Cách tập luyện thiết sa chưởng

ĐÁP : Đang học Thái Cực Quyền lại tập Thiết Sa chưởng thì không được thích lắm vì Thái Cực Quyền là Nội gia quyền còn TSC là Ngoại gia, hai môn cùng tập một lúc đối với người mới luyện khó thâu thái được ý quyền. Do đó mà khó thành công.

HỎI : Dùng Thiết Sa luyện Chưởng mau thành công hay dùng đậu ?

ĐÁP : Dùng Thiết sa tập mau có kết quả hơn, nhưng không có Thiết Sa tạm dùng đậu cũng thành công như thường.

HỎI : Mỗi ngày tập hai buổi. Sáng và Tối thì tập trong thời gian bao lâu thì có thể chặt hai viên gạch ?

ĐÁP : Cứ y như phép luyện mà hành thì trong vòng 50 ngày có thể phá vỡ hai viên gạch tiểu, lâu hơn thì công phá được nhiều hơn.

HỎI : Chỉ tập một tay thôi có được không ?

ĐÁP :Theo phương pháp xưa người ta chỉ luyện tay trái vì thông thường người ta quen sử dụng tay phải sợ rằng luyện tay phải vì thói quen dễ gây ra tai nạn cho người khác. Nhưng theo phương pháp của tôi thì nên luyện cả hai tay thì sự ích lợi nhiều hơn. Còn việc sợ lở tay thì ít khi, vì khi luyện thành Thiết Sa chưởng thì sức lực tùy ý mà phát ra, nếu ý chẳng muốn phát kình thì tay đâu có lực để đả thương người.

2.- Ông LÂM NHỨT THỐNG, Nam Dương

HỎI : Theo như phương thức luyện Thiết Sa chưởng khi đã thành công “Sơ thành” muốn luyện thêm lên cao hơn thì có cách nào hay những điều kiện gì đặc biệt không ?

ĐÁP : Đã luyện đến Tiểu thành thì cứ thế mà luyện thêm cho đến Đại thànn, không có phương pháp nào khác nữa. Có là chỉ cách sử dụng, đó là phần kỹ thuật không nằm trong phần luyện công.

3.- Ông LÝ NGÔ KIỆM, Nam Dương

HỎI : Nếu mua không được Thiết Sa có thể dùng bi sắt thay thế có được không ?

ĐÁP : Nếu không có Thiết Sa có thể dùng phân nửa đậu xanh, phân nửa đậu đen. Dùng bi sắt cũng được, nhưng mua đắt tiền.

4.- Ông HOÀNG HỚN TRUNG, Nam Dương

HỎI : Luyện Thiết Sa chưởng tại sao phải mang cái chụp mũi. Và ăn huyết heo có ích lợi gì ?

ĐÁP : Đeo chụp mũi để tránh hít phải những bụi sắt li ti của Thiết Sa bay lên có phương hại đến hệ tuần hoàn. Ăn huyết heo, nế có thể ăn được, huyết heo có công dụng làm sạch ruột, dạ dà' và phổi, mà khi luyện vô ý không tránh khỏi hít phải bụi cát.

5.- Ông HÀ LÊ DƯ, đảo MORRIS

HỎI : Luyện Thiết Sa chưởng và Phục Hổ Công cùng lúc có được không ?

ĐÁP : Luyện hai môn cùng lúc không phương hại gì cả, nhưng cần nhất là phải chia thời giờ cho hợp lý để tránh sự mệt mỏi tán thần.

HỎI : Tập Thiết Sa chưởng, trước hay sau bữa ăn chính bao lâu ?

ĐÁP : Phải tập trước bữa hoặc sau bữa ăn chính tối thiểu là một gìờ. Điều quan trọng là không khi nào luyện Thiết Sa Chưởng mà trong bụng không có gì. Tốt nhất là trước khi khởi sự tập nên uống một ly vừa phải chất lỏng bổ dưỡng, như sữa hay mật ong hoặc trái cây xay Nếu không thì ăn một trái chuối cũng được.

6.- Ông TẠ PHỔ NGUYÊN, California Hoa Kỳ

HỎI : Dược liệu dùng luyện Thiết Sa chưởng có dùng âu dược được không ? Nếu được xin ông cho tôi xin toa.

ĐÁP : VÕ Thiết Sa chưởng và mọi ngành võ thuật cùng tư tưởng đều phát xuất tại Đông Phương, do đó những thuốc men để hổ trợ cho việc luyện tập võ thuật được cổ nhân nghiên cứu và đã dùng những thứ cây cỏ tại Đông phương. Thuốc luyện Thiết Sa chưởng dùng dược liệu Trung Quốc. Nhưng nếu khi nào khoa học Tây phương tìm ra những hợp chất so sánh giống dược liệu Trung Quốc thì cũng có thể dùng thế được.

7.- Ông HOÀNG TỰ DlỆN, Nam Dương

HỎI : Tôi luyện Thiết Sa chưởng đã được một năm rồi sao ứng dụng phá không nổi ba viên gạch ?

ĐÁP : Theo kinh nghiệm của tôi và nhiều danh sư khác thì muốn công phá ba viên gạch tiểu vỡ thì chỉ cần khổ luyện Thiết Sa chưởng trong vòng 100 ngày thôi. Trường hợp của ông có lẽ ông tập không đúng phương pháp rồi. Phải chi ông biên thư hỏi tôi trước hoặc một người nào đã thành công về TSC thì đâu có bị mất thời giờ đến một năm.

8.- Ông LÝ DÂN THẮNG, Nam Dương

HỎI : Tập Thiết Sa chưởng mà không dùng thuốc cỏ hại gì không ? Sự thành công và hậu quả như thế nào ?

ĐÁP : Tập Thiết Sa chưởng mà dùng thuốc không đúng đã gặp những điều không hay về Hệ tuần hoàn rồi, nói chi đến tập liều mạng thì hậu quả còn biết nói làm sao. May mà thành được Sơ thành chặt gảy vài viên gạch thì trong minh đã bị nội thương rồi.

