Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu

Chăm sóc sức khỏe mỗi ngày là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Tìm hiểu chăm sóc sức khỏe ban đầu và 10 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe mỗi ngày tốt hơn.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu là những phương pháp, kỹ thuật thực hành chăm sóc sức khỏe cơ bản và thiết yếu, có cơ sở khoa học, mà mọi người có thể chấp nhận và tham gia với mức chi phí phù hợp mà Nhà nước có thể cung ứng.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu là những chăm sóc cơ bản về sức khỏe, phục vụ được mọi người trong một quốc gia, phù hợp với đặc điểm địa lý, kinh tế từng vùng. Tùy vào từng quốc gia và thời điểm, các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, các nội dung này cũng cần thay đổi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội ở từng thời điểm, giai đoạn.

Tiêm chủng mở rộng là một trong các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu

Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam gồm 10 nội dung như sau:

  • Giáo dục sức khỏe
  • Kiểm soát bệnh dịch ở địa phương
  • Tiêm chủng mở rộng
  • Bảo vệ bà mẹ trẻ em
  • Cung cấp thuốc thiết yếu
  • Cung cấp lương thực, thực phẩm, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn
  • Điều trị và phòng bệnh
  • Cung cấp nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường
  • Quản lý sức khỏe
  • Kiện toàn mạng lưới y tế

2.1 Giáo dục sức khỏe

Mục tiêu của giáo dục sức khỏe là phổ cập những kiến thức y học thường thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe để mọi người dân có thể nhận thức chăm sóc sức khỏe ban đầu là trách nhiệm của mỗi người và cả xã hội.

Nội dung của giáo dục sức khỏe phải đảm bảo những yếu tố sau:

  • Phù hợp với tình hình bệnh tật, các chương trình y tế triển khai, ... của từng vùng, từng địa phương.
  • Các hoạt động giáo dục sức khỏe phải tôn trọng những nguyên tắc giáo dục và đa dạng, phong phú về hình thức để thu hút mọi người dân tham gia [nhìn, nghe, ...].
  • Động viên, thu hút mọi đối tượng, các tổ chức tham gia.

Phòng chống các bệnh truyền nhiễm như sốt rét

2.2 Kiểm soát dịch bệnh ở địa phương

Nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu tiếp theo là cần kiểm soát tình hình dịch bệnh đang lưu hành, diễn ra ở địa phương, cụ thể:

  • Tùy vào mức độ của các dịch bệnh lưu hành như hạch, tả, ... từng bước khống chế và tiến đến thanh toán dịch bệnh.
  • Giảm tỷ lệ mắc các bệnh cấp tính như nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, tiêu chảy, lỵ, ...
  • Phòng chống các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, bệnh lây truyền qua đường tình dục, ...
  • Các bệnh mãn tính như bướu cổ, động kinh, tâm thần, bệnh lao, phong, ... cần được quản lý và theo dõi.

2.3 Tiêm chủng mở rộng

Mục tiêu của chương trình tiêm chủng mở rộng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân là tất cả trẻ em dưới 1 tuổi phải được tiêm phòng đầy đủ 7 căn bệnh truyền nhiễm bao gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan virus B, sởi. Trẻ dưới 5 tuổi [90%] phải được tiêm nhắc lại các mũi phòng bệnh kể trên.

2.4 Bảo vệ bà mẹ và trẻ em

Bảo vệ bà mẹ và trẻ em là một trong những nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu quan trọng và được quan tâm, đó là giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và tăng cường dinh dưỡng cho bà mẹ, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em.

