Cuộc đời ca sĩ nguyễn đức là ai?

Posted on by hongoccan2017

NHỚ VỀ

NHẠC SĨ NGUYỄN ĐỨC

VÀ LÒ ĐÀO TẠO CA SĨ

//youtu.be/vSB3sRQPmaM

Dù dòng thời gian đã thấm thoát đã bốn thập niên qua, âm hưởng trẻ trung ngọt ngào của ba giọng ca mầm non trong Ban Tam Vân vẫn còn vang vang trong lòng giới thưởng ngoạn văn nghệ của Sài Gòn năm xưa.

Nhắc đến Bích Vân, Phước Vân, Ngọc Vân tức là nhắc đến bước đầu của một công trình đào tạo cam go và một đóng góp lâu dài cho nền Tân nhạc Việt Nam của một tên tuổi quen thuộc: Nhạc Sĩ Nguyễn Đức.

Quê quán tận miền Tây [Bạc Liêu, Cà Mau], nhạc sĩ Nguyễn Đức đã bước chân vào ngưỡng cửa âm nhạc vào lúc tuổi đời còn rất trẻ. Năm lên 8, Nguyễn Đức đã biết sử dụng Mandoline và đến năm 15 tuổi, đã biểu diễn sử dụng hai nhạc khí Mandoline và Harmonica cùng một lúc trong chương trình chọn lựa tài tử do ông

Hoàng Cao Tăng [Đài phát thanh Pháp Á] tổ chức. Vào năm 1953, Nhạc sĩ Nguyễn Đức bắt đầu dạy hát và thành lập nhóm Rạng Đông.

Trong bước đầu dấn thân vào việc thực hiện công trình tuy lý thú nhưng đầy khó khăn này, nhạc sĩ Nguyễn Đức chú trọng đến các em thiếu nhi [đa số là các em gái tuổi từ 12-13] và đã lựa chọn 3 em để thành lập Ban Tam Vân [Bích Vân, Phước Vân và Ngọc Vân]. Ban Tam Vân có lối trình diễn rất đặc biệt, vừa nhảy thiết hài [Claquette], vừa sử dụng maraccao, Guiero, Tambourin và hát ba bè.

Bộ “tam ca kích động nhạc” này đã từng trình diễn trong các chương trình Đại Nhạc Hội và vài khiêu vũ trường tại Sài Gòn. Song song với việc thành lập ban Tam Vân, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo thần đồng Phương Lan và ca sĩ Thanh Phong lúc ấy mới 12 tuổi. Sau này, chính nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đưa Thanh Phong về hợp tác với Phương Đại và Duy Mỹ để thành lập ban Sao Băng đã một thời vang tiếng trên Đài Phát Thanh và Đài Truyền hình Việt Nam trước 1975.

Vào những năm vàng son của nền Tân nhạc Việt Nam, giới yêu nhạc Sài Gòn không ai là không biết đến những giọng ca nổi tiếng một thời như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Kim Loan, Quốc Dũng, Anh Thoại… và một số ca sĩ bắt đầu bằng chữ “Phương” như Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Ngọc [Cẩm Hồng]… Đó đều là những công trình đào tạo của nhạc sĩ Nguyễn Đức từ năm 1960.

Cũng trong năm này, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã thành lập Ban Việt Nhi ở Đài Phát Thanh Quốc Gia vào năm 1962, cho ra đời ban Nhi Đồng Sao Băng, cả 2 qui tụ khoảng 40 em thiếu nhi. Về sau, vì số lượng quá đông, anh có lập thêm “Ban Gia Đình Văn Nghệ Nguyễn Đức” trên làn sóng của đài Truyền Hình VN [Đài số 9].

G.Đ.V.N.N.Đ gồm có 4 ban hợp ca nữ, mỗi ban có 14 ca sĩ và mỗi năm đều có mặt trên màn ảnh thời sự chiếu ở các rạp chiếu bóng để mừng xuân.

