Các có chế tâm lý xã hội trong phim Ký sinh trùng

“Ký sinh trùng” (tựa tiếng Anh: “Parasite”) của đạo diễn Bong Joon-ho mang đến nhiều chấn động cho khán giả sau khi ra rạp. Chưa nói đến bản thân bộ phim, sự bất ngờ của “Ký sinh trùng” đến từ những yếu tố xung quanh nó: tác phẩm đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc mang về Cành cọ vàng danh giá, một bộ phim thổi bay những giới hạn về thể loại. Đặc biệt bộ phim cũng là lời đáp trả của đạo diễn Bong đến nền công nghiệp giải trí vốn đầy rẫy những bộ phim bom tấn hời hợt, giả tạo và quá nửa là sáo rỗng.

120 phút của “Ký sinh trùng” là một vở kịch choáng ngợp đậm tính trình diễn. Trái ngược với câu chuyện đầy tính riêng tư của những cuộc đời trong gia đình trộm vặt “Shoplifters” (bộ phim của đạo diễn người Nhật Kore-eda đoạt giải Cành cọ vàng 2018), Bong Joon-ho đã xây dựng “Ký sinh trùng” như là một sân khấu với các diễn viên – nhân vật mang nặng tính biểu tượng. Những con người được đặt vào các tình huống hãi hùng nhưng đầy tính chân thực đã tạo nên một tổng thể mang màu sắc thực tế sâu cay.

Các có chế tâm lý xã hội trong phim Ký sinh trùng
Khung cảnh ẩm thấp ở căn hầm tạm bợ của các thành viên gia đình ông Kim – những người được ví von như những ký sinh trùng có nội tâm phức tạp, ích kỷ nhưng vẫn thiện lương.

Xã hội bị chia rẽ sâu sắc

Câu chuyện bắt đầu bằng sự khác biệt giữa hai gia đình thuộc hai tầng lớp trong xã hội. Một gia đình nghèo khổ không nghề nghiệp ổn định sống trong căn nhà ổ chuột thấp hơn mặt đất, một gia đình giàu có sống trong căn biệt thự được thiết kế bởi một kiến trúc sư bậc thầy, với khu vườn xanh mướt rộng rãi và nội thất xa hoa, bóng bẩy.

Khoảng cách giàu nghèo được lột tả chân thực và đầy ám ảnh. Trong câu chuyện, điểm tương tác giữa hai gia đình đại diện cho hai tầng lớp bắt đầu khi gia đình túng quẫn đến làm việc cho gia đình thượng lưu. Chiêu trò mánh khoé của những người nghèo khiến bộ phim trở nên hài hước một cách đầy duyên dáng và hấp dẫn.

Các có chế tâm lý xã hội trong phim Ký sinh trùng
Ông bố Ki-teak do “quốc bảo điện ảnh” của Hàn Song Kang Ho thủ vai hiện lên là một người đàn ông thất nghiệp, bất tài nhưng vẫn đầy lòng tự trọng.

Về mặt này, đạo diễn Bong Joon-ho đã khéo léo thực hiện một vở kịch với khung cảnh ước lệ của một xã hội phân tầng trong khi vẫn đảm bảo những tình huống mà các nhân vật của mình va chạm và tung hứng với nhau tự nhiên nhất. Những va chạm giữa hai gia đình cũng đại diện hoàn hảo cho những va chạm giữa các giai tầng.

“Ký sinh trùng” ban đầu dễ khiến người xem dành nhiều thương cảm cho những con người dưới đáy xã hội. Thế nhưng cái hay của phim không dừng lại ở đó, khi cũng đồng thời phơi bày ra sự khôn vặt, ranh ma và ích kỷ của đám người khốn cùng trong tương phản với sự tốt bụng, đơn thuần của gia đình giàu có.

Với diễn biến tâm lý, hành vi khác hẳn nhau trong các khung cảnh hoàn toàn trái ngược, cả hai tuyến nhân vật của “Ký sinh trùng” tuy gần nhưng lại tạo khoảng cách không thể rút ngắn. Sự cách biệt rõ rệt này vẫn luôn được duy trì cho đến cuối phim. Ở giữa các nhân vật có thể tồn tại những bức tường hữu hình hay vô hình nhưng ý thức về các “giới hạn không gian” luôn được Bong Joon-ho thể hiện đầy đủ, không ngừng nhắc nhở người xem về sự phân tầng sâu sắc của xã hội hiện tại.