Trẻ dưới 1 tuổi phải được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm

2.5 Cung cấp thuốc thiết yếu

Các loại thuốc thiết yếu phải được cung cấp đầy đủ từ tuyến xã đến tuyến tỉnh để đảm bảo công tác phòng bệnh và chữa bệnh. Ngoài ra cần giảm nhập thuốc, gia tăng và đẩy mạnh sản xuất thuốc ở trong nước. Để thực hiện nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu này cần phải:

  • Dựa vào mô hình sức khỏe và bệnh để lập kế hoạch sử dụng và dự trữ thuốc phù hợp.
  • Mở quầy thuốc, huy động, tìm nguồn vốn để quay vòng thuốc.
  • Xây dựng và kiểm tra nguồn thuốc ở từng thôn, bản, từng địa phương, y tế tư nhân, đề phòng thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc bị hư hỏng.
  • Luôn luôn đảm bảo nguồn thuốc tối thiểu cần thiết cũng như thuốc chủ yếu ở từng cơ sở y tế của địa phương.
  • Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra sử dụng thuốc một cách an toàn và hợp lý. Quản lý tốt thuốc và các trang thiết bị y tế.
  • Tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn kiểm tra, cách chế biến và sử dụng thuốc nam trong cộng đồng.

2.6 Cung cấp lương thực, thực phẩm, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cần phối hợp với các ngành lương thực, thực phẩm để đảm bảo cung cấp lương thực, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn, cụ thể phải đảm bảo đủ chất và đủ lượng phù hợp với từng đối tượng. Với bà mẹ mang thai và trẻ em, cần chú ý tăng cường chất đạm.

2.7 Điều trị và phòng bệnh

  • Điều trị tốt các bệnh thường gặp và xử lý tốt những bệnh cấp tính, cấp cứu chuyên khoa.
  • Quản lý và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại cộng đồng.
  • Tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về phòng tránh, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, các bệnh xã hội và gây dịch.

2.8 Cung cấp nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường

Toàn dân được cung cấp nguồn nước sạch để sinh hoạt và dùng trong ăn uống, bên cạnh đó cần đảm bảo xây dựng, sử dụng, xử lý công trình vệ sinh phù hợp. Đó là một trong những nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu được quan tâm, cụ thể:

  • Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện và đảm bảo vệ sinh công cộng.
  • Xây dựng kế hoạch hướng dẫn sử dụng và bảo quản các công trình cung cấp nước và vệ sinh nơi công cộng.
  • Tổ chức tuyên truyền, giáo dục sử dụng nước sạch, xử lý rác thải đúng quy trình.

Phòng bệnh bằng cách kiểm tra và khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện nếu có

2.9 Quản lý sức khỏe

Một trong những nội dung quan trọng được bổ sung vào chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu Việt Nam sau này là quản lý sức khỏe. Đây là biện pháp chăm sóc y tế xã hội chủ động và tích cực, được phối hợp giữa nhiều ngành khác nhau, hướng đến mục tiêu: làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tật, tử vong, tàn phế và nâng cao sức khỏe của người dân. Đối tượng quản lý sức khỏe là tất cả mọi công dân từ lúc sinh cho đến lúc chết.

Quản lý sức khỏe để chăm sóc sức khỏe ban đầu bao gồm các hoạt động sau:

  • Kiểm tra và khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh [nếu có].
  • Có hồ sơ sức khỏe cá nhân để theo dõi tình trạng sức khỏe, bệnh tật, phương pháp điều trị.
  • Tổ chức phổ cập và phổ biến kiến thức y học thường thức về cấp cứu.
  • Không bỏ sót bệnh khi người bệnh đến thăm khám tại các cơ sở y tế, khám toàn diện.
  • Khám chuyên khoa nhằm tìm kiếm và phát hiện các bệnh như lao, phong, bướu cổ, mắt hột, phụ khoa, ...
  • Mạng lưới Hội chữ thập đỏ ở các cơ sở được củng cố.

2.10 Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở

Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở được xem là biện pháp quan trọng nhất trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, đảm bảo các nội dung khác được thành công.

Mục tiêu của kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở là ít nhất mỗi xã có 1 trạm y tế, mỗi khu vực phải có phòng khám đa khoa; tất cả cán bộ y tế thuộc biên chế của Nhà nước và đảm bảo đủ lực lượng cán bộ y tế cần thiết.

