến nặng. Đặc biệt, với trẻ mắc sốt xuất huyết, cần theo dõi tình trạng mệt, các dấu hiệu bất thường của trẻ. Nếu trẻ đau bụng, nhịp tim nhanh, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen… thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế. Trong giai đoạn ngày thứ 4 của chu kỳ sốt xuất huyết, nên cho bệnh nhân đi xét nghiệm kiểm tra mức độ tiểu cầu để kịp thời có biện pháp chăm sóc, phòng tránh các biến chứng nặng.

Không để dịch lây lan mạnh trong cộng đồng

Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, năm 2022 là năm chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết vì dịch thường bùng phát sau 3-5 năm [trước đó năm 2017 dịch bùng phát mạnh tại Hà Nội]. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão có thể kéo dài trong tháng 10, 11, 12, lượng mưa lớn, do đó, bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo. Dịch bệnh có thể không chỉ đạt đỉnh dịch vào tháng 10 như mọi năm, mà có thể vào giữa tháng 10, tháng 11.

Là điểm nóng về sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, tính đến cuối tháng 9, huyện Thạch Thất ghi nhận tổng số 167 trường hợp mắc phải căn bệnh nguy hiểm này. Các ca bệnh phân bố tại 10 xã, với 6 ổ dịch, trong đó 3 ổ dịch đã kết thúc và còn 3 ổ dịch vẫn đang hoạt động tại xã Phùng Xá.

Nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân, vừa qua, Trung tâm y tế huyện Thạch Thất phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Phùng Xá tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022. Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm y tế huyện Thạch Thất phối hợp với chính quyền xã Phùng Xá tăng cường công tác tuyên truyền về dấu hiệu nhận biết mắc sốt xuất huyết, cách chăm sóc bệnh nhân và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...

Trong đó, công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như loa kéo, phát thanh trên đài truyền thanh xã 3 lần một ngày, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng với 81 người tham dự; trung tâm y tế huyện đã bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện thực hiện điều tra, giám sát ổ dịch, xử lý ổ dịch theo quy định; tổ chức 5 đợt vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý phế thải đọng nước, diệt bọ gây, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại ổ dịch.

Trong thời gian tới, Trung tâm y tế huyện Thạch Thất đề nghị chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị liên quan triển khai công tác vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết; rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; thường xuyên bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện và hướng dẫn chuyên môn của ngành Y tế để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết...

Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, nếu chúng ta hiểu rõ về dịch bệnh sốt xuất huyết, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan y tế, thì người dân hoàn toàn có thể phòng, chống được dịch. Theo đó, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Người dân loại trừ được bọ gậy, dụng cụ chứa nước không có bọ gậy, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết. Nhưng hiện nay, một số hộ gia đình vẫn chưa chủ động dọn vệ sinh sạch sẽ, qua kiểm tra vẫn phát hiện dụng cụ chứa nước có bọ gậy...

Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, để hạn chế dịch bệnh sốt xuất huyết cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ban, ngành, đơn vị, người dân tham gia vào hoạt động chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thực hiện loại trừ ổ bọ gậy. Đối với chủ gia đình có nhà cho thuê trọ cần hướng dẫn, quán triệt người đến thuê nhà, phòng trọ chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết...

Đặc biệt, ý thức của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần chủ động dọn vệ sinh làm sạch trong nhà mình, làm sạch cảnh quan môi trường xung quanh, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm, không có dụng cụ chứa nước, không có ổ bọ gậy, không có muỗi, không có dịch bệnh sốt xuất huyết. Đơn giản, mỗi ngày, mỗi người chỉ cần bỏ ra 5 - 10 phút chủ động loại trừ ổ bọ gậy như tất cả dụng cụ trong nhà. Phế thải không dùng đến cần thu gom, tiêu hủy.

MINH KHUÊ-THÁI SƠN

Chủ Đề