Sự đóng góp của nhạc sĩ Nguyễn Đức vào lãnh vực văn nghệ hết sức đa dạng. Ngoài việc đào tạo ca sĩ và hướng dẫn tài năng trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo xướng ngôn viên cho các đài truyền thanh và truyền hình như: Bạch Yến, Xuân Kiều, Phương Hồng Trinh. Anh cũng từng là cố vấn văn nghệ cho các đài truyền thanh và truyền hình như Tiếng Nói Thủ Đô, Chương trình Nha Động Viên, Chương trình Người cày có ruộng của Phòng Nông Nghiệp.

Người nghệ sĩ đa tài này rời khỏi quê hương và đến định cư tại Toronto vào tháng 11 năm 1991. Sự có mặt của nhạc sĩ Nguyễn Đức tại Toronto đã thổi một luồng gió mới sinh động vào những hoạt động văn nghệ của thành phố thương mại này. Kiếp tằm phải tiếp tục nhả tơ, mặc dầu tuổi đời đã cao, sức khỏe kém, nhạc sĩ Nguyễn Đức vẫn tiếp tục con đường đã định sẵn: phục vụ âm nhạc, phục vụ giới trẻ, lòng thiết tha mang tâm hồn của tầng lớp trẻ Việt Nam ở hải ngoại trở về với nét đẹp quê hương qua cung đàn tiếng nhạc.

Trong niềm hòai vọng đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã tham gia trong chương trình Việt Ngữ [Heritage Languages Program] để hướng dẫn cho một số giáo viên về ký âm pháp để tập hát cho học sinh Việt Nam. Ngòai ra, nhạc sĩ còn giúp đào luyện một số tài năng trẻ say mê âm nhạc có cơ hội trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Trong chiều hướng đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã qui tụ được một số giọng ca đầy triễn vọng vào năm 1993, nhóm Bừng Sáng ra đời tại Toronto với tiếng hát Hòan Vũ, Minh Nguyệt, Tử Lê, Lan Hương, Ái Ly, Huy Khang, Thùy Trang, Xuân Hằng và Thái Hòa. Được sự hướng dẫn tận tình của người nhạc sĩ và cũng là bậc thầy giàu kinh nghiệm, nhóm Bừng Sáng đã hoạch định cho mình một hướng đi trong tương lai: “Đòan kết, luyện tập chu đáo với những tiết mục mới lạ mong đem lại cho giới mộ điệu một làn gió mới cho không khí văn nghệ ở Toronto”.

Bước thời gian sẽ không bao giờ ngưng đọng và mỗi ngày qua đi sẽ để lại trong lòng người nghệ sĩ nhiều kỷ niệm khó quên. Giờ đây, với tuổi đời cao, mái tóc phai màu, nhìn lại quá khứ, suốt đoạn đường dài, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã sống và cống hiến từng hơi thở mình cho giới trẻ và cho tiền đồ của nền Tân Nhạc Việt Nam.

Rồi đây, nếu có lúc nào “đốt lò hương cũ, so phím tơ xưa”, người nghệ sĩ lão thành chắc sẽ cảm thấy mãn nguyện vì trong những công trình và những gắn bó yêu thương đã ràng buộc đời nghệ sĩ theo từng bước hưng vong của làng âm nhạc Việt Nam. [bài viết của cố ký giả Trường Kỳ – 12/9/2005]

HỌA SĨ LÊ MINH

MUA NHÀ LẦU, XE HƠI NHỜ

VẼ BÌA TRUYỆN CHƯỞNG

Nhờ vẽ bìa truyện chưởng Kim Dung, ông đủ tiền mua nhà lầu, sắm xe hơi. Từ câu chuyện trên, ông được xem là bậc thầy trong lĩnh vực vẽ bìa cho truyện chưởng Kim Dung. Vào đầu thập niên 1960, những ai từng mê truyện chưởng Kim Dung sẽ không thể quên những nét vẽ mềm mại, có hồn, tài tình của họa sĩ Lê Minh trên bìa từng cuốn truyện.