  • Các trạm y tế cơ sở phải thay đổi hoạt động đổi mới theo hướng thực hiện các chương trình y tế.
  • Đội ngũ cán bộ y tế tại các cơ sở phải được đào tạo đáp ứng các yêu cầu: Biết chẩn đoán và xác định những vấn đề ưu tiên, xác định nhu cầu y tế cơ sở, có khả năng phân tích những nguyên nhân của vấn đề y tế dựa vào điều tra cộng đồng tại địa phương, có kỹ năng lập, tổ chức, thực hiện kế hoạch, đánh giá kết quả, có kỹ năng thống kê cơ bản.

Tại Việt Nam, chăm sóc sức khỏe ban đầu là vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn ngành y tế nói riêng và cả xã hội nói chung.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa như thế nào trong việc dự phòng bệnh tật

XEM THÊM:

Mục tiêu:

– Nêu được định nghĩa sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

– Trình bày được các nguyên tắc cơ bản của chăm sóc sức khỏe ban đầu.

– Trình bày được 10 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam.

 1. CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU

1.1. Đại cương

– Định nghĩa sức khỏe:

Theo Tổ chức Y tế Thế giới [WHO], sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, không chỉ là tình trạng không có bệnh, tật hoặc ốm yếu.

Khỏe mạnh là trạng thái của một người có đầy đủ các yếu tố sức khỏe sau:

+ Sức khỏe thể lực [physical health]: là yếu tố cần thiết nhất của sức khỏe, liên quan đến những chức năng cơ học của cơ thể.

+ Sức khỏe tâm thần [mental health]: là khả năng suy nghĩ sáng sủa, rõ ràng, mạch lạc và kiên định.

+ Sức khỏe cảm xúc [emothional health]: là khả năng cảm nghĩ, xúc động và sợ hãi, thích thú, vui buồn, tức giận và khả năng thể hiện các cảm nhận đó một cách thích hợp. Đồng thời cũng là khả năng đương đầu với các stress, sự căng thẳng, nỗi thất vọng và lo lắng.

+ Sức khỏe xã hội [social health]: là khả năng tạo lập và duy trì mối quan hệ lành mạnh với những người khác trong xã hội.

+ Sức khỏe tâm linh [spiritual health]: Ở một số người yếu tố này liên quan đến niềm tin, tín ngưỡng. Ở một số người khác liên quan đến niềm tin của cá nhân, các nguyên tắc liên quan đến hành vi thực hành để đạt được sự thoải mái về tâm linh.

+ Sức khỏe môi trường xã hội [societal health]: trong môi trường không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về thể lực và tâm hồn, con người không thể được coi là khỏe mạnh.

– Những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe:

Theo Wallace [1991] có bốn nhóm yếu tố chính ảnh hưởng đến sức khỏe:

+ Các yếu tố di truyền.

+ Các yếu tố môi trường bao gồm môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội.

+ Các yếu tố về chăm sóc sức khỏe: chất lượng chăm sóc sức khỏe, khả năng sẵn có, hoạt động sử dụng các cơ sở y tế…

+ Hành vi cá nhân: chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, nghỉ ngơi, thói quen nghiện hút, tình dục.

Xã hội hiện đại, văn minh lấy con người khỏe mạnh làm mục tiêu phục vụ. Con người đồng thời cũng là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng xã hội văn minh. Vì vậy, sức khỏe của con người bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố.

Sơ đồ 1. Các yếu tố chi phối sức khỏe.

1.2. Chăm sóc sức khỏe ban đầu

Chăm sóc sức khỏe ban đầu là những chăm sóc sức khỏe thiết yếu, bằng các phương pháp và kỹ thuật thực hành có cơ sở khoa học, có thể tới được mọi người, mọi gia đình trong cộng đồng, được họ chấp nhận và tích cực tham gia. Với mức chi phí mà nhân dân và Nhà nước có thể cung ứng được, phát huy được tính tự lực, tự quyết của mọi người dân.

