Chi trả giáo viên dạy học sinh khuyết tật

Ngày 23/3, thông tin từ Trường THPT Hai Bà Trưng [TP Huế], nhà trường vừa tổ chức cho giáo viên kê khai các hồ sơ, thủ tục liên quan để nhận chế độ chi trả cho người đứng lớp có học sinh khuyết tật học theo hình thức hòa nhập, theo quy định hiện hành.

Trường THPT Hai Bà Trưng [TP Huế].

Theo Hiệu trưởng Ngô Đức Thức, từ nhiều năm nay, Trường THPT Hai Bà Trưng là một trong những đơn vị giáo dục THPT được Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế giao tiếp nhận học sinh khuyết tật tham gia học tập theo hình thức hòa nhập. Mỗi năm, nhà trường tiếp nhận bình quân khoảng 5 học sinh khuyết tật vào học.

Theo quy định hiện hành, giáo viên tại lớp có học sinh khuyết tật được nhận chế độ phụ cấp, tuy nhiên, Trường THPT Hai Bà Trưng lại “bỏ quên” việc giải quyết chế độ chính sách này trong nhiều năm, khiến giáo viên băn khoăn thắc mắc.

Cụ thể, giáo viên nêu ý kiến, năm học 2020 - 2021, tại một lớp 12 và lớp 10 của Trường THPT Hai Bà Trưng có học sinh khuyết tật, nhưng chỉ một số rất ít giáo viên dạy hai lớp này được nhà trường cho làm kê khai nhận tiền dạy lớp có học sinh khuyết tật hoà nhập của học kỳ 1, riêng học kỳ 2 không được làm. Năm học 2019 - 2020, tại một lớp 11 có học sinh khuyết tật, nhưng giáo viên dạy môn Giáo dục công dân và chủ nhiệm không được nhận chế độ phụ cấp…

Hiệu trưởng Ngô Đức Thức thừa nhận bản thân có sai sót trong việc chậm triển khai giải quyết chế độ cho giáo viên dạy lớp có học sinh khuyết tật.

Từ phản ánh trên của giáo viên, tiếp xúc với PV, ông Ngô Đức Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng [TP Huế], thừa nhận bản thân có sai sót trong việc chậm triển khai giải quyết chế độ cho giáo viên dạy lớp có học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế việc chậm giải quyết này theo ông Thức không hoàn toàn như giáo viên phản ánh đến báo chí.

Ông Thức nêu lý do, từ năm 2020 trở về trước, kế toán nhà trường là một người khác. Nhân viên kế toán này do không nắm rõ các chủ trương, chính sách mới về chế độ phụ cấp dành cho giáo viên nên không tham mưu cho lãnh đạo nhà trường triển khai các thủ tục chi trả cho giáo viên đứng lớp có học sinh khuyết tật học theo hình thức hòa nhập. Riêng bản thân ông Thức là hiệu trưởng cũng thiếu sâu sát về việc này.

“Năm 2020, người này chuyển công tác, phần tồn đọng về giải quyết chính sách cho giáo viên dạy lớp khuyết tật không được bàn giao cho nhân viên kế toán mới để tham mưu triển khai trong toàn trường. Đến thời gian gần đây, nhân viên kế toán mới qua kiểm tra, rà soát các chế độ chính sách dành cho giáo viên đã phát hiện thiếu sót này, nên tham mưu cho lãnh đạo nhà trường tổ chức thực hiện. Đây là cái sai của nhân viên kế toán cũ và bản thân tôi, do thiếu sâu sát”.

Trường THPT Hai Ba Trưng [TP Huế] đã tổ chức cho giáo viên kê khai để chi trả phụ cấp đứng lớp có học sinh khuyết tật kể từ tháng 1/2022.

Ông Thức cho biết thêm, việc giải quyết chế độ giáo viên đứng lớp có học sinh khuyết tật sẽ được thực hiện bổ sung cho tất cả những trường hợp chưa được nhận chi trả kể từ năm học 2020 - 2021 đến nay, giáo viên sẽ được truy lĩnh và bảo đảm quyền lợi khi giảng dạy.