Làm giàu nhờ vẽ bìa truyện Kim Dung

Sau loạt truyện tranh Hoa Lư Động Chúa đăng trên nhật báo Dân Ta, tài năng vẽ tranh của Lê Minh được nhiều người biết đến, từ đây cái tên của ông được đóng dấu cho vẽ trình bày, vẽ truyện tranh và minh họa trên các nhật báo, tạp chí. Đến khi học năm thứ hai trường Mỹ nghệ Gia Định, chàng sinh viên Lê Minh đã được rất nhiều nhật báo, tạp chí, tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày [của Nguyễn Đức Kiên – Kim Châu], Đẹp [của Kim Lệ],

Tiếng Dội [của Trần Tấn Quốc], Tiếng Chuông [của Đinh Văn Khai] tranh nhau mời cộng tác để vẽ trình bày, vẽ truyện tranh và minh họa trong một thời gian dài.

Họa sĩ Lê Minh tên thật là Lê Ngọc Minh, ông sinh năm 1937 tại Sài Gòn, từ nhỏ ông đã mê vẽ tranh và thần tượng họa sĩ Lê Trung, một bậc thầy vẽ chân dung thiếu nữ. Đến năm 17 tuổi, tài năng vẽ tranh của chàng trai Lê Minh đã được độc giả biết đến với những nét vẽ vô cùng ấn tượng sống động qua loạt truyện tranh Hoa Lư Động Chúa đăng trên nhật báo Dân Ta, do thi sĩ Nguyễn Vỹ làm chủ bút

Vào đầu thập niên 1960, tại Sài Gòn tràn ngập truyện chưởng Kim Dung bởi nhu cầu đọc truyện của người dân tăng cao đột biến. Để đáp ứng nhu cầu của đọc giả, nhiều tờ báo bắt đầu trích đăng lại. Lúc đó, họa sĩ Lê Minh đã được đọc giả biết đến sau rất nhiều tranh minh họa có hồn, đẹp mắt trên các báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Đẹp, đặc biệt là nổi danh qua các bức vẽ thiếu nữ.

Họa sĩ Lê Minh thú nhận : “Biết tài của tôi nên hàng loạt nhà xuất bản như Thế Kỷ, An Hưng, Sống Mới

chuẩn bị xuất bản truyện Kim Dung đều săn tìm tôi vẽ trang bìa cho bằng được. Bởi thực tế cho thấy, truyện muốn bán chạy thì tôi phải vẽ bìa. Thời điểm đó, tôi được nhà xuất bản trả một bức vẽ bìa là 2.000 đồng. Giá này là cao so với thời đó, nhờ vậy mà tôi tích lũy tiền mua được nhà lầu, xe hơi cho gia đình”.

Trong giai đoạn này, Sài Gòn cũng có các họa sĩ chuyên vẽ bìa truyện chưởng như Đỗ Phi, Cảnh Thế. Tuy nhiên, so về nét vẽ, cái hồn của từng trang bìa thì không thể so được với họa sĩ Lê Minh. Qua 12 năm vẽ bìa truyện chưởng với nhiều thăng trầm của lịch sử, ông vẫn nhớ như in lần vẽ bìa cuốn truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ. Nhà xuất bản đặt hàng ông thực hiện gấp bìa truyện có nhân vật Vạn lý độc hành Điền Bá Quang mê ni cô Nghi Lâm.

Họa sĩ Lê Minh nhớ lại : “Do quá gấp, tôi chưa kịp đọc kỹ bản thảo, nghĩ rằng Điền Bá Quang là kẻ hắc đạo, nhân vật phản diện nên tôi phóng bút vẽ một người hung dữ, đầu tóc râu ria xồm xoàm. Chỉ đến khi nhà xuất bản in bìa truyện xong, ông chủ tổ chức in truyện mới than trời. Điền Bá Quang trong Tiếu ngạo giang hồ là bạn với Lệnh Hồ Xung. Người thư sinh trắng trẻo, mày râu nhẵn nhụi, vẽ như vầy là chết rồi”.