HỎI : Có người nói luyện thành công Thiết Sa chưởng thì hai bàn tay cứng, chai thành cục, mất linh hoạt, viết chữ không được, có đúng thế không ?

ĐÁP : Công chia làm hai loại : Nội tráng và Ngoại tráng, Tháp sa (dùng tay đâm, xỉa vào cát) cũng có trực tiếp và gián tiếp. Phép luyện ngoại tráng thành công thấy cứng cáp bên ngoài, khi luyện không biết vận sức mà chỉ gồng tay cố làm cho mạnh, lâu ngày vì sự cọ xát với cát đá mà thành dày da, gân máu co lại quăn queo như con trùng uốn khúc trên da, gân cốt thành cứng đâu có lạ gì. Đấy là phương pháp chính yếu luyện trực tiếp.

Nhưng phương pháp gián tiếp luyện Nội tráng không phải như thế, dù cũng dùng tay đâm vào cát nhưng vận sức đúng phương cách lại dùng thuốc đúng phương. Nên khi thành công thì gân xương bên trong cũng cứng cáp mà bên ngoài thì không thô kệch, khi thường thì giống tay người thường, nhưng khi dùng đến thì cứng cáp như đồng sắt, không chỗ nào là không linh hoạt.

Phương pháp Bách Nhật Thiết Sa Chưởng thoát thai từ phương luyện Nội Tráng mà ra, cho nên khi thành công không có hiện tượng chai da và cứng tay.

9.- Ông LƯƠNG NGUYÊN, Hoa Kỳ

HỎI : Luyện Thiết Sa chưởng chỉ vổ nhè nhẹ lại quá mạnh như thế là nghĩa thế nào vậy ? Nhà thể tháo cử tạ bốc cả trăm ký lô mà muốn công phá cũng không bằng người luyện Thiết Sa, coi bên ngoài không có gì ghê gớm, tại sao làm có sức mạnh như vậy ?

ĐÁP : Vì là hai trường phái khác biệt, nên khó có thể so sánh : một đàng “lực sĩ”' chỉ cốt tập về cơ thể cho nở nang, các bắp thịt phát triển làm thân hình cân đối đẹp đẽ. Tập lâu ngày bắp thịt cuồn cuộn trông rất đẹp mắt, sức mạnh ngày cũng càng tăng, nhưng sức lực ấy bị phân đều trong các bắp thịt, không tự tập trung vào một chỗ nào và cũng không điều khiển được sức lực như ý muốn. Nói tóm lại là người tập tạ có sức nhưng không thể điều khiển sức theo như nhà luyện tập Thiết Sa chưởng.

Người luện tập Thiết Sa chưởng quanh năm chuyên chú tập trung tinh thần gom góp sức lực của thân thể vào một đòn, chiêu. Lâu dần thành tự điều dụng được sức lực của mình và mỗi ngày một tăng thêm, và chỗ chịu đựng nổi sức lực của toàn thân phát ra được tẩm luyện nên càng cứng cáp. Do đó một cú đánh của người luyện Thiết Sa chưởng có tầm nguy hiểm hơn người tập tạ. Ngược lại, nếu phải gánh vác khiêng vật nặng nề thì người tập tạ làm hay hơn.

10.- Ông DƯƠNG LƯU, Hoa kỳ

HỎI : Dùng dược liệu như thế nào khi luyện tập Thiết Sa chưởng ?

ĐÁP : Trong cuốn sách nầy có chỉ dẫn cách dùng dược chất. Tuy nhiên nếu trong giờ tập rủi bị thương, thấy đau nhức hay nhức mỏi quá, có thể ngưng ngang sự luyện tập để lấy thuốc thoa bóp ngay chỗ đau, không cần phải cố gắng chịu đau đến hết buổi tập.

11.- Ông TRẦN DU KHÁNH, Mã Lai Á

HỎI : Luyện Thiết Sa chưởng có cần một thân thể cường tráng không ?

ĐÁP : Luyện Thiết Sa chưởng công không nhất thiết phải có một thân thể cường tráng mà người bình thường ai luyện cũng được. Nhưng nếu là người bẩm sinh quá yếu ớt và hay đau yếu luôn, việc luyện TSC khó thành công. Và người bệnh tim không nên luyện.

HỎI : Luyện theo phương pháp của ông khi thành công thì chưởng cứng hay đầu ngón tay cứng ?

ĐÁP : Phương pháp Bách Nhật Thiết Sa chưởng khi luyện thành thì cả 5 nơi, chỉ, chưởng, uyển, thiết, v.v đều có sức cả.

HỎI : Tôi thấy ông Sơn Đông mãi võ dùng chưởng đánh gảy một phiến đá nặng khoảng bảy tám mươi ký lô, cái đó có phải do công phu Thiết Sa chưởng luyện mà thành công ? Theo phương pháp của ông sau có thể làm được công phu đó không ?

ĐÁP : Cũng có thể ông ấy tập Thiết Sa chưởng, nhưng theo phương pháp Trăm ngày (tiểu thành) thì chưa thực hiện nổi công phu đó, mà có thể tùy người, chặt gảy từ 3 đến 4 viên gạch tiểu.

HỎI : Ông mãi võ chưởng lực tuy mạnh nhưng thân thể ông gầy nhom, mắt lồi ra ngoài và không có thần. Đó có phải là triệu chứng thành công trong môn TSC, hay là triệu chứng bị thương sau khi tập ?

ĐÁP : Luyện công phu TSC nến không có sách vở chân truyền và thuốc thang đúng cách thì dễ bị nội thương. Nhất là những thanh thiếu niên thân thể chưa nảy nở đủ sức nếu không có phương pháp đúng để học thì sau lớn lên sẽ có nhiều chỗ sai lệch. Ông mãi võ đó có lẽ lúc thiếu niên luyện về nội tráng TSC nên mới bị ảnh hưởng thân thể thư thế chứ không phải triệu chứng của sự luyện TSC.

