Báo cáo lương 2023

Trang CNBC dẫn thông tin từ một khảo sát mới đây cho biết, khi lạm phát tiếp tục tác động đến các nền kinh tế toàn cầu thì châu Á – Thái Bình Dương sẽ là khu vực duy nhất chứng kiến mức tăng lương thực tế cao nhất trong năm 2023. Báo cáo Xu hướng Tiền lương hàng năm của công ty dữ liệu ECA International ghi nhận, mức tăng lương thực tế - được tính bằng cách lấy mức tăng lương danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát - sẽ tăng 1,3% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC

Báo cáo cho biết, tín hiệu này cũng được so sánh với các khu vực khác để đánh giá về mức lương thực tế trung bình trên toàn cầu. Dữ liệu dự báo mức lương thực tế trung bình giảm 1,5% ở châu Âu ; 0,5% đối với Nam Mỹ và Bắc Mỹ; 0,1% ở châu Phi và Trung Đông. Tại Mỹ, mức giảm lương thực tế 4,5% của năm nay có thể được đảo ngược vào năm sau do lạm phát giảm xuống, chuyển thành mức tăng 1%.

Bên cạnh đó, 2022 cũng là năm người lao động ở Anh chịu tác động nặng nề nhất kể từ khi ECA bắt đầu khảo sát tiền lương vào năm 2000. Dù mức lương danh nghĩa trung bình tăng 3,5%, nhưng lương tính theo giá thực tế giảm 5,6% do lạm phát trung bình 9,1%. Con số này dự kiến giảm thêm 4% nữa vào năm 2023.

Theo công ty dữ liệu ECA International, 8 trong số 10 quốc gia có mức tăng lương thực tế cao nhất trên toàn cầu trong năm nay đều nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

"Bởi lạm phát gia tăng đáng kể vào năm 2022 nên 78% trong số quốc gia tham gia khảo sát trong năm ngoái đều ghi nhận mức lương thực tế giảm và không một quốc gia nào ở châu Âu có mức tăng lương thực tế", ông Lee Quane, Giám đốc khu vực của công ty dữ liệu ECA International cho biết.

"Mặc dù tình hình kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ cải thiện hơn trong năm tới khi mức tăng lương danh nghĩa cao hơn và lạm phát trung bình thấp hơn nhưng đánh giá mức lương thực tế vẫn có thể giảm 0,5%", chuyên gia Lee Quane nhấn mạnh.

Theo trang CNBC, báo cáo thường niên này dựa theo thông tin thu thập từ hơn 360 công ty đa quốc gia ở 68 nước.

Việt Nam lọt top

Tại châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ sẽ chứng kiến mức tăng lương thực tế cao nhất là khoảng 4,6%, tiếp theo là Việt Nam [4%] và Trung Quốc [3,8%]. Báo cáo cũng chỉ ra hầu hết các điểm khảo sát ở châu Á – Thái Bình Dương [APAC] đều ghi nhận mức tăng lương thực tế duy trì ở "tỷ lệ tương đương hoặc cao hơn" vào năm 2023.

"Ấn Độ được dự đoán là quốc gia có mức tăng lương thực tế cao nhất trên toàn cầu, do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ và nhu cầu tăng lương để ứng phó với tình trạng lạm phát", ông Quane nhấn mạnh trên CNBC. Mặc dù tỷ lệ lạm phát đã tăng mạnh ở Ấn Độ trong năm 2022 so với năm 2021 nhưng lương danh nghĩa sẽ vẫn tăng với tốc độ nhanh hơn.

"Trong khi đó, người lao động ở Trung Quốc cũng được dự báo nằm trong số "nhóm nhỏ trên toàn cầu" có cơ hội nhận lương thực tế cao nhất trong năm nay và năm tới, ông Quane chia sẻ.

Vào năm 2022, tỷ lệ lương thực tế tại Trung Quốc đã tăng 5,9% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 6% trong năm 2023. Cũng theo ông Quane, mặc dù tỷ lệ tăng lương danh nghĩa ở Trung Quốc không phải là một trong những mức cao nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhưng tỷ lệ lạm phát thấp đã giúp Trung Quốc được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng lương cao nhất trong điều kiện thực tế.

Trong khi đó, các quốc gia như Lào và Myanmar được dự báo sẽ "sụt giảm đáng kể" về mức lương thực tế do tác động các vấn đề kinh tế cũng như chính trị. Hay tại Singapore, theo báo cáo của công ty dữ liệu ECA International, mặc dù người lao động có thể nhìn thấy mức tăng lương đạt 3,8% nhưng lạm phát sẽ làm giảm thu nhập khả dụng và tỷ lệ lương thực tế giảm 1,7% trong năm nay. ECA International ước tính tăng lương thực tế của Singapore đạt khoảng 1% vào năm 2023.

"Cho dù tình hình trên thế giới có thể cải thiện trong năm tới với mức tăng lương danh nghĩa cao hơn nhưng do lạm phát nên lương thực tế cũng được dự báo giảm 0,5%", ông Quane nhận định.

Theo chuyên gia này, người lao động trên toàn cầu có khả năng phải trải qua thêm một năm khó khăn nữa. Chỉ 37% quốc gia được khảo sát dự kiến sẽ tăng lương thực tế mặc dù vẫn được đánh giá là cao hơn mức 22% trong năm nay./.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Nội vụ trả lời về tăng lương; giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức thôi việc

Trong 2,5 ngày [từ chiều 03/11 đến ngày 05/11] Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành. Trong đó, lĩnh vực nội vụ là một trong 4 vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, kỳ vọng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ đưa ra được những giải pháp căn cơ giữ chân cán bộ trong khu vực nhà nước.

