Cách chữa mất thính giác

Mất thính lực [điếc tai]: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

TS.BS.CKII. HOÀNG LƯƠNG

Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn – BAN GIÁM ĐỐC

Bệnh khiếm thính, hay còn gọi là bệnh điếc tai hay mất thính lực là tình trạng bệnh nhân có thể nghe thấy một số âm thanh, nhưng rất kém. Hoặc có thể không nghe thấy ai đó nói, ngay cả khi họ đang sử dụng giọng nói bình thường hoặc có thể chỉ nghe thấy những âm thanh rất lớn..

1. Bệnh điếc tai là một bệnh lý như thế nào ạ?

Trong quan niệm dân gian những người bị nghe kém được gọi là “điếc”. Nghe kém [khiếm thính] được hiểu là người bị mất thính giác một phần [giảm thính] hay hoàn toàn [Điếc sâu]. Nghe kém được hiểu chính xác là người đó có thính giác kém hơn so với người bình thường.

Trong cộng đồng dân cư gọi điếc là những người bị nghe kém cả giảm thính và điếc sâu [Điếc đặc].

Chúng ta cần biết sơ lược về nguyên lý nghe ở người bình thường.

NHẮC LẠI VỀ CHUỖI DẪN TRUYỀN ÂM THANH

Âm thanh dội vào màng nhĩ > làm di chuyển chuỗi xương con > truyền vào ốc tai > các tín hiệu âm thanh truyền lên não.

Tóm lại người bị nghe kém là người dân gian gọi là “điếc”, thường được hiểu là bị mất thính giác khi không nghe được chính xác lời nói bình thường ở khoảng cách một mét. Theo Tổ chức y tế Thế giới, nếu mất thính lực trung bình từ 50dB trở lên thì gọi là khiếm thính.

2. Những nguyên nhân nào hoặc yếu tố nguy cơ nào gây ra bệnh?

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh khiếm thính

  • Do tiếng ồn: Nguyên nhân gây nghe kém chiếm đa số do tiếng ồn do tiếng động cơ, do gần đường cao tốc, tiếng rít của máy bay [khoảng 75 dB]. Do tiếp xúc kéo dài với tiếng ồn nên cơ quan thính giác bị tổn thương.
  • Do di truyền:Mất thính lực có thể được di truyền từ các thế hệ trước Khoảng 75 – 80% các ca là di truyền bởi gen lặn, 20 – 25% là di truyền bởi gen trội, 1–2% là di truyền bởi cha mẹ liên quan đến gen X,
  • Bẩm sinh: Bệnh khiếm thính có thể gặp từ trẻ em sơ sinh gọi là khiếm thính bẩm sính cứ 1000 trẻ sinh ra thì có từ 4-5 trẻ khiếm thính bẩm sinh, trong đó có 1- 2 trẻ bị khiếm thính nặng.

3. Vậy triệu chứng hay chỉ số xác định bệnh điếc [khiếm thính]?

Người bệnh không nghe được tiếng nói thường ở khoảng cách ít nhất một mét.

Chính xác thính lực đồ của người bị khiếm thính mất thính lực trung bình từ 50dB trở lên.

Ngoài ra người ta phân loại khiếm thính như sau:

  • Nghe kém nhẹ: Không thể nghe được tiếng nói thầm, rất khó nghe được tiếng nói ở những nơi ồn.
  • Nghe kém trung bình: Không nghe được tiếng nói thầm và cả tiếng nói thường. Rất khó nghe được tiếng nói ở những nơi ồn.
  • Nghe kém nặng: Không thể nghe được cả tiếng nói lớn. Các cuộc nói chuyện được thực hiện vô cùng khó khăn và với rất nhiều nỗ lực mới có thể duy trì được cuojc trò chuyện.
  • Nghe kém sâu: Không nghe được tiếng nói lớn, ngay cả khi hét sát vào tai. Nếu như không sử dụng thiết bị trợ thính thì không thể giao tiếp.

4. Phương pháp chẩn đoán nào đối bênh lý này?

  • Thường do không nghe được người khác nói nên đi khám.
  • Trường hợp các cháu bị khiếm thính bẩm sinh thường được gia đình phát hiện khi cháu không có phản xạ với tiếng động hay chậm nói, khi đó gia đình mới đưa các cháu đến các bệnh viện hay phòng khám kiểm tra và khi đo thính lực mới phát hiện ra cháu bị khiếm thính.
  • Để chẩn đoán bị điếc bẩm sinh phải được khám tai mũi họng và đo thính lực hoặc đo các kỹ thuật đặc biệt để phát hiện bệnh. Thông thường đo thính lực đơn âm với người lớn và trẻ lớn. Với trẻ ở tuổi mẫu giáo phải đo OAE hoặc ABR, có nghĩa đo thính lực khách quan.