HỎI : Theo lời ông mãi võ nói thì ông đạt được thành quả đó sau ba năm lập luyện không ngừng, không biết ông có nói thật không ?

ĐÁP : Nếu với tảng đá to như thế và không có bỏ thuốc chế luyện để làm trò mà đánh gảy thuần bằng sức mạnh do chưởng lực công khu thì quả phải cần đến thời gian khổ luyện như ông ta nói.

12.- Ông MÃ TIÊN QUAN, Nam Dương

HỎI : Nếu không có Thiẽt Sa để tập mà tập với đậu thì có cần đến thuốc hay không ?

ĐÁP : Mục đích của dược công không những lưu thông khí huyết, tan máu bầm, còn có thể trợ lực cho chưởng công nữa. Cho nên bất luận dùng Thiết Sa hay đậu đều phải cần đến dược để hỗ trợ thêm.

13.- Ông BÀNG HƯỞNG, Mã Lai Á

HỎI : Theo phương dược của ông thì ngâm thuốc với rượu nào tốt nhất ?

ĐÁP : Dùng rượu trắng cũ (để lâu), loại rượu nấu bằng nếp tốt nhất, thứ đến là rượu nấu bằng gạo, người bây giờ (dân nhậu) gọi là rượu Công Xi cũng được.

14.- Ông TRẦN QUANG THÀNH, Hong Kong

HỎI : Ông tổ của môn Thiết Sa chưởng là ai và sáng lập bộ môn nầy từ bao giờ ?

ĐÁP : Xin xem phần nguồn gốc môn Thiết Sa chưởng trong cuốn sách nầy.

HỎI : Luyện Thiết Sa chưởng thì đôi tay cứng cáp phi thường, nhưng thân mình có lợi gì không ?

ĐÁP : Thiết Sa chưởng là một ngành trong võ học, chỉ nhắm vào việc luyện cho đôi tay có sức đả thương người, như vậy không chú trọng luyện cả thân người, muốn được toàn diện nên học thêm những công phu khác. Những môn võ bổ túc cho nhau là lẽ tự nhiên.

15.- Ông THÁI TÙNG CẨM, Hong Kong

HỎI : Nếu khòng mua được Thiết Sa có thể dùng bột sắt có được không ?

ĐÁP : Tốt hơn nên dùng hai loại đậu xanh và đen.

HỎI : Khi dùng rượu thuốc có cần hâm nóng không ?

ĐÁP : Không cần thiết.

16 - Ông TRƯƠNG THANH TUYỀN, Thái Lan

HỎI : Thuốc bột ông gởi cho tôi không biết vì quá lâu hay vì gói không kỷ nên nhận được thấy ướt lên mốc và đóng cục không biết có còn xài được không ?

ĐÁP : Thuốc đó dù đóng cục và lên mốc nhưng dược tính bất biến nên vẫn còn ngâm rượu và dùng được như thường, nhưng khi đã ngâm thành thuốc rượu phải đậy kín ngừa những chất nhẹ hơi như Mộc hương bay đi hết.

17.- Ông NGÔ ÍCH CHI, Hoa Kỳ

HỎI : Nếu bị thương trầy da có thể dùng thuốc ông giới thiệu không ?

ĐÁP : Nếu tay bị thương nên dùng thuốc bó cho lành da rồi hãy tiếp tục tập luyện.

18.- Ông VÔ DANH, Hong Kong

HỎI : Luyện Thiết Sa Chưởng có khi nào bị nội thương thổ huyết không ?

ĐÁP : Nếu không đọc sách kỷ và tập đúng phương thuốc thì rất tai hại, nếu trong khi tập thấy phản ứng bất lợi về sinh lý thì nên ngừng tập nếu không sẽ bị thương dù nặng, nhẹ vẫn không có trường hợp nào bị thổ huyết. Trừ phi bị người khác dùng Thiết Sa chưởng đánh trúng.

HỎI : Thiết Sa chưởng thuộc công phu của Nội gia hay Ngoại gia ?

ĐÁP . Thiết Sa chưởng thuộc Ngoại gia công phu, nhưng nếu có thể nhu luyện lâu năm thì cũng có thể vượt giới thành Nội gia công phu.

HỎI : Sau khi hành công có thể dùng nhưng thang dược thông thường hay rượu thuốc bán ngoài chợ ngâm tẩm có được không ?

ĐÁP : Dùng đinh sét, hay sắt rỉ ngâm giấm để thay thế dược liệu chính thống thì công hiệu đáng nghi ngờ cũng giống như những thứ thuốc không biết ra sao chỉ thấy màu mè rao bán rẻ thì làm sao tin tưởng được. Chắc chắn những thứ vừa kể sẽ không có lợi. Phải chú ý đừng nên dùng dược liệu bậy bạ mà mang hại.

19.- Ông HÀ LÊ DƯ, đảo Morris

HỎI : Nhiều người nói rằng trong trăm ngày hành công Thiết Sa chưởng không nên giao hoan (làm việc vợ chồng) và cũng không được mộng tinh hay bất cứ lý do nào mà xuất tinh, nếu bị sẽ không thành công, có phải lời ấy đúng không, và có cách nào trừ tiệt ?

ĐÁP : Trong chương trình tập luyện 100 ngày tôi không chủ trương cấm ngặt việc giao hoan, tôi thấy hai việc giao hoan và luyện lập không phải là việc trực tiếp. Nhưng nếu giảm tiết thì rất hay. Vì giao hợp nhiều tinh thần kém cỏi và thể xác mệt mỏi, thì việc luyện tập cũng kém phần kết quả. Tôi quan niệm sinh lý là việc tự nhiên của động vật, ngay cả giống người vẫn thế, phải điều hòa. Nếu tinh tích tự đầy quá không có cơ hội bài tiết thì tự nó cũng có cách chảy thoát ra ngoài bằng những mộng tưởng do ảo giác thần kinh gây nên. Vi thế theo tôi nên điều hòa thân thể, cũng như ăn cơm và ngủ vậy.

