Bao nhiêu doanh nghiệp điều hành bằng công nghệ

Có lẽ do ít gương mặt trên sàn và vốn hóa thấp nên nhóm cổ phiếu công nghệ khá ẩn mình trong năm 2021, năm được cho là sóng nối sóng, thậm chí ở cả các ngành vốn im lìm hàng chục năm như than, thủy điện...

Nổi bật trong nhóm công nghệ là cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần FPT. Giá cổ phiếu FPT dao động trong biên độ hẹp và đến nay chưa vượt 3 con số, dù kết quả kinh doanh liên tục tăng mạnh qua các quý, duy trì tốc độ tăng trưởng kép 2 con số cả về doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2021, FPT đạt doanh thu 28.215 tỷ đồng, tăng 19,4%; lợi nhuận sau thuế 4.323 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu hợp đồng ký mới của mảng công nghệ đạt 19.462 tỷ đồng, tăng 27%.

Với mức giá hiện tại, P/E của FPT xấp xỉ 23 lần, thấp hơn nhiều so với P/E của các tập đoàn công nghệ trên thế giới. Khi nhà đầu tư trên thị trường không sẵn sàng chấp nhận mức P/E cao của một doanh nghiệp, tức là họ không kỳ vọng vào sự chuyển biến lớn của doanh nghiệp ở tương lai.

Trái với FPT, cổ phiếu CMG của Công ty cổ phần Tập đoàn CMC được giao dịch với giá khá cao. CMG vào cuối tháng 11/2021 có giá 62.500 đồng/cổ phiếu, P/E lên tới gần 40 lần. Dù vậy, thanh khoản cổ phiếu này rất thấp, chưa đến 100.000 đơn vị mỗi phiên.

Giá cổ phiếu CMG tăng mạnh, gần gấp đôi so với đầu năm, nên cổ đông lớn muốn bán ra, trong đó có Agribank đăng ký bán hơn 3 triệu cổ phiếu.

Về mặt hoạt động, sau khi bắt tay với cổ đông chiến lược Samsung SDS, Tập đoàn CMC chưa có điểm nào đột phá để cho thấy cuộc hôn nhân giữa hai bên bắt đầu cho trái ngọt. Có lẽ, hai bên cần thời gian để hóa giải những thách thức về khác biệt văn hóa, cách thức làm việc…

Những kỳ vọng về mảng chuyển đổi số và những hợp đồng lớn ở thị trường nước ngoài, hoặc các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, cho đến nay vẫn ở thì tương lai với CMC.

Sau 2 ông lớn trên là nhóm doanh nghiệp công nghệ có quy mô vốn hóa nhỏ như Công ty cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu điện (CTIN, mã chứng khoán ICT), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ điện tử Viễn thông (Elcom, mã chứng khoán ELC), Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (mã ITD), Công ty cổ phần công nghệ Mạng và Truyền thông (mã chứng khoán CMT)…

Đây là những doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ 100 - 500 tỷ đồng, thị giá cổ phiếu dao động quanh vùng 2x. Có những mã cổ phiếu có P/E chỉ quanh 5 lần, tức là thấp hơn rất nhiều định giá của ngành công nghệ, vốn là ngành mà việc làm không hết, chia cổ tức đều đặn bằng tiền mặt cao gấp đôi lãi suất ngân hàng.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp ngoại lai trong lĩnh vực công nghệ lại tận dụng mác sản phẩm công nghệ để kể câu chuyện hấp dẫn về mình và thị giá cổ phiếu do đó tăng vọt.

Ví dụ được nhiều nhà đầu tư nhắc đến là mã cổ phiếu SDA của Công ty cổ phần Simco Sông Đà. Trong 3 tháng, cổ phiếu SDA tăng gấp 14 lần, từ 4.485 đồng/cổ phiếu lên 75.000 đồng/cổ phiếu.

Các nhà đầu tư được truyền tai nhau câu chuyện Simco Sông Đà thành công về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản phẩm truy vết Covid-19, rồi một loạt giải pháp công nghệ khác.

Trong một cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, cổ phiếu SDA còn được người có liên quan với lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng có tiềm năng không kém FPT, thậm chí vượt FPT. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu SDA sau đó đã lộn nhào, giảm sàn nhiều phiên.

Doanh nghiệp có tiếng là công nghệ nhưng lại chuyển sang bất động sản là Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel, mã chứng khoán SGT). Nhờ chuyển sang làm chủ đầu tư một số dự án khu công nghiệp nên thị giá SGT từ 7.000 đồng/cổ phiếu đã vọt lên trên 30.000 đồng/cổ phiếu.