Những chăm sóc thiết yếu chính là những chăm sóc cơ bản cho sức khỏe.  Những chăm sóc này có thể tới được mọi người dân, nơi họ đang sinh sống. Những chăm sóc này phù hợp với nền kinh tế của người dân, đất nước và được người dân chấp nhận, tích cực tham gia.

Nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu không hoàn toàn giống nhau ở các nước. Trong cùng một nước, cùng một thời điểm, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng khác nhau ở các vùng, miền.

Nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cần được thay đổi theo thời gian, thay đổi theo hoàn cảnh để cho phù hợp với tình hình sức khỏe, kinh tế, xã hội của nhân dân, địa phương và Nhà nước.

1.3. Bốn nguyên tắc cơ bản của chăm sóc sức khỏe ban đầu

– Tiếp cận rộng rãi và phổ cập các nhu cầu cơ bản: là nguyên tắc nền tảng của chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tất cả người dân trên thế giới được tiếp cận với những chăm sóc y tế hiện có để đảm bảo có sức khỏe đầy đủ.

– Sự tham gia tự lực của cá nhân và cộng đồng: yếu tố cốt lõi để đạt được sự tham gia tự lực của cá nhân và cộng đồng là giáo dục và xây dựng ý thức trách nhiệm của mỗi người với sức khỏe của chính mình và mọi người.

– Phối hợp liên ngành trong chăm sóc sức khỏe ban đầu: ngành Y tế đóng vai trò chính, phải phối hợp với các ngành khác như giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch thể thao… phối hợp với các tổ chức xã hội như mặt trận Tổ quốc, công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… phối hợp với chính quyền địa phương để đạt được hiệu quả cao trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

– Kỹ thuật thích ứng, hiệu quả chi phí trong khuôn khổ nguồn lực có sẵn.

– Nội dung nguyên tắc chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa vào thực trạng tại địa phương để đưa ra những kỹ thuật chăm sóc cho phù hợp, hiệu quả và huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng.

– Những kỹ thuật thích ứng, sử dụng nguồn kinh phí, nhân lực y tế có hiệu quả từ trung ương đến địa phương sao cho đa số người dân được hưởng.

2. NỘI DUNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU

2.1. Nhận thức về chăm sóc sức khỏe

 Hội nghị Alma Ata đã đưa ra nhận thức mới về chăm sóc sức khỏe. Từ đó dẫn đến những thay đổi về nội dung chăm sóc sức khỏe, đối tượng chăm sóc sức khỏe và trách nhiệm của người cán bộ y tế, vai trò của từng người, từng ban ngành trong xã hội trong sự nghiệp bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho cá nhân, cộng đồng.

So với nhận thức về chăm sóc sức khỏe trước kia, nhận thức mới có những điểm khác biệt cơ bản.

Bảng 1. Nhận thức về chăm sóc sức khỏe.

Nội dung chăm sóc

sức khỏe

Nhận thức cũ Nhận thức mới
Quan niệm sức khỏe Không có bệnh Thoải mái về thể chất, tinh thần xã hội và không có bệnh tật
Nội dung chăm sóc sức khỏe Chủ yếu là chữa bệnh Dự phòng tích cực, chăm sóc toàn diện
Đối tượng chăm sóc sức khỏe Cá thể, người bệnh là chính Cộng đồng, người khỏe mạnh và người bệnh
Trách nhiệm Ngành Y tế Toàn dân, toàn xã hội
Vai trò của người dân Thụ động: dựa vào ngành Y tế Chủ động: tự bảo vệ, cùng tham gia bảo vệ cộng đồng
Tính chất hoạt động Ngành Y tế tách rời với hệ thống kinh tế – xã hội Y tế là một bộ phận lồng ghép trong hệ thống kinh tế – xã hội

2.2. Nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu – Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978

Nội dung gồm 8 điểm:

– Giáo dục sức khỏe.