Ngoài ra, một kỷ niệm cũng không quên qua 12 năm cầm bút vẽ bìa truyện chưởng của họa sĩ Lê Minh là trong một lần đang vẽ gấp bìa Cô Gái Đồ Long nhằm kịp mang ra nhà in làm bảng kẽm thì đột ngột mất điện, phòng làm việc tối om, nóng bức, ngột ngạt,

ông chủ NXB Đại Hưng tự tay thắp nến rồi cầm quạt phe phẩy liên tục cho họa sĩ Lê Minh thực hiện nốt hình trang bìa còn dang dở.

Họa sĩ Lê Minh chia sẻ them : “Bìa truyện chưởng phải vẽ sao cho độc giả nhìn vào là thấy gay cấn hấp dẫn, do đó họa sĩ cần tuân thủ một số điều kiện bắt buộc là phải có nhân vật nữ nổi bật, tranh vẽ phải sinh động, bố cục tựa truyện, tên tác giả và người dịch phải cân đối, màu sắc hài hòa không đơn điệu cũng tránh lòe loẹt”.

Tự hào là người Sài Gòn chính hiệu

Họa sĩ Lê Minh ngoài tài năng vẽ bìa truyện chưởng Kim Dung thu hút hàng vạn đọc giả, ông còn nổi danh với tài lẻ vẽ truyện tranh nhiều kỳ [mỗi kỳ vẽ 5 cột báo] như truyện Người lấy ma, Vợ chồng của tác giả Bồ Tùng Linh trên nhật báo Thần Chung của chủ bút Nguyễn Kỳ Nam.

Họa sĩ Lê Minh còn vẽ tranh tứ bình các điển tích Trung Hoa và Việt Nam như Tấm Cám, Lâm Sanh, Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Trầu cau, Vườn đào kết nghĩa, Bao Công kỳ án, Bích câu kỳ ngộ. Ông còn vẽ minh họa bìa và các truyện tranh Hoa Lư động chúa, Đêm biển lạnh lùng, Bên dòng sông Trẹm, Đứa con rơi, Tiếng suối Sau Leng, Hương rừng Cà Mau của nhà văn Dương Hà, Sơn Nam. Sau 1975, họa sĩ Lê Minh vẽ truyện tranh Tiết Nhơn Quý chinh đông, Kiếm khách đầu rồng [NXB Mỹ Thuật]…

Họa sĩ Lê Minh mất cha từ năm 16 tuổi, ông và người chị gái sống với mẹ. Từ khi mất cha, ông và gia đình phải lăn lộn kiếm sống bằng gánh hàng hoa mua từ chợ Gò Vấp mang về bán tại chợ Bà Chiểu [quận Bình Thạnh] bán.

Họa sĩ Lê Minh chia sẻ: “Từ bé tôi rất thương mẹ, thấy mẹ vất vả, lo toan nên tôi đã biết tự lo thân cho mình. Việc làm tốt đẹp đầu tiên mà tôi làm được cho gia đình là khi thi đậu vào Trường mỹ thuật. Cũng từ đây, với tài năng vẽ tranh cho báo, tôi dần dần giúp đỡ về kinh tế cho gia đình. Tôi còn sắm cho chị gái cái máy may để học nghề và sinh sống nuôi được gia đình sau này.

Họa sĩ Lê Minh đã sống trên 80 năm trên mảnh đất Sài Gòn, trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, đời sống có nhiều vất vả, nhọc nhằn và có cả niềm hân hoan. Họa sĩ Lê Minh tâm sự cuộc đời ông gắn bó nơi này như máu thịt, ông coi mình là một người Sài Gòn chính hiệu. Giờ đây, ngồi trong ngôi nhà trên đường Lê Quang Định [quận Gò Vấp] của cha mẹ để lại, nay đến lượt ông và con cháu sinh sống. Họa sĩ Lê Minh bùi ngùi cho biết : “Cả đời tôi gắn bó với nơi này”. Ngôi nhà cất giữ kỷ niệm những ngày ông gò lưng ngồi vẽ báo, kiếm được đồng tiền đầu tiên về phụ giúp mẹ, lo cho gia đình. [theo P. Phúc]

