Các công trình nghiên cứu về văn học thiếu nhi

Ngay từ đầu những năm 60, thế kỷ 20, công việc dịch thuật về lý luận và kinh nghiệm viết cho các em đã được chú ý trong Kinh nghiệm viết văn cho các em (Nhiều tác giả; Nhà xuất bản Văn học; 1960).

Ngay sau đó Tập san Nghiên cứu văn học số 6-1960 đã có bài giới thiệu cuốn sách của nhà phê bình Nam Mộc: "Mỗi một thiên truyện nhi đồng đều có nhiệm vụ giáo dục. Chúng ta cần phải vận dụng những hình tượng rung động, những tư tưởng tình cảm tốt đẹp để ảnh hưởng đời sống tư tưởng, đạo đức, phẩm chất của nhi đồng".

Bên cạnh tập sách Kinh nghiệm viết cho các em là các tập: Làm thơ cho các em (Nhiều tác giả; Nxb Văn học; 1961), Sáng tác đồng thoại và một số vấn đề khác (Kim Cận; Nxb Văn học; 1961). Ðấy là một số cuốn trong Tủ sách hướng dẫn sáng tác của Nhà xuất bản Văn học. Những cuốn sách trên đã tập hợp nhiều bài lý luận văn học cho thiếu nhi của các tác gia văn học nổi tiếng thế giới như M.Gorky, Gaida, Sucovky...

Theo nhà nghiên cứu Nam Mộc: "Tất cả những bài đó hợp lại đã nói lên được một số vấn đề cơ bản của văn học thiếu nhi, nêu lên được những ý kiến cơ bản về lý luận và thực tiễn sáng tác phục vụ các lớp bạn đọc ít tuổi".

Ðầu những năm 60, Nhà xuất bản Kim Ðồng cùng với Tiểu ban Văn học thiếu nhi của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng thường cho in roneo những bài nghiên cứu phê bình văn học thiếu nhi trong nước và nước ngoài để làm tài liệu tham khảo cho những người sáng tác cho thiếu nhi. Ngay từ những năm 60, 70 cho đến đầu những năm 80, thế kỷ 20, công việc phê bình, nghiên cứu văn học thiếu nhi đã rất được chú ý trên các báo. Số lớn sách hay viết cho các em đều được giới thiệu và đánh giá kịp thời trên các tờ Nhân Dân, Văn nghệ, Hà Nội mới, Tạp chí Văn học và tạp chí Tác phẩm mới. Một số tạp chí của Viện và của Hội thỉnh thoảng còn dành cả một số chuyên đề cho văn học thiếu nhi.

Các hội thảo về văn học thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Ðồng phối hợp với Viện Văn học, hoặc do Hội đồng văn học thiếu nhi (sau đổi thành Ban Văn học thiếu nhi) với Nhà xuất bản Kim Ðồng, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc thiếu nhi tổ chức cùng góp phần thúc đẩy công việc sáng tác. Chính qua những cuộc hội thảo đã chọn được nhiều báo cáo hay, có chất lượng để in thành sách như 20 năm sách Kim Ðồng (Nxb Kim Ðồng; 1977); Bàn về văn học thiếu nhi (Nxb Kim Ðồng; 1984) gồm hai phần: Thơ viết cho các em và Tác phẩm của Võ Quảng.

Từ sự phát triển của văn học cho thiếu nhi kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là từ sau khi Nxb Kim Ðồng ra đời, năm 1957, các ý kiến và bài nghiên cứu, phê bình, lý luận về văn học thiếu nhi đã được tập hợp và chọn in trong hai tập tư liệu Văn học thiếu nhi Việt Nam, do Nxb Kim Ðồng ấn hành năm 2003. Chỉ là một tuyển chọn nhưng đã có độ dày 2.350 trang. Vậy thì, công việc lý luận - phê bình văn học thiếu nhi đâu có là ít ỏi và tẻ nhạt! Cũng từ phong trào sáng tác cho thiếu nhi hơn nửa thế kỷ qua, Nxb Từ điển Bách khoa đã có thể ấn hành vào năm 2006, cuốn sách mang dáng dấp từ điển: Tác giả văn học thiếu nhi, gồm hơn 900 trang, khổ rộng, kèm chân dung tác giả, giới thiệu 224 gương mặt chuyên viết cho thiếu nhi hoặc có sáng tác cho thiếu nhi. Hai bộ sách này đã góp phần minh chứng chúng ta đã có một nền văn học thiếu nhi với những tác giả, tác phẩm tiêu biểu, một nền văn học thiếu nhi trên cả ba thể loại: văn xuôi, thơ và cả lý luận phê bình.

Nhân kỷ niệm 50 năm Nhà xuất bản Kim Ðồng, chúng ta vui mừng đón sự trở lại của hai cuốn sách lý luận và nghiên cứu của hai nhà văn đã dành trọn sự nghiệp viết của mình cho văn học thiếu nhi. Ðó là Ðôi điều tâm đắc của Vũ Ngọc Bình và Mai kia đi hết con đường của Văn Hồng. Cùng với sách nghiên cứu và phê bình có một số luận án tiến sĩ sau khi bảo vệ xong cũng đã được sửa chữa và in thành sách như Truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975 của Lã Thị Bắc Lý, cán bộ giảng dạy ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội; một số trường đại học khác cũng đã có nhiều luận án về văn học thiếu nhi như luận án của Lê Thanh Tình, Trường đại học Văn hóa: Sách thiếu nhi xuất bản ở Việt Nam từ năm 1954 đến nay với việc hình thành một số chuẩn mực văn hóa cho thiếu nhi; Chu Thị Hà Thanh, cán bộ giảng dạy Trường đại học Sư phạm Vinh với Thi pháp đồng dao và mối quan hệ với thơ thiếu nhi. Hai thạc sĩ Châu Mạnh Hùng và Lê Nhật Ký, cán bộ giảng dạy ở Trường đại học Quy Nhơn cũng đã hoàn thành công trình Hệ thống thể loại văn học thiếu nhi...