– Kiểm soát các bệnh dịch tại địa phương.

– Chương trình tiêm chủng mở rộng.

– Bảo vệ bà mẹ trẻ em – kế hoạch hóa gia đình.

– Cung cấp thuốc thiết yếu.

– Cung cấp lương thực, thực phẩm và cải thiện bữa ăn.

– Điều trị và phòng bệnh.

– Cung cấp nước sạch và thanh khiết môi trường.

2.3. Nội dung 10 điểm về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam

Nước ta chấp nhận nội dung 8 điểm của tuyên ngôn Alma Ata. Dựa vào thực trạng tình hình sức khỏe, bệnh tật của nhân dân và thực trạng kinh tế, xã hội Việt Nam; chăm sóc sức khỏe ban đầu được bổ sung thêm hai điểm:

– Quản lý sức khỏe.

– Kiện toàn mạng lưới y tế.

* Giáo dục sức khỏe:

– Mục tiêu:

+ Phổ cập kiến thức y học thường thức về bảo vệ sức khỏe cho toàn dân.

+ Để mọi người dân nhận thức được chăm sóc sức khỏe ban đầu là trách nhiệm của mọi người và của toàn xã hội.

Nội dung:

+ Phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương [tình hình bệnh tật, vấn đề ưu tiên, triển khai các chương trình y tế…].

+ Tôn trọng các nguyên tắc giáo dục.

+ Phong phú về hình thức giáo dục [nghe, nhìn, làm mẫu…].

+ Tổ chức, động viên được các đoàn thể, các tổ chức, mọi đối tượng cùng tham gia.

Biện pháp thực hiện:

– Lập kế hoạch, tìm biện pháp thích hợp cho từng đối tượng được giáo dục [cổ động, phát thanh, triển lãm, nói chuyện, trình bày mẫu], nhất là mỗi lần tiếp xúc với các đối tượng như bà mẹ, trẻ em, người bệnh.

– Tổ chức, vận động các đoàn thể tham gia giáo dục sức khoẻ trong việc bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, sinh đẻ kế hoạch, tuyên truyền giáo dục vệ sinh học đường, vệ sinh môi trường.

– Xây dựng nội dung tuyên truyền giáo dục thích hợp theo từng chương trình vệ sinh, chống tiêu chảy [CDD], tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng chương trình chống viêm nhiễm đường hô hấp cấp [ARI], lao, phong…

– Trẻ mới sinh cần phải tiêm phòng: trẻ 3 – 4 – 5 tháng tuổi tiêm phòng sởi, trẻ 9 – 10 tháng tuổi tiêm phòng viêm não.

– Tổ chức phòng tuyên truyền tại trạm, tổ chức các buổi hướng dẫn ở trong và ngoài trạm về các vấn đề như cách nuôi trẻ, các biện pháp tránh thai, vệ sinh khi thai nghén, đề phòng các bệnh thường có ở trẻ em, chống sốt rét, phong, bướu cổ, viêm gan.

– Mở các lớp vệ sinh viên, tuyên truyền viên, vận động y tế tư nhân, các bà đỡ, các ông lang cùng tham gia giáo dục sức khoẻ cho nhân dân tại địa phương.

* Kiểm soát các bệnh dịch lưu hành ở địa phương:

– Khống chế và tiến tới thanh toán ở các mức độ khác nhau một số bệnh dịch lưu hành như dịch tả, dịch hạch…

– Phòng chống một số bệnh truyền nhiễm: sốt rét, AIDS, bệnh xã hội.

– Giảm tỷ lệ mắc bệnh cấp tính: tiêu chảy, lỵ, nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp.

– Quản lý theo dõi các bệnh mạn tính: bệnh phong, lao, tâm thần, động kinh, bướu cổ…

* Chương trình tiêm chủng mở rộng:

Mục tiêu đề ra là 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đủ 7 bệnh truyền nhiễm: lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, viêm gan virus B và 90% trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm phòng nhắc lại.