Cao Bồi Già chuyển tiếp

PHẢN HỒI : nói thật cùng các bạn, cả hai người, họa sĩ Lê Minh và nhạc sĩ Nguyễn Đức đều là người thân rất thân của tôi trước năm 1975. Đến nay cả hai khi gặp thường jkhen tôi, “tuổi trẻ tài cao”, vì 25 tuổi đã là Thư Ký Tòa Soạn một nhật báo [báo Trắng Đen – một tờ nhật báo bán chạy nhất ở miền Nam lúc bấy giờ].

Theo tôi là dân làm báo và rất am hiểu về môi trường văn hóa văn nghệ, thì ngày xưa các ông chủ hay chọn người “mát tay” vẽ bìa [tâm linh] như họa sĩ Lê Miinh vẽ bìa sách tiểu thuyết, họa sĩ Duy Liêm vẽ bìa poster nhạc, họa sĩ Trường Tồn [nay đổi tên là Chinh Phong] vẽ manchette báo [còn là tên thương hiệu sản phẩm để giự bản quyền] v.v… nên bài viết trên đây không phải khoa trương về hoạ sỉ Lê Minh một cách quá đáng.

Hiện nay phòng tranh cá nhân [thể loại tranh sơn dầu, với hình ảnh thiếu nữ, cảnh trí, tĩnh vật v.v…] của họa sĩ Lê Minh ở ngay nhà riêng, số 572/1/1 đường Lê Quang Định, P1, Q. Gò Vấp.

Về nhạc sĩ Nguyễn Đức thì tôi hiểu rất nhiều, bởi tôi gọi NS Nguyễn Đức là Anh Hai, t

uy chỉ là anh em kết nghĩa nhưng tôi kêu như các học trò của anh thường kêu anh như thế.

Bài của cố ký giả Trường Kỳ viết chưa đầy đủ, vì sau ban Tam Ca Tam Vân, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn “lăng xê” cặp Quốc Thắng – Kim Chi, sau này còn có Hoàng Oanh, Thanh Lan rồi cùng thế hệ họ Phương có Kim Loan [không phải Kim Loan Mộng Tuyền, nay cô này đang ở Tây Đức], các quái kiệt như Trần Tỷ, Thanh Bằng [sau đổi tên là Thanh Hoài vừa qua đời]…

Nguyễn Việt

ANH XIN ĐƯA EM

ĐN CUI CUC ĐI

– Trang Hạ

Khi gả về nhà anh, chị mười sáu, anh lên năm tuổi.

Anh là con độc đinh, cha mẹ quý hơn vàng, chỉ tiếc anh quá nhiều bệnh tật.

1/. Cảnh nghèo

Ông nội ở ngoài buôn bán nhỏ, gom được tí tiền. Bà nội tin Phật, một lòng thành kính, một lần bà nội xin được một quẻ xăm giữa miếu ngụt khói hương, nói phải cưới một cô vợ hơn tuổi cho thằng cháu đích tôn thì nó mới qua được vận hạn.

Bà nội đương nhiên tin vào lời Phật dạy chúng sinh nơi khói hương vòng quanh chuông chùa ngân nga, bởi thế ông bà nội bàn tính, đưa lễ hậu, kháo tin quanh vùng tìm mối nhân duyên cho anh.

Nhà chị năm miệng ăn, trông vào mấy sào ruộng bạc màu, chỉ đủ miếng cháo, mùa đông, cha chị vì muốn kiếm thêm ít đồng ra đồng vào, theo người ta lên núi đập đá, tiền chưa kiếm được, nhưng bị đá vỡ dập lưng, tiêu hết cả gia sản, bán sạch cả lương thực, bệnh không khỏi.

Hằng ngày cha chị chỉ có thể nằm trên giường, muốn chết mà chẳng chết cho. Hai đứa em trai còn chưa đủ tuổi lớn. Nỗi khổ sở của gia đình, nỗi ai oán của mẹ, làm những năm thời con gái của chị mang một gánh nặng tâm tư.