Các có chế tâm lý xã hội trong phim Ký sinh trùng
Poster bộ phim tại LHP Cannes 2019, nhân vật trung tâm là gia đình thượng lưu Park bao quanh là gia đình nghèo Ki, tỏ rõ quan hệ vật chủ – ký sinh

Rốt cuộc, ai là ký sinh trùng?

Cũng trong chính khung cảnh chia rẽ khốc liệt ấy, nhan đề bộ phim tái xuất hiện trong đầu khán giả với những sóng ngầm day dứt về câu hỏi “ký sinh trùng là ai?”. Cứ tưởng những con người bần hàn đang là loài ký sinh sống bám vào một tổ ấm giàu có và sang trọng. Tuy nhiên, xuyên suốt 120 phút phim với diễn tiến càng về sau càng kịch tính, câu trả lời thực sự cho câu hỏi này vẫn sẽ mãi thuộc về các khán giả.

Một sự thật không dễ chịu được đạo diễn họ Bong thể hiện trong hình thức viễn tưởng khiến khán giả thích thú rồi sau đó nhận ra họ đã bị lừa. Sự khó chịu ấy đeo bám người xem trong những ngày tiếp theo, khi họ chật vật với mớ câu hỏi về hệ thống, về chủ nghĩa tư bản, về xã hội phân tầng,…

Các có chế tâm lý xã hội trong phim Ký sinh trùng
Nhưng liệu có chắc chỉ những con người này, hay cặp vợ chồng quản gia kia là ký sinh trùng?

“Ký sinh trùng” là một hành trình suy tư sau khi cả câu chuyện kịch tính đã kết thúc. Tại đó, sự khéo léo chắp nối những chi tiết, sắp đặt tỉ mỉ các ẩn dụ là một trường đoạn dài nối tiếp của bộ phim và cũng là phần sâu thẳm nhất mà tác phẩm mang đến.

Định nghĩa về tự do của ký sinh

Sau màn trình diễn cũng như tranh đấu khốc liệt của các nhân vật và ý niệm về giới hạn không gian của thân phận được khắc sâu vào tâm trí người xem, những dư âm cuối cùng của bộ phim mới là thứ khiến cho “Ký sinh trùng” đọng lại đầy nỗi sửng sốt và ám ảnh.

Đó chính là thanh âm yếu ớt của nhân tính, bằng một cách nào đó, len lỏi qua từng trường đoạn gay cấn hoặc xúc động, bàng hoàng hoặc choáng váng để xuất hiện. “Ký sinh trùng” gieo hàng tá mỉa mai vào cả hai giai tầng xã hội. Bộ phim cười cợt sự ranh ma của người nghèo và giễu nhại sự lố lăng của những kẻ lắm tiền. Cuối cùng, bi kịch là phần quà hay sự trừng phạt bất ngờ dành cho tất cả.

Hòn đá bonsai mở đầu bộ phim là chỉ dấu cho số kiếp nô lệ của một phận người, đã gắn liền với nhân vật Ki-won từ đầu đến cuối. Thay vì bị ném đi lại được đặt vào khoảng vườn ngôi biệt thự, dù chỉ là trong ảo tưởng, cũng đã thể hiện trọn vẹn cái mơ ước được nối dài thân phận phía sau những bức tường vật chất. Phải chăng tiếng nói của ý thức về giới hạn không gian trở thành cơn chấn động khi nó không chỉ dừng lại là sự hạn hẹp vật lý của những căn hầm sinh tồn bẩn thỉu mà còn khống chế cả tâm hồn, loại bỏ những phẩm cách và cảm xúc con người?

Các có chế tâm lý xã hội trong phim Ký sinh trùng
Khoảnh khắc ông Ki-teak “đi quá giới hạn”, cảm nhận được tính đồng loại của tầng lớp ký sinh.

“Ký sinh trùng” khép lại với lời tiên báo ảm đạm cho thân phận con người rằng loài ký sinh không thể có tự do. Trong số kiếp sống bám của mình, đức hạnh của loài ký sinh được chúng định nghĩa bởi lợi ích mà chúng thu vén được. Khi đó ta hẳn sẽ nhận ra ý thức về tự do sẽ không thể tồn tại một khi ta còn tự giới hạn cuộc đời mình theo cách mà vật ký sinh giam cầm chúng trên cơ thể vật chủ.

Niềm hạnh phúc đã bị đánh tráo thành cuộc sống bỏ rơi nhân phẩm để đồng thuận với chốn ngục tù yên ổn không phải là cái cớ cho sự khước từ hướng thượng, mà chính là lời thì thầm kinh dị của Bong Joon Ho muốn rót vào tâm trí của người xem.