“Hồ sơ thủ tục đang được bộ phận kế toán triển khai làm bổ sung từ năm học 2020 - 2021 trở lại đây cho toàn bộ giáo viên đủ điều kiện nhận phụ cấp, nên không có chuyện giáo viên người đã được nhận tiền, người không được kê khai trong thời gian gần đây”. 

Trao đổi với PV chiều 23/3, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết, việc giải quyết chính sách cho giáo viên dạy lớp có học sinh khuyết tật luôn được Sở phổ biến, quán triệt thường xuyên, yêu cầu thực hiện ở tất cả các trường có đối tượng học sinh này theo học. Đối với việc chậm giải quyết chế độ phụ cấp xảy ra ở Trường Hai Bà Trưng, lãnh đạo Sở sẽ yêu cầu giải trình. Sở cũng sẽ cho rà soát, chấn chỉnh lại tình hình chi trả phụ cấp cho giáo viên dạy lớp có học sinh khuyết tật trong toàn tỉnh, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người đứng lớp.

[Nguồn: Tiền Phong]

Một số giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác phản ánh, thầy cô dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập nhưng từ nhiều năm qua vẫn không được nhà trường chi trả phụ cấp giảng dạy theo chế độ.

Phụ cấp ưu đãi cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật được tính thế nào?

Ngày 5/8/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản số 2685/GDĐT-TC gửi thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về thực hiện phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập trong cơ sở giáo dục.

Theo đó, Sở Giáo dục nhận được Công văn số 5601/UBND-VX ngày 13/02/2018 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật trong cơ sở giáo dục và Công văn số 1061/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 26/7/2019 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục về việc tính tiền lương 01 giờ dạy của giáo viên.

Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc bài. [Ảnh minh hoạ: Baothainguyen.vn]

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện như sau:

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng trường trung học phổ thông và thủ trưởng đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, triển khai và thực hiện đầy đủ các nội dung theo Công văn số 5601/UBND-VX ngày 13/02/2018 và Công văn số 1061/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 26/7/2019. Cụ thể:

1. Về áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ như sau:

Phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật

=

Tiền lương 01 giờ dạy của giáo viên

X

0,2

x

Tổng số giờ thực tế giảng dạy ở lớp có người khuyết tật

Về cách tính tiền lương 01 giờ dạy của giáo viên thì thực hiện theo điểm c Khoản 1 Điều 4 của Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương thêm giờ đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập:

Tiền lương 01 giờ dạy

=

Tổng tiền lương 12 tháng trong năm học

x

Số tuần dành cho giảng dạy [dạy trẻ]/52 tuần

Định mức giờ dạy/năm

Thời gian thực hiện: Từ tháng 9 năm 2018 [bắt đầu từ năm học 2018 - 2019].

2. Về truy lãnh phụ cấp ưu đãi: Thực hiện truy lãnh phụ cấp ưu đãi 16 tháng [gồm 06 tháng kể từ tháng 9/2015 đến tháng 02/2016 do ngừng thực hiện quyết định số 69/2011/QĐUBND ngày 07/11/2011 của Ủy ban Nhân dân Thành phố và thời gian 10 tháng kể từ tháng 11/2017 đến tháng 8/2018 do ngừng thực hiện Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND].

Như thế, hiệu trưởng nào không chi trả tiền cho giáo viên tham gia giảng dạy học sinh hòa nhập là sai theo quy định của Chính phủ.

Thầy cô cần làm gì nếu chưa nhận được phụ cấp dạy học sinh hòa nhập?

Theo ý kiến cá nhân người viết, nếu chưa nhận được phụ cấp dạy học sinh hòa nhập, thầy cô cần thẳng thắn thông báo cho hiệu trưởng biết bản thân đã và đang dạy bao nhiêu học sinh hòa nhập, lớp nào, số năm chưa được nhận.