20 - Ông LÂM MƯU, Nam Dương

HỎI : Tôi không có căn bản về võ thuật vậy có nên tập luyện Thiết Sa chưởng được không ?

ĐÁP : Không có căn bản về võ thuật tập TSC vẫn có ích lợi, hoặc đã thành công Thiết Sa chưởng rồi mới học thêm chút ít võ nghệ phòng thân thì lại càng hay. Trong đời có nhiều người chỉ biết chút ít võ công mà nhờ tay chân cứng cáp cũng nổi danh trên chốn giang hồ xưa nay.

HỎI : Tập xong cỏ thể đi tắm ngay được không ?

ĐÁP : Tập xong phải hành dư công, xoa nắn chân tay xong tản bộ một chút cho khí huyết lưu thông rồi hãy tắm.

21.- Ông HÀ NGHI, Mã Lai Á

HỎI : Theo như phương pháp đánh và vổ xuống bao Thiết Sa thì buông sức ở cánh tay, vận sức ở ngón tay và chưởng, nhưng tôi cảm thấy rằng nếu không dùng sức cánh tay thì đánh xuống không nhanh, và va chạm lại yếu. Vậy sau khi luyện thành rồi lúc giao đấu thì cánh tay phải dùng đến sức chứ không phải buông lơi được. Vậy phương pháp tường tận là như thế nào ?

ĐÁP : Khi vổ và đánh, cánh tay cũng cần vận sức thì sau nầy mới hoàn thành động tác được, nhưng phải chú ý là khi vổ và đánh có chủ động ở Ngón hoặc Chưởng chớ không phải chọn ở cánh tay là chính. Khi thành công chưởng pháp rồi thì công địch giống như cầm cục đất ném vào địch, giữa cục sắt và người ném có sợi giây còn như gồng cả cánh tay lấy sức thì giống như cầm một cây sắt giáng xuống thì không tạo được điểm lực lớn. Mà điểm lực tập trung trầm mới là sức mạnh chánh yếu mà người tập võ nghệ gia công học tập, để khi dùng nó mời là thượng sách.

(Trên đây Võ sư Hồ Hòa Minh trả lời những môn sinh võ lâm mà ông nhận được thư đầu tiên trong thời kỳ ông chính thức mở trường truyền thụ môn Thiết Sa Chưởng)

Và dưới đây là phần giải đáp những thắc mắc liên hệ đến môn Thiết Sa Chưởng do Giáo sư Hàng Thanh đảm trách :

1.- Ông NGUYỄN CÔNG SÁNG, Bình Định

HỎI : Tôi nghe người ta truyền rằng nhiều vị võ sư ngày xưa có thể dùng bàn tay đâm thủng cây chuối hột. Vậy có đúng không, và cách tập nó như thế nào, xin Giáo sư cho biết ?

ĐÁP : Tôi theo thầy tôi học võ đã lâu, sau cộng tác báo VÕ THUẬT nên được biết và nghe nhiều chuyện cũng như học hỏi được nhiều công phu có thể biểu diễn làm vui mắt những người ham mộ như : Hành công chuyển khí làm nhiều người không thể bẻ cong cánh tay, hoặc đã dùng cạnh bàn tay chặt gảy nhiều viên gạch xây tường, hoặc dùng mũi bàn tay xỉa bể sáu bảy phân ván có tách chất dòn. Cho đến nay vẫn chưa có tiến bộ hơn trừ mặt quyền và binh khí Thập bát ban. Chuyện ông nghe nói tới thì hầu hết những người biết võ tại nước nhà cũng biết và cũng như tôi nhiều vị võ sư có tên tuổi trên thế giới và VN vẫn không ai thực hiện được. Nhưng theo tôi nghĩ thì cũng có thể tập đến trình độ đó được nếu chịu cố gắng và có phương tiện.

Còn về tập bằng cách nào thì ngay như tôi hay những người hiện đang có trách nhiệm truyền bá võ thuật vẫn khó mà trả lời cho chắc chắn. Có thể người xưa tập theo lối tập Thiết Sa chưởng trực tiếp đã trình bày trong sách nầy. Vì rằng hầu hết những vị võ sư tên tuổi tại xứ ta đều học hai thứ võ Việt Nam (Kinh) và võ Thiếu Lâm Vi Đà môn. Dó đó cách luyện Thiết Sa chưởng của Thiếu Lâm hẵn được truyền bá sang Việt Nam cũng trong cơ hội đó mà thôi.

2.- Cô HUỲNH THỊ CẨM BÀO, Gò Công

HỎI : Tôi nghe đồn có môn võ Đại Hàn đá cây gảy, đấm ngói gạch bể, vậy có thật không, hay họ dùng thuốc gì làm cho cây mục, ngói bở trước khi biểu diễn ? Nếu có công phu đó con gái học được không ?

ĐÁP : Võ Thái Cực Đạo Đại Hàn có làm được những việc ấy tùy theo trình độ học lâu mau mà thực hành kết quả lớn hay nhỏ. Trình độ 2 năm tập luyện học có thể chặt gảy 2 viên gạch tiể, 4 hay 5 năm thì có thể chặt gảy 3 viên, nhưng phải là thứ gạch cứng trung bình. Còn về cây thì họ có thể đá bể từ 2 phân đến 4 phân trong 2 đến 4 năm tập luyện.

Công phu ấy là thật, không có chi giả dối. Về cách tập thì rất đơn giản, tập quyền cho sức mạnh rồi tập chặt, đá vào những bao cát hay trụ cây, tập tay chân, sau lâu ngày tay chịu đau quen thì có thể chặt gạch hay đá gỗ được.

Các cô vẫn có thể tập được, nhưng chắc chắn sẽ không bằng nam giới, và điều có thể nói trước mà không trật là nếu các cô tập công phá mà thành thì hai bàn tay trông hết mỹ thuật. Cô muốn luyện thì mua sách về Thái Cực Đạo hoặc đến trường dạy về môn võ nầy mà học.