* Bảo vệ bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình:

– Giảm tỷ lệ tăng dân số một cách thích hợp: Mỗi gia đình có kế hoạch sinh đẻ cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, nhằm bảo đảm cho gia đình hạnh phúc, phồn vinh, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, các con được đến trường học.

– Giảm tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi xuống còn 30‰ vào năm 2005; 25‰ vào năm 2010.

– Tăng cường dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

* Cung cấp thuốc thiết yếu:

Cung cấp thuốc thiết yếu là cung cấp đủ thuốc cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, đẩy mạnh sản xuất thuốc trong nước, giảm nhập thuốc.

– Lập kế hoạch sử dụng thuốc và dự trữ thuốc một cách thích hợp dựa trên mô hình sức khỏe và bệnh tật.

– Tìm vốn để quay vòng thuốc, mở quầy thuốc.

– Tổ chức xây dựng và kiểm tra túi thuốc của y tế thôn bản, y tế tư nhân, nguồn thuốc trong địa phương, đề phòng thuốc giả, thuốc hỏng…

– Đảm bảo đủ thuốc tối thiểu cần thiết và thuốc chủ yếu.

– Hướng dẫn và kiểm tra sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

– Tuyên truyền hướng dẫn kiểm tra, chế biến và sử dụng thuốc Nam ở cộng đồng.

– Quản lý tốt thuốc và trang bị y tế.

* Cung cấp lương thực – thực phẩm và cải thiện bữa ăn:

Những hoạt động liên ngành nhằm mục tiêu cải thiện bữa ăn đủ năng lượng, đủ chất lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày cho từng đối tượng. Chú ý tăng cường thực phẩm giàu chất đạm cho trẻ em và phụ nữ có thai.

* Điều trị và phòng bệnh:

– Giải quyết tốt các bệnh thường gặp.

– Xử lý tốt các bệnh cấp tính, cấp cứu chuyên khoa.

– Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo hướng quản lý tại cộng đồng.

– Giáo dục sức khỏe cho cộng đồng nhằm ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, lây truyền, các bệnh gây thành dịch và các bệnh xã hội.

* Cung cấp nước sạch và thanh khiết môi trường:

– Tuyên truyền giáo dục sử dụng nước sạch, sử dụng nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh; xử lý nước thải, phân, rác đúng quy trình kỹ thuật.

– Tổ chức phối hợp liên ngành trong việc thực hiện vệ sinh công cộng; thực hiện phong trào 3 diệt: diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột.

– Lập kế hoạch xây dựng hướng dẫn sử dụng và bảo quản 3 công trình  vệ sinh: nhà xí, nhà tắm, giếng nước.

* Quản lý sức khỏe:

Quản lý sức khỏe là biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu chủ động, tích cực, đồng thời là sự tổng hợp của nhiều biện pháp chăm sóc y tế của xã hội, cần có sự phối hợp liên ngành, đa ngành.

Mục tiêu của quản lý sức khỏe: hạ thấp tỷ lệ bệnh tật, tàn phế và tử vong, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

– Đối tượng của quản lý sức khỏe: là người dân từ lúc mới sinh cho đến lúc chết.

– Phương châm quản lý sức khỏe:

+ Khám sức khỏe định kỳ để chủ động phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

+ Lập hồ sơ sức khỏe cá nhân. Ghi chép đầy đủ tình trạng sức khỏe, bệnh tật của người bệnh để theo dõi và có biện pháp điều trị, chăm sóc phù hợp, kịp thời.

+ Phổ biến kiến thức y học thường thức để người dân có thể tự cấp cứu cho nhau khi cần thiết.

+ Củng cố mạng lưới hội chữ thập đỏ ở cơ sở.

+ Khám bệnh toàn diện khi người bệnh đến cơ sở y tế không bỏ sót các bệnh kèm theo.