Vì thế bà mối đến, réo rắt : “Gả cô nhà đi, tiền thì để dưỡng bệnh cho cha, còn đỡ đần được tiền tiêu trong nhà“.

Mẹ chị lắc đầu, nào có ai muốn đẩy đứa con gái thơ dại của mình vào lò lửa ? Nhưng chị xin : “Mẹ, cho con đi nhé, chỗ tiền ấy có lẽ chữa khỏi cho cha !”.

Tiếng kèn đón dâu thổi vang đầu ngõ trước ngôi nhà nhỏ của chị. Bố chị nằm trên giường tự đấm ngực mình; Con gái phải đem đổi tuổi thanh xuân, chấp nhận lấy một người chả xứng với mình chỉ vì cứu tôi và cứu gia đình này thôi ư !

Mẹ chị chảy nước mắt, tự tay mình cài lên tóc con gái cây trâm gài. Chị mặc áo đỏ đi giày thêu cúi lạy cha mẹ,

tự buông tấm khăn đỏ che đầu mình, nước mắt lúc đó mới chảy ra, trộn phấn má hồng.

Từ đó, số phận cuộc đời chị và hôn nhân giao cả về tay một đứa con nít vô tri.

2/. Cười xót xa

Bà mẹ chồng trẻ tuổi không phải là người khắt khe khó tính, bố chồng ở xa cũng chẳng cần chị tam khấu cửu bái, lạy chào dạ vâng.

Anh vâng lời mẹ gọi chị là chị gái. Hằng ngày, chị ngoài việc giúp mẹ chồng chăm ruộng rau và làm xong việc nhà, thì cắt thuốc cho chồng, sắc thuốc, may áo cho chồng, giặt giũ, cho chồng chơi, cho chồng ngủ, có lúc, anh ho suốt đêm, sốt cao, chị thức cả đêm chườm khăn hạ sốt, cho anh uống nước, uống thuốc. Trong tim chị, chị coi anh như một đứa em trai.

Hàng xóm láng giềng gặp chị, chị thường cúi đầu lặng lẽ, không nói, vội vã đi qua. Không biết là ứng với quẻ xăm của Phật, hay nhờ chính sức mình mà anh vượt qua được bệnh tật, dưới sự chăm chút của chị, anh lần lượt chiến thắng mọi cơn bệnh tật lớn nhỏ: Ho gà, viêm màng não, lở loét v.v… Dần dà, những tình cảm anh dành cho chị vượt quá tình cảm dành cho mẹ mình.

Giữa những kẽ hở lúc bận rộn, hoặc khi anh đã ngủ say, chị thường khóc nước mắt nóng rồi thờ thẫn tự hỏi mình : “Đây là hôn nhân của mình ư, đây là chồng của mình ư?”.

Đến tuổi đi học, chị may cho anh một chiếc túi xách, dắt tay anh đến lớp. Những đứa trẻ trong và ngoài thôn thường vây lấy chị hát to : “Cô con dâu, cô con dâu, làm cái gì ? Tắt đèn, thổi nến, lên giường...”

Chị không biết trong lòng mình là nỗi đau hay nỗi buồn, cúi gằm xuống, mặt đỏ lên rồi trắng bệch, trắng rồi đỏ. Một buổi tối, anh nằm trong chăn nói : “Chị ơi, em yêu chị!”.

Chị lại là vợ. Vợ lại là chị. Chị nhìn gương mặt ngây thơ non nớt của anh, im lặng. Lần đầu tiên chị cười đau khổ.

3/. An ủi nhỏ nhoi

Cha anh ở ngoài buôn bán nhiễm phải thói cờ bạc, chỉ vài ngày mà thua sạch bách bao gia sản tích cóp khổ sở lâu nay. Sau khi bố mẹ chồng chửi bới cãi vã ầm trời, bố chồng chị dứt áo bỏ nhà ra đi, từ đó không ai gặp lại ông nữa, nghe người ta nói khi đó ông bị lính bắt đi làm phu. Lúc đó trên người mẹ chồng chị còn vài thứ trang sức, cầm đi đổi lấy vài đồng tiền.