3.- Cô TRƯƠNG THÚY LAN, Sài gòn

HỎI : Kính thưa Giáo sư, gần đây phim chưởng chiếu nhiều tại Saigon, trong một vài phim đặc biệt đề cao môn Thiết Sa chưởng, vậy môn ấy có những đặc điểm như thế nào. So sự lợi hại của người tập môn đó với môn Thái Cực Đạo thì sao và như phận gái chúng tôi có thể nào học thành như những cô nữ biệp ở trong phim không ?

ĐÁP : Môn Thiết Sa chưởng là môn công phu luyện tập cho đôi tay cứng rắn có thể đánh gảy, bể những vật cứng, tùy theo thời gian luyện tập người hành công có thể thực hiện được những kết quả, như có thể chặt gảy một phiến đá lớn, làm tróc vỏ cây, và đối với người thì có thể đánh gảy xương, đập nát một phần nào đó trên châu thân người. Vì bàn tay cứng và biết cách tập trung sức nên rất lợi hại. Có những chuyện đồn đại như sự thật, là người tập Thiết Sa chưởng có thể dùng chưởng vổ chết bò, ngựa, hay trâu v.v...

Còn môn công phá của Thái Cực Đạo cách luyện tập tổng hợp không giống môn Thiẽt Sa chưởng, nhưng cũng đạt những kết quả tương đối như cô thấy, nhưng ở trình độ chuyên luyện thì hiện nay người công phá mạnh nhất Đại Hàn có thể chặt gãy được 7 viên gạch cứng vừa phải và đá vở tấm gỗ dày 8 phân tây.

Các cô học võ vẫn đạt được trình độ đáng cho người đời nể nang chứ sao không. Ngày xưa nhiều bậc nữ lưu gầy dựng cơ nghiệp bằng vốn liếng võ nghệ nay vẫn còn tên trong lịch sử.

Tuồng tích trong Ciné là nhờ kỹ thuật điện ảnh, thật ra thì những tài tử hay minh tinh đó không có trình độ võ công đến như thế. Hiện nay cô đào nào có bằng cấp đai đen của một môn võ là coi như đứng nhất rồi, như vậy thì trình độ của các cô ấy cũng chỉ bằng một số ít môn sinh do tôi hướng dẫn trong tám năm qua mà thôi. Mà con số nữ phái học võ ở trình độ đó ở VN có khoảng gần trăm người. Như thế thì không có điều nào khẳng định là cô không học võ để bằng các diễn viên trên màn ảnh.

Tuy nhiên muốn cho đủ tuồng tích, nào là kiếm, đao, thương, ném ám khí v.v... thì phải tập võ lâm mới có. Còn việc đấu quyền làm hoa mắt khán giả là họ có bài đấu. Những môn võ bành trướng tại nước VN trừ môn võ lâm (18 bài La hán quyền) do Thiền sư Thiện Tâm dạy thì không môn nào có bài đấu bài nữa. Binh khí cũng vậy. Cô muốn học võ đễ biểu diễn giống như chiếu bóng thì chỉ có tìm các đại đồ đệ của Thiền sư mà thọ giáo là được. Nhưng mà được thọ giáo với những vị ấy hơi khó. Còn Lão sư phụ thì không còn nhận đồ đệ đã lâu rồi.

4.- Ông HUỲNH PHÚ VINH, Chợ lớn

HỎI : Kính thưa Giáo sư, gần đây phim chiếu bóng chiếu mấy tuồng trong đó có đoạn trình bày Vương Vũ tập Thiết Sa chưởng, tay thọc vô chảo nước sôi trong chứa phân trâu, phân ngựa và nước đái ngựa, như vậy có đúng với cách tập Thiết Sa chưởng không ?

ĐÁP : Tôi không được hân hạnh xem phim khi chưa cắt xén nên không rõ đoạn ấy nnư thế nào. Nhưng luyện tập Thiết Sa chưởng như thế thì không đúng cách. Phân ngựa có nhiều vi trùng phong đòn gánh mà tập Thiết Sa tay bị trầy lại cho vào phân ngựa thì thật là không biết gì về vệ sinh. Tôi nghĩ người ta phiên âm sai hay người viết tuồng không thông võ học vô tình hạ thấp lối hành công hay hành dược công.

Có thể như thế nầy : Người viết chuyện phim muốn trình bày lối luyện Thiết Sa chưởng theo lối trực tiếp, dùng hai bàn tay xỉa, vổ, chặt, v.v… vào thùng Thiết sa, sau đó hành dược công bằng cách cho tay vào chảo nấu thuốc ấm ấm, đó là loại dược công ngâm giấm.

Nhưng Vương Vũ là một tài tử đóng phim, dù có học võ công chỉ đễ đóng phim, không phải người chuyên nghiệp nên có làm vô ý những việc trên cũng không có điều gì đáng chê trách. Ngoài đời còn nhiều chuyện đáng chê trách hơn nhiều mà mấy ai thấy đâu. Có điều nên lưu ý là đừng khi nào nghe lời hay tin những cái mà không sách vở nào đề cập tới một cách đứng đắn.

5.- Ông TRẦN THÁI BÌNH, Gia Định

HỎI : Ở Saigon có trường nào dạy tập Thiết Sa chưởng không, tại sao những võ sư VN không luyện tập môn võ công đó để biểu diễn ? Tập nó khó quá phải không ?

ĐÁP : Tôi chưa nghe có vị võ sư nào mở trường dạy môn công phu Thiết Sa chưởng tại Sài gòn. Còn vấn đề tập hay không là chuyện riêng và ý thích của các vị ấy, tôi thường thì không để tâm và cũng không thích bàn về chuyện của người khác. Môn Thiết Sa chưởng không khó mà cũng không dễ, chỉ cần tập đúng và liên tục trì chí là thành công. Và như thế ai tập cũng được.