  • Ngày nay có thể tầm soát khiếm thính cho các cháu sơ sinh một tuần tuổi.
  • Ở người lớn tuổi khi phát hiện ù tai, nghe kém cần đi khám tai mũi họng để được khám, nội soi kiểm tra màng nhĩ, lỗ vòi nhĩ và đo thính lực.

5. Nếu như một người gặp phải bệnh lý này nhưng không điều trị sớm thì sẽ gây ra những biến chứng gì ạ? Mức độ nguy hiểm của bệnh lý này ra sao thưa bác sĩ?

  • Có ba nhóm bệnh ở người già thường nghe kém do tuổi tác, người ở tuổi lao động thường mắc phải bệnh điếc đột ngột, viêm tai giữa mãn, do bị khối u ở vòm chèn vào lỗ vòi nhĩ gây ù tai và nhóm trẻ em do khiếm thính bẩm sính.
  • Với các cháu nhỏ bị điếc bẩm sinh: Nếu không được khám chẩn đoán sớm ngay từ khi các cháu một hai tuổi để có chế độ điều trị phục hồi, giáo dục đặc biệt các cháu sẽ trở thành tàn tật và là gánh nặng cho gia đình và xã hội khi các cháu lớn lên.

  • Với các trường hợp viêm tai giữa mãn nếu không được chữa trị có thể gây biến chứng viêm màng não, áp xe não, nếu không được điều trị có thể tử vong. Hoặc viêm tai giữa mãn gây giảm thính lực làm ảnh hưởng đến giao tiếp, học tập và làm việc.
  • Nhóm người lớn tuổi thường bị các bệnh về tai giữa gây giảm thính do tình trạng mất chức năng hoạt động của chuỗi dẫn truyền âm thanh.

6. Hiện nay vấn đề điều trị bệnh điếc

Điếc tai là một lĩnh vực rộng bao gồm người bệnh bị mất sức nghe một phần hay mất sức nghe toàn bộ, mất sức nghe một tai hay hai tai. Điếc bẩm sinh hay điếc mắc phải.

6.1. Khiếm thính bẩm sinh

  • Điếc bẩm sinh hay trong y học người ta gọi là khiếm thính bẩm sinh. Khiếm thính bẩm sinh là các trường hợp khi trẻ sinh ra đã bị khiếm khuyết về chức năng nghe do yếu tố di truyền hay do mẹ bị các bệnh trong thời kỳ mang thai để lại di chứng cho thai nhi bị khiếm khuyết về thính giác.
  • Để chẩn đoán các trường hợp khiếm thính bẩm sinh trong vòng một tháng đầu các bà mẹ nên cho các cháu nhũ nhi kiểm tra thính giác tại các bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng hay các cơ sở thính học có đầy đủ trang thiết bị và có chuyên gia về sâu về thính học;
  • Khi các cháu được chẩn đoán xác định là khiếm thính bẩm sinh cần phải kiểm tra lại định kỳ cho chẩn đoán chính xác. Nếu bị khiếm thính bẩm sinh cần có kế hoạch điều trị để các cháu khi bắt đầu vào học cấp một theo học được bình thường. Nếu nhẹ cần mang máy trợ thính và theo học ở các trường đặc biệt. Nếu khiếm thính nặng cần cấy điện ốc tai để các cháu làm quen trước khi vào học cấp một. Tuy nhiên cấy điện ốc tai là rất tốn kém, nhưng các cháu có thể học tập và phát triển bình thường;

6.2. Nghe kém mắc phải

  • Nghe kém mắc phải là những trường hợp có chuỗi dẫn truyền âm thanh bình thường; Do mắc bệnh về tai có thể dẫn đến giảm thính lực nghe kém;
  • Để chẩn đoán thường dễ dàng hơn bởi người bệnh đã có đầy đủ ngôn ngữ, nay bị tổn thương mất một phần chuỗi dẫn truyền âm thanh nên người bệnh bị nghe kém một phần hay toàn bộ. Người bệnh được khám, nội soi, đo thính lực…
  • Trường hợp viêm tai giữa cấp ở trẻ em dễ dẫn đến ù tai nghe kém nhẹ, trường hợp này thường là biến chứng của viêm VA, viêm Amidan hay viêm xoang. Để điều trị cần phải chữa khỏi các ổ viêm, tai sẽ khỏi, đôi khi phải chích rạch dẫn lưu dịch hòm nhĩ;
  • Trường hợp ở người lớn bị nghe kém do viêm xương chũm, thủng màng nhĩ cần điều trị khỏi bệnh tình trang nghe kém có thể tốt lên. Nên nhớ rằng nếu để lâu thường chức năng nghe bị mất niều hơn;

7. Phòng ngừa

Các trường hợp khiếm thính bẫm sinh cần tầm soát ngay sau sinh. Nếu nghi ngờ khiếm thính cần tư vấn khắc phục.

Chủ Đề