Có nên học Đại học Đông Đô không

Không cần thi tuyển, không cần học thực tế, chỉ cần nộp cho trường số tiền khoảng 30 – 40 triệu đồng là được cấp văn bằng 2 hệ Đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh chỉ sau 3-6 tháng, thậm chí chỉ sau 2 ngày chờ đợi. Điều này vừa bị phanh phui tại Đại học Đông Đô (Hà Nội).

Vụ việc đang gây chấn động dư luận vì trong tháng 8/2019, Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, truy nã đối với một số lãnh đạo, cán bộ trường Đại học Đông Đô về tội “Giả mạo trong công tác”, quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự.

Đáng nói đây không phải là lần đầu tiên đại học Đông Đô để xảy ra bê bối

Ngay từ năm 2001, tức là chỉ 7 năm sau ngày thành lập, vi phạm nghiêm trọng đã xảy ra tại Trường Đại học dân lập Đông Đô (sau này là Trường Đại học Đông Đô) khi gọi thí sinh nhập học vượt 2,8 lần so với chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép (chỉ tiêu tuyển sinh 1.400 nhưng gọi nhập học 4.000).

Thời điểm đó, qua thanh tra nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo  phát hiện có nhiều sai phạm như chấm bài thi không thực hiện nghiêm túc.

Sau khi chấm lại, hơn 1.600 sinh viên trúng tuyển hệ đại học phải chuyển từ hệ đại học xuống cao đẳng; Hơn 70 thí sinh khác phải buộc thôi học vì điểm thi đầu vào quá kém.

Có nên học Đại học Đông Đô không
Với quá nhiều bê bối, Đông Đô đang tự tay đóng cửa chính mình. (Ảnh: Vũ Phương)

Năm 2002, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội thực hiện khởi tố Phạm Văn Chóng, trưởng phòng đào tạo; Ông Phan Văn Hạp, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Trần Văn Đắc, quyền hiệu trưởng.

Tháng 11/2003, Tòa án nhân nhân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 3 trường hợp trên mức án tù treo từ 24-30 tháng về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Sau đó, ông Trần Văn Đắc và Phan Văn Hạp kháng cáo (trừ ông Phạm Văn Chóng).

Tại phiên xử của Tòa án nhân dân Tối cao (năm 2004) tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù treo với các ông Trần Văn Đắc và Phan Văn Hạp.

Sau bê bối này, Trường Đại học Dân lập Đông Đô lúc đó đã bị Bộ Giáo dục và Đào tạo đình chỉ tuyển sinh năm học 2002 – 2003 và đến năm học 2003-2004, Bộ mới đồng ý cho trường tuyển sinh trở lại với chỉ tiêu 500.[1]

Những tưởng sau những bê bối “động trời” sau ngày thành lập, Đại học Dân Lập Đông Đô lúc bấy giờ sẽ có sự chấn chỉnh để hướng tới chất lượng đào tạo, vì sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, bê bối năm 2019 đã xảy ra và một lần nữa thu hút sự chú ý của toàn xã hội.

Và như thông báo tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Đông Đô cũng thừa nhận, đó là sự mất mát, tổn thất lớn đối với nhà trường sau nhiều năm gây dựng, trưởng thành và phát triển.

Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với hoạt động của Trường Đại học Đông Đô nói riêng cũng như nhiều đơn vị đào tạo đại học khác.[2]

Với những bê bối đã vướng phải, đã không ít có ý kiến về việc phải đóng cửa trường cơ sở đào tạo này để “làm gương” cho các cơ sở khác.

Đó cũng có thể coi là ý kiến xác đáng khi Đại học Đông Đô đã để lại điều tiếng quá lớn, đánh mất niềm tin của xã hội, những người đã học và trường thành dưới mái trường này.

Thế nhưng, xử lý kỷ luật cán bộ, trách nhiệm của cơ sở đào tạo là một vấn đề cần phải hết sức thận trọng bởi ảnh hưởng lớn tới xã hội.

Một quyết định vội vàng có thể gây ra hậu quả tai hại đối với hàng nghìn sinh viên, học viên và quyền lợi của các cán bộ giáo viên của nhà trường

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan hơn thì những sai phạm đã xảy ra không phải là chủ trương của tập thể, của ngành giáo dục mà đó là những sai phạm của những cá nhân.

Vì tha hóa quyền lực, vì mưu lợi cá nhân đã sử dụng những thủ đoạn nhằm phương hại đến uy tín của Giáo dục đại học nhằm trục lợi bất chính.

Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng. Tới đây, những người sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự công minh của luật pháp.

Thế nhưng, với những hình ảnh một trường đại học có 25 năm tuổi đời đã bị hoen ố bởi những cá nhân tha hóa, ai sẽ cứu trường Đại học Đông Đô?

Có nên học Đại học Đông Đô không
Còn gia đình nào, người học nào dũng cảm đến với Đông Đô để học tập sau những bê bối động trời như vừa qua? (Ảnh: Vũ Phương)

Trong thời điểm mà các trường Đại học cả nước đang trong xu thế được trao quyền tự chủ, các trường phải thể hiện được năng lực.

Tuy nhiên, Đông Đô đã để những cá nhân kéo ngược xu thế bởi sự thiếu công khai, minh bạch và hơn hết việc đấu tranh với cái xấu trong nội bộ có lẽ đã quá yếu kém khiến cái xấu lấn át cái tốt.

Martin Lutherking - nhà hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi, từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, cho rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt.”

Để bê bối xảy ra nhiều như vậy, một phần trách nhiệm phải đến từ chính những “người tốt” đã im lặng để cái xấu lộng hành trong trường Đông Đô.

Nếu để những cái xấu đó lặp đi lặp lại nhiều lần, thì chính sự im lặng của rất nhiều “người tốt” đã góp phần tự đóng cửa trường Đông Đô.

Liệu rằng ai sẽ đến với Đông Đô để học tập, rèn luyện, đào tạo sau những bê bối phản giáo dục như thế? 

Không có người học, trường sẽ tồn tại bằng cách nào?

Việc đấu tranh với cái xấu trong nội bộ sẽ góp phần đẩy lùi cái xấu và sẽ cứu lấy chính “nồi cơm” của bản thân mình.

Hi vọng rằng, sau Đông Đô, sẽ không còn trường hợp nào vì tư lợi mà bối xấu giáo dục, vì mưu lợi cá nhân mà đạp đổ “nồi cơm” của người khác.

* Tài liệu tham khảo:

1. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/hai-lan-vi-pham-bi-khoi-to-co-nen-giai-the-truong-dh-dong-do-556200.html

2. https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dai-hoc-dong-do-nhan-loi-hua-se-giai-quyet-quyen-loi-chinh-dang-cho-nguoi-hoc-post201914.gd

Trần Phương