6. - Ông NGUYỄN KHANH và các con, SG

HỎI : Nghe Giáo sư nhận dạy đặc biệt người lớn tuổi. Vậy tôi muốn luyện Nội Công và các con tôi muốn luyện Thiết Sa chưởng, không biết Giáo sư có dạy cho chúng tôi những môn đó không. Nếu không nhờ Giáo sư chỉ giúp chúng tôi một chỗ để đến xin thọ giáo.

ĐÁP : Tôi có mở lớp nhận dạy tại tư gia mấy lúc gần đây nhằm theo lời yêu cầu của nhiều vị thân hữu lớn tuổi và có chức phận, những người nầy muốn học chút đỉnh võ công để tự vệ trong những trường hợp nguy biến. Sẵn dịp tôi cũng nhận dạy cho các bà các cô nhà tử tế để phòng thân và vì thế mà phải làm một chương trình huấn luyện. Chương trình đó nhằm huấn luyện cấp tốc cho học viên biết cách phòng bị và phản công tự vệ trong những trường hợp nguy nan. Thường thường trong ba mươi trường hợp bị uy hiếp cướp giật tôi có nghĩ ra 90 cách giải trừ để huấn luyện trọn khóa, và lấy việc luyện quyền và điểm huyệt làm chánh yếu. Vì thế nên tôi không chú trọng phần nội công, đành rằng điểm huyệt cần phải có nội công mới học được nhưng đối với tôi, những người mới học với tôi cũng có thể học huyệt, duy có điều họ không thể điểm chết được đối phương, nhưng chính nhờ biết điểm huyệt họ đã đánh ngả bất tỉnh kẻ định gia hại họ, nếu cùng trong trường hợp ấy sự luyện quyền chưa đủ dùng, luyện nội công lại càng mơ hồ hơn.

Đối với ông đề nghị, xin thưa rằng hiện nay tôi chưa định sẽ mở lớp hướng dẫn về nội công kể cả ngoại công Thiết Sa Chưởng. Không phải tôi ích kỷ giấu nghề mà thật ra tôi không có thì giờ. Và chính tôi còn cần rất nhiều giờ để luyện tập công phu cho mỗi ngày một thêm xứng đán với sự ngưỡng mộ của thanh niên nước nhà.

Đồng thời tôi cũng xin thưa với ông là tôi không thể giới tbiệu cùng ông và các cháu một vị võ sư thân hữu để chu toàn nguyện vọng của ông vì hiện nay rất ít người nghĩ đến vấn đề lâu dài đó, tức là luyện nội công.

7.- Ông TRẦN HỒNG KỲ, Cần đước

HỎI : Xin hỏi Giáo sư, tôi được danh GS từ lâu mà không hân hạnh được gặp để nhờ chỉ dẫn nhiều điều về võ học, nay tôi có đôi điều thắc mắc về một người tại quê nhà, xin GS giải đáp cho tôi thêm rộng đường hiểu biết. Nguyên tại quê tôi Cần Đước nhiều người có đồn đại về một nhân vật võ công cao lắm, một mình đánh năm sáu mươi người, ngón tay của ông có thể bấu tróc văm ván gõ. Không rõ lời đồn đại ấy có đúng không, nếu quả như thế thì xin Giáo sư cho tôi được biết người ấy học võ gì mà được như vậy và nếu biết tên người ấy xin GS cho tôi biết luôn tôi rất cám ơn.

ĐÁP : Nghe qua tôi biết ông không phải người thường, thật tình tôi không có điều gì hiểu biết hơn đời để có thể chỉ dạy cho những người hiểu biết, ngoại trừ một vài công phu học hỏi được cũng để chỉ lại môn sinh ham võ mà thôi. Còn về nhân vật nổi tiếng tại đất Cần Đước, nếu tôi là người địa phương thì nhất định cũng hiểu về ông, nhưng tôi là người khác tỉnh thành có nghe cũng chỉ nghe mà chưa có dịp gặp, điều đó nói ra ông đừng cười tôi kém đường giao thiệp. Cách đây năm năm nhân một buổi uống trà ở nhà một võ sư lớn tuổi, vui chuyện ông võ sư có nói về một nhân vật nổi tiếng về võ Tàu tại Cần Đước, tên vị võ sư nổi danh nầy là ông Bảy Nếp, không rõ tên thật là chi.Ông Bảy Nếp về tài nghệ thì như ông đã kể, còn một đặc tính nữa là ông không treo Việt Gian mà cũng không theo Việt Minh (1945), sau ông bị Việt Minh bắn chết tại Cần đước, lý do không được nghe tới. Điều nữa được biết là ông bảy Nếp có dựa cá tâi chợ Cầu Ông Lãnh Saigon, thường lên chơi và và được tay anh chị chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối phục lắm. Nếu điều nghe trên đây của tôi không được đúng với sự thật xin ông cho tôi biết rõ thêm thì tôi cũng cám ơn ông lắm.

8.- Ông LÊ ĐÌNH TRUNG, Bình Dương

HỎI : Kính thưa Giáo Sư, ở Bình Dương ngày xưa vùng Bà Trà, Tân Khánh có nhiều vị võ sư khét tiếng đánh cọp, thưa Giáo sư võ đánh cọp có khác võ đánh người không, và những miếng võ đó so với các đường quyền của võ ngoại quốc bây giờ thì như thế nào. Tôi cũng nghe Giáo Sư luyện Thiết Sa chưởng đã lâu, nhờ đứa cháu có duyên được Giáo Sư cho tiếp kiến, xin hỏi là võ Ta tức Bà Trà, Tân Khánh có môn tập Thiết Sa chưởng không ?