Ðáng tiếc là từ những năm 90, thế kỷ 20 cho đến nay, các báo và tạp chí chỉ dành những góc nhỏ để phê bình sách cho thiếu nhi. Phải chăng đấy là khu vực không đem lại sự hứng thú cho bạn đọc? Phải chăng các nhà phê bình ít thích thú và chịu khó đọc sách của các nhà văn viết cho các em? Ðến năm 2007 này lác đác và cũng có lúc dồn dập một số bài viết hoặc trả lời phỏng vấn về những vấn đề bức xúc của văn học thiếu nhi khiến cho câu hỏi về một đội ngũ nghiên cứu phê bình sách cho thiếu nhi lại được đặt ra. Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, nền văn học cho thiếu nhi của chúng ta phải chịu đựng một tổn thất lớn, sau cuộc ra đi của hai nhà văn, nhà thơ Võ Quảng, Phạm Hổ. Tôi nghĩ dịp đó, chắc có nhiều người gồm các tác giả và người đọc có thể chia sẻ niềm cảm mến và sự xúc động của mình, nhưng sự đưa tin chỉ có thể giới hạn trong một trang báo của Hội nghề nghiệp. Chỉ ít lâu sau mới liên tiếp có các bài viết về chân dung hai nhà văn: Anh Phạm Hổ, anh đi rồi sao? của Vân Thanh (Báo Nhân Dân cuối tuần, số 20-2007), Nhà văn Võ Quảng của Nguyên An (Văn học và tuổi trẻ, số 7-2007), Người tạo ra nguồn nước làm mát tâm hồn tuổi thơ của Nguyễn Văn Tùng (Văn học và tuổi trẻ, số 8-2007)...

Cuối cùng tôi muốn tỏ sự đồng tình với một số bài đăng trên các báo gần đây - nhân dịp 1-6-2007. Ðó là Văn học viết cho thiếu nhi vẫn bị coi là việc nhỏ của nhà thơ Phạm Ðình Ân (Văn nghệ, số 17 - 18-2007); và hai bài dưới dạng trả lời phỏng vấn của Văn nghệ trẻ: Viết cho trẻ em là một bổn phận thiêng liêng do Thu Hiền thực hiện với nhà thơ Hoài Khánh và Văn học thiếu nhi chỉ là "chiếu dưới" do phóng viên Văn nghệ trẻ thực hiện với Hà Huy Sơn (số 22-2007).

Cả ba bài báo đều đặt ra được những vấn đề cần suy ngẫm, trong đó bức xúc nhất vẫn là: Ðội ngũ viết cho thiếu nhi đang mỗi ngày mỗi mỏng. Quả là rất ít nhà văn trẻ có ý định suốt đời gắn bó với văn học thiếu nhi.

Ai cũng biết viết cho thiếu nhi đâu phải là một công việc dễ dàng, nhẹ nhàng, nhất là hiện nay, khó khăn lớn đặt ra làm sao nắm bắt được tâm lý các em? Ðã có một thế hệ trẻ thông minh hơn, già dặn hơn, thực tế hơn - sớm được tiếp xúc với cuộc sống hiện đại đang chuyển mạnh về phía công nghiệp hóa, tri thức phát triển, diễn biến tâm lý và mọi ước mơ cũng phức tạp hơn rất nhiều.

Nhà văn Ma Văn Kháng đã từng phân tích rất cụ thể về tình hình này trong một cuộc thi viết cho thiếu nhi: "Rõ ràng người viết cho thiếu nhi hôm nay đều đứng trước yêu cầu phải nắm hiểu đối tượng (đối tượng viết và đối tượng đọc). Sự phân hóa rõ ràng thành hai phía: phía dư đủ về đời sống vật chất và tinh thần và phía thiếu thốn trong kiếm sống hằng ngày, cả hai chẳng thể nào khác đều sẽ đóng vai trò chủ nhân của thế kỷ 21. Người viết cho thiếu nhi hôm nay nghĩ gì, đón trước tương lai ra sao và miêu tả như thế nào đối tượng đó?".

Một phương diện khác cũng gây nên khó khăn, đó là: Người viết cho thiếu nhi lâu nay ít có điều kiện được bồi dưỡng về tinh thần cũng như về vật chất; nói cách khác vẫn còn ít được coi trọng?

Thật như mơ khi nhớ lại những chủ trương ưu ái đối với người viết cho thiếu nhi trong nhiều năm trước, kể cả trong chiến tranh ác liệt! Còn bây giờ? Chắc không ai phủ nhận, phải có một đội ngũ đông đảo, giàu tâm huyết và nhiều tài năng thì mới có thể có nhiều tác phẩm có giá trị.