Có thể thấy, bức tranh doanh nghiệp ngành công nghệ niêm yết không đồng nhất và chưa tạo được những điểm ấn tượng với các nhà đầu tư chứng khoán, dù đây là nhóm ngành được nhận định có nhiều tiềm năng.

Nhìn về tương lai

Trong 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.

Một số doanh nghiệp công nghệ quy mô nhỏ đang bắt đầu chuyển mình và năng động tìm các không gian kinh doanh mới.

Chẳng hạn, CTIN ngoài mảng tích hợp hệ thống đem lại doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng và 75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế mỗi năm đã trở thành đơn vị vận hành, cung cấp hệ thống bán xổ số qua điện thoại cho Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) với doanh số bán hàng qua app điện thoại có thể đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

Trong báo cáo phát hành, nhiều công ty chứng khoán đều nhận định "Khả quan" đối với ngành công nghệ thông tin - bưu chính viễn thông trong năm 2021.

Luận chứng được đưa ra là Mobile Money và mạng viễn thông 5G là hai xu hướng quan trọng ảnh hưởng tích cực đến triển vọng dài hạn của doanh nghiệp viễn thông. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin kỳ vọng được hưởng lợi nhờ đầu tư công, Chính phủ áp dụng chuyển đổi số với các sản phẩm “Make in Vietnam”.

Chẳng hạn, gói công nghệ thông tin cho 11 tuyến đường cao tốc Bắc - Nam sẽ có giá trị tổng cộng là 4.000 tỷ đồng - tập trung vào các dịch vụ như giao thông thông minh, giám sát điều hành, thu phí tự động. Các doanh nghiệp trên sàn dự kiến được hưởng lợi là Công nghệ Tiên Phong, Elcom.

Trong khi đó, việc Chính phủ tăng cường quá trình chuyển đổi số với chuỗi “Make in Vietnam” sẽ tạo nhu cầu với các sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt hàng loạt sản phẩm chuyển đổi số: chuỗi khối, cổng hỗ trợ thanh toán, nền tảng lập trình cho giao tiếp...

Công ty Chứng khoán BDIV (BSC) cho rằng, điều này sẽ làm tăng chi tiêu, đầu tư về công nghệ của Chính phủ, giúp các doanh nghiệp (FPT, CMC) được hưởng lợi nhờ số lượng dự án tăng lên.

Ngoài ra, chuyển đổi số và đầu tư cho công nghệ thông tin để kinh doanh không gián đoạn trong mọi bối cảnh như đại dịch tiếp tục là xu hướng lớn trong thời gian tới.

Khảo sát 2.750 doanh nghiêp tư nhân của Deloitte cho thấy, lãnh đạo doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới tin rằng, những tác động của đại dịch trên diện rộng sẽ không chỉ kéo dài trong 12 tháng tới, mà là trong vài năm tới.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp phải thay đổi trên mọi khía cạnh, với chiến lược phát triển tập trung vào nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi số và phát triển sản phẩm - dịch vụ mới…

69% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, họ đã tăng tốc đáng kể quá trình chuyển đổi số trong thời kỳ khủng hoảng, với niềm tin rằng chuyển đổi số sẽ giúp kinh doanh không gián đoạn, cùng nhiều lợi ích khác như cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh số bán hàng, tăng cường khả năng quản lý và giảm thiểu chi phí, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn.

Bên cạnh việc chuyển động với tốc độ nhanh hơn, các tổ chức tham gia khảo sát cũng đang tăng cường quy mô đầu tư vào công nghệ.

Diễn biến này tương đồng với các báo cáo khác về xu hướng chi tiêu công nghệ của doanh nghiệp toàn cầu.

Theo Gartner, các CIO (giám đốc công nghệ thông tin) của các doanh nghiệp sẽ tăng cường chi tiêu cho công nghệ thông tin nói chung phù hợp với mức kỳ vọng tăng trưởng và phục hồi kinh tế, đặc biệt khi tiêm chủng Covid-19 đang được triển khai nhanh chóng.

Cụ thể, chi tiêu cho các dịch vụ công nghệ thông tin (dịch vụ IT) dự báo sẽ đạt 1.100 tỷ USD năm 2021, tăng 9% so với năm 2020 và đạt gần 1.200 tỷ USD vào năm 2022.

Nhìn sang các thị trường khu vực, ngày càng nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào cổ phiếu của các đại gia công nghệ Trung Quốc như Baidu, Alibaba, Tencent và JD với mục tiêu nhắm vào triển vọng dài hạn, chứ không chỉ mang tính đầu cơ.