ĐÁP : Thời biến loạn, nước mình tuy đường đất ngắn mà hóa dài, tôi đã có dịp nghe danh các vị võ sư tại Tân Khánh từ lâu, nhưng chưa có dịp ghé thăm thì các vị ấy vì cao niên mà qua đời hết rồi. Nhưng dù các vị ấy đã chết nhưng những tên như ông Năm Dực, ông Tư Vi, ông Cả Đại, v.v... vẫn còn nhiều người biết tới. Và nhiều giai thoại đánh cọp của các vị ấy vẫn còn nhắc nhở luôn làm mọi người đều tỏ lòng ngưỡng mộ. Điều làm tôi càng thêm kính phục những vị đó là những năm kháng chiến chống Tây các vị ấy đứng ra dạy cho thanh niên những miếng võ GIẾT GIẶC, trong số những môn sinh xuất sắc có hai người là Nguyễn An Ninh, Luật sư, và GS Phan văn Hùm, cả hai người này đều đi vào lịch sử, có tên trên bản đồ đường phố Sài Gòn.

Võ đánh cọp cũng đánh người được, dù cọp dữ nhưng trí hoá kèm, nên dù dữ vẫn bị người hạ. Học võ đánh cọp không cần học nhiều, chỉ cần học 6 thế võ căn bản của môn đánh cọp là được rồi, đồng thời học những thói quen của cọp để khi chiến đấu biết ý nó. Còn võ đánh người mới khó hơn, vì người đánh người khó lắm, ai cũng có trí hoá, ai cũng có lương tâm, Bởi thế đánh cọp chỉ cần vài thế võ của thợ săn là đủ mà người đánh người thì võ không nào dễ biết hơn thua.

Nếu mang võ Bà Trà, Tân Khánh, tức Võ Vườn mà so với võ ngoại quốc thì có chỗ đồng, chỗ dị về kỹ thuật cùng cho đến triết lý Nói nhiều sợ làm mất thời giờ tôi xin tóm lược : Ví như võ Cao Ly thì cũng rất là hay, đánh mạnh, đá cao, học trò võ sau năm ba tháng học thấy hùng dũng lắm, học vài năm thấy có hơn. có giỏi và tự tin, chiến thắng địch thủ. Còn võ Bà Trà hay Võ Vườn tức võ Ta, cũng như võ Kinh, tức võ của quân đội triều đình xưa v.v... Về phần kỹ thuật cũng không thua kém chi võ Cao Ly, nhưng thay vì sử dụng đòn dài thì võ Ta quấn quít, thượng ngăn, hạ chận, tiền, hậu, tả, hữu, đều yểm, đều xung. Tinh thần thì đầm thắm hướng nội, không như võ Cao Ly vọng ngoại nghĩa là học xong nghĩ là mình thắng người khác. Võ Ta chính tông học xong nghĩ là mình thắng mình. Và nhờ tinh thần đó mà các võ sư hay nhân tài Việt Nam xưa đã cả thắng được hàng vạn, hàng mấy chục vạn quân giặc. Ấy không có gì là lạ, vì mấy ngàn năm trước Triết lý Binh thơ đã có nói và dường như Phật Thích Ca cũng có tuyên bố : “Tự thắng mình bằng thắng vạn quân ngoài mặt trận”. Quả lời ấy không sai khi mang ra kiểm chứng qua lịch sử, một chứng minh mới nhất là Hòa Thượng Thính Quảng Đức đã chứng minh điều đó lại Ngã Tư Lê văn Duyệt - Phan Đình Phùng. Miếng võ Tự thắng của Hoà Thượng đã thắng được vạn quân của chế độ vị Tổng Thống anh minh Ngô Đình Diệm. Miếng võ hướng nội của Hòa thượng đã làm cho hàng vạn tín hữu Phật giáo và ngoại đạo cúi đầu. Cái khác của miếng võ Việt Nam và Cao Ly hay ngoại quốc là như thế ấy.

Về phần tôi, xin cám ơn ông đã có lòng nghĩ tới và mến mộ, xưa nay tôi vốn vẫn thich rèn luyện võ công và cho đến nay thì có môn thành tựu và cũng có môn chưa đi đến đâu. Riêng môn Thiết Sa chưởng thì cũng có luyện đến mức tiểu thành, đồng thời cũng có học mấy miếng võ VN, do đó được biết võ Ta không có môn Thiết Sa chưởng, nhưng bù lại cũng có những công phu khác để luyện, và đến khi thành công rồi vẫn không thua gì môn Thiết Sa chưởng. Điều nầy tưởng ông cũng đã biết rồi.

9.- Cụ HỒ HỮU HUÂN, Cố Đô Huế

HỎI : Hậu sinh khả úy sóng đại dương ngọn sau đè ngọn trước. Giáo sư tuổi chưa lớn lắm mà đã có nhiều điểm hơn đời. Tôi nay lão hủ cũng thường thích võ học, lúc thiếu thời có luyện bài quyền năm ba thế cước và thường nghe các Cụ Cử nói nước ta có trường Anh Danh và Giáo Dưỡng là hai trường đào tạo lắm nhân tài võ dũng làm quan giúp nước. Các cụ bảo nơi đất thần kinh (tức Huế) là đầm Rồng có nhiều người giỏi võ hay văn, về võ thì luyện đủ Thập bát ban, văn thì hay Thám hoa, Tiến sĩ, v.v… Nay đã mấy mươi năm qua rồi tôi thường để tâm nghe ngóng mà dường như chẳng thấy một ai tài giỏi gióng động gì. Hay là võ ta chẳng có gì hay. Tôi muốn nhờ GS giải thích coi võ của Trường Vua hồi xưa và võ của thời nay khác biệt nhau như thế nào v.v... Liệu bây giờ có thể làm gì được cho nền quốc võ được chăng ?

ĐÁP : Thưa Cụ, Cụ quá thương mà có lời khen như thế, thật ra thì tôi tài mạo cũng chẳng đến đâu và chẳng bao giờ dám nghĩ đến “sóng thủy triều ngọn sau đè ngọn trước”. Đành rằng tre già thì măng mọc, trăng lặn thì ánh dương lên, nhưng răng chưa mòn quá nửa, xương ống chưa rổng nửa phần thì đâu dám ngước mắt nhìn cao. Nhưng đối với Cụ một vị Lão thành đáng tôn kính có lời hỏi tới thì tôi không dám không thưa. Vậy có điều chi không phải xin Cụ niệm tình.