Mẹ chồng và chị bàn nhau mua lấy ba mẫu đất. Không thể mượn người làm nữa rồi, mẹ chồng con dâu xoay ra xắn ống quần lên lội ruộng, ngày còn ở nhà chị từ nhỏ đã giúp cha mẹ làm ruộng, khổ sở gì chị cũng đã nếm trải qua. Chỉ khổ cho bà mẹ chồng chị xưa nay chưa từng phải trồng lúa bao giờ.

Một nhà vốn giàu có bỗng chốc hóa bần cùng, đàn ông bỏ đi không tăm tích, bà mẹ chồng vừa đau vừa hận, lại thêm việc làm ruộng nặng nhọc, làm bà kiệt quệ, ốm rồi không dậy nổi.

Trước lúc lâm chung, bà kéo tay chị, gần như van vỉ nói : “Nó hãy còn nhỏ dại, xin cô chăm sóc nó, nếu cô muốn ra đi, xin hãy đợi lúc nó trưởng thành”. Chị nắm chặt tay anh. Từ đó, số mệnh của anh lại bị chị dắt đi.

Chị là người phụ nữ trọng tình nghĩa, chưa từng hứa gì, nhưng chị vẫn cùng anh như cũ. Từ đó về sau, ngay cả chính chị cũng không nhận ra mình rốt cuộc là vợ, là chị hay

là mẹ của anh ?

Chị quần quật không ngày không đêm, làm việc để anh tiếp tục đi học. Cuộc sống của họ trôi qua khổ nhọc nhưng bình lặng giữa tình chị em sâu nặng, tình yêu bao la như tình mẫu tử bền chặt.

Khi anh tốt nghiệp trung học thi đỗ vào một trường Đại học Sư phạm, chị thay anh thu xếp hành lý, lại một lần nữa đưa anh tới trường. Chị nhìn cậu con trai trẻ măng vừa qua tuổi dậy thì, do chính tay mình nuôi lớn từ nhỏ đến giờ, chị chỉ dặn anh hãy cố mà học hành, ngoài ra chị không nói thêm điều gì nữa.

Nhưng anh vẫn nói : “Chị, chờ tôi quay về nhé !“.

Tim chị đập nhẹ một nhịp, nhưng mặt vẫn bình thường, có điều khóe miệng ẩn một nụ cười hân hoan rất nhẹ mà người khác khó nhìn thấy. Khóe cười ấy không phải vì câu nói của anh, mà vì những gì chị bỏ ra, đã được đáp đền lần đầu.

4/. Kiếp này

Chị vẫn làm ruộng như trước, nhịn ăn nhịn mặc dành tiền gửi đi. Hai năm đầu, nghỉ hè và nghỉ Tết anh đều về quê giúp chị làm việc. Nhưng năm thứ ba đại học, anh viết thư về nói : Chị đừng gửi tiền nữa. Và kỳ nghỉ tôi cũng không về nữa đâu. Tôi muốn ra ngoài kiếm việc làm thêm, đỡ gánh nặng cho chị. Lúc đó chị đã 29 tuổi.

Ở quê, người như chị đã là mẹ của mấy đứa con. Người trong làng đều bảo, chị nuôi anh lớn khôn, lại còn cho anh thoát ly đi học, thế coi như là đã quá tốt với anh rồi, chị già hơn anh mười một tuổi, thôi đừng chờ chồng nữa.

Bây giờ anh đã đi xa, ở ngoài thế giới bao nhiêu xanh đỏ tím vàng, biết chồng mình có về nữa hay là không về nữa !

Chị cũng không biết trong lòng mình là đang thủ tiết, giữ đạo phu thê: Dù sao thì mười mấy năm trước chị cũng là một cô dâu gả cưới đàng hoàng về nhà anh; hay là mình đang vì câu nói trước ngày anh lên đường đi xa : “Chị, chờ tôi quay về nhé !“; hay là chị đang lo âu như người mẹ không yên tâm về đứa con nhỏ của mình đang ở xa; chị cứ chờ.