+ Khám chuyên khoa để phát hiện các bệnh hàng loạt như lao, đau mắt hột, bệnh phong, bệnh phụ khoa, bướu cổ…

* Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở:

Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở là mối quan tâm hàng đầu của ngành Y tế Việt Nam, là biện pháp quan trọng nhất để bảo đảm cho các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu khác thành công.

Mục tiêu:

– Mỗi xã có một trạm y tế, khu vực có phòng khám đa khoa.

– 100% cán bộ y tế vào biên chế nhà nước.

– Có đủ lượng cán bộ y tế cần thiết với quy mô 1 cán bộ y tế cho 1.000 -3.000 dân, với cơ cấu 1 trạm trưởng chuyên khoa y tế cộng đồng, 1 y sĩ về y học cổ truyền, 1 nữ hộ sinh biết chăm sóc trẻ em và y học xã hội.

Nội dung:

– Hoạt động của trạm y tế phải được đổi mới theo hướng thực hiện các chương trình y tế.

– Cán bộ y tế cơ sở được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu mới của công tác:

+ Biết chẩn đoán cộng đồng và xác định vấn đề ưu tiên.

+ Xác định được nhu cầu của y tế cơ sở.

+ Phân tích nguyên nhân vấn đề y tế dựa trên điều tra cộng đồng tại địa phương đang công tác.

+ Biết lập kế hoạch y tế theo năm, quý, tháng.

+ Biết tổ chức thực hiện kế hoạch.

+ Biết đánh giá kết quả thực hiện.

+ Biết ý nghĩa, cách tính toán và viết báo cáo về 25 chỉ số thống kê cơ bản ở tuyến y tế cơ sở.

2.4. Nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em [GOBIFFF]

Tổ chức Quỹ Nhi đồng Thế giới [UNICEFF] dựa vào tình hình sức khỏe, bệnh tật hiện nay của trẻ em ở các nước đang phát triển đã đề ra 7 ưu tiên cho trẻ:

– Biểu đồ tăng trưởng.

– Bù nước bằng đường uống.

– Nuôi con bằng sữa mẹ.

– Tiêm chủng mở rộng.

– Kế hoạch gia đình.

– Giáo dục kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ.

– Cung cấp thực phẩm cho bà mẹ và trẻ em.

* Thực hiện 7 ưu tiên trên để giải quyết các vấn đề sau:

– Giải quyết các bệnh có tỷ lệ tử vong cao: suy dinh dưỡng, tiêu chảy, các bệnh truyền nhiễm, các bệnh đường hô hấp.

– Bảo vệ bà mẹ và trẻ em bằng các biện pháp:

+ Kế hoạch hóa gia đình.

+ Nâng cao hiểu biết cho bà mẹ về cách nuôi con, vệ sinh dinh dưỡng.

+ Ưu tiên thực phẩm cho bà mẹ, trẻ em.

Biểu đồ tăng trưởng là nội dung ưu tiên hàng đầu, là biện pháp chủ yếu để theo dõi, phát hiện, phòng chống và thanh toán bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi. Việc theo dõi bắt đầu từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ bằng cách theo dõi cân nặng của bà mẹ mang thai.

. 3 tháng đầu, người mẹ phải tăng được 1kg.

. 3 tháng giữa, người mẹ phải tăng được 4 – 5kg.

. 3 tháng cuối, người mẹ phải tăng được 5 – 6kg.

. Trong 9 tháng mang thai, người mẹ phải tăng được trên 12kg.

Câu hỏi ôn tập

  1. Phân tích nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu theo tuyên ngôn Alma Ata 1978?
  2. Trình bày 10 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam? Phân tích nội dung nào là quan trọng nhất?
  3. Nêu định nghĩa chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Hội nghị Alma Ata ngày 12/09/1978 và các yếu tố chi phối sức khỏe?

ThS. BS CKII Đặng Thị Lan Anh

Bộ môn Điều dưỡng, BVQY 103

Video liên quan

Chủ Đề