Thưa Cụ, quả như tôi có đọc sánh thấy trường Anh Danh và Giáo Dưỡng là hai trường dạy võ do triều nhà Nguyễn Gia Long lập nên tại Kinh đô Huế. Chính hai trường này đã đào tạo nhiều vị võ phu giúp ích cho triều đình đắc lực. Và quả nhiên những lời các vị tiền bối ấy không phải không đúng nhưng xét vì thời cuộc biến chuyển bất lợi cho xứ sở gấn cả trăm năm nay thì việc nhỏ như mở trường dạy võ, hay chi chi gọi là phục hưng nền học thuật cổ truyền đâu dễ làm. Vì thế dù có nức lòng ngưỡng mộ các vị tiền bối nhưng không dám thưa. Hậu sinh không dám thưa. Hậu sinh không bao giờ dám nghi kỵ tài năng các bậc nhân tài ngày xưa, dù hiện nay những người ấy không làm vì thì cũng đã như có làm rồi và nhờ những khói trầm hương ấy mà quê hương vẫn còn đủ hai miền Nam Bắc, tuổi hậu sinh còn nói tiếng Việt Nam. Đành rằng võ Thập Bát Ban, Thám Hoa, Tiến Sĩ, đều là những gì cao quí nhưng mất đi cũng như cát biển bị nước cuốn mà thôi, cát biển vẫn còn đầy trên bờ biển, những gì của quê hương ngày qua đã mờ đi rồi ngày mai sẽ hiện lên rõ lại bằng hình thức nầy hoặc dưới hình thức khác. Cụ thật quả là một đấng cha già VN đại diện cho hàng vạn đấng cha già VN, cụ đã thấy hiện nay người trẻ Việt Nam hưởng ứng các phong trào võ nghệ một cách rầm rộ, mà tôi tưởng chừng như lịch sử VN chưa bao giờ rầm rộ đến thế. Ấy chẳng qua là truyền thống VN, và giờ đây là lúc mà truyền thống ấy đã bộc lộ, đã sống lại. Giờ thì chỉ còn chờ một luồng gió tư tưởng thật đứng đắn và thuần túy của các đấng cha già thì các trường phái võ thuật trên quê hương sẽ trở thành trường Anh Danh và Giáo Dưỡng.

Thưa Cụ, tôi có lẽ đã lắm lời và như vậy tất nhiên là không nên trước một người già VN tôn kính. Sau đây tôi xin có ý kiến về câu hỏi chót của Cụ.

Thật ra thì tôn chỉ của võ trong mọi thời đại có chỗ giống nhau là đào tạo cho con người cường tráng và biết nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Nhưng cũng có chỗ khác biệt vì hoàn cảnh và thời gian, như Cụ tuổi đã 90 thì cuộc đời và quan niệm đã khắc lúc đương thời 20, từ đó đến nay biết bao nhiêu biến cố, v.v... Ngày nay riêng Võ Cổ Truyền dù được truyền cũng chỉ chú trọng phần lớn vào Quyền. Về những môn khác như Binh khí, v.v... thì dường như ít thích nghi, vì thế trong sự truyền bá có phần hời hợt.

Về phần kỹ thuật võ xưa và nay, riêng võ xưa như Cụ đã biết còn võ nay phần nhiều chú trọng đến tính cách thể tháo nên đòn thế ít hiểm (nói chung những môn võ được truyền bá rộng rãi tại VN và thế giới).

Sau hết là việc làm gì thì tôi đâu dám có ý kiến khi đứng trước bậc Trưởng Lão, nhưng với nhiệt tâm tôi chỉ dám thưa, nếu có thể được cụ đứng ra hô hào các bậc bô lão có tinh thần để lập nên một hội lấy tên là gì đó... chẳng hạn như để chấn chỉnh lại nền quốc võ, hầu làm cho tinh thần V.N. cổ truyền sống lại trong lòng mỗi thanh thiếu niên. Nếu được như thế thì cây đuốc dân tộc tính trong mỗi cá nhân của lớp hậu sinh đang cháy âm ỉ sẽ nhờ đó mà vụt bừng lên soi sáng trời Nam. Kính cẩn bái bút.

10.- Số đông Nữ Sinh trường Gia Long và Marie Curie.

HỎI : Chúng con rất ngưỡng mộ Thầy, mong Thầy nhận chúng con làm đệ tử để chúng con được rèn luyện thể chất và tinh thần, hầu lớn lên chúng con có đời sống yêu đời và hạnh phúc. Chúng con nguyện sẽ hết lòng học tập và rèn luyện nhân cách để xứng đáng là học trò của Thầy...

ĐÁP : Các con có tâm chí hướng đến chân thiện mỹ thì thật là hay, ở đời mà mong tìm sự thật thì sự thật sẽ đến. Thầy cũng muốn thu nhận các con và nhiều người nữa nhưng hiện nay thì chưa được, vì Thầy còn nhiều điều phải làm, sợ rằng khi nhận thì dễ mà hướng dẫn cho đến nơi đến chốn sẽ đòi hỏi nhiều thì giờ. Với lại những điều kiện cá nhân của Thầy còn khiêm tốn lắm, chừng nào Thầy có trụ sở lớn hơn, chừng đó Thầy mới định liệu được. Thầy chúc các con sáng suốt bằng cách tự suy nghĩ về mình trước ngày giờ gặp Thầy.

Còn rất nhiều thơ đọc giả viết cho tôi trong thời gian tôi phụ trách trên tờ Võ Thuật, cũng như ngưỡng mộ tôi qua người khác giới thiệu, hoặc đọc sách do tôi soạn thảo. Nhưng tôi không thể trả lời cho hết được, vì làm như thế không tiện. Không một người đứng đắn nào lại lấy sách (địa hạt chuyên môn) làm chỗ trả lời riêng tư. Do đó đành gát lại đợi dịp khác. Mong đọc giả niệm tình.