Đối với nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực nội vụ, phiên chất vấn tập trung vào việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm.

Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc.

Giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và bộ trưởng các bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Tăng lương cơ sở ngay từ 1/1/2023, nhưng không 'cào bằng'.

Tăng lương cơ sở ngay từ 1/1/2023, nhưng không 'cào bằng'

Quan tâm đến chế độ chính sách, biên chế trong lĩnh vực giáo dục, y tế nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023.

Tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa và nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất áp dụng thực hiện từ ngày 1/1/2023.

Đại biểu đề xuất thêm, việc tăng mức lương cơ sở nhưng không thực hiện cào bằng mà quy định rạch ròi, cụ thể từng đối tượng nâng lương.

Đại biểu nêu thí dụ những sinh viên mới ra trường làm việc tại các cơ quan trong khu vực nhà nước có mức lương mới khởi điểm là 2,34 và chỉ hưởng 85% mức lương  này. 

Vì vậy việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyển dụng nhân tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Đại biểu cho rằng, với đối tượng này cần có quy định riêng. Nếu thực hiện tăng lương theo kiểu "cào bằng" thì những người có hệ số lương cao, hệ số phụ cấp chức vụ cao sẽ tăng nhiều còn người có hệ số lương thấp không tăng bao nhiêu. Như vậy, cuộc sống công chức, viên chức vẫn còn khó khăn.

Cho nên phải cần phải có tính toán kỹ, làm sao đảm bảo anh nói là làm là nâng nương thì để đảm bảo cho cuộc sống của công chức, viên chức, người lao động có một cuộc sống ổn định, lâu dài thì tương đối thêm một luồng, nó đảm bảo cuộc sống.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Tra sẽ trả lời thẳng thắn, trúng, đúng trọng tâm những câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đặt ra, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: Làm rõ vì sao công chức, viên chức rời khỏi khu vực công?

Làm rõ vì sao công chức, viên chức rời khỏi khu vực công?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn dại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên quan tâm đến các vấn đề thuộc quản lý của ngành Nội vụ, nhất là tình trạng công chức, viên chức bỏ việc, nghỉ việc phản ánh vấn đề gì? Trách nhiệm của ngành Nội vụ nói riêng và của Chính phủ đến đâu trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại khu vực nhà nước.

Đại biểu mong muốn Bộ trưởng Bộ Nội vụ phân tích rõ cơ cấu, tính chất của tình trạng nghỉ việc của công chức, viên chức thời gian qua.

Theo đại biểu, trách nhiệm của ngành không chỉ đơn thuần là thống kê số liệu cán bộ, công chức, viên chức chuyển việc mà cần làm rõ vì sao công chức, viên chức trong đó có nhiều người có kinh nghiệm rời bỏ khu vực công.

Giải pháp mà ngành nội vụ đề ra trong thời gian tới, trách nhiệm của ngành hỗ trợ khắc phục sự thiếu hụt nhân lực trong hai ngành then chốt là y tế, giáo dục để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc cho tương lai và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc: Đánh giá thật sát, thật đúng, thật trúng để có giải pháp hiệu quả về sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết vấn đề cán bộ dôi dư.

Đánh giá thật sát, thật đúng, thật trúng để có giải pháp hiệu quả về sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết vấn đề cán bộ dôi dư

Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu thực tế thời gian qua, số lượng cán bộ, công chức bỏ việc, không tham gia vào các cơ quan nhà nước đặc biệt trong ngành y tế, giáo dục và một số ngành khác tăng cao.

Cử tri và Nhân dân mong muốn Chính phủ cũng như Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ có giải pháp, cơ chế, chính sách để thu hút được lao động chất lượng cao. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp đất nước phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng cho biết, thời gian qua nhiều cán bộ dôi dư sau sát nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa có phương án sắp xếp, giải quyết chế độ phù hợp.

Đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ đánh giá thật sát, thật đúng, thật trúng để đưa ra các giải pháp giúp các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện hiệu quả, đó là giảm được đầu mối nhưng nâng cao chất lượng công việc; giải quyết đội ngũ cán bộ sau sáp nhập dôi dư, trong đó nhiều cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc mong muốn, khi đăng đàn trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ nêu ra những giải pháp căn cơ để gỡ vướng các địa phương.

Báo cáo của Bộ Nội vụ gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn cho biết, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 6.2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.

Trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương nghỉ việc lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn [89,8%], tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế.

Cụ thể, sự nghiệp giáo dục và đào tạo có 16.427 người, chiếm 41,53%. Sự nghiệp y tế có 12.198 người, chiếm tỷ lệ 30,84%.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng phân tích rõ các nguyên nhân và nhấn mạnh về những giải pháp trong thời gian tới.

Theo đó trước mắt cần làm tốt công tác tư tưởng, động viên công chức, viên chức làm việc ở những vị trí có cường độ lao động cao, áp lực lớn yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, ưu tiên quan tâm trợ giúp, hỗ trợ kịp thời về điều kiện vật chất đối với công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, ngoài các chính sách chế độ tiền lương chung của công chức, viên chức.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Cùng với đó, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức.

Tập trung đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu để vừa bảo đảm giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công.

Rà soát hệ thống thể chế, chính sách để điều chỉnh, bổ sung, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức.

Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý thực sự có phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín để tạo niềm tin cho công chức, viên chức làm việc.

Xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và có cơ chế tạo động lực để công chức, viên chức thể hiện năng lực, trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết với công việc.

Chủ Đề