Trong quá trình giảng dạy, thầy cô rất dễ nhận ra học sinh nào thuộc diện hòa nhập vì các em thường mắc các dạng tật như: khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật trí tuệ… Thầy cô chỉ cần hỏi ban cán sự lớp và giáo viên chủ nhiệm là nắm được chính xác số lượng học sinh.


Hạnh phúc của nhà giáo cả đời thắp sáng ước mơ cho học sinh khuyết tật

Danh sách học sinh hòa nhập đều được lưu hồ sơ theo quy định tại văn phòng nhà trường do nhân viên văn phòng phụ trách.

Thầy cô cũng cần lưu ý, học sinh hòa nhập phải có giấy xác nhận khuyết tật gồm các thông tin: họ và tên; ngày sinh; giới tính; nơi đăng kí hộ khẩu thường trú; dạng khuyết tật; mức độ khuyết tật do Ủy ban Nhân dân xã [phường] xác nhận.

Cùng với đó, thầy cô cần dẫn Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật [Khoản 2 Điều 7] để làm minh chứng.

Nếu hiệu trưởng không giải quyết, thầy cô cần viết đơn nhờ Công đoàn trường can thiệp giúp để đòi lại chế độ chính đáng cho mình. Nếu thầy cô nể nang, e ngại thì không những bản thân mà đồng nghiệp cũng bị thiệt thòi, gây bức xúc, ảnh hưởng đến công việc.

Hơn nữa, sau khi học sinh chuyển cấp hoặc tốt nghiệp thì hồ sơ hòa nhập của các em không còn được lưu lại ở trường nữa, thầy cô khó truy minh chứng để đối chiếu.

Riêng thầy cô công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh nếu có dạy học sinh hòa nhập trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2018 thì được truy lĩnh chế độ như đã đề cập ở trên. Bởi có giáo viên thông tin, cho đến thời điểm này vẫn chưa nhận được phụ cấp dạy hòa nhập từ thời điểm trước năm 2018.

Một giáo viên bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vẫn có tình trạng hiệu trưởng lách luật làm trái quy định bằng cách bố trí mỗi lớp học có hơn 2 học sinh khuyết tật để dễ bề nhập nhèm trong việc chi trả chế độ cho giáo viên.

Giả sử trường học có 4 học sinh thuộc diện hòa nhập, theo quy định, hiệu trưởng phải sắp xếp các em vào 2 lớp thì lại gom chung 1 lớp để không phải chi trả thêm tiền cho nhiều giáo viên giảng dạy [giảm được nửa số lượng giáo viên].

Khoản 2 Điều 5 Thông 03/2018/TT-BGDĐT ngày 29/1/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập như sau:

“Sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với người khuyết tật; đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập có không quá 02 [hai] người khuyết tật. Trường hợp đặc biệt, thủ trưởng cơ sở giáo dục căn cứ vào điều kiện thực tế có thể sắp xếp, bố trí thêm người khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo cho những người khuyết tật có nhu cầu học hòa nhập đều được đi học.”

Dạy học sinh hòa nhập, thầy cô chịu nhiều nỗi vất vả. Thế mà khoản tiền Nhà nước hỗ trợ giáo viên dạy các em khuyết tật vẫn còn nhiều trường không chịu chi trả, không biết đi đâu về đâu…

Kính mong Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục các địa phương quán triệt hiệu trưởng thực hiện nghiêm túc việc chi trả phụ cấp dạy học sinh hòa nhập cho giáo viên đứng lớp theo Nghị định quy định của Chính phủ. Nếu hiệu trưởng nào chi trả chậm trễ hoặc cố tình lờ đi khoản này thì cơ quan quản lí giáo dục phải có hình thức kỉ luật thích đáng.

Tài liệu tham khảo:

//hcm.edu.vn/thong-bao/tin-khan-ve-thuc-hien-phu-cap-uu-dai-doi-voi-nha-giao-truc-tiep-giang-day-nguoi/ct/41012/62904

[*] Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương

Video liên quan

Chủ Đề