Chị cứ giữ sự yên tĩnh và ít lời như mấy chục năm nay đã từng. Cuối cùng cũng đã đến lúc anh tốt nghiệp. Anh quay về. Anh đã là một người đàn ông trưởng thành có phong cách và khí chất, dáng dấp một người đàn ông nho nhã hiểu biết.

Còn chị, dãi nắng dầm sương, gương mặt nhọc nhằn lao khổ đã sớm bay hết những nét đẹp thời trẻ, là một người đàn bà nhà quê đích thực. Trong lòng chị chỉ còn coi anh là một đứa em trai thân yêu.

Chị không dám ngờ anh đã nói với chị : “Chị, tôi đã trưởng thành, giờ chúng ta có thể thành thân !”.

Chị nhìn anh, như đang nằm mơ, chị sợ mình đang nghe nhầm.

Anh cũng là một người đàn ông trọng tình trọng nghĩa như chị ?

Chị cười, tự đáy lòng dâng lên miệng cười rạng rỡ, cũng để rơi xuống những giọt nước mắt đẹp đẽ nhất đời người.

5/ Xin lỗi

Anh ở lại thị trấn dạy học, chị ở nhà làm ruộng. Họ có với nhau một con trai một con gái. Sau này, anh đến khu mỏ dầu dạy học, lên chức hiệu trưởng một trường Trung học nhờ vào bằng cấp và kinh nghiệm dạy học của mình.

Vì hộ khẩu, con cái vẫn để ở nhà cho chị nuôi nấng. Sau khi nhập được hộ khẩu, anh về quê đưa vợ con lên trường. Các giáo viên trong trường đến giúp hiệu trưởng dọn nhà.

Có một giáo viên bộc tuệch chạy ra nói : “Hiệu trưởng, sao anh đón mẹ và em trai lên ở mà không đón cả chị nhà và các cháu luôn ?“. Một sự im lặng bao trùm, mọi người đều ngoái đầu nhìn chị.

Lúc ấy, mặt chị sượng trân trân, không biết nên nói gì, chị cười méo mó, nhìn anh biết lỗi. Anh ngoái đầu nhìn chị, nói với tất cả mọi người với giọng chắc nịch : “Chị các chú đây. Có cô ấy mới có tôi ngày hôm nay, thậm chí cả tính mạng tôi”. Chị nghe anh nói, mắt chị dâng lên toàn là nước mắt.

6/. Năm tháng như bài ca, tình yêu như ngọn lửa

Bây giờ chị đã bảy mươi hai, vì làm việc nặng nhọc quá nhiều, sức khoẻ kém, bệnh phong thấp làm chị đi tập tễnh. Anh sáu mươi mốt, đã về hưu từ lâu.

Hai năm nay họ dọn về khu nhà này ở, nếu hôm nào trời không mưa gió, hoặc ngày quá lạnh, đều có thể gặp bóng dáng họ ở khu sân chơi, bồn hoa; chị nắm gậy chống, anh đỡ một bên, đi chậm chạp từng bước một về phía trước, như đang dìu một đứa trẻ tập đi, chăm sóc như thế, ân cần như thế.

Những người biết chuyện của họ đều nhìn theo, cảm động bởi mối tình sâu nặng và bền chặt của anh và chị, mang nghĩa đủ tình đầy đi dọc một kiếp người. Anh nói : “Cô ấy mang cho tôi sinh mệnh, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành nửa cuối đời tôi chăm sóc cô ấy”.

Anh dắt tay chị, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười, đẹp như nét mây chiều êm ái nơi chân trời mùa hạ. [theo truyện ngắn của Trang Hạ]

Ghi chú : ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa

Yên Huỳnh chuyển tiếp

Filed under: Giới thiệu nhân vật, Truyện ngắn | Tagged: Nhân Vật, Tác phẩm, Văn hóa Văn nghệ |

Video liên quan

Chủ Đề